Phác thảo Nghệ Thuật Hát Hồ Quảng (Phần 1)

Phượng Mai & Kim Tử Long diễn LSB-CAD trong show Đêm Đáp Ơn Thầy- Minh Cảnh - Vũ Bảo

Phượng Mai & Kim Tử Long diễn LSB-CAD trong show Đêm Đáp Ơn Thầy- Minh Cảnh - Vũ Bảo

CLVNCOM - Ngày 20 tháng 9 năm 2014, nhân dự tiệc cuối hạ của Hội Rồng Vàng Tuổi Vàng Montréal , tôi gặp lại các văn hữu thân thương. Anh Lâm Văn Bé, nguyên Giám Đốc Sở Văn Hóa và Thư Viện Phố thị Côte-des-neiges / Notre-Dame-de-Grace, Thành phố Montréal, Canada hỏi tôi: `Trước đây sau khi xuất bản cuốn Ngũ Đại Gia của sân khấu cải lương và cuốn Buồn Vui Đời Nghệ Sĩ, Nguyễn Phương dự tính viết cuốn Nghệ Thuật Hát Hồ Quảng. Đến nay công việc đi tới đâu rồi?
Tôi kể cho anh nghe việc tôi sưu tầm tài liệu liên quan đến nghệ thuật hát Hồ Quảng. Tôi đã về VN, nhiều lần gặp các nghệ sĩ chuyên hát cải lương tuồng cổ và Hồ Quảng: Thanh Tòng, Xuân Yến, Thanh Thế, Minh Long, nhạc sĩ cổ nhạc và nhạc Hồ Quảng Thanh Dũng để bàn luận, tìm tài liệu, thu nhạc và sưu tầm tuồng Hồ Quảng. Tôi cũng đã đi Hoa Kỳ gặp nữ nghệ sĩ Hồ Quảng Phượng Mai, đã sang Pháp bàn luận và thu thập tài liệu với các nghệ sĩ tài danh về Hồ Quảng: Thanh Bạch, Bạch Lê, Minh Tâm, Tài Lương, Minh Đức, Kiều Lệ Mai, Hà Mỹ Xuân… Tôi đến gặp nghệ sĩ và nhà biên khảo về Hát Bội Đinh Bằng Phi để tham khảo ý kiến của anh. Ngoài ra tôi đọc lại và trích ra trong các sổ tay của tôi từ năm 1955 đến năm 1972, những ghi chú, bút ký, tài liệu sưu tầm về cải lương tuồng Tàu hát theo lối Quảng, cải lương tuồng Tàu, cải lương dã sử, cải lương tuồng xã hội và cải lương Hồ Quảng. Nếu hệ thống hóa các tài liệu mới và cũ của tôi sưu tầm liên quan đến cải lương Hồ Quảng thì tôi có thể viết một phác thảo về nghệ thuật hát Hồ Quảng.
Tôi hy vọng bản phác thảo nghệ thuật hát Hồ Quảng này sẽ là tài liệu sơ khởi để các bạn chuyên môn nghiên cứu lý luận về nghệ thuật và các nghệ sĩ hát Hồ Quảng chuyên nghiệp sẽ sửa chữa hoặc góp ý bổ túc để chúng ta có một tài liệu đầy đủ về nghệ thuật hát cải lương Hồ Quảng. “
Anh Lê Văn Châu  hội viên Văn Bút Montréal và cũng là phó hội trưởng Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng khuyến khích tôi, anh nói: “ Vậy thì tôi đề nghị Nguyễn Phương nên bắt tay ngay vào việc viết quyển sách Nghệ Thuật Hát Hồ Quảng đi. Anh năm nay đã 93 tuổi rồi, anh phải viết liên tục trong 6 tháng hay hơn nữa để hoàn thành cuốn sách đó. Anh cần viết phác thảo, ghi những dòng lớn, plan của cuốn sách, bao nhiêu chương, những vấn đề nào liên quan tới nghệ thuật, âm nhạc và kỷ thuật hát Hồ Quảng. Sau đó anh sẽ viết chi tiết, thêm hoa lá cành. Nếu chần chờ để lâu, tôi e anh không còn nhiều thời gian, nhất là tuổi của anh đã quá chín chục rồi, trí nhớ cũng mòn đi ít nhiều. Viết… viết liền đi… Đừng chờ  tới cái lúc mà anh em mình gặp nhau, anh ngó tôi rồi không nhớ tên tôi, không nhớ tôi là ai… và hõng chừng anh cũng sẽ quên không nhớ Nguyễn Phương là cái ông nào nữa…
Tiệc Cuối Hạ Đầu Thu của Hội Tuổi Vàng Rồng Vàng nhiều món ăn rất ngon, tôi nghe ông Lê Văn Châu nhắc chuyện người già hay lú lẩn, cái bịnh Alzheimer’s, bệnh mất trí nhớ phổ biến của người già không chừa một ai… ca sĩ Thái Thanh, người có giọng hát vượt thời gian nhưng không vượt nỗi cái bịnh quái ác Alzheimer’s, tôi cũng phát lo mà ăn tiệc nuốt hết vô.
Về đến nhà là tôi bắt đầu động não, suy nghĩ xem sẽ viết gì đây? Khởi đầu cuốn sách Nghệ Thuật Hát Hồ Quảng như thế nào? Kiểm điểm lại các tài liệu của tôi có, viết về nghệ thuật sân khấu, tôi thấy là ở Việt Nam và cả ở nước ngoài, từ xưa đến nay, chưa có một tác giả nào, nghệ sĩ nào viết lý luận hoặc tổng kết về nghệ thuật hát Hồ Quảng!
 
Về nghệ thuật Hát Bội, lúc còn ở Việt Nam, tôi có đọc cuốn Le Théâtre Annamite Classique ( nghệ thuật sân khấu cổ điển Annam ) của Tiến Sĩ  Georges Coulet, nhà xuất bản Mouton, in năm 1928 ở Toulon Pháp.
Tôi cũng có tham khảo hai cuốn sách khác viết về Hát Bội của ông Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng do Nam Chi Tùng Thư  xuất bản năm 1970( Théâtre Traditionnel du Việt Nam) và chương viết về Hát Bội trong quyển Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam của ông Thanh Trung Trần Văn Khải, nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970 tại Saigon.
Tôi có sưu tầm các tuồng hát bội của tác giả Đào Tấn ( tuồng Hộ Sinh Đàn, Trầm Hương Các) tuồng hát bội sưu tầm của tác giả Hoàng Châu Ký ( Tuồng San Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Tân Dã Đồn, trích đoạn tuồng Tam Quốc và trích đoạn tuồng Tây Du). Ba tuồng Đào Mai tương ngộ, Tiếng hát nàng Huyền Cơ, Chất ngọc không tan của hai tác giả Trương Huyền và Đinh Bằng Phi .
Ngoài ra còn có cuốn Từ Điển về Nghệ Thuật Hát Bội của Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội năm 1998, tài liệu về Hóa Trang Mặt Nạ trong Sân Khấu Hát Bội ( The Art of Mask Making-Up in Hát Bội), quyển Viet Nam Hat Boi Theatre Art trình bày đầy đủ hình ảnh, màu sắc của các loại  Áo, Mão, Giày, Đạo cụ cho các nhân vật Vua, Hoàng Hậu, Công Chúa, Trạng nguyên, quan  văn, võ tướng, thư sinh… Nhạc khí dùng trong sân khấu Hát Bội.
Về nghệ thuật sân khấu cải lương và kịch có cuốn Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam của tác giả Thanh Trung Trần Văn Khải, Hồi ký 50 năm mê Hát của Vương Hồng Sển, xuất bản năm 1968.
Về cổ nhạc  có quyển 20 bài bản Tổ và 100 bài bản nhỏ dùng trong sân khấu cải lương của nhạc sĩ Năm Hưng( có các nhạc sĩ Hai Khuê, Út Trong, Ba Thu tham khảo và góp ý) quyển Cầm ca cổ nhạc của nhạc sĩ Trịnh Thiên Tư, cuốn Tìm hiểu Âm Nhạc Cải Lương của nhạc sĩ Đắc Nhẩn, cuốn Nhạc Tài Tử Nhạc Sân Khấu Cải Lương của nhạc sĩ Trương Bỉnh Tòng, cuốn Nhạc Khí Dân Tộc Việt của Võ Thanh Tùng nhà xuất bản Âm Nhạc 2001, cuốn La musique traditionnelle du Việt Nam của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê.
Như đã kể từ năm 1910, năm mà các nghệ sĩ cổ nhạc hợp lại chơi đàn ca cổ nhạc, làm thành ra lối “ Ca Ra Bộ” rồi “ Đàn Ca Tài Tử “ đến năm 1917 là năm khai sáng “ Nghệ Thuật Hát Cải Lương “ cho đến năm 1960, các soạn giả, nghệ sĩ cải lương, các ký giả kịch trường trải qua 50 năm hành nghề, chưa có ai dùng đến từ :” cải lương Hồ Quảng “.
Từ nửa thập niên 60, nghệ thuật hát cải lương Hồ Quảng mới được sản sinh và ngày càng phát triển. Hiện nay trong thị trường băng video và DVD cải lương ở trong nước và ở hải ngoại có rất nhiều băng và dvd cải lương Hồ Quảng. Vấn đề nghiên cứu để đề ra một lý luận về nghệ thuật hát Hồ Quảng là một việc rất cần thiết để góp phần phong phú cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam. 
X X X
Nghệ thuật cải lương Hồ Quảng được khai sinh trong hoàn cảnh nào, thời gian nào và được những nghệ sĩ, soạn giả, nhạc sĩ nào đã góp công xây dựng nghệ thuật hát cải lương Hồ Quảng?
Tôi nghĩ là một ngành nghệ thuật sân khấu được hình thành không phải do một hay vài nghệ sĩ nào đó dựng ra và cũng không thể dứt khoát nói đúng ngày nào, tháng nào khai sanh ra loại hình nghệ thuật đó mà phải hiểu rằng nó có một quá trình lâu dài, bắt nguồn từ ngành nghệ thuật có cùng khuynh hướng với nó. Phải qua một thời gian nhiều năm, nhiều nghệ sĩ cùng hoạt động rồi dần dần loại hình nghệ thuật đó tự điều chỉnh, tự định hình và phải có nhiều nghệ sĩ tài ba, đóng góp nhiều công lao sáng tạo mới có thể khai sinh ra một loại hình nghệ thuật biểu diễn mới, được khán giả và nghệ sĩ yêu thích và đặt cho nó một danh xưng: nghệ thuật cải lương Hồ Quảng.
Để phân biệt một loại hình nghệ thuật sân khấu, người ta dựa vào hai yếu tố căn bản sau đây:
1/ -  nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu.
2/ -  bài ca, cách phát âm lời thoại trong tuồng.
Ví dụ: Hát Bội thì động tác múa là dùng nghệ thuật tả ý, tượng trưng, hóa trang nét mặt, màu sắc cũng dùng màu và nét vẽ tả ý theo tính cách của nhân vật. Nhân vật mặt đỏ hay mặt trắng, râu dài là người có trung cang nghĩa khí. Nhân vật vẻ mặt mốc râu rìa là gian thần, nịnh thần. Nhân vật vẻ mặt đen tuyền hoặc đen có vằn trắng là người trung nhưng nóng tánh… Nhạc hát bội dùng các bài ca Nam, hát khách, tẩu mã, bạch, nhạc dùng Bài Hạ, Xuân Nữ, bài Nam., bài đưa hơi Hát Khách…chỉ đờn đưa hơi chớ không như cải lương, bài ca phải ca trúng với bản đờn…
Hát cải lương thì bài ca là những bài cổ nhạc, vọng cổ, điệu hát nếu tuồng xã hội thì động tác giống đời thường, nếu tuồng dã sử, lịch sử thì có động tác giống như các nhân vật vua, quan, võ tướng trong tuồng sử của hát bội như được giản lược.
Hát cải lương theo lối hát Quảng thì bài ca là các điệu hát xuất xứ từ tuồng Tàu như các bài Phảnh Phá,  Bạc Cấm Lùng, Dì Phảnh, Xách Xủi, Xáng Xáng Lìu…động tác múa theo lối hát Quảng. Ca những bản như Xang Xừ Líu, Tân Soái Phỉ thì có gỏ mõ hoặc kẻng theo nhịp đàn và gõ nhiều tiếng thành một tràng dài cuối câu như kiểu đờn theo câu ca ngân cuối câu.…Dàn nhạc có thêm trống cái, chập chỏa, đồng lố, kèn hầu củn, kèn lá, đàn gáo, mõ…Động tác hát tuồng Tàu theo lối Quảng thì nhân vật hát, múa như loại Kinh Kịch của Tàu.
Nhạc Kịch thì kịch có nhiều bài tân nhạc dùng để diễn tả tình cảm hoặc đối đáp như  Opéra của các nước Anh, Pháp.
Hát Hồ Quảng thì nhạc là những bài nhạc tình cảm rút trong các phim tình sử của Tàu như phim Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Thanh Xà Bạch Xà, Vạn Lý Tầm Phu, Hồng Lâu Mộng… Động tác hát như lối hát tuồng Tàu.
Phần ví dụ trên chỉ đưa ra những nét căn bản để dựa vào âm nhạc, phong cách ca, diễn mà xác định loại hình nghệ thuật sân khấu. Đi vào chi tiết kỷ thuật biểu diễn thì cần phải được giải thích và giới thiệu kỷ thuật rõ ràng hơn, chi tiết hơn.
Xét qua tình hình hoạt động của các đoàn hát cải lương, các đoàn hát bội pha cải lương, các đoàn hát Quảng, hát Tiều và thị trường phim ảnh trong những năm đầu của thập niên 60 thì sẽ thấy rõ trong hoàn cảnh nào, thời gian nào và nghệ sĩ nào là người đầu tiên sáng tạo loại hình nghệ thuật hát cải lương Hồ Quảng.
Từ năm 1960 đến năm 1962, các đoàn hát cải lương ở Saigòn thu hút đông nghẹt khán giả. Đó là những đại ban có nhiều soạn giả sáng tác nhiều tuồng hay, có những diễn viên danh ca, thanh sắc lưỡng toàn. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga chuyên hát các tuồng dã sử Việt Nam và tuồng xã hội cận đại. Đoàn Kim Chưởng hát các tuồng loại hương xa và kiếm hiệp Kim Dung. Đoàn Kim Chung, đoàn Thống Nhứt – Út Trà Ôn, đoàn Hương Hoa Bầu Sinh hát tuồng Thi Ca Vũ Nhạc Kịch, đặc biệt khai thác các bài ca tân cổ giao duyên. Đoàn Phụng Hảo quy tụ tài danh hát Hội, gây quỷ cho Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế với các loại tuồng Tàu theo lối Quảng.
Đoàn Khánh Hồng – Minh Tơ hát thường trực tại rạp Đình Cầu Quan kế bên rạp hát Thanh Xương và đoàn Tấn Thành Ban ở đình Minh Phụng - Chợ Lớn, đoàn Thanh Bình Kim Mai ở đình Cầu Muối hát bội pha cải lương bị các rạp hát bóng gần bên tranh khán giả nên số doanh thu sa sút nghiêm trọng.
Các rạp hát bóng thường trực thu hút đông đảo khán giả Việt Hoa qua loạt phim Hồng Kông, Đài Loan: Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Phim Thanh Xà Bạch Xà, Phim Vạn Lý Tầm Phu, Dương Gia Tướng… Phim được quay phõng theo loại sân khấu Kinh Kịch Trung Hoa, được điện ảnh hóa, cốt truyện trữ tình, có những điệu ca du dương tươi mát hạp với cảm quan của khán giả Việt Nam. Thêm nữa, nhờ diễn xuất và nhan sác tuyệt đẹp của các đại minh tinh Lý Lệ Hoa, Lâm Đại, Nghiêm Tuấn, La Duy, Lăng Ba, Lạc Đế…các phim Đài Loan hoàn toàn chinh phục khán giả Việt Nam. Ở Saigòn, ChợLớn và Gia Định, các hãng phim Mỹ Ảnh, Tân Kiệt Y Oan, Mỹ Vân có 18 rạp hát bóng chiếu các phim Đài Loan ( Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, THanh Xà Bạch Xà, Dương Gia Tướng, Vạn Lý Tầm Phu), lúc nào các rạp hát bóng đó cũng đông nghẹt khán giả.
Năm 1962, nghệ sĩ kiêm nhạc sĩ Đức Phú, em ruột của hai nghệ sĩ Minh Tơ, Khánh Hồng đi xem phim Lương Sơn Bá – Chúc anh Đài. Anh ghi âm một số nhạc bản trong phim này, viết thành tuồng cải lương. tựa đề Lương Sơn Bá -  Chúc Anh Đài, hát như lối hát cải lương tuồng Tàu( Kinh Kịch), toàn bộ các bản nhạc trong tuồng lấy nhạc phim Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, lời ca do Đức Phú sáng tác theo ý tuồng cải lương LSB – CAĐ.
Thành phần nghệ sĩ tuồng Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài hát khai trương tại rạp Đình Cầu Quan( kế bên rạp Thành Xương đường Yersin quận Nhứt.):
Vai 1/ Lương Sơn Bá      do nhạc sĩ kiêm tác giả Đức Phú thủ diễn.
       2/ Chúc Anh Đài ……………. nữ nghệ sĩ Thanh Hoàng ( sau này khi đi gánh Thủ Đô, hát tuồng                       Tiếng Trống Sang Canh, Thanh Hoàng được đổi tên thành Bo Bo Hoàng.)   
3 / Tiểu đồng Tứ Cũu……………………. Ns Bữu Truyện
4 / Tiểu đồng Ngân Tâm………………… nns Xuân Yến
5 / Mã Văn Tài…………………………….ns Đức Lợi.
6 / Chúc Ông……………………………… ns Trường Sơn.
7 / Chúc Bà…………………………………nns Thanh Ngọc
8 / Sư mẫu……………………………….. ..nns Thanh Loan.
Một hiện tượng sân khấu đặc biệt được báo chí kịch trường nhất loạt đưa ra trong nhiều bài báo tường thuật tuồng, phê bình diễn xuất và đưa tin thành công vượt bực của đoàn hát Khánh Hồng – Minh Tơ qua tuồng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Soạn giả các đoàn hát cải lương đều đến đoàn Khánh Hồng – Minh Tơ để xem tuồng LSB – Chúc Anh Đài, nghiên cứu để biết vì sao tuồng đó ăn khách kỷ lục trong giai đoạn đó. Đoàn Khánh Hồng Minh Tơ xưa nay hát mỗi đêm một tuồng. Tuồng luôn thay đổi mà chưa có lần nào thu hút khán giả đông như tuồng LSB – CAĐ. Tuồng này được đoàn Khánh Hồng – Minh Tơ diễn liên tục một tuần. Tuần sau diễn hai suất mỗi tối. Tuần thứ ba cũng còn đông nghẹt khán giả.
Hai nhạc sĩ Há Thầu và Á Long đoàn hát Huỳnh Long cũng ghi nhạc các tuồng trong phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Thanh Xà Bạch Xà và đặt tên các nhạc bản đó là Hoàng Mai. Hoàng Mai 1 cho đến Hoàng Mai 15 để dùng cho các tuồng hát cải lương, nhạc Đài Loan.
Nhạc sĩ Đức Phú thì theo từng cảnh, từng chuyện, phỏng theo phim mà đặt tên nhạc bản như bài Nam Sơn Tiểu Lộ., Hoàng Mai Hoàn Ngọc, Ly Hận, Duyên Thủy Ngư Biệt Khúc để hai diễn viên chánh ca đối đáp khi đố chim, đố ngổng…Mộng Bướm Hoa, Minh Tâm Vọng Nguyệt, Ngưu Lang Chức Nữ trong cảnh hai vai chánh LSB – CAĐ chia tay ở trường học và gặp lại khi tình dang dở vì Mã Văn Tài ép CAĐ phải thành hôn với hắn….
Cũng với các bản nhạc này, nhạc sĩ Lê Văn Thiện ghi âm cho hãng dĩa Capitol thu thanh tuồng Vạn Lý Trường Thành, anh Lê Văn Thiện đặt tên các bản nhạc Đài Loan đó là bản 1 đến bản 16. Tôi nghe anh Mến( người Trung Hoa, chủ hãng dĩa Capitol) gọi bản 16 là bản Sơn Địa Tình Ta.
Nữ nghệ sĩ Hồ Quảng Phượng Mai thu thanh một diã ca nhạc Hồ Quảng LSB – CAĐ có ghi là bài Xa Trường xa quạnh vắng.. .….
Tôi ghi tất cả những khác biệt về danh xưng các bài hát cùng rút trong phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài để thấy mức độ ăn khách của các nhạc bản đó và vì cùng ghi âm nhạc trong phim ra nên mạnh ai nấy đặt tên nhạc bản và không nhạc sĩ nào có thể nói mình là người sáng tác ra bài nhạc đó để đòi tiền bản quyền cho riêng mình.
Khi nhiều đoàn hát cùng hát các tuồng cải lương có nhạc Đài Loan, lúc đầu báo chí kịch trường gọi là Tuồng cải lương Nhạc Đài Loan. Về sau không biết coí ai đó gọi là Tuồng Cải Lương  nhạc Hồ Quảng., rồi rút ngắn lại thành Tuồng Hồ Quảng. 
Hồ Quảng đây không phải là tỉnh Hồ Nam và tỉnh Quảng Đông. Chúng tôi ghi nhận là mấy chữ nhạc Hồ Quảng được nhiều người nói đến và mặc nhiên công nhận đó là nhạc Đài Loan trong các phim Thanh Xà, Bạch Xà, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài và người trong giới cải lương tuồng cổ chấp nhận mấy tiếng Nhạc Hô Quảng để chỉ là Nhạc Đài Loan trong các phim Tình Sử Tàu đang ăn khách trong những năm 1962, 1963.
( còn tiếp )

Tác giả bài viết: SG Nguyễn Phương

Nguồn tin: CLVNCOM