Nghệ thuật truyền thống tự tin vào Nhà hát Lớn

Vua Thánh triều Lê- vở Cải lương gây tiếng vang lớn của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Vua Thánh triều Lê- vở Cải lương gây tiếng vang lớn của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Còn nhiều khó khăn nhưng việc các loại hình nghệ thuật truyền thống được biểu diễn ở “ngôi đền nghệ thuật” Nhà hát Lớn là vinh dự và tự hào của các nghệ sĩ. Và các nghệ sĩ cho biết, họ rất tự tin khi bước vào Nhà hát Lớn, nơi mà nghệ thuật truyền thống xứng đáng được hiện diện.
12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL sẽ “bước vào” biểu diễn luân phiên tại Nhà hát Lớn bắt đầu từ tháng 9 tới. Theo đó, khởi đầu là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ có các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn bắt đầu từ 30, 31/8 và 1/9. Sau đó, các nhà hát khác cũng đã lên lịch đưa các chương trình nghệ thuật đặc sắc nhất đại diện cho bộ môn nghệ thuật và “thương hiệu” của Nhà hát để “khoe” với khán giả tại Nhà hát Lớn. Đây là bước khởi đầu để bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao theo chủ trương của “Tư lệnh” ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Động lực cho nghệ sĩ

Nhà hát Chèo Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên “khoe” nghệ thuật truyền thống trong chuỗi chương trình biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn, NSƯT Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Đây là chủ trương rất đúng của Bộ VHTTDL, đem lại sự phấn khởi cho các nhà hát trong việc biểu diễn các chương trình nghệ thuật. Các nhà hát của Bộ, đều là những nhà hát hàng đầu của mỗi loại hình nghệ thuật, đều chọn tác phẩm tốt nhất, biểu diễn ở địa điểm đẹp nhất hiện nay, sẽ đem đến cho khán giả tác phẩm tốt nhất, từ đó tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật truyền thống cho khán giả”.

Nghệ thuật truyền thống tự tin vào Nhà hát Lớn - ảnh 1Vua Thánh triều Lê- vở Cải lương gây tiếng vang lớn của Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ được biểu diễn  tại Nhà hát Lớn

Theo NSƯT Thanh Ngoan, tối 1/9, Nhà hát Chèo sẽ biểu diễn chương trình “Năm cung Chèo” đã được Huy chương Vàng. Các tháng sau đó sẽ là các vở diễn như: Thúy Vân, Bắc Lệ đền thiêng, các trích đoạn chèo truyền thống… Đến năm 2017 sẽ biểu diễn thường kỳ các tối thứ Bảy, Chủ nhật.

“Anh em nghệ sĩ trong Nhà hát Chèo Việt Nam đều rất vui mừng vì được biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Trước đây, trong Nhà hát Chèo có đoàn nọ đoàn kia thì có thể vai diễn trong vở này là người này, nhưng giờ, các đoàn gộp lại, chọn người làm tốt nhất phù hợp với vai diễn nhất nên các anh em càng nỗ lực, cố gắng tập luyện hơn, vui vẻ hơn để bước vào “thánh đường nghệ thuật”, ở đó, các nghệ sĩ có thể khoe về nghệ thuật Chèo nhưng cũng để khẳng định thương hiệu của Nhà hát Chèo Việt Nam”- NSƯT Thanh Ngoan nhấn mạnh.

Ông Phạm Ngọc Tuấn- Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam khẳng định, chủ trương bảo tồn nghệ thuật truyền thống và phát triển nghệ thuật đỉnh cao của Bộ VHTTDL là rất đúng. “Nhà hát Lớn là một điểm biểu diễn đẹp, địa điểm đẹp, kiến trúc đẹp. Được biểu diễn ở đó là vinh dự của các nghệ sĩ. Quyết định của Bộ làm cho các chương trình nghệ thuật thực sự sang trọng hơn, là động lực cho các nghệ sĩ. Được biểu diễn ở sân khấu sang trọng đó, người nghệ sĩ sẽ ý thức được mình hơn, biểu diễn tốt hơn”- Ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay.

“Trước đây, các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống không thể vào được Nhà hát Lớn, đặc biệt là Tuồng, Chèo càng không đủ sức vì kinh phí thuê địa điểm là quá sức. Giờ có chủ trương đúng đắn của Bộ VHTTDL, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, các đơn vị nghệ thuật truyền thống mới có thể bước chân vào “thánh đường nghệ thuật””- Ông Tuấn nói.

Nghệ thuật truyền thống tự tin vào Nhà hát Lớn - ảnh 2"Nghêu sò ốc hến"- Vở Tuồng sẽ hiện diện tại Nhà hát Lớn vào tháng 10 tới

Ông Tuấn cũng vui mừng chia sẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có hai chương trình được lên lịch biểu diễn tại Nhà hát Lớn vào đêm 30/10, biểu diễn các trích đoạn Tuồng nổi tiếng và xen kẽ các bản hòa tấu nhạc truyền thống từ chất liệu Tuồng; đêm 2/11, biểu diễn vở Tuồng “Nghêu sò ốc hến”. Các nghệ sĩ trẻ và các nghệ sĩ gạo cội của Nhà hát Tuồng sẽ cùng đem đến các tiết mục nghệ thuật chất lượng nhất của Nhà hát đến với công chúng.

Ông Nguyễn Xuân Vinh- Quyền Giám đốc Nhá hát Cải lương Việt Nam cũng cho biết, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ biểu diễn vở “Vua thánh Triều Lê” vào tháng 10 tới tại Nhà hát Lớn. Ông Vinh cho hay: “Chúng tôi hết sức phấn khởi được diễn ở giữa Thủ đô, tại một địa điểm đẹp và sang trọng như thế. Không có chủ trương của Bộ VHTTDL thì không bao giờ dám nghĩ đưa Cải lương vào Nhà hát Lớn vì kinh phí không cho phép”.

Không phải không có nỗi lo

Khẳng định chủ trương hết sức đúng của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các nhà hát đều rất mừng vì cơ hội bước chân vào “đền thiêng” nghệ thuật Nhà hát Lớn, nhưng các nghệ sĩ cũng là nhà quản lý, không phải không có nỗi lo. Trong đó, đặt biệt là nỗi lo về khán giả.

Ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ: “Từ trước đến giờ, Nhà hát Tuồng vẫn biểu diễn định kỳ hai buổi thứ Hai và thứ Năm tại Rạp Hồng Hà nhưng chỉ có khách du lịch nước ngoài xem. Khách trong nước thì mời cũng còn ít khán giả. Vì vậy, khi ra Nhà hát Lớn, cũng khó để bán được vé, bù chi phí”.

Nghệ thuật truyền thống tự tin vào Nhà hát Lớn - ảnh 3NSƯT Thanh Ngoan: " Được biểu diễn ở sân khấu nghệ thuật tương xứng, nghệ thuật truyền thống cũng sẽ thu hút được khán giả"

Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định: “Với Tuồng, mời khán giả còn chưa chắc đã đi xem, tuy nhiên, ở Nhà hát Lớn thì mời dễ hơn. Cũng sẽ dễ bán cho khách nước ngoài hơn. Nhưng nghệ thuật truyền thống là vậy, dù không có khán giả vẫn phải diễn để bảo tồn. Không phải riêng chúng ta, các nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc… nghệ thuật truyền thống cũng không thể tự sống được, càng không thể tự sức bước vào Nhà hát Lớn. Ở địa điểm đẹp đó, sẽ thuận tiện cho khán giả thưởng thức, giới thiệu được đến công chúng nghệ thuật của cha ông”.

Cùng nỗi lo ngại, NSƯT Thanh Ngoan cho biết: “Nỗi lo khán giả thì không chỉ vào Nhà hát Lớn chúng tôi mới lo. Với địa điểm là Nhà hát Kim Mã, chúng tôi cũng từng diễn khi chỉ có 5 khán giả. Việc bán vé ở Nhà hát Lớn, lại bán vé giá cao là một thách thức. Nhưng về lâu dài, tôi nghĩ sẽ bán được”.

NSƯT Thành Ngoan cho rằng: “Quan điểm của chúng ta là xây dựng thương hiệu, tạo thói quen thưởng thức nghệ thuật chứ chưa nặng về doanh thu. Vì vậy, cũng không thể mời miễn phí, không thể hạ giá. Khán giả phải bỏ tiền ra mua thì họ mới trân trọng nghệ thuật. Được biểu diễn ở sân khấu nghệ thuật tương xứng, nghệ thuật truyền thống cũng sẽ thu hút được khán giả”.

Nữ Giám đốc Nhà hát Chèo cũng tự tin: “Vào Nhà hát Lớn là sự tôn vinh nghệ thuật xứng đáng. Chúng tôi tự tin, là những nhà hát của Bộ VHTTDL, nghĩa là những nhà hát đầu ngành của các loại hình nghệ thuật, chất lượng đầu ngành, vì vậy, để chọn tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao đưa vào Nhà hát Lớn không khó. Với người quản lý, phải tính toán tác phẩm tốt nhất, đại diện được cho bộ môn nghệ thuật của nhà hát mình để đem đến cho khán giả. Quan trọng là chúng ta đưa tác phẩm nào, vào thời điểm nào là hợp lý và phải tự tin”./.

 

Tác giả bài viết: Thảo Nguyên

Nguồn tin: duyenclvn theo toquoc.gov.vn