Nghệ thuật Tuồng “đỉnh cao”: Khán giả sẽ bất ngờ vì rất gần gũi

Nghệ thuật Tuồng “đỉnh cao”: Khán giả sẽ bất ngờ vì rất gần gũi
Khán giả sẽ nhận ra rằng, xem Tuồng không nhàm chán như mọi người vẫn nghĩ. Bởi trong nghệ thuật Tuồng còn có Tuồng đồ hay còn gọi là Tuồng hài, gây cười cho khán giả qua những lời nói, hành động gần gũi với đời sống của con người.
Nằm trong chuỗi các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, vào tối ngày 30/10 tới đây, khán giả Thủ đô sẽ có cơ hội được thưởng thức trích đoạn Tuồng nổi tiếng và xen kẽ các bản hòa tấu nhạc truyền thống từ chất liệu Tuồng, đặc biệt là vở diễn Tuồng hài “Nghêu – Sò - Ốc – Hến”.

“Nghêu Sò Ốc Hến” là vở tuồng tích dân gian rất nổi tiếng Việt Nam. Được dựng với nhiều hình thức như cải lương, kịch…Lần này, dưới bàn tay đạo diễn của NSND Lê Tiến Thọ - NSƯT Tạ Tạo cùng dàn diễn viên tài năng trẻ của Nhà hát Tuồng Việt Nam hứa hẹn sẽ là một đêm diễn hấp dẫn dành cho khán giả.

Nghệ thuật Tuồng “đỉnh cao”: Khán giả sẽ bất ngờ vì rất gần gũi - ảnh 1Một cảnh trong vở Tuồng "Nghêu - sò - ốc - hến"

Là loại hình Tuồng hài, do tác giả sống trong dân gian sáng tác, lấy đề tài trong cuộc sống đời thường và để diễn cho dân chúng xem, nội dung mang tính châm biếm, đả kích quan lại địa phương, giàu chất hài hước, “Nghêu Sò Ốc Hến” có sức hấp dẫn từ đầu đến cuối... Nhiều nhân vật, điển tích trong vở trở thành những thành ngữ thông dụng trong dân gian.

Tuồng hài: “Nghêu – Sò - Ốc – Hến” đã xuất hiện trên sân khấu hàng trăm năm. Tất cả các nhân vật trong vở Tuồng đều là nạn nhân của một xã hội phong kiến suy tàn; thầy Nghêu lợi dụng tín ngưỡng làm những điều vô lương tâm; Ốc từ cuộc sống  nghèo hèn trở thành lưu manh, trộm cướp; Trùm Sò điển hình của tầng lớp địa chủ cường hào, chuyên tìm cách bóc lột sức lao động của nông dân; Thị Hến từ người phụ nữ thân phận mỏng manh, bị xã hội phong kiến chèn ép cũng trở thành kẻ buôn gian, bán lậu. Và Xã trưởng, thầy Đề, quan Huyện là các tầng lớp quan lại ức hiếp dân lành, họ không còn là “Phụ mẫu chi dân”. Một xã hội thối nát hiển hiện mà thi sĩ Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên:

“Than ôi! Cán cân tạo háo rỏi đâu mất

Miệng túi càn khôn khép lại rồi”.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam  cho biết: “Tuồng là loại hình nghệ thuật bác học và cách ước lệ rất cao, ngôn ngữ văn chương theo thể thơ biền ngẫu, thể thơ lục bát người xem phải có trình độ nhất định. Tuy nhiên, với vở “Nghêu – sò - ốc – hến” được kế thừa từ văn chương cổ điển truyền thống và lần này sẽ được thể hiện bằng cách mới, gần gũi với tính chất của vở diễn, có sự gây hài và ý nghĩa thâm thúy.

Thông qua các nhân vật trong vở điễn mang tính hài hước trong một số lớp diễn, trò diễn dân gian hay một số trích đoạn như: quan Huyện và thấy Đề ve vãn cô Hến, hay quan Huyện trốn vợ sang nhà cô Hến.

Đồng thời, ông Tuấn cho biết thêm, để chuẩn bị cho đêm diễn này, các nghệ sĩ gạo cội và nghệ sĩ trẻ của Nhà hát đang tích cực tập luyện. “Nhà hát Lớn là một điểm biểu diễn đẹp. Được biểu diễn ở đó là vinh dự của các nghệ sĩ. Quyết định của Bộ làm cho các chương trình nghệ thuật thực sự sang trọng hơn, là động lực cho các nghệ sĩ. Được biểu diễn ở sân khấu sang trọng đó, người nghệ sĩ sẽ ý thức được mình hơn, biểu diễn tốt hơn”.

Được biết, trước đây, các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống rất khó "vào" vào được Nhà hát Lớn, đặc biệt là Tuồng, Chèo càng không đủ sức vì kinh phí thuê địa điểm là quá sức. Nay có chủ trương đúng đắn này, các đơn vị nghệ thuật truyền thống mới có thể bước chân vào “thánh đường nghệ thuật

Ông Tuấn cũng vui mừng chia sẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã có hai chương trình được lên lịch biểu diễn tại Nhà hát Lớn. Vào đêm 30/10, biểu diễn các trích đoạn Tuồng nổi tiếng và xen kẽ các bản hòa tấu nhạc truyền thống từ chất liệu Tuồng; đêm 2/11, biểu diễn vở Tuồng “Nghêu- sò- ốc- hến”.

Tác giả bài viết: Tường Vy

Nguồn tin: duyenclvn theo toquoc.gov.vn