Khai thác cải lương cho nghệ thuật múa

MÚA

MÚA

NSND Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - hội nghệ sĩ múa Việt Nam: Khai thác cải lương cho nghệ thuật múa


Save up to 50% on the Best Vegas Shows!

NSND Đặng Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc trao đổi về thực trạng múa ở ĐBSCL hiện nay và những giải pháp để vực dậy bộ môn nghệ thuật này.

 

 

* Xin ông cho biết đôi điều nhận xét về múa ở ĐBSCL?

- Vùng đất ĐBSCL sở hữu những chất liệu múa tuyệt vời. Điều đó không phải do con người tạo ra mà do thiên nhiên tạo dựng. Vùng đất với nét văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn nghệ dân gian, điều kiện tự nhiên đặc trưng, được phản ánh vào trong nghệ thuật, trong đó có múa.

Nước ta có múa Chăm, múa Khmer hay những điệu múa mang đặc thù Tây Nguyên, Tây Bắc… Vì vậy, ĐBSCL hoàn toàn có thể sở hữu một nét múa riêng biệt, nếu biết khai thác và sáng tạo. Múa không chỉ là động tác, múa là phản ánh hiện thực, hiện thực ấy dựa trên các mối quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa người với thiên nhiên, trên cơ sở những ấn tượng có được từ thế giới xung quanh... để xây dựng các tác phẩm múa chất lượng.

* Theo ông, nghệ sĩ múa ĐBSCL sẽ khai thác những lợi thế, tài nguyên ấy như thế nào?

- Theo tôi, hướng tốt nhất là trên cơ sở khai thác nghệ thuật cải lương. Cải lương có trình thức, điệu bộ, động tác… rất gần với múa. Miền Trung đã từng khai thác tuồng cho nghệ thuật múa và thành công. Dĩ nhiên, để phong phú, biên đạo, nghệ sĩ múa sẽ kết hợp thêm những loại hình khác như hò sông nước, dân ca, đờn ca tài tử…

* Ông đánh giá thế nào về khả năng tạo lập dấu ấn riêng của nghệ sĩ múa đồng bằng?

- Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ nghệ sĩ múa và biên đạo ở ĐBSCL, kể cả chuyên nghiệp lẫn quần chúng. Tôi ấn tượng về phong trào múa ở vùng đất này. Ngày càng xuất hiện nhiều biên đạo có tư duy nghệ thuật tốt, yêu nghề và dám thử sức cái mới. Điều đó rất cần cho múa trong bối cảnh nghệ thuật đương đại ngày nay.

* Lạm dụng múa minh họa, bê đỡ vô tội vạ, gây phản cảm là thực trạng đang diễn ra với nghệ thuật múa, theo ông, nguyên nhân do đâu?

- Có tình trạng đó, theo tôi, nguyên nhân chính là họ không biết gì về múa mà làm theo bản năng nhưng thiếu kinh nghiệm. Bởi, nếu họ biết, họ sẽ lý giải được: vì sao phải bê đỡ, bao nhiêu người là cần cho bài múa mình đang dàn dựng… Điển hình như tại Liên hoan Hẹn hò 9 dòng sông ở An Giang vừa qua, có đến 5 tiết mục múa mà cả khán giả lẫn giám khảo đều không hiểu: rối rắm, bê đỡ lộn xộn… Múa là để khán giả hiểu, là tâm tình để khán giả thương chứ không phải làm cái mình thích. Như vậy không phải là múa.

* Xin cảm ơn ông! .

ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)
 

Nâng chất nghệ thuật múa ở Cần Thơ 

 

Múa ở Cần Thơ ngoài số lượng cũng cần nâng cao chất lượng - đó là vấn đề được nhiều đại biểu bàn tới tại buổi tọa đàm do Hội Nghệ sĩ Múa TP Cần Thơ tổ chức mới đây. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn để hiện thực hóa vấn đề này.

Ông Huỳnh Nhật Danh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP Cần Thơ, cho biết: Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào múa thành phố phát triển rất mạnh. Ngoài lực lượng múa của hệ thống Trung tâm Văn hóa và Nhà hát Tây Đô, còn xuất hiện nhiều nhóm múa ngoài công lập hoạt động hiệu quả. Đơn cử một số vũ đoàn như Hồng Anh, Lyly, Phương Đông, TriO… Điển hình là Vũ đoàn Hồng Anh, các diễn viên múa trẻ yêu nghề của vũ đoàn đã góp mặt cho nhiều sự kiện ở TP Cần Thơ và ĐBSCL. Sự tươi mới trong trình thức, động tác và cập nhật xu hướng múa mới chính là cách để Vũ đoàn Hồng Anh khẳng định tên tuổi.

 

 

Múa ở Cần Thơ đang phát triển mạnh.

Ông Ngô Hoàng Duyên, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa thành phố, đồng tình khi cho rằng, ngoài lực lượng biên đạo gạo cội đang làm nghề rất tốt như Huỳnh Nhật Danh, Lê Thanh, Thanh Nga… thì Cần Thơ xuất hiện nhiều biên đạo trẻ tâm huyết. Có thể kể đến 3 biên đạo đang khoác trên người áo lính là Minh Tiết, Khánh Ngọc, Lâm Thanh Thảo. Hay biên đạo trẻ Minh Châu, một Cử nhân Luật lại chọn nghề múa để theo đuổi, khẳng định tài năng với sự sáng tạo, khai thác đề tài và ngôn ngữ múa mới lạ.

Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người lo ngại là nhiều tác phẩm múa ngày càng chạy theo thị hiếu thị trường mà thiếu bản sắc, nghệ thuật. “Những tiết mục “đương đại” kiểu thích gì múa đó, chẳng theo một quy tắc, tiết tấu nào. Nhiều tác phẩm khai thác hình thể quá mức, thô cảm khiến người xem khó chịu”- biên đạo Ngô Hoàng Duyên nói.

Một vấn đề “nóng” khác là chuyện lạm dụng múa minh họa. Đại biểu bức xúc khi nói về những tiết mục múa loạn xạ trên sân khấu, không ăn nhập gì với ca khúc. Biên đạo Huỳnh Nhật Danh cho biết: “Không phải lúc nào, bài hát nào cũng cần múa minh họa như hình thức lấp đầy sân khấu, vô thưởng vô phạt”. Ngoài ra, việc múa Cần Thơ thiếu những tác phẩm múa độc lập, múa nghệ thuật cao… cũng là trăn trở của nhiều nghệ sĩ tâm huyết.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP Cần Thơ - Huỳnh Nhật Danh, cho rằng: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cần có định hướng bằng tập huấn, tài liệu… để người làm nghề trau dồi. Ông Danh cũng “ngậm ngùi” rằng: đôi lúc múa còn bị xem nhẹ, coi như phần “phụ họa” lấp đầy sân khấu mà chưa đánh giá hết hiệu quả nghệ thuật. Đặc biệt, thù lao cho biên đạo, dàn dựng một tác phẩm múa ở Cần Thơ còn quá hạn chế. “Bất kể múa nghệ thuật, tư duy, hoành tráng thế nào cũng vẫn “mặc định” khung giá 650.000 đồng cho một tác phẩm, dù người nghệ sĩ phải đầu tư, dành tâm huyết rất nhiều”- ông Danh chia sẻ.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH


Nguồn tin: tcgd theo BCT