Giải mã ẩn số về Tổ nghiệp sân khấu của Việt Nam

Giải mã ẩn số về Tổ nghiệp sân khấu của Việt Nam
Nhiều bộ môn nghệ thuật sân khấu của Việt Nam có tổ nghề, nhưng không có một nhân vật nào được nhìn nhận như Tổ nghiệp của toàn bộ ngành sân khấu Việt.
Theo lệ, ngày 12/8 Âm lịch hàng năm được coi là ngày giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu. Vào ngày này, các buổi lễ cúng Tổ nghiệp sân khấu sẽ được giới nghệ sĩ tổ chức trên khắp cả nước. Tuy nhiên, Tổ nghiệp sân khấu là ai thì ngay cả các nghệ sĩ gạo cội cũng không thể đưa ra một câu trả lời chính xác.

Trên thực tế, nhiều bộ môn nghệ thuật sân khấu của Việt Nam có tổ nghề, như bà Phạm Thị Trân là bà tổ nghề hát chèo Việt Nam, Liêu Thủ Tâm, Đào Tấn là các vị tổ của nghệ thuật sân khấu tuồng, Tống Hữu Định là ông tổ Cải Lương, Vũ Đình Long tổ nghề kịch nói, Trần Quốc Đĩnh tổ nghề hát xẩm, Đinh Dự tổ nghề ca trù Việt Nam... Dù vậy, không có một nhân vật cụ thể nào được nhìn nhận như Tổ nghiệp của toàn bộ ngành sân khấu Việt.

Giai ma an so ve To nghiep san khau cua Viet Nam - Anh 1

Nhà thờ Tổ nghiệp sân khấu của nghệ sĩ Hoài Linh mới khánh thành ở TP HCM.

Thay vào đó, có rất nhiều giai thoại được dân gian truyền miệng về ông Tổ nghiệp bí ẩn này.

Theo NSND Đinh Bằng Phi, trên bàn thờ tổ hát bội có thờ tượng hai em bé mà theo truyền thuyết là hai hoàng tử. Vì hiếm muộn nên để tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con, nhà vua bèn lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất để tỏ lòng thành của mình. Không ngờ hai hoàng tử lại quá ham coi hát, thường xuyên trốn trong buồng coi hát và chết luôn trong buồng hát vào ngày 12/8 Âm lịch. Sau đó, các nghệ sĩ thấy nhị hoàng thường hiện về xem hát nên lập bàn thờ trong hậu trường, xem là ông Tổ, lấy ngày mất của hai vị làm ngày giỗ Tổ.

NSND Đinh Bằng Phi cho rằng, thực tế, ông tổ sân khấu là ông tổ vô danh. Người xưa đặt ra giai thoại về hai vị hoàng tử là để thần thánh hóa lên. Thờ ông tổ là thờ đứa bé mê hát bội. Họ coi ông tổ như đại diện cho khán giả. Đó cũng là cách biết ơn của nghệ sĩ đối với những người nuôi sống họ hằng đêm, không có gì phải giải thích theo kiểu thần thoại, hoang đường cả.

Theo một lý giải khác, có xuất thân từ những người ăn mày. Theo đó, từ thời xa xưa, người dân thường phải lao động vất vả, tạo ra một cái nghề. Còn những người mất sức lao động chân tay phải đi ăn xin. Tuy nhiên, họ không muốn "xin không" mà phải bỏ sức lao động để không phải "nợ nần" ai, bằng cách đem "lời ca tiếng hát của mình" ra ngồi hát đầu đình xó chợ, xin "ông đi qua bà đi lại". Rồi muốn kiếm nhiều tiền hơn, họ phải diễn tuồng, vợ chồng con cái phải tự xây dựng kịch bản, tự diễn… dần dần hình thành nên các bộ môn sân khấu khác nhau.

Chính vì quan niệm rằng nghề của mình xuất xứ từ nghề ăn mày nên những người thuộc giới nghệ sĩ rất kiêng kỵ cho tiền ăn xin, ăn mày, vì cho rằng như thế là xúc phạm tổ nghiệp.

Dù nguồn gốc của Tổ nghiệp vẫn còn nhiều điều không rõ ràng, nhưng theo thời gian chuyện thờ Tổ xuất phát từ các đoàn hát bội đã "lan" sang cải lương, kịch nói... và đền thời hiện đại thì cả giới ca sĩ, diễn viên, người mẫu cũng thờ Tổ nghiệp.

Từ năm 2010, ngày 12/8 Âm lịch - ngày giỗ Tổ truyền thống của ngành sân khấu đã chính thức được công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam.

Nguồn tin: duyenclvn theo Tb