Gala đờn ca tài tử học đường: Gợi tình yêu âm nhạc dân tộc trong tâm hồn thơ trẻ

Gala đờn ca tài tử học đường: Gợi tình yêu âm nhạc dân tộc trong tâm hồn thơ trẻ
Hôm qua 13/09, Gala đờn ca tài tử học đường lần thứ I do Trung tâm Văn hóa, Phòng giáo dục đào tạo Q1 phối hợp thực hiện đã diễn ra trong không khí vui tươi, rộn rã tại nhà hát Bến Thành. Dù không phải là những tài tử thực thụ nhưng các cô cậu học trò nhỏ đã “chơi” tài tử bằng cảm xúc và sự trân trọng của những người trẻ hôm nay dành cho hồn cốt của dân tộc – Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Image
Tiết mục Trang sử quê ta - quá trình hình thành của đờn ca tài tử Nam Bộ. (ảnh: Ngọc Thu)

Gala đờn ta tài tử học đường lần thứ nhất đã thu hút sự tham gia của một lượng học sinh nhiều nhất từ trước đến nay. Một chương trình được xây dựng theo kết cấu mở, vừa biểu diễn, vừa giao lưu, vừa giải đáp và truyền thụ kiến thức đờn ca tài tử đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của các em học sinh. 90 phút của gala các em được ngược dòng quá khứ về lại thế kỷ 19, giai đoạn sơ khai hình thành nghệ thuật đờn ca tài tử. Những giai điệu bổng trầm buồn thương ai oán đã trở thành một phần hồn, thành tri kỷ hiện hữu trong đời sống của người dân Nam bộ. Không gian sân khấu, con người cảnh vật, giai điệu đặc tả đậm chất hồn hậu, dân dã, hiền hòa mà mến khách của con người vùng sông nước Phương Nam. Hơn 100 năm sau, trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử đờn ca tài tử vẫn khẳng định sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa diệu kỳ cũng sự hòa nhập nhanh chóng vào thời đại. Không chỉ là khán giả mà chính các em học sinh cùng các thầy cô giáo của 15 trường đều có những tiết mục rất hay góp vào chương trình. 

Khó mà tưởng tượng lại có một chương trình về âm nhạc dân tộc lại được diễn ra trong những tràng vỗ tay không ngớt, trong sự hò reo tán thưởng nồng nhiệt của hàng trăm em học sinh. Đây là một sự khởi đầu và là một dấu chấm phá rất đẹp cho hành trình đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào học đường. Ông Phan Trọng Quyền – Giám đốc trung tâm văn hóa Q1- trưởng ban tổ chức chương trình phấn khởi cho biết: “Chương trình gala diễn ra rất thành công, được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của ban giám hiệu thầy cô các trường, sự yêu thích của các em góp phần quan trọng tạo nên sự thành công cho chương trình. Hướng tới trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch đưa văn hóa đờn ca tài tử này đến với các tiết học nhạc hoặc các sự kiện, lễ hội của các trường.Chúng ta sẽ lồng ghép để giới thiệu sâu hơn nghệ thuật đờn ca tài tử đến các em”.

Gala đơn ca tài tử lần thứ nhất này như là một quá trình tổng kết bước đầu cho dự án triển khai đờn ca tài tử vào học đường của trung tâm văn hóa Q1. Từ đầu tháng 4, tháng 5, thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân TP.HCM, Trung tâm văn hóa Q1 cùng phòng giáo dục đào tạo Q1 đã thực hiện 5 chương trình sân khấu học đường đến các trường THCS: Trần Văn Ơn, Minh Đức, Đức Trí, Nguyễn Du và Võ Trường Toản. Chương trình diễn ra thành công ngoài sự mong đợi khi các em không chỉ tỏ ra thích thú mà còn có những chia sẻ rất hồn nhiên chân tình, nhiều em đã đăng ký học một nhạc cụ để có điều kiện tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật có sức hút kì diệu này. Nhiều nghệ sĩ đồng hành cùng dự án này trong suốt 5 chương trình ở 5 trường đều có những cảm xúc đặc biệt, khó tả. Nếu nghĩ rằng người trẻ không quan tâm đến các loại hình nghệ thuật dân tộc là phiến diện, hãy nhìn cái cách mà các em chào đón và hưởng ứng khi chương trình được đưa đến trường mới thấy chúng ta cần phải làm và làm nhiều hơn nữa, vì cần thiết lắm việc giáo dục và giúp các em định hình những suy nghĩ đẹp và tự hào về giá trị văn hóa của dân tộc như chia sẻ của NSND Kim Cương: “Chúng ta cần giúp các cháu, các con hiểu âm nhạc dân tộc của Việt Nam là gì để khi các con ra ngoài, ra quốc tế các con có cất lên hát thì người ta sẽ biết đây chính là Việt Nam chứ không phải một đất nước nào khác. Không phải tự nhiên mà tổ chức UNESCO một tổ chức uy tín của thế giới lại công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể chính vì vậy mà tôi cho rằng những chương trình này có ý nghĩa rất quan trọng, đó là đưa được âm nhạc dân tộc vào trường học, đến được với các cháu, những người chủ tương lai của đất nước”.

Không chỉ tham gia các chương trình của Q1, Thạc sĩ nhạc sĩ Huỳnh Khải cùng Thạc sĩ NSƯT Hải Phượng còn góp mặt trong nhiều chương trình sân khấu học đường khắp các tỉnh Nam Bộ, họ chia sẻ niềm hạnh phúc khi nhìn thấy những ánh mắt trẻ thơ chăm chú nghe mình đàn, nghe mình nói và hỏi nhiều câu làm cho bản thân các nhạc sĩ cũng tâm đắc. NSƯT Hải Phượng nói :“Hiệu ứng của việc đưa đờn ca tài tử đến trường rõ ràng là rất tốt. Tuy rằng chỉ là giới thiệu một cách sơ lược nhưng các em cũng biết một cách tương đối các nhạc khí trong đờn ca tài tử. Đương nhiên, không thể ngày một ngày hai giới thiệu hết cho các em được nhưng đây là những bước đầu đặt nền móng cho việc cảm nhận của các em sau này”.

Thạc sĩ Nhạc sĩ Huỳnh Khải:“Tôi hy vọng qua những chương trình như thế này sẽ được biết đến nhiều hơn nữa, đặc biệt là giới trẻ, những người sẽ nắm giữ và phát triển loại hình nghệ thuật này. Làm sao để loại hình nghệ thuật này còn được truyền lại đến nhiều thế hệ sau này nữa, góp phần giữ vững giá trị của âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

Người ta hỏi rằng với những người quá trẻ thì đờn ca tài tử có giữ được chân các em hay chỉ đến theo trào lưu rồi bỏ về ngay sau đó ? Câu trả lời ngoài sức tưởng tượng. Hơn 600 học sinh đã có những cử chỉ và thái độ rất đẹp khi đến với chương trình. Tất cả đều đeo khăn quàng đỏ, ngồi trật tự ngay ngắn, rất yên lặng, không một tiếng ồn ào. Hoàng Lĩnh Nam học lớp 9A8 trường Đồng Khởi cho biết " Em cảm thấy đờn ca tài tử Nam bộ có một vẻ đẹp rất riêng, nghe rất đã tai, rất hay. Em sẽ cố gắng để duy trì niềm yêu thích loại hình nghệ thuật Nam Bộ".

Cô Trần Thuý An hiệu trường trường THCS Trần Văn Ơn tâm sự: “Các em học sinh, nhất là học sinh của vùng đất Phương Nam không có lý do gì lại không biết về bộ môn âm nhạc rất đặc sắc này. Tôi cũng nhận thấy niềm vui của các em khi được giao lưu với các nghệ sĩ cũng như các em rất thành thạo khi thể hiện các làn điệu của âm nhạc tài tử Nam bộ”.

Không phải tự nhiên mà tổ chức UNESCO lại công nhận đờn ca tài tử Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là công lao gìn giữ to lớn của những tiền nhân đi trước, vậy thì hôm nay, khi chúng ta đang ở trong một xã hội quá hiện đại với nhiều điều kiện tốt, càng phải đẩy mạnh vai trò và trách nhiệm giữ gìn phát triển vốn quý mà cha ông đã để lại. Đưa đờn ca tài tử vào giới trẻ, vào học đường dẫu biết không dễ dàng nhưng không có nghĩa là không làm được. Với những thành công bước đầu trong suốt thời gian qua, nếu có những định hướng cụ thể, được sự chung tay đồng lòng của nhiều người thì dự án Đưa đờn ca tài tử đến với tác cả các bạn trẻ, đến với học đường, đặc biệt là trở thành một môn học chính thống sẽ là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Ngọc Thu - VOH


Đờn ca tài tử vào trường học

Sáng 3/3, sân trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) rộn rã những giai điệu mượt mà của đàn bầu, tranh, kìm, cò và những bài ca tài tử quen thuộc, khiến không ít người đi đường tò mò dừng lại quan sát..


.

Image


Khác với suy nghĩ của không ít người lớn tuổi, cho rằng lớp trẻ ngày nay không biết hoặc không còn thích thú với nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT), buổi ngoại khóa đầu tiên về ĐCTT kéo dài hơn một giờ đồng hồ với sự góp mặt của các nghệ sĩ Phượng Liên, NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Tấn Giao, Chuông vàng vọng cổ 2013 Nguyễn Thị Luận, Minh Đức, Thành Tây… và ban nhạc tài tử Huỳnh Khải đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của học sinh (HS).

Nam Phương, HS lớp 12A5, một trong 10 HS xung phong lên sân khấu ca bài Long hổ hội chia sẻ: “Lúc nhỏ em thường được nghe cải lương qua băng đĩa với ông bà nên rất thích. Lớn hơn một chút, vì bận học và cũng không còn nhiều điều kiện để nghe cải lương nên em dần quên. Hôm nay được xem chương trình này em mới biết mình còn mê ĐCTT nhiều lắm. Em hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình tương tự được tổ chức trong trường học”.

Đây là chương trình giao lưu ĐCTT đầu tiên do Sở GD-ĐT và Sở VH-TT-DL TP.HCM phối hợp tổ chức trong trường học, hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của ĐCTT Nam bộ do Bộ VH-TT-DL phát động. Trước sự hưởng ứng nhiệt tình của các em HS, tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, ngay trong tuần lễ này, Sở sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT bàn bạc thống nhất kế hoạch triển khai dự án đưa ĐCTT vào trường học trong thời gian sớm nhất.

Riêng với trường THPT Bùi Thị Xuân, từ những phản hồi tích cực của HS lẫn phụ huynh sau buổi giao lưu, ông Xuân Phú - Hiệu phó trường cho biết thêm, chiều ngày 4/3 Ban giám hiệu đã có buổi làm việc với nhạc sĩ Huỳnh Khải để thảo luận kế hoạch thành lập CLB ĐCTT dành cho HS và giáo viên ngay tại trường.

Thảo Vân - PNO

meoxu & sauvekeu ST

Nguồn tin: PNO - VOH