Đời sống của Chèo

chèo

chèo

Đã lâu lắm không có đoàn chèo nào “xuôi Nam”, và trong mắt khán giả Nam bộ, chèo thật lạ lẫm, xa xôi và cũ kỹ. Nhưng rồi Tấm áo bào hoàng đế của đạo diễn Quang Thập vào TP.HCM dự thi đã chứng minh rằng nơi đất Bắc, sức sống của chèo vẫn còn mạnh lắm

Không mạnh sao được khi các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hoá, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội)đều có đoàn chèo, riêng Hà Nội có đến ba đoàn. Đặc biệt, nơi đất tổ của mình là Ninh Bình, chèo rất được chính quyền quan tâm ưu ái. Ngoài chế độ lương Nhà nước, Nhà hát chèo Ninh Bình còn được hỗ trợ thêm một phần lương của tỉnh chưa kể catsê.Nhờ vậy mà nghệ sĩ yên tâm làm nghề, liên tục đi diễn phục vụ trong và ngoài tỉnh, gần 200 suất/năm, một con số đáng nể. Trung bình mỗi năm đoàn đều dựng một vở dài, thêm một số chương trình múa hát dân gian và trích đoạn nên nghệ sĩ làm không hết việc, lao động nghệ thuật suốt cả ngày lễ, ngày nghỉ. Mệt nhưng vui, vì nghệ thuật dân gian vẫn được khán giả yêu thích.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, sân khấu chèo ngày càng thiếu hụtnhân tố mới. Tác giả viết chèo đến giờ chỉ còn mỗi tiến sĩ Trần Đình Ngôn. Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội mỗi năm chỉ tuyển được một lớp diễn viên chèo, khoảng 20 em nhưng đến lúc tốt nghiệp đã rơi rụng bớt, vì làm diễn viên chèo không dễ, phải vừa có thanh, vừa có sắclại phải có khả năng vũ đạo. Các nghệ sĩ của Nhà hát chèo Ninh Bình tham gia vở Tấm áo bào hoàng đế đều có kinh nghiệm mười mấy năm trong nghề. Huyền Diệu (vai Thái hậu Dương Vân Nga) tốt nghiệp trường Văn hoá Nghệ Thuật Nam Định năm 18 tuổi, rồi theo Nhà hát chèo Ninh Bình đến giờ đã 16 năm. Còn Thu Hà (vai Kiều hậu) học chuyên ngành diễn viên chèo khoa Kịch hát dân tộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội từ năm 19 tuổi. Điều này cho thấy đào tạo diễn viên chèo phải bắt đầu từ khá sớm, và có thời gian luyện tập, tích luỹ lâu dài vào thời thanh tân nhất của con người là độ tuổi 18 đến 28.

Vở chèo Tấm áo bào hoàng đế 

Để giải quyết vấn đề nhân lực, Nhà hát chèo Ninh Bình đã mở lớp đào tạo diễn viên tại chỗ, do Sở cấp chứng chỉ, hiện đã đến khoá thứ ba. Đến đợt tuyển sinh Nhà hát phải về đến tận xã trên khắp các tỉnh để tuyển học viên. Các em không những được đào tạo miễn phí, bao ăn, ở mà còn được hỗ trợ thêm khoảng 1 triệu đồng phấn son và tiêu vặt. Kết quả, Nhà hát chèo Ninh Bình có thể tự hào là đang sở hữu đội ngũ diễn viên chèo trẻ nhất cả nước, đồng thời tỉnh cũng có khá nhiều câu lạc bộ chèo đang hoạt động sôi nổi.Bảo tồn nghệ thuật dân tộc phải là như thế, cần có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước, chứ làm sao để nó tự bơi được giữa sự cạnh tranh khốc liệt của những loại hình giải trí hiện đại.

Và bản thân nghệ sĩ cũng cần sự thay đổi. Ngoài những vở, trích đoạn chèo kinh điển, Nhà hát chèo Ninh Bình cũng đangthể nghiệm dựng đề tài hiện đại và đạt được nhiều tín hiệu khả quan. Chèo có lịch sử lâu đời và vốn liếng dồi dào với hơn 300 làn điệu, chỉ cần biết khéo khai thác và xử lý cho phù hợp với thời đại thì không lo thiếu khán giả. Vở Tấm áo bào hoàng đế chính là một ví dụ điển hình. Vẫn những làn điệu cổ xưa không hề bị lai căng, nhưng đượcsử dụng đúng lúc, đúng chỗ,cùng cách xử lý kịch bản chặt chẽ, tiết tấu nhanh gọn thì khán giả vẫn say với cái đẹp trong từng câu ca ngọt ngào, từng tạo hình thẩm mỹ, vũ đạo uyển chuyển của chèo.

Lúc mới vào TP.HCM, đoàn Ninh Bình cũng hoang mang, sợ khán giả không tiếp nhận. Ai ngờ khán phòng đông quá, và tiếng vỗ tay cứ vang lên từng chập, đầy khích lệ, trong đó không thiếu những người trẻ và rất nhiều người lần đầu tiên được xem chèo. Được biết sau vở diễn, có nhiều bạn sinh viên đã nán lại để giao lưu với nghệ sĩ, bàn tán, xuýt xoa “chèo dễ thương quá”. Rõ ràng, nghệ thuật dân tộc vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả, nhưng phải có nhiều cơ hội được tiếp xúc, đặc biệt là phải thưởng thức trực tiếp trên sân khấu để cảm nhận hết cái hay, cái đẹp. Phải cho lớp trẻ nếm thử “món ngon xứ Bắc” này, và cả những loại hình khác như tuồng, cải lương, hát bội v.v… Con người đâu chỉ cần giáo dục tri thức, mà còn phải biết thưởng thức thẩm mỹ, nghệ thuật vì đó là văn hoá. Và khi tâm hồn được giàu có về văn hoá thì sẽ biết yêu đất nước, yêu con người, biết phân biệt phải trái mà không làm bậy. Có phải chúng ta đang mai một dần những giá trị truyền thống mà có lẽ cách làm không đến nỗi quá khó.

ANH VŨ

Nguồn tin: tcgd theo BSK