Đào tạo nhân lực cho các môn nghệ thuật truyền thống

Hình Ảnh Minh Họa

Hình Ảnh Minh Họa

Các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch... đang có nguy cơ mai một; lực lượng diễn viên, nhạc công - linh hồn của sân khấu truyền thống cũng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Thực tế này, đòi hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải có Đề án riêng để đào tạo nguồn nhân lực.
Thiếu nhân lực trầm trọng
 
Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL), diễn viên là lực lượng trung tâm của sân khấu, nhưng hiện nay hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt nghệ sỹ, diễn viên và nhạc công. Nhiều năm qua, các cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên các ngành nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống và nhạc công của khoa kịch hát dân tộc. Nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống không có gương mặt nghệ sỹ trẻ, có tâm huyết và cả tài năng để dàn dựng tác phẩm. Đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi, tình trạng khan hiếm tài năng trẻ ngày càng trở nên trầm trọng.
 
 

Sân khấu truyền thống đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Thêm vào đó, doanh thu từ các buổi biểu diễn kém, đời sống nghệ sỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, các loại hình nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch đang bị khủng hoảng nguồn nhân lực nên không giữ được vai trò, vị trí vốn có trong đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp qua chiều dài lịch sử đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Thêm vào đó, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí đã gây áp lực không nhỏ cho nghệ thuật sân khấu truyền thống.
 
Để giải quyết sự thiếu hụt lực lượng nghệ sỹ, Nhà hát Tuồng và Nhà hát Chèo Việt Nam đã xin cơ chế tổ chức đào tạo diễn viên theo phương pháp truyền nghề tại đơn vị. Còn lại 47/49 đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp trong cả nước đang rất cần lực lượng nghệ sỹ biểu diễn kế cận để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và thay thế lớp nghệ sỹ đã lớn tuổi, không đảm bảo sức khỏe để làm nghề.
 
Đào tạo từ tuổi thiếu niên
 
Liên quan tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghệ thuật, từ trước đến nay, các cơ sở đào tạo nghệ thuật truyền thống thường tuyển học sinh theo học diễn viên, nhạc công đã tốt nghiệp lớp 12 phổ thông trung học. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này sau khi học xong chương trình đào tạo nghệ thuật truyền thống các em đã 22 - 23 tuổi. Vì vậy, khi trở về đơn vị công tác đến lúc trở thành diễn viên thực sự, hội tụ đủ tiêu chí “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần” thì các em tuổi đã cao. Do đó, Đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo, nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch của Bộ dành cho các đơn vị nghệ thuật trong cả nước sẽ tập trung tuyển các em có năng khiếu, vừa tốt nghiệp trung học cơ sở, độ tuổi 14 - 15 để đào tạo. Sau khi học xong khóa đào tạo các em sẽ trở thành diễn viên, nhạc công chuyên nghiệp và tốt nghiệp phổ thông trung học ở độ tuổi 17 - 18. Đây là độ tuổi “vàng” để các em trở về công tác tại đơn vị nghệ thuật và có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệp thực tế, kéo dài tuổi nghề trong cuộc đời nghệ sỹ.
 
Trong năm 2016 - 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tuyển sinh và đào tạo theo hình thức tập trung, hệ Trung cấp chính quy chuyên ngành diễn viên và nhạc công đối với các loại hình nghệ thuật nêu trên từ nguồn kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cục Nghệ thuật biểu diễn giao Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuyển sinh diễn viên loại hình nghệ thuật Tuồng, Chèo; nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công Tuồng, Chèo trình độ trung cấp chuyên nghiệp. 
 

Tác giả bài viết: Thanh Giang

Nguồn tin: duyenclvn theo baotintuc.vn