Cải lương xã hội hóa có làm nên chuyện?

Cải lương xã hội hóa có làm nên chuyện?
Sau một thời gian yên ắng, sân khấu (SK) cải lương TP. HCM đang có dấu hiệu nhộn nhịp trở lại với nhiều điểm diễn, chương trình khác nhau. Riêng trong tháng sáu này các SK đã có ba suất diễn.
Những người mang lại sự sôi động cho cải lương vẫn là những “ông bà bầu” tư nhân.

Nhộn nhịp cải lương tư nhân

Ngày 16/6, khán giả yêu mến ông vua vọng cổ Viễn Châu đã được thưởng thức lại những bài ca cổ, những trích đoạn trong các tuồng cải lương nổi tiếng của ông trong đêm diễn khai trương SK cải lương ở khách sạn Oscar Sài Gòn (do Công ty Á Châu và đoàn 3 Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp tổ chức). Chương trình cải lương ba thế hệ - Về lại cội nguồn do Công ty giải trí Kim Tử Long và ban Ái hữu nghệ sĩ cũng đã có suất diễn thứ tư vào tối 17/6.

Trong thời điểm hiện nay, SK cải lương Lê Hoàng là địa chỉ duy nhất ở TP.HCM mà khán khán giả mê cải lương có thể đến xem nguyên tuồng mỗi tháng một lần. Ra mắt vào tháng 4/2016 với tiêu chí dàn dựng những vở tuồng cổ, đến nay SK của “ông bầu” Lê Hoàng đã dựng được hai vở diễn: Chung Vô Diệm hí Lỗ Lâm và Xử bá đao Từ Hải Thọ… Vốn là nhiếp ảnh gia chuyên chụp SK, Lê Hoàng không chỉ có niềm đam mê kỳ lạ với cải lương mà còn thấ u hiểu những khát khao được làm nghề của nghệ sĩ.

Bắt đầu từ việc tổ chức những chương trình cải lương nhỏ trong không gian quán cà phê Feeling của gia đình, Lê Hoàng và những nghệ sĩ cùng tham gia chương trình ấp ủ ước mơ lớn hơn: có SK để cùng nhau thỏa sức làm nghề. Từ không gian của quán cà phê, Lê Hoàng trở thành “ông bầu”, thuê SK TTVH Q.Bình Thạnh trong vòng ba năm. Ngoài NS Chí Linh phụ trách việc dàn dựng, SK Lê Hoàng còn thu hút được khá nhiều nghệ sĩ có nghề như NSƯT Tú Sương, Vân Hà, Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Trọng Nghĩa, Minh Hòa…

Cai luong xa hoi hoa co lam nen chuyen?
Trung thần - vở diễn mở màn cho dự án Tôi yêu cải lương ở Nhà hát Bến Thành - Ảnh: TV

Ra mắt tháng 1/2016, chương trình Ba thế hệ - Về lại cội nguồn do NSƯT Kim Tử Long khởi xướng với mục đích tạo sàn diễn thường xuyên cho nghệ sĩ cải lương. Chương trình biểu diễn các trích đoạn cải lương tuồng cổ, tuồng xã hội, cải lương hương xa, ca cổ… với sự tham gia luân phiên của các thế hệ nghệ sĩ. Toàn bộ doanh thu được trao cho nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến chương trình sẽ được tổ chức định kỳ mỗi tháng vào tối thứ Sáu của tuần cuối tháng, nhưng vì một vài lý do, đến nay chương trình mới chỉ thực hiện được bốn suất diễn tại rạp Công Nhân.

Ngày 24/6 vừa qua “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của SK Idecaf và Hội SK TP giới thiệu dự án Tôi yêu cải lương, vớ i khá nhiều tâm huyết và kỳ vọng. Được sự hỗ trợ của nhà hát Bến Thành, Tôi yêu cải lương dàn dựng lại những vở cải lương nổi tiếng một thời và một vài vở diễn mới sáng tác được đánh giá tốt: Tô Ánh Nguyệt, Đường gươm Nguyên Bá, Máu nhuộm sân chùa, Chiếc áo thiên nga, Hoàng đế Quang Trung, Công chúa Huyền Trân… Dự kiến Tôi yêu cải lương sẽ biểu diễn định kỳ hai tháng/đợt, mỗi đợt sẽ có bốn suất diễn.

Đơn độc làm nghề

Không ít “ông bà bầu” từng phải “bỏ của chạy lấy người”, thậm chí ôm nợ vì làm SK cải lương. Mới nhất, “ông bầu” Vũ Luân, dù rất nỗ lực với mong muốn duy trì điểm diễn cải lương tại SK Hoàn Vũ - công viên Lê Thị Riêng cũng đành bỏ cuộc sau khoảng ba tháng cầm cự. “Ông bầu” Lê Hoàng cho biết, đến nay SK vẫn phải bù lỗ: “Khán phòng chỉ hơn 200 chỗ ngồi, với giá vé 200.000 - 300.000đ, nếu bán hết vé thì gần như chỉ đủ chi phí, khoản tích lũy để tái đầu tư là không đáng kể. Chưa kể hiện nay mức thù lao cho các nghệ sĩ vẫn rất “khiêm tốn”, nếu trả đúng theo “thị trường” thì khó có thể duy trì SK”.

Chương trình Tôi yêu cải lương được những người thực hiện chăm chút đến từng chi tiết từ tờ rơi quảng cáo đế n thiết kế sảnh nhà hát, nhưng vẫn đượ c làm trong nỗi âu lo. Theo ban tổ chức, dù đã được ưu đãi tiền thuê từ nhà hát Bến Thành, nhưng để đủ chi phí cho một suất diễn phải bán được từ 600 - 650 vé (giá 150.000 - 200.000đ) - con số không nhỏ trong thời SK cải lương rất khó khăn hiện nay. Không kỳ vọng vào một sự hỗ trợ nào, cả ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và NSƯT Hoa Hạ đều có chung nỗi niềm: “Nếu không tự thân vận động mà tiếp tục chờ thì không biết phải còn chờ đợi đến bao giờ. Thôi thì cứ gắng hết sức mình và hy vọng sau bốn suất diễn đầu, chúng tôi có thể tích lũy được một khoản kinh phí để thực hiện kế hoạch tiếp theo”.

SK mới ở khách sạn Oscar Sài Gòn sau suất diễn đầu tiên ngày 16/6 đã phải tạm ngưng, ngày sáng đèn trở lại dự kiến là 14/7. Lý do được đưa ra là nhiều nhược điểm của SK, khán phòng bộc lộ sau đêm diễn đầu tiên nên cần phải có thời gian để sửa chữa, cải tạo. Nhưng với số khán giả trong đêm đầu tiên, vấn đề kinh phí cũng là một trong những điều được nhiều người nghĩ đến.

Mới đây, trong buổi làm việc với Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, sau khi nghe báo cáo thực trạng của SK cải lương, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng băn khoăn: “Nếu một ngày TP không còn cải lương?”. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra khi nhà hát cải lương công lập chỉ dựng vở chứ không thể biểu diễn vì không có nhà hát. Đời sống cải lương của TP gần như lệ thuộc vào các đơn vị tư nhân đang phải tự thân vận động.

Tác giả bài viết: Thảo Vân

Nguồn tin: duyenclvn theo phunuonline