Xét tặng danh hiệu nghệ nhân - Rằng vui thì thật là vui…

Xét tặng danh hiệu nghệ nhân - Rằng vui thì thật là vui…
Sau 12 năm chờ đợi, Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể vừa được Chính phủ ký ban hành (Nghị định số 62/2014/NĐ-CP). Mừng thì thật mừng nhưng vẫn còn đó những băn khoăn bởi một số quy định trong việc xét tặng được cho là máy móc, nhiêu khê.

.

Nếu không đổi mới việc khen thưởng, nhiều nghệ nhân dân gian sẽ không có cơ hội được tôn vinh. Ảnh: TƯ LIỆU

Phân cấp “nghệ nhân” cao - thấp?

Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu «Nghệ nhân nhân dân» (NNND) «Nghệ nhân ưu tú» (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể mới được Chính phủ ban hành gồm các chương quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của nghệ nhân khi được phong tặng danh hiệu; quy trình, thủ tục xét tặng, cùng các mẫu khai thành tích, biên bản, tờ trình… trong quá trình xét tặng. Đối tượng được xét là công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.

Nghị định đưa ra các tiêu chuẩn về việc xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Trong đó, đòi hỏi nghệ nhân phải có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương… Với NNND, phải có thời gian hoạt động nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Với NNƯT, phải có thời gian hoạt động nghề từ 15 năm trở lên.

Liên quan đến quy định nghệ nhân có 15 năm, 20 năm tuổi nghề mới lần lượt được phong tặng danh hiệu NNƯT, NNND, không ít ý kiến cho rằng thật bi hài với các nghệ nhân ở tuổi 80, 90. Muốn được cấp nghệ nhân “nhân dân”, họ phải có được danh hiệu “ưu tú”.   

Nghệ nhân hát quan họ cổ.

 

Chia sẻ về việc phong tặng danh hiệu này, GS-TS Tô Ngọc Thanh cho rằng danh hiệu nghệ nhân là dựa trên tài năng chứ không phải tuổi tác và cũng không nên phân biệt “ông trên, ông dưới”, tất cả đều là nghệ nhân, không thể lượng hóa được. Thêm nữa cách gọi NNND, NNƯT này không hợp lý một chút nào. Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cũng phân tích rằng theo nghị định trong đợt phong tặng đầu tiên sẽ chỉ có các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT. Sau đó một thời gian, tiếp tục xét tài năng, cống hiến, thời gian hoạt động nghề, việc xét tặng danh hiệu NNND mới có thể dựa trên số NNƯT đã có.
 
Bao người đợi thêm 5 năm để được vinh danh? Theo ông Bùi Trọng Hiền, quy định NNƯT chỉ cần “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương” thì NNND được xác định là phải “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước”. Như thế với phần lớn các di sản mang tính khu biệt vùng miền, xem ra các NNƯT sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lên cấp “nhân dân” bởi họ làm sao có thể thực hiện được cái mục tiêu “phát huy giá trị di sản” trong “phạm vi cả nước” mà nghị định đã đề ra.

Nếu không đổi mới việc khen thưởng, nhiều nghệ nhân dân gian sẽ không có cơ hội được tôn vinh. Ảnh: TƯ LIỆU


Nặng nề hồ sơ xét tặng

Cho dù ở nhiều hội thảo trước đây, đóng góp ý kiến cho quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian, hầu hết các nhà nghiên cứu đều kiến nghị nên bãi bỏ việc yêu cầu các nghệ nhân làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu, nhưng tại Nghị định này yêu cầu này vẫn giữ nguyên. Hơn thế, nghệ nhân được phong tặng danh hiệu phải trải qua sự thẩm định của hội đồng cấp tỉnh, hội đồng chuyên ngành cấp bộ và hội đồng cấp nhà nước… Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: nghệ nhân chủ yếu lớn tuổi, ở khu vực nông thôn, ít cập nhật văn bản, chính sách. Thủ tục rườm rà quá làm khó họ, nhất là với người xứng đáng.

Theo ông Nguyễn Quang Long nên có một hội đồng khoa học độc lập, theo dõi hoạt động và tôn vinh họ. Việc yêu cầu đi kèm các tờ khai là “các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu liên quan là yêu cầu khó, đặc biệt là đối với các nghệ nhân ở vùng sâu, vùng xa.
 
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng cho rằng: danh hiệu là sự tôn vinh của cộng đồng, là sự bày tỏ thái độ tôn trọng của Nhà nước đối với các nghệ nhân dân gian. Vậy cớ sao lại phải làm đơn xin xét tặng? Đó là một thủ tục hết sức máy móc.

GS Ngô Đức Thịnh lại ủng hộ quan điểm làm hồ sơ. Ông nói: “Đó là thông lệ quốc tế. Phải có hình thức cho biết người đó có đóng góp gì, trình độ ra sao. Nếu cứ thế phong tặng, dễ sinh tiêu cực. Chưa tính đến chuyện lỡ ai đó không thích thì sao. Nếu nghệ nhân nào không làm được, thì địa phương hoặc hội nghề nghiệp mà họ tham gia nên giúp đỡ.

GS Ngô Đức Thịnh cũng băn khoăn bởi nghệ nhân được phong tặng danh hiệu sẽ được nhận khoản tiền thưởng nhưng cái thiết thực đối với các nghệ nhân là một chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho họ được biểu diễn, truyền dạy, bảo tồn vốn cổ… lại chưa được đề cập.
 
Băn khoăn là vậy, song “có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa”, việc ra đời của một nghị định sau nhiều năm chờ đợi cũng góp phần an ủi, động viên những nghệ nhân dân gian đang giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể hiện đa phần ở tuổi “gần đất xa trời”. Hy vọng rằng, với sự tích cực vào cuộc của địa phương, các hội đồng xét tặng, nhiều nghệ nhân sẽ được tôn vinh trước khi “ngậm cười nơi chín suối”.

Nghệ nhân hát Then Đàn Tính.

MAI AN






 
 

 
 

 
 

Nguồn tin: SGGP