Trần Lãng Minh - Nga Mi và dự án 'Sự Tích Tiên Rồng'

Trần Lãng Minh - Nga Mi và dự án 'Sự Tích Tiên Rồng'
Trong làng ca nhạc, nghệ thuật của cộng đồng Việt Nam tại quận Cam nói riêng, cũng như trên toàn quốc Hoa Kỳ nói chung, nhắc đến thể loại hát chầu văn, ả đào, hát xẩm, hát xoan, hay sử dụng những nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn nhị, đàn đáy... chắc chắn không thể nào bỏ sót tên tuổi của đôi nghệ sĩ Trần Lãng Minh-Nga Mi.

.

 



Bộ ba hát ca trù, trong đó vai đào do nghệ sĩ Nga Mi đảm nhiệm, và nghệ sĩ Trần Lãng Minh (trái) chơi đàn đáy. (Hình: Nghệ sĩ cung cấp)

Ðầu tuần vừa qua, phóng viên nhật báo Người Việt đã có buổi tiếp xúc riêng với hai anh chị tại tư gia, để nghe vợ chồng nghệ sĩ giới thiệu về thể loại nhạc cổ truyền, cũng như những ý tưởng mới sẽ được thực hiện trong thời gian sắp tới.

“Nhạc cổ truyền đến với anh chị như thế nào?”

“Từ nhỏ tôi đã chịu ảnh hưởng, tiêm nhiễm ngay từ trong gia đình, như ông nội của tôi, bạn của ông nội tôi, các bác chú, cũng như mọi người trong họ hàng thường có những sinh hoạt như ngồi uống trà, ngâm thơ, đọc thơ. Từ đó tôi bị tiêm nhiễm từ lúc nào không hay,” nghệ sĩ Trần Lãng Minh nhớ lại thời thơ ấu của ông.

“Trong gia đình tôi, mẹ tôi là người hay ngâm thơ, bà thích hát dân ca quan họ Bắc Ninh, do đó tôi được nghe và biết từ bé. Khi lớn lên tôi được học nhạc mấy năm, từ trường quốc gia âm nhạc, học về thanh nhạc và đàn tranh, bởi thế tôi có ý thích và mong muốn đào sâu vào lãnh vực nhạc cổ truyền này,” nghệ sĩ Nga Mi tâm sự.

Ðôi nghệ sĩ này cho biết nhạc cổ truyền Việt Nam là nét nhạc tiêu biểu, tượng trưng. Nhạc cổ truyền Việt Nam có thể được chọn là thể loại nhạc đại diện cho nét nhạc riêng của dân tộc chúng ta, khi giới thiệu về âm nhạc với các quốc gia khác trên thế giới.

“Nếu bạn có những nghiên cứu sâu về lãnh vực này, bạn sẽ thấy nhạc của các quốc gia trên thế giới hầu như không có những nét độc đáo như nhạc cổ truyền Việt Nam, bởi vì chỉ có thể loại nhạc này của chúng ta mới có cách diễn ngâm, phong cách, hay giai điệu riêng biệt,” nghệ sĩ Trần Lãng Minh nói.

Ông nói thêm: “Chính vì vậy thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam mới được xếp hạng là di sản văn hóa, phi vật thể nằm trong nghệ thuật âm nhạc, cụ thể nhất là gần đây tổ chức UNESCO công nhận một số bộ môn nghệ thuật trong âm nhạc của Việt Nam như hát quan họ, ca trù, ả đào, chiêng cồng Tây nguyên, nhạc cung đình Huế...”

Nghệ sĩ này còn cho biết có một số cơ hội khi ông tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật với những tổ chức của người ngoại quốc, ông đã giới thiệu đến họ thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam như thế nào?

Hát ca trù

Ði sâu vào lãnh vực hát ca trù, nghệ sĩ Lãng Minh chia sẻ, nếu so sánh với âm nhạc trên thế giới, thì có thể nói nghệ thuật hát ca trù là thể loại nhạc thính phòng sớm nhất trong nhân loại, để có một tiết mục hát ca trù hoàn chỉnh, cần phải có ba người, người chính là đào nương sẽ hát những bài thơ từ những nhà thơ sáng tác ra, người đào nương chắc chắn phải có trình độ và “nội lực” thâm sâu, để biết các bài thơ mà họ hát, cần phải thể hiện ra làm sao, hoặc diễn tả tình cảm, sử dụng kỹ thuật hát trong mấy mươi thể hát khác nhau của ca trù như thế nào cho hay và hợp, đi theo ý tưởng như thế nào, đi theo ý tưởng, tâm tình của mỗi tác phẩm, chứ không phải bài nào cũng diễn ngâm giống như nhau.

Người thứ hai trong bộ ba hát ca trù là kép (đàn ông), đánh đàn đáy, gọi là đàn đáy, nhưng chính nó không có đáy, cây đàn này có hơn 600 năm tuổi.

Nghệ sĩ Trần Lãng Minh khẳng định đàn đáy là đàn duy nhất chỉ có tại Việt Nam, chứ không có quốc gia nào khác trên thế giới có bất kỳ nhạc cụ nào giống đàn này được.

Nhân vật thứ ba cần thiết cho bộ ba hát ca trù là người đánh trống chầu, đây cũng là một nghệ thuật cần phải nghiên cứu, học hỏi kỹ lưỡng, mới có thể sử dụng trống thành thạo, theo nhịp phách được.

Sự tích Tiên Rồng

“Dân tộc nào cũng có huyền thoại riêng về dân tộc của họ, sự tích 'Con Rồng Cháu Tiên' của dân tộc chúng ta cũng thế, đó là dấu ấn riêng, là sự đại diện cho thuở bắt đầu như thế nào của dân tộc Việt Nam, từ hàng ngàn năm nay, qua nhiều thế hệ, những trẻ con khi bắt đầu học chữ, thì sự tích Tiên Rồng là bài học vỡ lòng, giống như tiếng mẹ nằm nôi,” nghệ sĩ Trần Lãng Minh trình bày.

Ông tiếp: “Bởi từ ý tưởng đó, chúng tôi nghĩ đến thực hiện một tiết mục nhạc kịch 'Sự Tích Tiên Rồng' với sự tham gia của đúng 100 cháu nhỏ, cùng với sự trợ giúp của các thầy cô giáo và phụ huynh.”

Nghệ sĩ đề cập đến sự tham gia của 100 em nhỏ, sẽ được hướng dẫn từ các trường Việt ngữ tại đây, cụ thể là trường Văn Hóa Việt Nam, và tiết mục sẽ được dẫn dắt, dàn dựng dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của ông.

Ông tiết lộ, tiết mục “Sự tích Tiên Rồng” trên sân khấu sẽ rất hoành tráng, những chi tiết như từng ngọn nến nhỏ được các em thắp sáng, hay những tiếng trống, chuông, hoặc cồng chiêng sẽ mang lại sự hùng tráng, trong một không gian tĩnh lặng, mà ở đó tất cả khán giả đang chú ý theo dõi.

“Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng này, chúng ta cần phải ngồi xuống bàn bạc thật kỹ, từ phương diện tài chính, đến dàn dựng, trong đó có mảng âm nhạc, ánh sáng, và sân khấu sẽ được thiết kế như thế nào cho thích hợp. Nói chung là rất nhiêu khê chứ không đơn giản lắm đâu,” nghệ sĩ Trần Lãng Minh nói về dự án có liên quan đến các em nhỏ, mà ông đã đề nghị với ban quản trị của trường Văn Hóa Việt Nam cuối tuần rồi.

 

Tác giả bài viết: Đức Tuấn - NV