Vua vọng cổ và những tác phẩm để đời: Tiếng chày trên sóc Bom Bo

NSƯT Thanh Kim Huệ

NSƯT Thanh Kim Huệ

Sau năm 1975, soạn giả Viễn Châu viết rất nhiều bài vọng cổ mới phù hợp với xã hội mới. Trong đó bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo do NSƯT Thanh Kim Huệ hát đã chinh phục bà con người dân tộc một cách thú vị...
Bài tân nhạc Tiếng chày trên sóc Bom Bo của nhạc sĩ Xuân Hồng có giai điệu rộn ràng tung tẩy, khán giả nghe rất thích. Và người ta không tưởng tượng được soạn giả Viễn Châu lại “biến” nó thành vọng cổ. Bởi vọng cổ thì ngân nga dìu dặt, làm sao mà “giao duyên” với bài này cho được? Vậy mà ông đã thành công.
Vua vọng cổ và những tác phẩm để đời: Tiếng chày trên sóc Bom Bo - ảnh 1
NSƯT Thanh Kim Huệ - Ảnh: NS cung cấp
Lãng mạn tình quân dân
Thật ra, Viễn Châu đã “đo ni” bài này cho một cô đào có giọng ca trong trẻo, líu lo như chim hót giữa trời đất bao la, như khí chất người dân tộc hồn nhiên, thơm thảo. Đó là NSƯT Thanh Kim Huệ. Đây là cô đào khi mới 13 tuổi đã được thu đĩa tới tấp và đã làm mưa làm gió trong vở Lan và Điệp khiến ai cũng mê mẩn một thời. Cho đến bây giờ thực sự cũng chưa ai đóng vai Lan qua nổi Thanh Kim Huệ, vì giọng ca ấy trong sáng quá, như không gợn chút bụi trần, mới đúng là cô Lan chân chất, chung tình. Thanh Kim Huệ lại có hơi ca dài, luyến láy điệu nghệ như dòng suối lượn qua trùng trùng kẽ đá, quả là tuyệt vời cho một sóc Bom Bo.
Khi Thanh Kim Huệ cất tiếng, mọi người phải xuýt xoa. Cái sóc Bom Bo xa xôi hẻo lánh kia từng vụt sáng nhờ bàn tay Xuân Hồng, giờ một lần nữa ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người dẫu chưa một lần gặp gỡ. Bởi Viễn Châu tả nó đẹp đến nao lòng…
Hương rượu nồng caу hòa với mùi hương những cánh phong lan ngoài khe suối nhỏ quуện trên mái tóc cô gái sóc Bom Bo có làm ấm lòng người chiến sĩ, hãу để em nhóm lửa thêm kẻo trời khuуa gió lạnh khi dãу rừng xa nhuộm trắng sương... mù.
Và ông không nhắc gì đến chuyện chiến tranh đổ nát, mà tập trung diễn tả mối tình dân quân, đặc biệt là nhấn mạnh hai đối tượng anh bộ đội và cô sơn nữ, khiến cho nội dung bài vọng cổ mượt mà hẳn ra, khiến người ta xao xuyến như đang đắm mình trong chuyện xưa tích cũ, có người trai lên đường rửa hờn sông núi, để lại người con gái âm thầm tựa cửa chờ mong… Cái lãng mạn trong chiến tranh thường đọng lại nơi hình ảnh này nhất. Và khi người trai trở lại thì cô gái vui mừng e ấp chuyện riêng - chung. Chén rượu cần nơi sóc Bom Bo làm họ say, chắc trong đó có say cả chữ tình... Chén rượu cần em mang đến mời anh, tiệc đơn sơ nhưng tình nghĩa đậm đà. Kể từ ngàу anh đi chiến đấu miền xa, tính đến naу đã bốn mùa lá đổ. Không chứa đựng chữ tình sao lại đếm rất kỹ thời gian xa cách? Mấy con trăng, mấy mùa lá đổ chính là thông điệp kín đáo của sự chờ mong…
Và một lời hẹn bỏ ngỏ chắc lòng người đủ hiểu. Bình minh đến đàn chim ríu rít, em tiễn anh ra cổng làng với đôi mắt thân thương. Giặc tan rồi anh lo xâу dựng quê hương, cho đất nước thêm giàu thêm đẹp. Mai mốt có ghé vào đâу em đãi anh bát nước và hát anh nghe khúc hát năm nào.
Viễn Châu nổi tiếng với những chuyện tình trong mấy ngàn bài vọng cổ của ông, thì thêm một chuyện tình giữa anh chiến sĩ với nàng sơn nữ cũng đâu có gì lạ. Chỉ lạ ở chỗ ông lồng nó vào câu chuyện đất nước một cách “ngọt lịm” đến nỗi người nghe ban đầu cũng chưa kịp nhận ra. Chừng nhận ra rồi thì mới xao xuyến. Thì y như đôi bạn dân - quân này vậy, đâu có nói thẳng thừng ra được, phải e ấp lòng vòng chuyện đất nước rồi mới ngầm tỏ ý chuyện riêng tư. Sự tế nhị của người thời xưa là thế đó.
Chinh phục bà con dân tộc
Thanh Kim Huệ hát dễ thương đến nỗi không chỉ biểu diễn cho khán giả người Kinh xem mà chị còn được mời đi hát liên tục cho đồng bào dân tộc.
Còn nhớ nhiều năm trước, Thanh Kim Huệ lên sân khấu với chiếc xà rông màu sắc rất đẹp, tóc quấn khăn y như người dân tộc. Và vì dáng chị nhỏ con nên trông xinh như một cô sơn nữ. Đặc biệt là người Bình Phước, nơi có sóc Bom Bo, rất yêu thích bài vọng cổ này qua phần biểu diễn của Thanh Kim Huệ.
Thanh Kim Huệ nói: “Tôi hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo mấy chục năm rồi, cho tới bây giờ hễ đi diễn các tỉnh tôi vẫn được yêu cầu hát bài này. Ra tới Bình Phước thì ôi thôi bà con vỗ tay quá chừng, cứ như gặp lại cố nhân. Bác Bảy Viễn Châu đã làm cây cầu nối cho vọng cổ dài ra tới bà con người dân tộc. Từ chỗ thích bài này, bà con nghe luôn những bài khác, rồi thấm hồi nào không biết, rồi mê vọng cổ”.

Tác giả bài viết: Hoàng Kim

Nguồn tin: duyenclvn theo thanhnien.vn