Nghệ sĩ Hữu Phước “ si “ Kiều nữ Bích Sơn

Nghệ sĩ Hữu Phước “ si “ Kiều nữ Bích Sơn
CLVNCOM - Chuyện xảy ra đã hơn năm mươi năm rồi nhưng khi nhắc đến nghệ sĩ Hữu Phước và soạn giả Hà Triều, tôi nhớ như chuyện vừa mới xảy ra. Đây là chuyện tình lơ tơ mơ nhưng rất đẹp giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, chuyện này ghi một ấn tượng sâu sắc trong tâm trí tôi mỗi khi tôi nhớ lại những kỷ niệm về các bạn Hửu Phước, Hà Triều hay Bích Sơn.
Năm 1962, bà Bầu Thơ ký hợp đồng mời nữ nghệ sĩ Bích Sơn về hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga. Lúc đó nữ nghệ sĩ Thanh Nga đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm, tên Thanh Nga được đưa lên làm bảng hiệu của đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga. Bà Bầu Thơ mời nhiều nam, nữ nghệ sĩ tài danh, trẻ đẹp để làm nghệ sĩ dàn bao, vây quanh Thanh Nga để cùng bảo vệ bảng hiệu mới của đoàn hát. Trong số nữ nghệ sĩ trẻ đẹp được mời về đoàn TMTN trong đợt này có Bích Sơn, Phương Ánh, Bích Thủy, Thanh Thanh Hoa, Ngọc Giàu, Thúy Lan. hợp với các nữ danh ca Út Bạch Lan, Ngọc Nuôi, Bé Hoàng Vân. Kép ca có danh ca Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Việt Hùng, Út Nhị, Văn Chung…



 Image
Hữu Phước là kép trẻ, nổi danh từ năm 1954 trong quán ca nhạc Họa Mi của cô Năm Cần Thơ. Năm 1956, bà Bầu Kim Thoa mời Hữu Phước về cộng tác trong đoàn hát Kim Thoa. Năm 1958, Hữu Phước gia nhập đoàn hát Thanh Minh - bầu Nghĩa, cùng với Thanh Nga hát hai vai chánh ( Mộng Long và sơn nữ Phà Ca) trong tuổng Người Vợ không bao giờ cưới của hai soạn giả Quy Sắc và Kiên Giang.


Image



Trong địa hạt ca thu thanh trên dĩa hát, danh ca Hữu Phước thành công qua các bộ dĩa “ Mặt Trận Tình Ái” và “ Tình Huynh Đệ “ của soạn giả Thu An hãng dĩa Hoành Sơn, và các bộ dĩa ca vọng cổ độc chiếc của hãng dĩa Lam Sơn: “ Nắm Xương Tàn” “Đội Gạo Đường Xa”, “ Viếng Tháp Chàm” của các soạn giả Quy Sắc, Thái Thụy Phong, Kiên GIang Hà Huy Hà. Có thể nói danh vọng của đệ nhứt danh ca Vua vọng cổ Út Trà Ôn cũng không lấn áp nổi cái thế đang lên của danh ca trẻ Hữu Phước. Hữu Phước tỏ ra si mê tận tụy với nghề hát, anh nuôi hai nhạc sĩ Ba Thu(đờn kìm) Ba Tý( đờn tranh) trong nhà anh để lúc nào cũng có nhạc sĩ giúp anh luyện giọng ca. Ngoài ra Hữu Phước thường mời soạn giả đến nhà để trao đổi ý kiến về tuồng tích nhứt là về các bài ca của nhân vật mà anh thủ diễn.

Image



Lần đó, đoàn Thanh Minh Thanh Nga tập tuồng “ Người về từ cửa biển” của tôi. Trong tuồng có vai cô em gái của tướng cướp biển Việt Hùng, vì yêu quan trấn biên do nghệ sĩ Út Trà Ôn thủ diễn nên bị tướng cướp biển( VH ) nhốt trong hầm đá trên hải đảo. Cận tướng của tướng cướp VH do Hữu Phước thủ diễn, lén vô hầm đá định cứu cô nàng rồi cùng trốn về đất liền nhưng cô em của tướng cướp vẫn yêu viên quan trấn biên mà không để ý gì tới tình yêu của tên cận tướng. Cô ta đành tự sát chớ không ngã vào vòng tray của tên cận tướng si tình.




Image
Khi ráp tuồng tại nhà bà Bầu Thơ, tôi muốn giao vai cô em tướng cướp cho nữ nghệ sĩ Bích Thủy, vợ của ns Hữu Tài nhưng bà bầu muốn trao vai tuồng đó cho Bích Sơn. Tôi thấy giao cho Bích Sơn đóng vai đó có lợi cho đoàn hát và soạn giả vì doanh thu sẽ tăng cao nên tôi viết them vài lớp diễn và bài ca hợp với lối ca của Bích Sơn. Đến lớp cô em gái tướng cướp tự vận, tôi cho nhân vật nữ vừa ngã xuống, tiếng ngâm thơ của Bích Sơn vang lên làm nền cho diễn xuất. Tiếng ngâm thơ của Bích Sơn thật êm, như gió biển rì rào. Vai cận tướng Hữu Phước quỳ bên xác cô gái, gục đầu hối hận, đèn gom lại chiếu thẳng vào Hữu Phước và Bích Sơn rồi lu dần đến tắt hẳn. Tiếng ngâm thơ hậu trường của Bich Sơn :
Biển chiếu mây bay giữa lưng trời,
Sao dời vật đổi, lệ đầy vơi,
Tình gieo ngang trái, tình tan vở,
Nàng đã gieo mình giữa biển khơi!

Image

Hoàng Giang & Việt Hùng

Sau khi ráp tuồng lần thứ hai, Hữu Phước mời tôi ra nhà hàng Kim Châu dùng cơm. Tôi thích ăm cơm gà của nhà hàng này vì cách rang cơm gà của restaurant Kim Châu thật là độc đáo.
Mỗi dĩa cơm gà của nhà hàng Kim Châu là họ dùng nguyên một con gà giò, bên trong bụng con gà, nhà hàng đã để cơm rang sẳn với sốt cà, đậu petit poire, hột sen, nấm Đông cô, cà rốt, tôm khô rang dòn. Họ may bụng con gà lại rồi đút lò, bên ngoài phết beurre bretel. Khi con gà đút lò chin, da dòn đỏ ao, họ phết thêm beurre bretel thơm phứt. Con gà đút lò được để trên dĩa bàn lớn, trang trí thật đẹp với salade, cà tô mát cắt khoanh, cũ cải và càrốt bào sơi ngâm giấm với đường. Khách dùng cơm gà phải lấy con dao rọc bụng con gà ra, vừa ăn cơm rang, vừa ăn thịt gà đút lò kiểu Kim Châu thì ngon hết biết !!!


Hữu Phước gọi một chai rượu chát Bordeaux, chỉ có ba người ăn: Hữu Phước, Nguyễn Phương và anh hai tài xế. Xong bữa cơm, rượu ngà ngà say, Hữu Phước bảo anh Hai tài xế ra xe ngồi chờ, Hữu Phước nói chuyện riêng với tôi. Câu chuyện xoay quanh vở tuồng Người Về Từ Cửa Biển của tôi.
Hữu Phước nói:”  Về cốt truyện tuồng thì không có gì để bàn cải. Các nhân vật trong tuồng do anh Út Trà Ôn, Việt Hùng, Hữu Phước, Thanh Nga, Bích Sơn, Ngọc Nuôi thủ diễn thì vai nào cũng có nhũng lớp diễn đào sâu được tâm lý nhân vật và có chổ để thi thố tài năng ca diễn của diễn viên.”
Tôi nói: “ Hữu Phước chắc muốn đề nghị tôi sửa chổ nào đó, cứ nói thẳng ra, nếu đúng thì tôi sẽ sửa, nếu không đúng thì tôi giải thích cho Hữu Phước biết ý của tôi, tại sao tôi viết như vậy!”
  • Xin anh Nguyễn Phương hứa với tôi là sau khi nghe đề nghị của tôi, anh bằng lòng hay không thì tôi cũng xin anh Nguyễn Phương cam kết là anh sẽ không nói về đề nghị của tôi cho bất cứ ai biết. Nếu anh đồng ý thì tôi mới dám nói ý kiến của tôi.
  • Được rồi, tôi hứa! Mà chuyện gì quan trọng dữ vậy ? Nếu Hữu Phước tin tôi thì nói, không tin thì đừng nói gì cả. Về bữa cơm thịnh soạn này, Nguyễn Phương hứa sẽ đãi lại Hữu Phước, muốn ăn ở restaurant nào hay muốn một buỗi du hí dancing thì Nguyễn Phương cũng xin đáp lại một chầu đàng hoàng!
  • Không phải chuyện ăn nhậu hay du hí. Anh đã hứa thì tôi đề nghị anh giúp tôi bằng cách sửa tuồng anh ở hai điểm!
  • Sửa hai điểm!  Điểm nào?
  • Tôi đề nghị anh Ba (Hữu Phước gọi tôi là anh Ba chớ không gọi Nguyễn Phương như thói quen) Tôi đề nghị anh Ba, thứ nhứt là cách bố trí bài ca trong tuồng của hai vai: của anh Mười Út và của Hữu Phước: Xin đừng để Hữu Phước ca nối câu ca vọng cổ của anh Mười Út. Anh mười Út ca hai câu vọng cổ, sau đó anh Ba cho diễn một lúc rồi cho Hữu Phước ca hai câu khác chớ không viết liền bốn câu vọng cổ như trong tuồng đang tập đây.
  • Được! đề nghị này hợp lý. Tôi sẽ viết cho anh Mười Út ca câu 1, 2. Sau đó ở một chổ khác tôi sẽ viết cho Hữu Phước vô hai câu 5, 6.
  • Đúng vậy! Nhưng Hữu Phước đề nghị về câu vọng cổ viết cho Hữu Phước khác hơn cách viêết vọng cổ cho anh Mười Út.
  • Được… được! Tôi sẽ viết vọng cổ cho anh Út Trà Ôn, câu vô vọng cổ thì viết theo lối thơ Tao Đàn hay Tứ Tuyệt, lòng câu thì viết theo văn có vần hay thơ thất ngôn, thơ song thất lục bát vì anh Mười Út ca theo lối này rất hay. Nhịp chắc, lời ca rõ, hơi ca rông và vang lộng!
  • Đúng là đúng với sở trường ca của anh Mười.
  • Riêng Hữu Phước thì tôi sẽ viết cho Hữu Phước hai câu vọng cổ 5, 6. Câu vô vọng cổ sẽ viết nhiều chữ,  Hữu Phước nói lối dồn dập như nước chảy, ào ạt  rồi vô vọng cổ chữ hò thật êm. Vô vọng cổ xong, vế đầu tới hò thì sẽ viết khoảng 8 đến 12chữ để Hữu Phước chạy nhảy trên câu ca đó. sau song lang giữa, đến dứt câu xề vọng cổ 5 , tôi viết câu nhiều chữ nhưng có vần điệu để cho Hữu Phước luyến láy diễn đạt tình cảm của nhân vật qua câu ca.
  • Đúng như ý muốn của em! Em thích ca văn xuôi nhiều chữ như là một lối nói nỉ non tâm sự.
Sửa bài ca theo như ý của Hữu Phước thì gần như viết lại hai phần ba vở tuồng, vì không phải viết một câu vọng cổ là chỉ chú trọng về văn chương, nhịp điệu, tiết điệu mà còn phải bố cục sao cho hành động kịch xúc tích đưa đến cao trào phải có ca vọng cổ thì bài ca mới lý giải được tình cảm của lớp diễn đó một cách hợp lý và khiến cho khán giả nghe ca vọng cổ chổ đó một cách run động và thoải mái. Tôi đang suy nghĩ , xấp xếp lớp lang để sửa các câu vọng cổ, bỗng nghe Hữu Phước nói:
  • Còn đề nghị thứ hai!
  • Ứ, phải ! Hữu Phước đề nghị gì ?
  • Tôi đề nghị lớp vai cô đào do Bích Sơn đóng, chết ở bờ biển. Theo anh Nguyễn Phương viết thì khi Bích Sơn chết, có giọng của Bích Sơn ngâm ở hậu trường 4 câu thơ:
Biển chiếu mây bay giữa lưng trời
Sao dời vật đổi, lệ đầy vơi,
Tình gieo ngang trái tình tan vở
Nàng đã gieo mình giữa biển khơi.
  •  vai tướng cận do em đóng, quỳ bên xác của cô nàng, gục đầu hối hận. Điều đó đúng theo ý tuồng và nếu diễn như vậy thì đề cao vai trò của Bích Sơn mà vai cận tướng của Hữu Phước thì chỉ là một người thụ động, làm nền tôn vinh cái chết của cô đào. Anh Ba có cách nào nâng cao vai trò của Hữu Phước ở chổ này mà không làm mờ vai trò của Bích Sơn không ?
  • Nâng cao vai trò của Hữu Phước ở chổ này, có nghĩa là Hữu Phước sẽ là nhân vật làm bàn khi bỏ màn chớ không phải Bích Sơn với cái chết bi thảm để bỏ màn !
  • Đúng vậy! Nhưng chổ này nhứt định vai đào của Bích Sơn phải chết tức tưởi như vậy thì vô màn sau, vai tướng cận mới có lý do chống lại tướng cướp biển Việt Hùng. Bỏ cái chết của Bích Sơn thì tuồng sẽ không gay cấn… Anh Ba nghĩ sao ?
  • Mầy kêu cho tao một cái cà phê phin, tao uống cho tỉnh, hút một điếu ci gà rồi mới tính tới được.
  • Dạ ! Phải ! Phải, em quên !
Hữu Phước gọi hai cái cà phê phin, mua tặng tôi một hộp cigare Cuba. Tôi tà tà uống cà phê, hút thuốc cigare, nhìn Hữu Phước suy đoán. Anh này muốn kiếm chổ hát cho ngon lành hay còn muốn gì nữa không ? Hữu Phước uống cà phê, hút thuốc Capstan, ngồi nhắm mắt lim dim như dưỡng thần, kỳ thực anh ta muốn tôi có ý kiến mau mau rồi còn về nhà ngủ để tối ra rạp hát. Tôi hỏi:
      -   Tao có cảm giác là mày thích cô Bích Sơn …
-   Em chỉ thích ca, diễn với cổ thôi! Cô ta đẹp, hiền, dễ thương, vậy thôi! Chớ em có vợ rồi mà anh Ba !
-  Bây giờ tao viết cái lớp Bích Sơn chết, mày làm cận tướng, yêu cô ta, mầy bồng xác lên, ngâm mấy câu thơ rồi đi dần vào trong, kế đó màn buông xuống từ từ, mày chịu không ?
       -  Trời ơi! Anh Ba, anh nói đúng như ý của em muốn đề nghị với anh Ba như vậy đó. Hát mà bồng được         Bích Sơn trên tay thì đó là diễm phúc của đời em !
-   Tao viết như vậy, mày lẹo tẹo gì đó thì con Thiện nó chưỡi tao!( con Thiện là vợ chánh thức của Hữu Phước, vì quá thân nên khi nói chuyện với Hữu Phước, nói về vợ của anh, tôi thường gọi : con Thiện!)
-   Em thề với Tổ nghiệp…
-   Khỏi thề ! Mày dám viện tới Tổ nghiệp thì tao tin mày( Tôi lấy giấy viết ra vì lúc nào đi tập tuồng tôi cũng có mang theo giấy, viết), Mày chờ tao viết mấy ý chính, coi được thì về nhà tao sẽ viết hoàn chỉnh, ngày mai tập tuồng tao sẽ sửa: Tao nói là ý của tao muốn vậy đó. Mày đồng ý thì lên tiếng liền, đừng để cho anh Mười Út và cô Bích Sơn có ý kiến, kẻo bà bầu Thơ nghe theo ý của anh Mười Út thì kẹt đa!
Hữu Phước nói đi ra ngoài một chút, anh ta không muốn làm cho tôi rối trí. Tôi hút gần hết nửa điếu xi gà, uống hết một phin cà phê, kêu thêm bình trà Thiết Quan Âm, mấy cái bánh hạnh nhân… tôi ráng viết được 8 câu thơ kết thúc màn hát đó.
Tôi dặn Hữu Phước, tới lớp Bích Sơn lảo đảo, Hữu Phước dìu BÍch Sơn lại ngay hướng micro giữa sân khấu để khi Bích Sơn nằm xuống thì đầu của Hữu Phước đã đúng vào tầm cái micro giữa sân khấu. Như vậy thì Hữu Phước không cần hát lớn tiếng mà giọng ca vẫn được micro phóng lớn ra. Tám câu thơ viết thêm cho cận tướng Hữu Phước ở lớp đó như sau:
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng,
Thuyền tình phiêu lãng bạt tràng giang
Chiều sương, một cánh bườm tơi tả,
Ngược lái về đâu cũng ngỡ ngàng!
Tàn một đời hoa, quạnh bóng trăng,
Vàng chìm sông lệ, ai băn khoăn?
Bốn phương tri kỷ hoài nhân thế,
Ai đốt hương trầm vọng cố nhân ?
Hữu Phước trở vô restaurant Kim Châu, thấy tôi đã viết xong, anh lấy lên khe khẻ ngâm: « Hay quá ! Cám ơn anh Ba,  em sẽ ngâm mấy câu thơ này một cách xuất thần, anh Ba tin em đi!
  • Hữu Phước đừng ráng bồng Bích Sơn lên ngay vì Bích Sơn không nhẹ đâu. Bồng lên mà ngâm thơ thì sẽ mất sức, không ngâm nổi tám câu đâu. Phải quỳ bên xác cô nàng, ngâm bốn câu thơ đầu, sau đó bồng lên, ngâm tiếp 4 câu sau và từ từ đi vô. Nếu bồng không nổi, để Bích Sơn xuống là hư lớp diễn đó …  
  • Khi tập tuồng em sẽ bồng thử Bích Sơn, xem cô ta nặng như thế nào, thử xem em có thể ngâm được mấy câu thơ thì mỏn hơi…
  • Hữu Phước nên nghe lời dặn của tôi. Cậu quỳ bên xác cô nàng, khẻ nâng đấu cô ta lên, Hữu Phước ngâm bốn câu thơ đầu. Xong bồng cô lên, hai câu thơ kế như nói thơ Tao Đàn: Tàn một đời hoa, quạnh bóng trăng, Vàng chìm sông Lệ, ai băn khoăn.
  • Hữu Phước ngâm hai câu thơ sau: Bốn phương tri kỷ, hoài nhân thế. Ai đốt hương trầm vọng cố nhân. Ngâm đến đây, Hữu Phước bồng người yêu lên, lưng hướng về khán giả, từ từ đi vô buồng, màn nhung cũng buông xuống từ từ…
Bữa tập tuồng sau, khi tôi sửa tuồng, anh Mười Út nói để như cũ thì hay hơn. Bà bầu Thơ nói tùy theo ý của tác giả. Bích Sơn thì hiểu là tôi ngã về Hữu Phước nhưng cô cũng thấy sửa lại thì hay hơn trước. Bốn câu thơ của cô vẫn để nguyên, cô rất hài lòng nhưng cô đề nghị để cô nằm nghiêng chết trên gộp đá chớ không cần cận tướng Hữu Phước bồng lên.
Hữu Phước thì nhứt định muốn bồng Bích Sơn để thực hiện lớp bỏ màn tình cảm này.
Hôm hát kiểm duyệt phúc khảo, có tranh cảnh, hóa trang và mặc y phục như đêm diễn, anh Hoàng Nguyên, anh Nhàn, trưởng, phó Ban kiểm duyệt của Bộ Thông Tin đến xem, có các ký giả kịch trường dự khán, Hữu Phước ngâm 8 câu thơ kết thúc màn này thật xúc cảm. Bốn câu thơ đầu thì không có vấn đề gì, khi ngâm bốn câu thơ sau, khi Hữu Phước cúi xuống bồng xác người yêu lên, Hữu Phước vừa ngâm thơ, cô người yêu trên tay Hữu Phước bỗng ẹo mình, người chết như vụt sống lại. Khán giả cười rân lên.
Hữu Phước tức quá, nói: « Tôi bồng cô lên để ngâm bốn câu thơ, có gì quá đáng đâu mà Bích Sơn quằn quại cho khán giả cười là xác chết chưa chết!»
Bích Sơn cải chính: « Đâu phải em không muốn cho anh bồng lên như ý của soạn giả, chỉ vì anh đóng vai tướng cướp, râu ria xồm xàm, anh cúi xuống định bồng em lên thì râu ria của anh chỉa vô bụng của em, nhột quá, chịu gì nổi mà hỏng quằn quại.»
Bà Bầu Thơ, các ký giả và nghệ sĩ trong đoàn đều cười. Mọi người đề nghị bỏ cái lớp bồng lên, Hữu Phước quỳ bên xác chết của người yêu, ngâm 8 câu thơ để bỏ màn.
Hôm hát khai trương tuồng đó, Hữu Phước nói nhỏ với tôi: « Tại em thề có Tổ nghiệp, vậy nên ông Tổ không cho bồng BÍch Sơn lên được. Nói thiệt với anh Ba, em… em cũng cảm BÍch Sơn lắm !»
  • « Nè, đã viện dẫn Tổ nghiệp ra thề, đừng có nói điên, ông Tổ lấy nghề lại nghe Hữu Phước!»
Hữu Phước le lưỡi, chấp tay hướng về bàn thờ Tổ xá xá…
Không biết Bích Sơn có biết cái bụng lẹo tẹo của Hữu Phước không, nhưng cô ta khôn khéo không cải lời, không từ chối vì cô biết là các ký giả sẽ không tán thành cái màn bồng một diễn viên mà phải ngâm bốn câu thơ. Họa chăng có kép hát lực sĩ thì mới có thể thực hiện được cái màn hát đó.
Nhớ những kỷ niệm vui trên sân khấu, 60 năm qua rồi, hồi đó nghệ sĩ chỉ nghĩ làm sao hát cho hay cho khán giả xem, tuyệt nhiên không ai bị bắt buộc phải hát như thế này hay hát những câu hát nào để tuyên truyền cho một thế lực nào ngoài cái ý giản dị là hát cho hay cho khán giả xem.
Vì vậy mà hồi trước 1975, có nhiều tuồng hay, nhiều nghệ sĩ ca ngâm tuyệt diệu. Nhớ hoài cái thời nghệ sĩ được tự do sáng tác, tự do biểu diễn trước năm 1975.
Nguyễn Phương 2014.





Image

Image







 

Nguồn tin: SG NGUYỄN PHƯƠNG - CLVNCOM