Năm Châu có tiếng mà không có miếng - Nghệ sĩ đi xe hơi Hữu Phước

Nghệ Sĩ Hữu Phước

Nghệ Sĩ Hữu Phước

Trong hoạt động kịch nghệ sân khấu, tên tuổi nghệ sĩ tiền phong Năm Châu đã đi vào lịch sử văn hóa nước nhà, sự nghiệp nghệ thuật của ông khó ai sánh được. Là người có trình độ, là cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, ông thi đậu bằng Thành Chung nhưng không làm công chức ở các cơ sở chính quyền, mà đi... hát cải lương.

Rạp Nguyễn Văn Hảo được coi như lớn nhứt ở Sài Gòn, từng được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có đến 3 từng lầu với trên 800 chỗ ngồi.

Rạp Nguyễn Văn Hảo được coi như lớn nhứt ở Sài Gòn, từng được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo. Rạp có đến 3 từng lầu với trên 800 chỗ ngồi.
 

Đoàn Việt Kịch Năm Châu

Từ cuối thập niên 1930 cho đến những năm đầu thập niên 1940, gánh hát Năm Châu chuyên hát ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Bà Chiểu, Gia Định. Hằng đêm khán giả nếu không đầy rạp thì cũng trên dưới nửa rạp, coi như lúc nào cũng có khán giả. Nhờ vậy mà đào kép công nhân sống được, thì đâu có đi lưu diễn chi xa cho tốn kém.

Thế nhưng, từ lúc Nhựt Bổn đóng quân ở Sài Gòn, máy bay Đồng Minh dội bom, tình hình lúc đó rất lộn xộn, khó làm ăn, đoàn Việt Kịch Năm Châu đang diễn ở rạp Hòa Bình (Xóm Củi) đành phải nghỉ, đào kép ai ở đâu thì về đó.

Đến Tháng 5 – 1946, thấy có thể bắt đầu gầy dựng lại sân khấu cải lương, nên Năm Châu đứng ra tập hợp anh chị em phân tán các nơi về. Vợ chồng Năm Nở từ Sa Đéc lên Sài Gòn; vợ chồng Ba Vân khi Tây chiếm Bến Tre, bèn chạy sang Mỹ Tho để gặp cô Bảy Phùng Há. Đến đây Ba Vân được tin Năm Châu gọi về, rồi lần lượt anh chị em nghệ sĩ khác cũng về quy tụ, thành lập đoàn cải lương “Con Tằm”. Bảng hiệu có vẽ thêm chữ “Con Tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.

Năm Châu phụ trách đoàn hát, có thể nói từ trước cho đến lúc đó (và có lẽ về cả sau này) chưa có một đoàn hát nào có số lượng đông đảo các nghệ sĩ tài danh như vậy. Kép có Năm Châu, Năm Nở, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Tư Út, Từ Anh, Duy Lân, Mười Bửu..., Phía đào có Năm Phỉ, Phùng Há, Ngọc Sương, Bảy Nam, Thanh Loan, Kim Thoa, Kim Lan, Kim Cúc...

Đoàn Con Tằm có 4 vở tuồng: Hai vở “Vó Ngựa Truy Phong” và “Hội Yêu Chồng” của Lê Hoài Nở; hai vở của Trần Hữu Trang là “Hoa Cuối Mùa” và “Chị Chồng Tôi”. Tuồng hay, đào kép nổi tiếng, đêm nào cũng chật rạp, hiện tượng hiếm có của sân khấu cải lương. Cứ theo cái đà này chẳng mấy chốc “Con Tằm” nhả tơ ngọc quý!

Nhưng ở một gánh hát mà nhiều nghệ sĩ tài hoa quá, nhiều đào kép chánh quá, nhiều ông bà có khả năng làm bầu gánh quá, nên chẳng bao lâu đã đến lúc họ chia tay! Cô Bảy Phùng Há về lại Mỹ Tho dựng đoàn “Phùng Há”, kéo theo mình những Mười Bửu, Ba Vân, Tư Út, Từ Anh, Duy Lân. Nghệ sĩ Bảy Nhiêu về Long Xuyên lập gánh Nam Phương; cô Năm Phỉ lập gánh “Năm Phỉ” và Năm Nở thì về lại quê nhà.

Thế là “Con Tằm” đã hết... lá dâu.

Lá dâu mà hết còn đâu... “Con Tằm”!

Coi như “Con Tằm” rã gánh, Năm Châu tiếp tục gầy dựng lại với bảng hiệu cũ “Đoàn Việt Kịch Năm Châu”.

Năm Châu cũng đồng thời là soạn giả của nhiều tuồng cải lương nổi tiếng, các tuồng Sân Khấu Về Khuya, tuồng Vợ Và Tình mang nhiều kịch tính xã hội, được hãng dĩa hát thu thanh phát hành bán cùng khắp Đông Dương, làm giàu cho hãng dĩa.

“Năm Châu có lúc nào giàu đâu”

bay-nhieu-305.jpg
Nghệ sĩ Bảy Nhiêu và 2 cô con gái Kim Cúc, Kim Lan. Ðào Kim Cúc là vợ của nghệ sĩ Năm Châu, và đào Kim Lan từng đóng vai Thị Kính trong cuốn phim Quan Âm Thị Kính, do Năm Châu hợp tác với hãng phim Mỹ Vân thực hiện năm 1956.

Thế nhưng, Năm Châu thì vẫn nghèo, trên đường sự nghiệp lận đận, cái thời mà các nghệ sĩ thuộc thế hệ đàn em như Thành Được, Hữu Phước, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm... họ đi xe hơi thay đổi liên miên, tiền xài như nước. Trong khi đó thì Năm Châu chỉ lạch cạch với chiếc Mobylette hoặc Vespa, Lambretta. Cũng có lúc ông đi xe hơi nhưng lại là xe cũ kỹ, nằm đường không biết bao nhiêu lần, rốt cuộc rồi cũng phải tống khứ nó đi cho rảnh nợ.

Làm bầu gánh hát suốt 15 năm, soạn giả Năm Châu vẫn không khá, ngày nào còn làm bầu gánh là ngày ấy còn mang nợ. Có lần tôi đi San Diego miền Nam California gặp ông Ba Bản, chủ nhân hãng dĩa hát Hoành Sơn, cũng đồng thời là bầu gánh Thủ Đô. Tiếp xúc trò chuyện với ông khi đề cập đến Năm Châu thì ông Ba Bản có nói rằng: “Năm Châu có lúc nào giàu đâu”! Như vậy cho thấy rằng cuộc đời nghệ thuật của Năm Châu thì cao vòi vọi, sáng như vì sao, tiếng tăm lẫy lừng, từ Nam chí Bắc thiên hạ biết tên ông. Thế mà đời sống vật chất thì chật vật, thiếu trước hụt sau. Các ký giả kịch trường vào thời đó, trong những lúc trà dư tửu hậu tán gẫu, họ hay đem câu nói của người xưa ra nói rằng: “Năm Châu có tiếng mà không có miếng”!

Từ giữa thập niên 1950 Ban Việt Kịch Năm Châu xuống dốc thê thảm, loại tuồng xã hội của ông viết rất hay, mang nhiều ý nghĩa xây dựng, nhưng lại không ăn khách, khán giả hằng đêm lưa thưa, ghế ngồi bỏ trống hơn 2 phần ba là thường, hễ mở màn hát là nắm chắc phần lỗ lã. Cũng đồng thời trong thời gian đó thì gánh Thanh Minh của Năm Nghĩa hát tuồng có đánh kiếm, có bay vòng trên sân khấu, mà cốt truyện thì đâu đâu, chẳng nói lên ý nghĩa gì hết, thế mà lại ăn khách. Cũng như gánh Hoa Sen của Bảy Cao đưa lên sân khấu tuồng chiến tranh, có xe tăng, xe lửa, máy bay, có bắn súng, tập trận thì khán giả lại chịu đi coi.

Trước hiện tình coi như không có thời kia, nếu kéo dài thì càng chết sâu hơn, Năm Châu quyết định cho đoàn hát ngưng hoạt động, đem về nằm ở trại cưa bên kia Cầu Bông, để cho nghệ sĩ công nhân tạm ngụ đi tìm việc sinh sống chờ thời. Riêng ông và gia đình ông thì lãnh chuyển âm tiếng Việt cho các phim Nhựt Bổn, phim Phi Luật Tân, phim Ấn Độ...

Lúc bấy giờ khán giả cải lương rất thích đi coi các phim nào có ban Năm Châu chuyển âm, vì người ta rất quen thuộc với tiếng nói của những Kim Lan, Kim Cúc, Từ Anh, Bảy Nhiêu và dĩ nhiên là của Năm Châu. Những phim Nhựt Bổn do Ban Năm Châu chuyển âm gồm có phim Áo Người Trinh Nữ, Những Kẻ Khát Tình (tức Nữ Hoàng Trên Hoang Đảo), Người Đi Trong Mưa Gió... và phim Phi Luật Tân nhập vào thì có phim Chồng Người Vợ Cá, phim Cô Gái Bay, phim Hòn Đảo Rắn Ma...

Thời gian chuyển âm phim, tiếp xúc với giới điện ảnh, học được nghề này, Năm Châu nhận thấy bên lãnh vực phim ảnh coi vậy mà khá hơn cải lương nhiều, lại khỏi bị cái cảnh đào kép làm eo, làm khó dễ, nên ông nảy sinh ý định chuyển hướng nghệ thuật, chuyển hướng làm ăn cho đào kép cải lương vốn là người nhà trở thành tài tử đóng phim, và lấy tuồng cải lương mới, củ loại bỏ bài ca ra, viết trở lại thành kịch bản phim. Đồng thời hợp tác với hãng Mỹ Vân Film cho ra đời cuốn phim Quan Âm Thị Kính, mà trước đó là tuồng cải lương được thu thanh dĩa hát.

Và tiếp đây nói về “nghệ sĩ đi xe hơi” Hữu Phước

Nghệ sĩ Hữu Phước, một diễn viên rường cột của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, và là một nghệ sĩ kỳ cựu nhứt của đoàn này suốt 10 năm cộng tác. Trải qua bao “biến cố”, từ bầu Năm Nghĩa từ trần, Út Trà Ôn ra đi, rồi đến Hoàng Giang trở lại. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga lên xuống không biết bao lần, kép Hữu Phước vẫn trung thành với bảng hiệu này, và ảnh chỉ ra đi khi có Thành Được về.

Hữu Phước là “nghệ sĩ đi xe hơi” từ thập niên 1950, chỉ sau Út Trà Ôn, Thanh Tao. Suốt hơn cả chục năm sống vàng son, cho đến thời kỳ mà cây cải lương bị cơn bão Mậu Thân thổi cho lung lay, kế tiếp thì bị lưỡi tầm sét thiên lôi của truyền hình đốn cho tê liệt luôn, thì không những đào kép hạng thường, chạy đôn chạy đáo kiếm nghề khác để sống, mà kép chánh từng ký giao kèo bạc triệu như Hữu Phước cũng phải làm việc khác, dù rằng không thích hợp với sở trường của anh ta.

Lúc đang hát cho đoàn Thanh Minh ở ngoài Trung, rồi nghe đoàn Dạ Lý Hương hứa sao đó nên bỏ về Sài Gòn, thì lại chẳng thấy Bầu Xuân giám đốc đoàn nói năng gì thêm. Nản quá, Hữu Phước bèn quay sang đoàn Thái Dương, thì được bầu Mười Thi kêu chạy vốn bỏ vô hùn hạp làm ăn với đoàn Thái Dương 2. Vậy là tin lời, Hữu Phước chạy đi vay nợ, nhưng sau đó thì Mười Thi làm lơ luôn, khiến cho Hữu Phước tức mình nói rằng bị người ta cho... leo cây khế (lúc mới vào nghề Hữu Phước đóng vai con quạ ăn khế).

Thế là thay vì lấy tiền đó mà hùn hạp làm bầu cải lương, Hữu Phước lại xuất ra làm bầu sô đại nhạc hội, bị lỗ là cái chắc. Các tay chuyên môn tổ chức đại nhạc hội như Tùng Lâm mà còn chạy dài ở thời điểm đó, hà huống gì Hữu Phước là tay mơ thì làm sao kiếm ăn nổi chớ!

Làm bầu sô không xong, đến lúc đoàn văn nghệ Việt Nam đi Lèo trình diễn tại hội chợ That Luang. Hữu Phước không có tên trong đoàn, nhưng cũng nổi hứng đi du lịch với tư cách riêng. Do đó, khi đến nơi ai nấy cũng được trưởng ban lo chỗ ăn chốn ở, riêng Hữu Phước mặc nhiên anh phải tự lo lấy. Tuy nhiên vì muốn tiết kiệm tối đa, anh ta đến nhờ Thanh Việt cho ngủ chung. Thanh Việt đồng ý, vãn hát Hữu Phước đến bên Thanh Việt định cùng về với anh này. Nhưng khi thấy Hữu Phước thì Hề Râu làm như quên  lời hứa ban chiều nên hỏi:

- Hữu Phước tối ngủ đâu?

Hữu Phước đáp liền không do dự:

- Thì tao ngủ ví mày.

Thanh Việt ra bộ giẫy nẩy:

- Ý đâu được na, từ thuở giờ tui hổng chịu ngủ chung ví ai hết. Hổng được đâu, anh đi kiếm chỗ khác ngủ đi.

Hữu Phước tức mình nhắc lại lời hứa của Thanh Việt ban chiều, Hề Râu nói tỉnh bơ:

- Ai biết đâu, tui tưởng anh hỏi chơi.

Sau đó Thanh Việt bỏ đi luôn một nước về phòng trọ, Hữu Phước nhìn theo bậm môi khiến miệng anh đã móm lại càng móm thêm, và đêm đó anh đành khoanh tròn trên sân khấu Odéon Rama làm bạn với muỗi.

Ngành Mai

Nguồn tin: tcgd theo RFA