Hát bội với Lễ Hội Kỳ Yên ở đình làng

Hát bội với Lễ Hội Kỳ Yên ở đình làng
Hằng năm sau khi ăn Tết Nguyên Đán xong, là ở thôn quê người ta bắt đầu chuẩn bị cho Lễ Hội Kỳ Yên ở đình làng.

Khắp miền Nam nước Việt, làng nào cũng có một ngôi đình thờ thần hoàng bổn cảnh, và thông thường thì các làng xã nào mà dân chúng làm ăn khá, trúng mùa thì mỗi năm Lễ Hội Kỳ Yên đều có rước hát bội về, như trường hợp xã Thắng Nhì ở Bến Đình, Vũng Tàu chẳng hạn. Sở dĩ xã Thắng Nhì tổ chức hát bội hằng năm là do dân ở đây với nghề đi biển đánh cá, được coi như làm ăn khá hơn các làng xã khác.

 



Vở hát bội mới Trần Hưng Đạo. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)


Mấy năm gần đây, nhiều địa phương có điều kiện tổ chức lớn Lễ Hội Kỳ Yên, vì có kiều bào ở nước ngoài yểm trợ tài chánh, nên đa số đều có chầu hát bội.

Cứ đến mùa này là có một số nghệ sĩ hát bội, đứng ra lãnh chầu: Thuê đồ hát, thuê âm thanh, ánh sáng, gom diễn viên, nhạc sĩ, hình thành một ban để ký hợp đồng trình diễn. Để phục vụ cho mùa lễ hội thì bắt đầu từ tháng 11 Âm lịch là anh chị em nghệ sĩ hát bội từ khắp nơi trong thành phố cũng như ở các tỉnh xa lại kéo về tụ tập tại nhà nghệ sĩ Ngọc Khanh (con gái cô Ba Út nổi danh tài sắc một thời), lấy đó làm điểm hẹn cũng như nơi xuất phát cho những chuyến đi xa.

Lễ Hội Kỳ Yên Tháng Giêng hằng năm là lễ hội được tổ chức lớn nhất, trong đại nhất. Lễ hội cầu phúc cho thế giới hòa bình, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho sự an khang thịnh vượng của thập phương bá tánh...

Lễ Kỳ Yên cũng như bao nhiêu lễ hội trên đất nước chúng ta, là dịp để người dân địa phương biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn các vị anh hùng, các bậc tiền nhân đã góp phần tạo dựng, và có nhiều công lao với quê hương, với dân tộc. Đó là những ngày làm sống lại thật sự một quá khứ xa xưa, được biểu hiện như một đặc trưng truyền thống trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Gắn liền với lễ cúng tế thần linh là chầu hát bội. Nơi nào mà đáo lệ, Ban Quí Tế Hội Đình không tổ chức được chầu hát bội thì ai ai cũng tiếc. Bởi chính hát bội đã mang lại không khí tưng bừng cho lễ hội, niềm phấn khởi rạng rỡ cho mọi người, từ các bậc phụ lão đến thanh niên phụ nữ trẻ con. Mỗi năm một lần, ngày hội cúng đình có nơi còn vui hơn ngày Tết.

Trong những buổi cúng đình, hát bội thường diễn liên tục, vậy mà xuất diễn nào cũng đông chật khán giả. Càng ở những vở diễn sau càng thu hút được số lượng người xem nhiều hơn. Cái không khí vừa tưng bừng vừa trang trọng đó, cứ diễn đi diễn lại, năm này sang năm khác, với những con người nối tiếp đi qua, từ đời ông cha, đến đời con cháu. Ngót hai thế kỷ đã qua, tập tục tốt đẹp ấy vẫn tiếp nối duy trì, có ai dám bảo là mê tín dị đoan hay hủ tục làm mất thời giờ vô ích, mà phải coi đó là một hình thức tín ngưỡng ăn sâu vào đầu óc dân quê, không có gì phá bỏ được.

Cũng có những xã vài ba năm mới có hát bội, còn những làng xã nghèo quá thì cả chục năm vẫn không có hát bội. Thông thường một chầu hát bội gồm có 5 hay 6 tuồng diễn ra trong 2, 3 ngày tùy theo yêu cầu từng địa phương.

Các nhóm và các đoàn họ nhận ít nhất là hai chầu và nhiều nhất là tám chầu. Nhưng vẫn không đủ! Vì thiếu đào kép, một số diễn viên chính phải “chạy sô,” sáng nơi này, chiều nơi nọ, tối nơi khác. Do số lượng diễn viên và nhạc công rất ít chỉ hơn 30 người nên hầu như xuất diễn nào diễn viên cũng có vai. Không thiếu trường hợp sau những xuất diễn thứ 2, thứ 3, trong lúc trên sân khấu rộn rã tiếng đờn ca, thì nơi hậu trường đã có vài diễn viên đang ngồi cạo gió cho nhau... Có người phải hát ba xuất cho một ngày, hát hết các đợt chầu, đa số các diễn viên đều bị tắt tiếng, nói không ra hơi.

Đã vậy có nhiều địa phương đòi hỏi ban hát phải kéo dài mỗi xuất từ bốn đến sáu tiếng đồng hồ. Rồi thì cũng phải chấp nhận các điều kiện của nơi tổ chức hát cúng, họ đòi tuồng nào, hát tuồng nấy, kéo dài từ sáng tới chiều, từ đầu hôm tới hừng đông. Tội cho diễn viên và nhạc sĩ. Coi hát kiểu đó, khán giả còn ngất ngư, huống chi những người làm nghệ thuật.

Hầu hết các ngôi đình ở địa phương, nếu có võ ca thì rất chật hẹp, mái lợp tôn hay lớp ngói rất thấp, nên nóng ghê lắm! Trời nắng, người đông, diễn viên lại mặc đồ hát bội rườm rà, khi phải vừa hát vừa múa. Khán giả thì mê lắm, ráng chịu nóng nực để xem hát, người lớn thì quạt liền tay, đám trẻ nhỏ cởi trần, mọi người nói chuyện, cãi vã nhau như hợp ca. Tội nghiệp các nhạc công, bị khán giả lấn ép, phải ngồi chịu đựng từ đầu đến cuối buổi diễn.

Những điều này cho thấy, với các nghệ sĩ hát bội chỉ là một đam mê nghệ thuật chứ không phải là phương tiện kiếm sống. Dường như trong thời gian đăng đẳng của một năm, được bước lên sân khấu trong mấy tháng của ngày lễ hội là hạnh phúc, là điểm tựa tinh thần cho người nghệ sĩ hát bội hôm nay.

Thế nhưng có mấy ai biết đằng sau lớp trướng, chốn lộng lẫy kia là người nghệ sĩ hát bội, bởi niềm đam mê kỳ lạ cũng như nỗi buồn âm thầm vào cái nghiệp dẫu cơ cực, khốn khó nhưng không dễ gì dứt bỏ được. Có dịp tiếp xúc với hát bội trong những ngày lễ hội như thế này, mới thấm thía lòng yêu nghề tha thiết, sự cố gắng vượt bậc đến mức gần như kiệt sức vậy.

Vì vậy lễ hội chấm dứt là nỗi buồn chia tay bắt đầu - Chia tay với hát bội, chia tay giữa những người nghệ sĩ để trở về với đời thường, xoay xở mọi cách kiếm sống chờ đợi ngày tái ngộ năm sau.

Rõ ràng, hát bội cho đến ngày nay vẫn là một trong những loại hình đặc sắc nhất của dân tộc. Nó có khả năng tồn tại, phát huy và giữ được sức sống lâu bền, bởi dưới một góc độ nào đấy nó thật sự cần thiết cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Vấn đề là làm thế nào để loại hình nghệ thuật này ngày càng hay hơn, hấp dẫn hơn, vừa giữ được tinh túy của truyền thống, vừa có những bước cải tiến sao cho hợp với trào lưu để khán giả ngày càng đến với hát bội đông hơn, để người nghệ sĩ thật sự yên tâm đeo đuổi loại hình nghệ thuật này.

Các ban hát bội chuyên đi hát chầu, lo tìm nơi hát vài xuất để kiếm tiền cho anh chị em vui vẻ trong mấy ngày Xuân. Đa số anh chị em hát bội đều là những nghệ nhân khá lớn tuổi, nghèo, cùng tập hợp lại đi hát, đồ đạc thì phải mướn đủ mọi thứ từ cảnh trí, y phục, micro, dàn nhạc, cho nên sau một đêm hát, chi phí mọi thứ kể cả tiền chuyên chở cũng không còn lại được bao nhiêu để cùng chung sống.

Cuộc sống khó khăn của người nghệ sĩ hát bội, mà nay đang bị người đời dần quên lãng, một nền sân khấu cổ truyền của dân tộc vốn rất tinh túy, đặc sắc nhưng cũng đang dần bị mai một.

Ngành Mai

 

Nguồn tin: tcgd theo NV