Hạng Ba Giải Khôi Nguyên Vọng Cổ năm 1964 Nữ nghệ sĩ Xuân Lan và cuộc đổi đời

Hạng Ba Giải Khôi Nguyên Vọng Cổ năm 1964 Nữ nghệ sĩ Xuân Lan và cuộc đổi đời
CLVNCOM - Sau khi bà Tiến sĩ Kathérine Muller Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam tuyên bố công nhận và trao mãnh bằng chứng nhận “ Nghệ Thuât Đàn Ca Tài Tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “ từ thành phố Sàigòn đến các tỉnh, các quận , huyện ở miền Nam, ở đâu cũng có tổ chức những” Ban, Nhóm Đàn Ca Tài Tử “ của địa phương.
Nhiều nam nữ nghệ sĩ tài danh không còn sân khấu để hát vì đoàn hát rã, về các địa phương lập ra các Quán Nghệ sĩ, Quán nhậu có đàn ca cổ nhạc. Nhiều tổ chức du lịch sinh thái của các quận huyện đưa đàn ca tài tử vô trong chương trình các chuyến tổ chức du lịch cho du khách ngoại quốc và trong nước. Ở thành phố, nhiều nghệ sĩ cải lương tài danh chia nhau đến các trường Đại Học, Trung Học, thuyết trình về Đàn Ca Tài Tử , họ ca nhiều bài vọng cổ và những bản cổ nhạc, sau đó dạy cho học sinh ca những bài cổ nhạc dễ ca, dễ học... Các Trung tâm văn hóa & Giáo dục đào tạo của các quận 1, 3, 5… ở thành phố tổ chức những “ gala đàn ca tài tử “ trong 15 trường học để các thầy, cô giáo và học sinh chơi đàn ca tài tử cổ nhạc. Hội Sân khấu phối hợp với đoàn hát Trần Hữu Trang tổ chức 9 lần thi tuyển gìọng ca Chuông Vàng Vọng Cổ…
Những hoạt động rầm rô đó do cơ quan văn hóa của nhà cầm quyền tổ chức, ngoài ý nghĩa giới thiệu giai đoạn sơ khai  hình thành nghệ thuật đờn ca tài tử còn có ý muốn qua phong trào đàn ca tài tử để  vực dậy sân khấu cải lương. 






Image


Trong nhiều năm phát động phong trào Đàn Ca Tài Tử và qua 9 đợt thi tuyển chọn “ giọng ca vàng “, có nhiều nghệ sĩ trẻ được thưởng Huy Chương Vàng vọng cổ như ca sĩ Văn Gàn, Bùi Trung Đẳng, Như Quỳnh, Ngọc Đợi, Thu Vân, Thy Nhung…nhưng cho đến nay qua những giọng ca vàng này, người ta vẫn không tìm ra được những giọng ca có sắc thái riêng biệt như những giọng ca vọng cổ thời trước năm 1975.
Hồi đó, khi nghe giọng ca qua dĩa hát hay đài phát thanh, không cần giới thiệu tên của ca sĩ, thính giả đều phân biệt được giọng ca nào là của Út Trà Ôn, Thành Được, Hữu Phước hay Hùng Cường. Nghe giọng ca nữ, thính giả biết ngay đó là giọng ca của cô Tư Sạng, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu , Mỹ Châu hay Thanh Hương…Mỗi giọng ca của nghệ sĩ trước 1975 đều có sắc thái đặc biệt, giọng ca và kỷ thuật ca mang đậm dấu ấn riêng, họ được khán thính giả ưa thích nên đứng ra thành lập các đoàn hát, lấy nghệ danh làm bảng hiệu. Từ thập niên 40 đến thập niên 70, có hàng mấy chục nghệ sĩ danh ca cổ nhạc đứng ra lập các đoàn hát cải lương, tạo ra một thời kỳ vàng son của cải lương.
Sau năm 1975, sân khấu cải lương mất dần khán giả, 39 rạp hát của Saigon, ChợLớn và Gia định đã bị nhà cầm quyến cho phá hủy hoặc dùng vào việc khác như mở thành nhà bán sách, tiệm bán bánh trung thu hoặc mở sòng bạc casino, quán restaurant có ca nhạc, nơi để tổ chức đám cưới.
Nay nhân dịp Đàn Ca Tài Tử được UNESCO vinh danh, Sở VHTT và Hội Sân Khấu cho là  muốn vực dậy cải lương thì làm như hồi xưa, nghĩa là cứ Đàn Ca Tài Tử rồi tiến lên thành Cải Lương. Tiếc rằng thời thế đã khác, làm như xưa không thể thành công, nhứt là các giọng ca vàng vọng cổ sau năm 1975 không có khả năng bằng giọng ca vàng trước năm 1975.
Nhân đây tôi nhớ lại, chỉ kề thế hệ nghệ sĩ thứ hai, tính từ Khôi Nguyên Vọng Cổ năm 1964, thì các nghệ sĩ này cũng ca diễn rất hay, làm nên sự nghiệp sân khấu, hơn hẳn các nghệ sĩ chuông vàng vọng cổ sau 1975.
Nhìn lại Khôi Nguyên Vọng Cổ Năm 1964.
Năm 1964, nhạc sĩ Út Trong đoàn Thanh Minh Thanh Nga lập Nhóm Trường Giang, ca cổ nhạc trên Đài Phát Thanh Saigon và tổ chức cuộc thi tuyển chọn Khôi Nguyên Vọng Cổ tại rạp hát Quốc Thanh.
Em Nguyễn Văn Vưng 14 tuổi  được giải nhứt Khôi Nguyên Vọng Cổ. Em Vưng được ông bầu Long đoàn Kim Chung ký hợp đồng về hát cho đoàn Kim Chung, ông bầu Long đặt cho nghệ danh là Minh Vương.
Cô Diệu Nga 14 tuổi, hạng nhì Giải Khôi Nguyên Vọng cổ. Cô Diệu Nga được bà Bầu Thơ đoàn Thanh Minh Thanh Nga ký hợp đồng mời về hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.
Cô Xuân Lan 14 tuổi, hạng ba Giải Khôi Nguyên Vọng Cổ, được ông bầu Hoàng Mật ký hợp đồng mời về hát cho đoàn Kiên Giang.
Hai em Minh Vương và Diệu Nga được may mắn lúc khởi nghiệp sân khấu vì hai đoàn Kim Chung và Thanh Minh Thanh Nga có nhiều soạn giả thường trực nên có nhiều tuồng mới. Đó là cơ hội tốt để cho Minh Vương và Diệu Nga phát triển nghệ thuật ca diễn. Thêm nữa các ký giả xem hát, viết bài phê bình tuồng tích và diễn viên. Đây là một hình thức quảng cáo cho gánh hát và nghệ sĩ. Vì vậy tên tuổi của Minh Vương và Diệu Nga được nhiều khán giả ở Saigon và các tỉnh biết. Thêm nữa vì hai đại ban đó hát thường trực ở Saigòn nên các hãng dĩa có dịp thu dĩa hát giọng ca của Minh Vương và Diệu Nga. Thính giả thưởng thức hai giọng ca trẻ qua băng cassette, dĩa hát và Đài Phát Thanh nên giọng ca thiên phú của hai ngôi sao trẻ khán, thính giả thưởng thức từ thành thị đến thôn quê. 




Image

Nữ nghệ sĩ Xuân Lan tên thật Nguyễn Thị Xuân Lan, sanh năm 1950 tại Saigon, cha mẹ quê ở huyện Củ Chi, sống ngoài nghề sân khấu.
Cô học Trung Hoc trường Bùi Thị Xuân ở quận Nhứt Saigòn, ngoài giờ học văn hóa, cô học ca cổ nhạc với nhạc sư Bảy Trạch, trưởng ban cổ nhạc đoàn hát Kim Chung, hát thường trực tại rạp Aristo đường Lê Lai.
Sau khi đoạt hạng ba giải Khôi Nguyên Vọng Cổ, Xuân Lan hát cho đoàn hát Kiên Giang, thường lưu diễn ở các tỉnh miền Hậu Giang, ít được báo chí kịch trường Saigon biết đến nên không được nhiều may mắn như hai bạn Minh Vương và Diệu Nga.
Bù cho sự thiệt thòi đó, nữ nghệ sĩ Xuân Lan được soạn giả Điêu Huyền, Hoa Phượng và nghệ sĩ Minh Viễn, kép chánh của đoàn chỉ dạy thêm về nghệ thuật diễn xuất nên chỉ trong vòng 6 tháng sau, Xuân Lan đã hát vai đào chánh.
Từ năm 1969 đến năm 1975, nữ nghệ sĩ Xuân Lan đã thủ vai đào chánh các đoàn hát Sống của bầu Hề Sa, đoàn Quốc Hương – Kim Chưởng, đoàn hát Việt Nam của bà Bầu Thu. Đoàn hát Việt Nam có kép chánh Minh Vương, đào Thanh Nga.. Nữ nghệ sĩ Xuân Lan hát chia vai với Thanh Nga, đóng cặp với Minh Vương những khi Thanh Nga vắng mặt vì hợp đồng đóng phim của hãng Mỹ Vân.
Thời kỳ sau Tết Mậu Thân 1968, nhiều đoàn hát cải lương bị tan rã vì lịnh giới nghiêm ở các thành phố khiến cho đoàn hát chỉ hát được xuất trưa chúa nhựt. Hát ban đêm phải hát từ 7 giờ 30 tối nên rất ít khán giả có thể đến rạp coi hát, phải vãn hát trước 10 giờ tối để khán giả có thể về nhà trước giờ giới nghiêm. Nữ nghệ sĩ Xuân Lan vẫn theo đoàn Quốc Hương - Kim Chưởng lưu diễn ở những vùng sâu xa trong các quận của tỉnh Cấn Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu, tuy không bị chi phối vì lịnh giới nghiêm ban đêm nhưng cuộc sống khó khăn, thiếu điện, nước máy, di chuyển bằng ghe, đò máy nên một số nghệ sĩ phụ bỏ đoàn hát trở về thành phố. Trước đây nghệ sĩ Xuân Lan, theo thu huấn với soạn giả Điêu Huyền cô học viết tuồng, học sáng tác các bài ca lẻ nên khi mất một vài diễn viên phụ, cô chỉnh sữa tuồng lại, đoàn vẫn hát được.
Năm 1972, Xuân Lan hát cho đoàn Việt Nam của bầu Thu. Cô từng hát cặp với kép chánh Tấn An ở các đoàn Kiên Giang, Kim Chưởng nên khi cùng về hát chung trên sân khấu đoàn Việt Nam, Xuân Lan và Tấn An chánh thức tổ chức hôn lễ. Khi về hát cặp với kép chánh Minh Vương ở đoàn hát Việt Nam, nữ nghệ sĩ Xuân Lan được báo chí kịch trường khen ngợi. Nhiều bài báo tỏ ý tiếc Xuân Lan bắt đầu hoạt động sân khấu, lại về hát cho đoàn Kiên Giang, hát ở các tỉnh Hậu Giang nên không đuợc báo chí biết để giới thiệu cô tranh Huy Chương Vàng Giải Thanh Tâm. Khi cô về hát ở Saigòn thì sau Tết Mậu Thân, Giải thưởng Thanh Tâm của Trần Tấn Quốc ngưng hoạt động. Đó là một thiệt thòi lớn cho Xuân Lan.


Vai diễn để đời:
Sau năm 1975, đoàn Thanh Nga được phép tái thành lập, sau hai tuồng Tấm Lòng Của Biển, Tiếng Trống Mê Linh, tuồng Bên Cầu Dệt Lụa thu hút rất đông khán giả. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga trong vai cô gái dệt lụa Quỳnh Nga, nữ nghệ sĩ Bạch Lê vào vai công chúa Bích Vân, Văn Ngà vai Cận tướng, Chí Hiếu vai quan Huyện, Thanh Tú vai Nhuận Điền, Thanh Sang vai Trần Minh, nữ nghệ sĩ Ngọc Nuôi vai Trần Mẫu.
Tuồng Bên Cầu Dệt Lụa với thành phần nghệ sĩ đó hát rất ăn khách tại Saigon và các tỉnh, bỗng nhiên cô Bạch Lê xin nghĩ để về hát cho đoàn tuồng cổ Huỳnh Long, hát cặp với nghệ sĩ Thanh Bạch ( chồng của Bạch Lê, kép chánh đoàn Huỳnh Long). Đoàn hát phải kiếm mời một nữ nghệ sĩ thế vai Bạch Lê, các soạn giả và một số nghệ sĩ kỳ cựu của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, hiện đang giúp việc cho đoàn hát Thanh Nga, nhất loạt đề cử với bà bầu Thơ xin mời nữ nghệ sĩ Xuân Lan thay cho Bạch Lê.
Lần đầu tiên Xuân Lan hát trên sân khấu đại Ban ở Saigòn, hát vai nhì sau nữ nghệ sĩ khả ái Thanh Nga, Xuân Lan thấy phải hát chung tuồng với nhiều nghệ sĩ tài danh của đoàn Thanh Minh Thanh Nga nên cô khớp sợ. Tuy nhiên nhờ sắc vóc đẹp, giọng ca truyền cảm và khả năng tự nghiên cứu được tính cách của nhân vật, Xuân Lan đã hát rất thành công vai công chúa Bích Vân.
Xuân Lan tự phân tích: `` Vai Công chúa Bích Vân không phải đào độc, nàng là một công chúa kiều diễm nhưng tâm hồn Bích Vân vẫn là một cô gái được cưng chiều nên luôn có ảo tưởng là công chúa thì muốn cái gì thì cũng đạt được. Khi bị Trần Minh từ chối không nhận hôn nhân, sự thất bại cay đắng của công chúa thật đáng cay đắng và đáng thương. Khi đối diện với cô gái dệt lụa Quỳnh Nga, dù tình địch là một thôn nữ, Bích Vân công chúa cũng không thể diễn theo lối đào độc hầm hừ hay quát tháo. Tính cách sang trọng và người có nhân cách là tính cách xuyên suốt của Bích Vân. `
Cô Thanh Nga đã giúp cho Xuân Lan, uốn nắn từ nét diễn, cách phát âm và lối ca khi đối đáp viới Quỳnh Nga, ngoài ra Thanh Nga còn giúp cho Xuân Lan về Hóa Trang, làm tóc, trang phục công chúa. Xuân Lan đã thể hiện hết tài năng và có một vai hát để đời qua vai công chúa Bích Vân.
Khi hát tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga, Xuân Lan đóng vai Hiệu Úy Kỳ Hoa, cô đã hát mạnh bạo, oai dũng đúng theo tính cách của nhân vật.
Xuân Lan nói: `` Người thầy dạy đầu tiên cho Xuân Lan là nhạc sư Bảy Trạch, soạn giả  Điêu Huyền, Hoa Phượng và nghệ sĩ Minh Viễn nhưng người thầy đã đưa Xuân Lan đến những bước vinh quang của nghề hát là chị Thanh Nga, minh sư và là thần tượng của Xuân Lan. Trọn đời Xuân Lan không bao giờ quên ơn các bậc thầy đã dìu dắt Xuân Lan vào nghề.  
Sau khi Thanh Nga mất, hai vợ chồng nghệ sĩ Xuân Lan và Tấn An rời doàn hát Thanh Nga, vào quận 6 xin phép thành lập đoàn hát cải lương, dưới sự quản chế của Phòng Văn Hóa Thông Tin Quận. Khi đoàn hát của Xuân Lan và Tấn An phát triển, thu được nhiều doanh thu mỗi suất hát thì Quận tịch thu đoàn hát dưới danh nghĩa là Tập Thể Hóa đoàn hát. Cán bộ của Quận xuống làm trưởng đoàn và toàn quyền thu chi hay chọn tuồng hát. Hai vợ chồng Xuân Lan - Tấn An trắng tay, về ở nhà chờ thời.

.
Image

Xuân Lan và Tấn An dù tha thiết về nghề ca diễn sân khấu cũng biết rằng dưới chế độ XHCN miền Bắc đang áp đặt vào miền Nam, không thể có tự do trong mọi sinh hoạt, hoạt động nhất là về mặt văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền. Vì để sinh sống, Xuân Lan và Tấn An hành nghề mua bán bảo hiểm, dựa vào một cơ sở bảo hiểm quan trọng của Quận. Về tài chánh thì hai vợ chồng Xuân Lan có một cuộc sống ổn định, hai anh chị nhớ nghề hát nên thường đến giúp cho các nghệ sĩ trong viện dưỡng lão nghệ sĩ hoặc giúp các nghệ sĩ nghèo yếu neo đơn do lời giới thiệu của Hội nghệ sĩ.
Tuy đậu hạng ba giải Khôi Nguyên Vọng Cổ năm 1964, nghệ sĩ Xuân Lan gặp hoàn cảnh không thuận lợi ở các tỉnh nhỏ, cô vẫn phấn đấu, có những vai diễn để đời, được xem như một trong những nghệ sĩ lớn của giới cải lương. Cuộc đời nghệ thuật của Xuân Lan được xem là gương phấn đấu không ngừng của một nghệ sĩ kém may mắn vì không có thời cơ như các nghệ sĩ đàn anh nhưng nhờ sự phấn đấu trong học hỏi và tự lực tự cường trong cuộc sống mà hai vợ chồng nghệ sĩ Xuân Lan và Tấn An đã thành đạt trong đường đời.
Các Chuông Vàng vọng cổ sau 1975 nếu không là đảng viên hay đoàn viên Thanh niên Cộng Sản, chưa có ai tự phấn đấu mà được những thành quả trong cuộc sống như hạng ba giải Vọng cổ 64 Xuân Lan.
Nguyễn Phương 2014.

Tác giả bài viết: SG Nguyễn Phương - CLVNCOM