Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga - Kỳ 4: Sóng gió thăng trầm

HL

HL

Gia đình và gánh hát Thanh Minh - Thanh Nga cũng trải qua những sóng gió thăng trầm ghê gớm. Nhìn lại những sóng gió này để thấy thêm nghị lực phi thường, làm nên tính cách những con người trong dòng họ nghệ thuật ấy.

 

Nghệ sĩ nổi tiếng phải đi bán dạo

 

Dấu son Thanh Minh - Thanh Nga - Kỳ 4: Sóng gió thăng trầm - ảnh 1
Đoàn Thanh Minh trong những ngày đầu thành lập - Ảnh: gia đình cung cấp 

 

Cái chết của ông Năm Nghĩa (1959) ngay sau vinh quang của Thanh Nga (1958) khiến bà bầu Thơ chao đảo. Khi bà vừa đứng vững được chừng 10 năm thì khoảng năm 1970 phim chưởng Hồng Kông tràn vào khiến nhiều đoàn cải lương xất bất xang bang. Cầm cự đến 1972, bà bầu Thơ đành tạm nghỉ, cho người ta mướn xác gánh (cảnh trí, phông màn, phục trang, ánh sáng…) để họ đi diễn tỉnh xa, còn Thanh Nga thì đi đóng phim và về đoàn Dạ Lý Hương hát tạm. Lúc rảnh, Thanh Nga pha một bình si rô cho mấy đứa cháu đi bán dạo kiếm lời. Điều đó thật sự bất ngờ, vì Thanh Nga không hề sĩ diện, cứ sống thẳng thắn giản dị theo hoàn cảnh.

Ba má của Hữu Châu là kép Hữu Thình và cô đào Thanh Lệ thì lên Long Khánh mua bắp về đổ đống vỉa hè ngồi bán, rồi luộc bắp bán luôn. Hữu Châu nhớ hoài cảnh cả nhà ngập trong đám bắp, bà nội đường đường là bầu gánh giờ phải giúp con cháu lui cui ngồi chặt bắp, lột vỏ. Bán bắp đuối quá, Hữu Thình và Thanh Lệ xoay qua bán mì gói, xà bông, bột ngọt..., bắc cái loa tay đứng kêu mời khách, gọi là bán hàng loa. Lúc đó nghệ sĩ Bảo Quốc và vợ là Thu Thủy cũng dựng cái xe sinh tố ở vỉa hè, vợ pha chế, chồng chạy bàn, bán xong, Thu Thủy chạy về nhà nấu cơm cho mẹ chồng vì bà bầu Thơ chỉ hạp với món ăn do bà Thủy nấu, còn bà Thanh Lệ dâu cả thì coi sóc trong ngoài tỉ mỉ. Cả đại gia đình rơi xuống đáy vực khó khăn nhưng vẫn chung lưng với nhau vượt qua tất cả.

Đang cơn sóng gió thì tháng 4.1975 giải phóng Sài Gòn, như thổi một luồng gió mới vào xã hội lẫn nghệ thuật. Tháng 8.1975, bà bầu Thơ lấy lại xác gánh, vừa trương bảng hiệu lên với tuồng Tấm lòng của biển thì khán giả bu đông nghẹt rạp Hưng Đạo, suất nào cũng phải ghi sẵn vé rồi xé rẹt rẹt cho người mua, cả cái rạp to mà bán vé chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ là hết sạch. Tiếng súng đã ngưng, người ta thở phào sung sướng và dẫu cơm áo gạo tiền có thắt ngặt đi chăng nữa thì dân Sài Gòn vẫn không thể bỏ cái thói phong lưu là đi xem hát. Mà lần này, Thanh Nga trở lại với một diện mạo mới hoàn toàn, cùng với Thanh Sang làm nên một đôi đào kép tuyệt đẹp. Đỉnh cao là vai Trưng Trắc - Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh và tiểu thư Quỳnh Nga - trạng nguyên Trần Minh trong vở Bên cầu dệt lụa. Truyền hình những năm đó cứ phát liên tục hai vở này, khán giả xem đến nỗi thuộc lòng. Gia đình bà bầu Thơ một lần nữa lại bước lên vinh quang bởi không chỉ Thanh Nga mà còn có Bảo Quốc được ngợi khen nhiệt liệt trong vai Chương Hầu và Hiếu Danh. Cả nhà lại trở về nghề hát, không buôn gánh bán bưng nữa. Đại gia đình tưng bừng sôi động như xưa.

Vẫn chưa hết sóng gió

Nhưng chỉ 3 năm thôi, sóng gió lại ập đến. 1978, Thanh Nga cùng chồng bị ám sát sau khi diễn vở Dương Vân Nga. Bà bầu Thơ chết lặng trước hai cái tang. Bảo Quốc kể: “Thật lạ là má tôi không khóc, chúng tôi chỉ thấy nhiều ngày bà ngồi im như pho tượng, rồi đứng dậy chỉ đạo cho đoàn gấp rút tập tuồng cho nghệ sĩ Kim Hương thay vai Thanh Nga đóng Thái hậu Dương Vân Nga. Vậy mà chỉ một tháng thôi tóc má tôi bạc trắng”. Thật đáng nể cho nghị lực của một người mẹ - người lãnh đạo, như chiếc cột cái trong ngôi nhà, sợ mình đổ sụp thì cả trăm con người sụp đổ theo. Nhưng nước mắt chảy vào trong dường như tàn phá con người một cách ghê gớm.

Chưa hết đau thương thì năm 1979 đoàn Thanh Minh - Thanh Nga được sung vào “cải lương tập thể”, bà bầu Thơ chỉ quản lý trên danh nghĩa chuyên môn là chính, còn mọi thu chi, cách thức hoạt động đều do cán bộ và kế toán ở Sở VH-TT TP.HCM cử về. Chắc nhiều người không lạ gì những mô hình hoạt động thời ấy. Các đoàn nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Những ông bà bầu như bà bầu Thơ, Kim Cương, ông bầu Xuân... đành lui về gác kiếm. Có đoàn sau đó rã luôn. Còn Thanh Minh - Thanh Nga thì đổi lại là đoàn Thanh Nga, vẫn còn hoạt động tới bây giờ nhưng đã qua mấy đời quản lý.

Riêng bà bầu Thơ sau khi nhận thêm 2 cái tang nữa thì ngã gục. Năm 1980 cháu nội tên Hải (anh ruột của Hữu Châu) đi hát ở Hà Nội bị bệnh mất và 1985 nghệ sĩ Hữu Thình mất, đã khiến bà bầu Thơ chia tay vĩnh viễn đoàn Thanh Nga. Bà bệnh rất nặng, con cháu quyết định bán căn nhà ở Trần Hưng Đạo lo thang thuốc và bà mất năm 1988, để lại một huyền thoại Thanh Minh - Thanh Nga như một dấu son rực rỡ mà cũng nghẹn ngào bi thương trong lòng khán giả.

Nhưng, Thanh Minh - Thanh Nga không mất hẳn, mà còn nối tiếp đến đời sau với NSƯT Bảo Quốc và con gái Hồng Loan, cháu nội Gia Bảo, với NSƯT Hữu Châu và em trai Hữu Lộc, với Hà Linh con trai của Thanh Nga. Con đường nghệ thuật ấy còn hứa hẹn nối dài, để cải lương còn chảy mãi trong lòng dân tộc... 

Vũ Anh

Nguồn tin: tcgd theo TN