Đặc sắc nghệ thuật ca tuồng Dá Hai của người Nùng

Nghệ nhân Chung Văn Hần và các diễn viên

Nghệ nhân Chung Văn Hần và các diễn viên

Dá Hai là loại hình ca kịch tuồng nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc Nùng ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Đây là loại hình bắt nguồn từ nghệ thuật “Mộc Thầu Hí” (một loại kịch múa rối bằng hình người gỗ cổ xưa của Trung Quốc vừa hát vừa điều khiển rối gỗ với 5 sợi dây treo) đã có sự giao thoa, chuyển thể thành ca tuồng Dá Hai của người Nùng.
Đặc sắc nghệ thuật ca tuồng Dá Hai của người Nùng
Nghệ nhân Chung Văn Hần và các diễn viên đang luyện tập trước khi ra sân khấu biểu diễn

Xuất hiện từ giữa thế kỷ XX, hiện nay những làn điệu Dá Hai vẫn được con cháu người Nùng gìn giữ, phát triển để thích hợp với lối sống hiện đại.

Tinh hoa nghệ thuật ca tuồng Dá Hai

Nằm bên dòng sông Bắc Vọng trong xanh, thơ mộng, phố Thông Huề thuộc xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) hiện ra với những mái nhà gạch đá cấp bốn, nhà cao tầng xen kẽ nhau. Nơi đây chính là cái nôi của loại ca kịch tuồng nghệ thuật truyền thống của người Nùng nổi tiếng từ nhiều đời nay. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử trong việc lưu giữ và phát triển, cho đến nay tuồng Dá Hai đã phát triển sâu rộng như bó hoa thơm khoe sắc hương ở chốn vùng cao quanh năm mây phủ tỉnh Cao Bằng.

Theo các cụ cao niên ở phố Thông Huề cho hay, Dá Hai là loại ca kịch tuồng mang tính tổng hợp rất độc đáo và đặc sắc. Đây là một loại văn hóa âm nhạc nghệ thuật mang nhiều màu sắc, vừa gần gũi với nhân dân bằng sự hòa trộn giữa lời ca, tiếng nhạc, điệu múa lại vừa có kịch tính như trữ tình,vui buồn, bi hài... Nó thể hiện được mọi mặt của đời sống văn hóa vật chất, tinh thần và các mối quan hệ xã hội.

Tuồng Dá Hai có nội dung rất phong phú, đa dạng thể hiện mọi khía cạnh cảm xúc, tâm trạng của con người với 13 làn điệu khác nhau: khi vui vẻ, phấn khởi được thể hiện trong điệu Sái Vá, lúc đau thương, buồn bực với điệu Thán Tảo hoặc hùng hồn, khí thế như làn điệu Hí Tảo…

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Hồng Chiến, phong trào văn nghệ quần chúng hát Dá Hai ở Cao Bằng bắt đầu phát triển khá mạnh mẽ vào những năm 50 của thế kỉ 20. Khi đó, một vài địa phương đã tự thành lập được đội Dá Hai nghiệp dư để biểu diễn phục vụ nhân dân thôn, xóm và giao lưu với nơi khác.

Trong đó, điển hình là đội tuồng Dá Hai Thông Huề, huyện Trùng Khánh; hai đội tuồng Dá Hai ở xóm Cốc Mì và xã Bình Long thuộc huyện Hòa An. Hình thức thể hiện trên sân khấu Dá Hai là kể lại các tích truyện có sẵn như các vở Ngọc Phù Dung, Lục Vân Tiên, Hoa Mộc Lan tòng quân... 

Cụ Hần (người đứng ngoài cùng bên phải bức ảnh) tại Lễ Phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú”

Hàng năm, khi đến các dịp lễ, Tết và các sự kiện của địa phương tổ chức, những làn điệu Dá Hai truyền thống luôn được ngân vang với sự tham gia của nhiều đối tượng. Khi tiếng nhị, nhịp trống cất lên thì những bước chân của các nghệ nhân cũng như các diễn viên đang theo học đều nhịp nhàng, uyển chuyển để hoá thân vào những vai diễn một cách tự nhiên và điêu luyện.

Theo những nghệ nhân ở phố Thông Huề cho biết, cái quan trọng và cốt lõi trong việc biểu diễn tuồng Dá Hai là chất giọng, dáng điệu, cử chỉ, những lời ca thắm đượm tình quê hương, đất nước còn những đạo cụ như trống, đàn nhị chỉ là làm nền tăng thêm sự cảm xúc vừa là để người diễn viên tập trung vào đúng nhịp điệu và lời hát.

Tuồng Dá Hai được xem như có mối tâm tình giữa người xem với người diễn. Ca từ chính là sợi chỉ đỏ, tạo sự giao lựa khăng khít, gắn kết yêu thương từ hai phía, như có ma lực cuốn hút bao thế hệ người xem.

Truyền giữ ngọn lửa đam mê tuồng Dá Hai cho thế hệ trẻ

Ở phố Thông Huề không ai không biết đến nghệ nhân Chung Văn Hần, người đã hơn 50 năm say sưa truyền dạy tuồng Dá Hai cho các lớp trẻ ở địa phương. Dáng người khá to cao, nước da trắng trẻo với mái tóc đã phủ bạc trắng của cụ Hần giống như một người nghệ sĩ già thật thụ. Cụ được sinh ra trong một gia đình có cha là nghệ nhân, đạo diễn tuồng Dá Hai, ba người con trong gia đình đều theo nghiệp diễn viên, còn riêng cụ từ năm 14 tuổi đã bắt đầu đi hát.

Năm 1956, Đội ca kịch nghiệp dư trường Thông Huề mà cụ tham gia khi đó được đi biểu diễn các huyện trong tỉnh. Cho đến khi tuổi cao sức yếu, cụ vẫn bỏ không ít tâm huyết, công sức, thời gian và tiền bạc của gia đình để thỏa niềm đam mê, ước nguyện “giữ lửa” hát tuồng trên mảnh đất quê nhà.

“Sau nhiều năm được đi tham gia biểu diễn ở các huyện trong tỉnh, tôi đã dừng lại sự nghiệp ca tuồng Dá Hai vào năm 1964 và từ đó bắt đầu truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ban đầu, chỉ có vài thành viên, sau đó lên tới vài chục người. Đến nay, số thành viên tham gia đội văn nghệ ngày một tăng, trong đó có cả trẻ em và người lớn tuổi. Tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào khi những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được các lớp trẻ theo học, gìn giữ” – cụ Hần tâm sự.

Đoàn nghệ nhân, nghệ sỹ ca tuồng Dá Hai Thông Huề đã tham gia chung kết Liên hoan Dân ca Việt Nam

Cũng theo cụ Hần, hiện nay số người cao tuổi thành thục về tuồng Dá Hai ở phố Thông Huề chỉ còn lại 3 người, bao gồm cả cụ. Còn những diễn viên lớp trẻ được cụ truyền dạy cũng nhiều tương đối, thế nhưng đa số những diễn viên nữ lớn lên đều theo chồng làm ăn nơi khác, chỉ còn diễn viên nam vẫn ở đây sinh sống và tiếp tục theo cụ học tuồng Dá Hai.

Những năm gần đây, cụ Hần vừa tổ chức truyền dạy tuồng Dá Hai cho 5 lớp đều là người Nùng ở tại địa phương, mỗi lớp có khoảng hơn chục người tham gia. Các diễn viên, biên kịch và đạo diễn phải ôn lại, tập luyện mất hai tuần trước khi mới có thể lên sân khấu biểu diễn một vở tuồng Dá Hai.

Cũng theo cụ Hần cho rằng, mặc dù tuồng Dá Hai của người Nùng ở phố Thông Huề được chính quyền tỉnh và địa phương rất quan tâm, khán giả ủng hộ, diễn viên tâm huyết với nghề, thế nhưng nếu không phát triển được đội ngũ kế cận thì việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng sẽ nhanh chóng mai một.

Trong khi đó, việc sáng tác kịch bản tuồng cũng chưa phát triển, ít người có khả năng và đầu tư thời gian, công sức cũng như tiền bạc. Để giữ gìn được tinh hoa của nghệ thuật tuồng thì ngoài việc phát huy cái đặc sắc còn phải biết chắt lọc tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật khác để bổ sung cho thêm hay, phù hợp và phong phú hơn”. 

“Chúng tôi không thể sống mãi để đàn hát, nên muốn có lớp trẻ kế cận để gìn giữ những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống cho các thế hệ sau này. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn động viên các em cố gắng học tốt, để gìn giữ, giới thiệu những nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống cho mai sau”, nghệ nhân Chung Văn Hần chia sẻ với chúng tôi như vậy trước lúc ra về.

Tuy nhiên, để giữ gìn và bảo tồn nghệ thuật tuồng Dá Hai - một nét văn hóa đặc sắc của người Nùng ở Thông Huề thì ngoài sự tâm huyết yêu nghề, của các nghệ nhân, còn cần đến nhiều hơn nữa sự quan tâm của xã hội, các cấp chính quyền địa phương và của ngành văn hóa, để giúp cho tiếng hát tuồng Dá Hai có thể lưu giữ mãi cho đến các thế hệ sau này.


Tác giả bài viết: Nông Vĩnh – Minh Phượng

Nguồn tin: duyenclvn theo baophapluat.vn