Người níu giữ nghệ thuật hát bội

Một cảnh trong vở tuồng Đền hùng tranh gái sắc (Sơn Tinh Thủy Tinh).

Một cảnh trong vở tuồng Đền hùng tranh gái sắc (Sơn Tinh Thủy Tinh).

Trong thâm tâm của nghệ sĩ Năm Thầu (tên thật là Võ Công Khanh, 60 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long), hát bội (hát tuồng) luôn là một niềm trăn trở. Suốt mấy chục năm theo nghiệp hát bội phục vụ bà con, ông luôn tìm tòi, nghiên cứu về hát bội và chưa bao giờ muốn rời xa nó...
Trong giới nghệ sĩ tuồng ở ĐBSCL, ông Năm Thầu được gọi với khá nhiều mỹ danh như “Lão ngoan đồng ham hát bội”, “Quới nhơn đồng bằng”..., xuất phát từ những niềm đam mê, đóng góp quý giá của ông cho trang phục, nghệ thuật hát bội và từ tính cách trẻ trung vui tính của ông trong giao tiếp. Còn đối với ông Năm Thầu thì hát bội là nghiệp dĩ. Ông tâm sự: “Đời nghệ sĩ lắm gian nan, khắc nghiệt mà vẫn không lo nổi cho gia đình. Tưởng như có lúc tôi phải bỏ nghề, nhưng đã là nghiệp dĩ thì đâu có dễ dứt ra được”.

Từ nhỏ, ông Năm Thầu đã được tiếp xúc với sân khấu tuồng. Càng lớn lên, hát bội như ăn sâu trong xương tủy nên ông quyết định xin vào đoàn hát Phước Tấn, theo làm chân tiền đài, hậu đài. Cùng với đó là niềm mơ ước được nhìn thấy những nghệ sĩ biểu diễn tuồng trên sân khấu.

Nghệ sĩ Võ Công Khanh (Năm Thầu) đang hoàn thành chiếc mãng vua
 cho diễn viên hát bội.

Từng kinh qua những gánh hát khắp vùng ĐBSCL thời ấy như đoàn Phước Tuần (Cần Thơ), Tấn Phát (Long Xuyên), Đồng Thinh (Vĩnh Long), nghệ sĩ Năm Thầu liều mình xin trưởng đoàn được thử sức vai diễn viên, đảm nhận những vai phụ, nuôi hy vọng một ngày sẽ được hát chính. Sau khoảng thời gian miệt mài với nghề, trưởng đoàn tin tưởng giao cho ông vai kép tướng, hát chính thường xuyên hơn. Ông nhớ lại: “Thời đó, đi hát chủ yếu là do niềm đam mê chứ tiền công chẳng là bao, mỗi diễn viên chỉ có từ hai đến ba bộ đồ diễn. Nhiều khi đi hát tuy được khen là diễn tốt, nhưng ngược lại hay bị khán giả chê trang phục xấu. Chính điều này đã làm tôi trăn trở, phải nghĩ ra cách tự may trang phục biểu diễn cho mình để phục vụ khán giả, lại vừa tiết kiệm cho mình”.

Theo ông Năm Thầu, từ những lời chê của khán giả trong những lần đi lưu diễn đã làm ông bén duyên với nghề may trang phục. “Nhiều đêm trăn trở, tôi bàn với vợ dành một ít tiền mua vải, kim sa… về nhà tự may trang phục. Lúc đầu, tôi tìm mua một bộ giáp nam về để học cách may và thêu hoa văn. Trước khi may, tôi nghiên cứu rất kỹ xem bộ đó thuộc vào thời kỳ lịch sử nào, vai vế vị trí của người mặc lúc đó trong xã hội ra sao. Việc thêu các các con vật như rồng, phượng… đều phải rất tỉ mỉ và công phu vì chỉ sơ suất một chút là phải tháo ra làm lại”, ông tâm sự.

Trong những năm đầu thập niên 1990, nghệ sĩ Năm Thầu được những người trong giới nghệ sĩ hát bội hướng dẫn tham gia vào CLB Thể nghiệm truyền thống của Hội Sân khấu TP. Trong quãng thời gian đó, ông có dịp tiếp xúc với các nghệ sĩ hát bội bậc tiền bối như Thành Tôn, Thiệu Của, Ba Lăng, Năm Còn… Tại đây, nghệ sĩ Năm Thầu nhận được nhiều lời khuyên nên chọn con đường chuyên khoa. Chính điều đó đã làm ông xem hát bội là cái nghiệp của đời mình khi cùng với các nghệ sĩ đàn anh đi khắp nơi biểu diễn phục vụ các lễ hội.

Hiện nay, nghệ sĩ hát bội Năm Thầu đang tham gia hoạt động trong phân hội sân khấu, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Ở tuổi 60, ông vẫn đau đáu nỗi niềm, ai sẽ là lớp thế hệ kế cận nối nghiệp cha ông?

Hạnh Nguyễn - SGGP 

Những người giữ “lửa”

 

Đỗ Hoàng Tuấn học cách vẽ mặt nạ cho những vai diễn của mình
Ánh đèn sân khấu dẫu có chập chờn, khán giả dẫu có thưa vắng nhưng những nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM vẫn nuôi một giấc mơ cho sự hồi sinh của bộ môn nghệ thuật này.
Sau mỗi đêm diễn, những người nghệ sĩ lại cởi bỏ chiếc mặt nạ trên sân khấu và trở về với cuộc sống đời thường. Đối với họ, chi tiêu vài ngàn đồng cũng phải cân nhắc, tính toán cẩn thận. Đa số các nghệ sĩ đều phải làm thêm nghề tay trái mới có thể tiếp tục bám trụ với nghề.
Bám trụ với nghề
Gặp rồi yêu nhau khi cùng về công tác tại nhà hát, đôi vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Thanh Bình - Hoàng Thị Kiều My đã bao đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ có nên bỏ nghề để kiếm con đường mưu sinh khác, nhất là khi đứa con trai đầu lòng của họ chào đời. Bao khó khăn, thiếu thốn cứ đổ dồn xuống. “Ban giám đốc đã giúp đỡ, tạo điều kiện để gia đình tôi có một chỗ ở tạm tại nhà hát. Lúc rảnh, chúng tôi nhận việc làm thêm, không từ chối công việc nào lương thiện và có thêm thu nhập” - chị My trải lòng về những tháng ngày mà họ đã đi qua. Chị bảo cuộc sống khó khăn nhưng có hai vợ chồng cùng làm trong nghề nên hiểu nhau, thông cảm với nhau vậy là hạnh phúc lắm rồi. Nghệ sĩ Lê Bảo Châu (SN 1986) cũng phải vất vả ngược xuôi để lo cho gia đình nhỏ của mình. Nhà ở gần nhà hát nên ngày bé, Châu thường chạy sang đây coi các cô chú nghệ sĩ tập luyện, riết rồi Châu yêu thích bộ môn nghệ thuật này lúc nào cũng không biết. Năm 2008, Châu tạm ngưng công việc ở nhà hát để lên đường nhập ngũ. Khi xuất ngũ, Châu vẫn quyết tâm theo đuổi lại con đường nghệ thuật này dẫu biết sẽ đầy khó khăn. Châu thấy mình may mắn khi được vợ cảm thông dẫu hai vợ chồng không cùng làm nghệ thuật. “Những lần đi diễn xa, vợ tôi ở nhà lo đủ thứ việc. Con cái ốm đau, thiếu trước hụt sau nhưng cổ cũng không hề kêu ca, than vãn. Nếu không có hậu phương vững chắc là gia đình chắc tôi cũng khó lòng bám trụ với nghề” -  Châu chia sẻ.
Với những nghệ sĩ trẻ mới vào nghề, chưa lập gia đình thì cuộc sống cũng không dễ dàng hơn. Đỗ Hoàng Tuấn (SN 1993) là thành viên trẻ tuổi nhất của nhà hát hiện nay. Nhà Tuấn không có ai theo con đường nghệ thuật cả nhưng từ bé Tuấn thường theo ông ngoại đi xem các đoàn hát bội biểu diễn. Ảnh hưởng từ ông nên năm 16 tuổi, Tuấn quyết định thi vào lớp “Đào tạo diễn viên trẻ” của nhà hát để có thể thực hiện ước mơ của mình. “Vai diễn đầu tiên của em là đóng vai quân sĩ. Dù chỉ xuất hiện thoáng qua trong phút chốc nhưng em thấy vui vì mình đã có cơ hội thực hiện ước mơ của mình”. Mỗi tháng Tuấn được nhận mức lương là 2.000.000 đồng. Mỗi vai diễn Tuấn được phụ cấp thêm 60.000 đồng/suất diễn. Nghề hát bội được xếp vào danh mục nghề độc hại theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH. Công việc diễn nặng nhọc, căng thẳng thần kinh tâm lý, chịu tác động của tiếng ồn và ánh sáng, mức phụ cấp độc hại cho mỗi vai diễn chưa đến 10.000 đồng. Con số mà ai khi nghe đến cũng phải giật mình. Với thu nhập ít ỏi như vậy, Tuấn phải tằn tiện chi tiêu. Mọi thú vui tiêu khiển cùng bạn bè đồng trang lứa đôi khi Tuấn cũng phải ngậm ngùi gác qua một bên. Khi hỏi em có quyết tâm theo đuổi con đường này hay không, Tuấn trả lời: “Dạ, chắc là có”.
Ít ai biết để có thể đi đến được ngày hôm nay, những người nghệ sĩ như NSƯT Ngọc Nga đã bao lần thấm mệt khi phải đau đầu với công việc và lo cho cuộc sống gia đình. “Đã bao lần nghĩ rằng mình sẽ rời xa ánh đèn sân khấu khi thấy buồn, thấy xót trước tình cảnh của nhà hát, của đồng nghiệp và của chính bản thân mình, nhưng rồi lòng yêu nghề cứ níu giữ bước chân mình lại” - NSƯT Ngọc Nga nói với giọng trầm buồn.
Vẫn mong một phép mầu…
Cuộc sống sau tấm màn nhung sân khấu là bao nỗi cơ cực mà người ngoài khó có thể thấu hiểu được nhưng khi bước trên sàn tập của nhà hát, những người nghệ sĩ ấy chưa khi nào thiếu vắng tiếng cười. “Em thấy mình gắn bó, học hỏi được rất nhiều điều từ các cô chú, anh chị trong nhà hát. Nhiều khi tập mệt và thấy hơi nản lòng nhưng được mọi người động viên, em thấy mình như có thêm động lực để ở lại nơi này” - Tuấn chia sẻ động lực khiến em bám trụ với nhà hát. Một tập thể gắn bó, đoàn kết, cùng nhau chia sẻ để vượt qua khó khăn như thế mới có thể níu giữ bước chân của 34 nghệ sĩ ở lại với nhà hát, tiếp tục làm nghề, giữ nghề và truyền nghề cho lớp trẻ.
“Có những lời nói như nhát dao đâm vào tim anh chị em nghệ sĩ khi họ cho rằng chúng tôi chỉ là gánh hát ăn chùa ở đình. Xót xa lắm chứ nhưng ai cũng ráng bám trụ, khi nào không thể được nữa thì mới đành buông tay” - anh Nguyễn Hoàng Sinh, người đã gắn bó với nhà hát hơn 10 năm tâm sự.
Bài, ảnh: Yên Hà - giaoduc.edu
Những nỗi buồn thầm lặng…
Mỗi ngày đi qua, những người nghệ sĩ ở Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM vẫn lặng lẽ đi về, lặng lẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật bởi họ luôn tâm niệm ngày nào còn đình chùa, còn lễ hội thì ngày đó nghệ thuật hát bội vẫn còn có thể tồn tại, dẫu sự tồn tại ấy lay lắt vô cùng… 
 

Nguồn tin: SGGP - GD