Nghệ sĩ Thanh Thế

Thanh Thế

Thanh Thế

Chịu di chứng từ căn bệnh nhồi máu cơ tim, ở tuổi 70, nữ đào chính của đoàn Minh Tơ thuở trước vẫn ao ước được hát trước khán giả dù thù lao ít ỏi và bấp bênh.

 Sau ba lần nhập viện và hai lần mổ tim, hiện sức khỏe của bà ra sao?

- Đã 9 tháng trôi qua kể từ lần mổ tim cuối cùng. Sức khỏe của tôi giờ đã ổn định. Tôi rất mong được hát trở lại. Sang tháng, tôi sẽ có ba suất hát chầu trong dịp lễ cúng miếu ở Đồng Nai. Hát chầu tức là hát thần nữ, đào tam xuân và mấy bài tuồng cổ.

Vì sao bà vẫn đi hát ở tuổi 70 trong tình trạng sức khỏe không được tốt?

- Tôi tự tiên lượng được sức khỏe của mình nên mới nhận suất hát vào tháng tới. Từ khi nghỉ hát sân khấu, lúc nào tôi cũng nhớ nghề, có cơ hội đứng hát ở đâu là tôi tham gia. 20 năm trở lại đây, sân khấu cải lương vắng khách, tôi chuyển sang hát trong những lễ cúng đình, miếu và cũng sống được qua ngày.

- Người thân của bà phản ứng ra sao với quyết định này?

- Chồng tôi mất đã lâu, con gái lấy chồng xa. Hiện tôi thuê trọ cùng vợ chồng con trai cả. Nó thương tôi lắm, nhất quyết không cho tôi đi hát lại. Suất diễn tháng tới là do một người thân quen với gia đình tổ chức, nể người ta lắm nó mới để tôi tham gia.

Tôi phải đảm bảo với con là sức khỏe mình còn tốt và thuyết phục nó tin vào sự phù hộ của tổ nghiệp. Hơn nữa, mỗi lần đi hát xa, tôi đều đi cùng con trai hoặc một người cháu thân thiết.

IMG-4021-JPG-9802-1416908661.jpg

Nghệ sĩ Thanh Thế trong căn phòng trọ chật hẹp. Mỗi khi nhớ nghề, bà thường mở đồ hóa trang ra ngắm nghía.

-  Ngoài vấn đề về sức khỏe và tuổi tác, bà còn gặp những khó khăn gì với đam mê ca cổ?

- Giọng tôi không còn khỏe như trước kia, sức khỏe cũng không cho phép diễn những vở chạy, nhảy, múa đao trên sân khấu. Thời trước, hát Tô Uyên Phụng, tôi chạy gối ba bốn chặp, chạy xong vào ngay câu vọng cổ, mùi mẫn lắm. Giờ tôi chỉ chọn hát những bài nhẹ nhàng cả về lên giọng và múa võ.

Thời trước, tuy cát- xê không cao, nhưng tôi diễn nhiều suất, thù lao khá. Giờ hát ít, thù lao thấp nên đời sống ngày càng khó khăn. Sân khấu cải lương không sáng đèn, tôi đi hát chầu. Nhưng hát chầu cũng phải vào mùa mới có show. Ngày thường, nghệ sĩ chơi dài, nhưng tới mùa lại trùng show vì nhiều chỗ kêu. Thành thử, chỉ bầu show lãi, diễn viên vẫn thiệt thòi do không diễn được nhiều chỗ một lúc.

Việc đi hát đem lại cho bà thu nhập ra sao?

- Thù lao một suất hát của tôi từ 1 - 1,5 triệu đồng. Hôm nào hát ba suất tôi được 3 triệu đồng nhưng tôi chỉ nhận một nửa, vì người tổ chức đều là chỗ thân thiết. Thu nhập của tôi khá bấp bênh vì lâu lâu mới có suất hát. Tôi đi hát cho thỏa đam mê với nghề là chính, thù lao từ nghề hát không đủ để tôi chi trả tiền thuê nhà và mọi chi phí sinh hoạt.

Vậy bà lấy đâu ra tiền để trang trải sinh hoạt hàng ngày?

- Thi thoảng vẫn có khán giả sống ở nước ngoài gửi về giúp tôi chút đỉnh, còn lại bao nhiêu con trai tôi lo. Đi hát có tiền tôi trả tiền nhà, tháng nào không có thì con trai trả. Tiền gạo tôi tự lo. Mỗi ngày chỉ phải nấu một nồi cơm, thức ăn họ bán sẵn dưới nhà, mạnh ai người ấy tự bới ăn.

Con gái tôi lớn tuổi rồi, lại lấy chồng xa nên không giúp đỡ được nhiều. Nó cũng ốm đau bệnh tật triền miên, vài tháng mới qua thăm mẹ một lần.

Hàng năm tôi vẫn nhận được 300.000 đồng cùng bánh, mứt, kẹo từ Hội nghệ sĩ mỗi dịp Tết đến. Một số nghệ sĩ trẻ, khán giả ái mộ trong nước thi thoảng vẫn cho tôi chút tiền.

IMG-4041-JPG-4212-1416908661.jpg

Dù cố tỏ ra lạc quan, khi nhắc đến nghề hát, nghệ sĩ vẫn không giấu nổi những giọt nước mắt trong lúc trò chuyện.

Nguyên nhân nào khiến bà rơi vào cảnh sống tạm bợ như hiện nay dù trước đó bà được biết là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời kỳ sau Giải phóng?

- Đúng là sau năm 1975, tôi là một đào chính nổi tiếng và có thu nhập cao ở Sài Gòn. Vợ chồng tôi sống sung túc trong ngôi nhà do cha mẹ tôi để lại. Mọi chuyện chỉ xấu đi khi chúng tôi lập đoàn hát Thanh Thế và gặp thất bại, phải bán nhà gán nợ. Chúng tôi chuyển sang ở ngôi nhà nhỏ hơn. Tôi vẫn tiếp tục theo các đoàn hát tỉnh để duy trì cuộc sống của cả nhà. Chồng tôi là đạo diễn Bửu Truyện, buồn khổ quá sinh chán nản và uống rượu dẫn đến ung thư. Tôi phải bán nốt ngôi nhà nhỏ trị bệnh cho chồng nhưng anh cũng không qua khỏi. Mẹ con tôi phiêu dạt đi ở trọ 16 năm nay, cứ nhà tăng giá lại tìm phòng trọ khác để chuyển.

Bà dự liệu thế nào cho cuộc sống của mình nếu không đi hát được được nữa?

- Thời điểm khó khăn nhất là lúc tôi nhập viên, mổ tim. Cũng nhờ có danh từ khi còn đi hát, khán giả và bạn bè nghệ sĩ biết tin giúp đỡ tôi có được số tiền lớn. Số tiền trên đã trang trải hết cho ba lần vào viện.

Hiện tại, tôi trông chờ vào sự hỗ trợ của con trai. Nó chơi nhạc cho các show lớn nên cũng có thu nhập nhưng công việc thường không ổn định. Thú thật, tôi cũng không biết tính sao, cuộc sống tới đâu hay tới đó. Nhiều lúc tôi nằm vái trời Phật cho tôi ngủ một giấc rồi đi luôn cho khỏe. Tôi sợ cảnh ốm đau, bệnh tật nằm một chỗ lắm.

Nghệ sĩ cải lương Thanh Thế sinh năm 1945 tại TP HCM trong một gia đình có truyền thống ca cổ. Mới 7 tuổi, bà đã đóng vai đào con trên sân khấu. 16 tuổi, nghệ sĩ trở thành đào chính trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ. Bà được khán giả yêu mến qua nhiều vai chính của các vở tuồng: Tình sử A Nàng, Phàn Lê Huê giáo tử, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chung Vô Diệm, Bùi Thị Xuân...

Nhận định về Thanh Thế, nghệ sĩ Lệ Thủy cho rằng: "Chị và ông xã - cố NSƯT Bửu Truyện là hai hạt nhân nòng cốt góp phần cùng với Bạch Mai, Đức Lợi của đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đã dìu dắt nhiều nghệ sĩ trẻ nổi danh, đoạt HCV giải Trần Hữu Trang như: Vân Hà, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Linh Tâm, Cẩm Thu, Chinh Nhân..."

Châu Mỹ thực hiện

Nguồn tin: tcgd theo VNE