NSƯT Ngọc Khanh: người góp phần giữ hồn dân tộc

NK

NK

TRONG THẬP NIÊN NHỮNG NĂM 70, NSƯT NGỌC KHANH CÙNG VỚI CÁC NGHỆ SĨ ĐÀN CHỊ LÀ XUÂN YẾN, BẠCH MAI, BẠCH LÊ, THANH THẾ, THANH LOAN….LÀ NHỮNG”NỮ TƯỚNG”CỦA SÂN KHẤU HÁT BỘI - TUỒNG CỔ. CÁC”NỮ TƯỚNG”NÀY ĐÃ ĐỂ LẠI ẤN TƯỢNG RẤT ĐẸP TRONG LÒNG KHÁN GIẢ YÊU THÍCH BỘ MÔN NGHỆ THUẬT NÀY BỞI TÀI NĂNG CA DIỄN VÀ VŨ ĐẠO QUÁ TUYỆT VỜI CỦA HỌ. CHO ĐẾN HÔM NAY, MỖI KHI NGHE NHẮC TÊN CỦA CÁC CÔ, KHÁN GIẢ VẪN DÀNH CHO CÁC CÔ MỘT TÌNH CẢM THẬT ĐẸP, CỐ GẮNG TÌM LẠI CÁC VỞ TUỒNG XƯA MÀ CÁC CÔ DIỄN ĐỂ XEM, ĐỂ THẤM… RỒI CỨ”CHẮC LƯỠI”RẰNG SAO MÀ HAY QUÁ…..

SƠ NÉT VỀ DUYÊN SÂN KHẤU

NSƯT Ngọc Khanh tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khanh, sinh năm 1954 tại Sài Gòn. Mẹ cô là nghệ sĩ tài danh Ba Út, cùng thời với các nghệ sĩ tiền bối Minh Tơ, Phùng Há, Năm Đồ…nên từ thuở lên 9 lên 10 đã được làm quen với ánh đèn sân khấu. Tuy nhiên, NS Ba Út lại không thích cho cô theo nghề vì bà quan niệm rằng nghề này đến tuổi 40 là già rồi, không sống nổi với nghề nên bắt cô cố gắng học cho tốt rồi tìm một nghề gì đó để nuôi thân.

“Nhưng con nước không bao giờ chảy ngược dòng sông. Tôi cũng vậy, được sống trong muôn vàn ánh đèn sân khấu lấp lánh, những vần điệu ngọt ngào từ tiếng hát của mẹ, của các cô bác và tâm hồn lại thêm rộn ràng với những hồi trống chầu làm tôi không bao giờ có ý nghĩ là phải làm một nghề gì khác ngoài việc trở thành một người nghệ sĩ. Vì vậy tuổi thơ tôi ít khi đi chơi với bạn bè trong xóm, ngoài giờ học là tôi cứ theo mẹ vào gánh hát để xem mẹ và các cô các bác hóa trang, ngồi bên cánh gà để học những bài ca điệu bộ hay len lén lấy phấn son mà tô tô vẽ vẽ.  Và thỉnh thoảng cũng được lên sân khấu với những vai nhi đồng….Vậy đó mà có những đêm không ngủ được, thỉnh thoảng mỉm cười với chính mình để nuôi dưỡng một ước mơ…..”

NSƯT Ngọc Khanh và GSTS Nguyễn Thuyết Phong, nghệ sĩ Khương Cường tại Mỹ

 

Năm 1971, khi NS Ngọc Khanh vừa tròn 17 tuổi  niềm mơ ước theo nghề được NS Ba Út”danh chánh ngôn thuận”chấp nhận, do NS Đinh Bằng Phi thuyết phục với bà rằng cho Ngọc Khanh vào Trường Quốc Gia Âm Nhạc Kịch Nghệ để học nghề sau này có nghề đi dạy. Và nghề sư phạm cũng đến với cô từ đó, năm 1973 cô tốt nghiệp ra trường và về công tác giảng dạy ở Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2. Trong thời gian này cô còn cộng tác với các đoàn Hoa Xuân, Minh Tơ, Nghĩa Thành……Mặc dù rất ít khi được đứng trên sân khấu hát để chìu ý mẹ, nhưng cô vui vì vẫn được hoạt động ở lĩnh vực về sân khấu. Hàng ngày NS Ngọc Khanh cũng được hát, được múa để dạy cho học trò của mình qua những bài giảng cho thỏa đam mê. Cho đến hôm nay cô rất hãnh diện và vui mừng khi những học trò của mình đều đã thành danh , và được công chúng biết đến như NSƯT Ngọc Nga, Hữu Danh….

Năm 1974, NSƯT Ngọc Khanh cùng NSƯT Kim Thanh, NSƯT Ngọc Dung, Kim Ngà sang Canada diễn trích đoạn hát bội “Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ”được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt.

BƯỚC NGOẶC TRONG ĐỜI

Năm 1980, khi bộ môn Hát Bội của Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2 giải thể. Các giảng viên khoa  hát bội của trường trong đó có NSƯT Ngọc Khanh được mời về Nhà hát bội Thành Phố.

“Lúc đó tôi cũng không biết rằng mình vui hay mừng, vì nếu về Nhà hát thì chắc rằng mình sẽ bị ràng buộc, mà tôi thì lại thích tự do. Nếu không về Nhà hát thì tự thân vận động, chắc chắn rằng cuộc sống của mình sẽ bôn ba và vất vả nhiều hơn. Suy đi nghĩ lại, đây là một lý do chính đáng để đổ thừa với mẹ để được chuyên tâm đi hát, một phần vì  được làm những việc mình yêu thích nên tôi chọn cho mình một hướng đi để thực hiện được những ước mơ của riêng mình”. Cô chia sẻ.

Trong khoảng 10 năm, từ năm 1980 đến năm 1990 NSƯT Ngọc Khanh tăng cường cho các đoàn hát, chủ yếu đi diễn tăng cường cho các đoàn vào mỗi dịp lễ kỳ yên. Hầu hết các vai chính trong các vở Lưu Kim Đính gỉai gía Thọ Châu, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chung Vô Diệm, Ngọc Kỳ Lân, Phàn Lê Huê, San Hậu, Tiết Đinh San, Trưng Nữ Vương… cô đều diễn qua. Do từ nhỏ đã được xem mẹ và các cô các bác diễn những vai này như Bà Hai Nhỏ hát vai Trưng Trắc, Bà Năm Sa Đéc hát vai Trưng Nhị….nên tất cả đã”ăn sâu”vào trong máu, đặc biệt là các trình thức vũ đạo, điệu bộ của một cô đào võ. Chính vì vậy mà khán giả đón nhận cô rất nhiệt liệt vì tài năng ca diễn của mình. Lúc này tên tuổi của Ngọc Khanh càng được khán giả yêu thích, đặc biệt là những bà con nông dân vùng sâu, các miệt bưng biền những nơi mà cô đã đi qua.

Một kỷ niệm với mẹ mà cô không thể nào quên được là các cô bác bạn của mẹ cứ gặp mẹ cô mà khen rằng Ngọc Khanh diễn trên sân khấu cái”bộ tịch”sao mà giống bà (NS Ba Út) y chang. Vậy đó mà Cô không bao giờ chịu nhận, đến nỗi bà”chửi vui”với cô rằng”Cái đồ…, ai cũng biểu mày diễn giống tao mà mày không bao giờ chịu nhận hết đó!...”. Ngày NS Ba Út mất, NSND Phùng Há đã  khóc và bảo rằng”Chị Ba ơi, tui đang lo cho chị danh hiệu NSƯT chưa được mà chị đã mất rồi”. Người mẹ cũng là người Thầy đầu tiên mà Cô luôn thương yêu kính trọng, giờ bà đã đi xa nhưng trong tim cô luôn tâm nguyện rằng sẽ luôn luôn cố gắng sống cho thật tốt, tận tâm với nghề để không phụ lòng của bà.

Năm 1990 đến năm 1996 , Ông Lê Duy Hạnh và Ông Huỳnh Minh Nhị thành lập Hội sân khấu hát bội truyền thống và cô về đây công tác với chức danh là Phó chủ nhiệm, (Ông Huỳnh Minh Nhị là chủ nhiệm). Trong khoảng thời gian này Câu lạc bộ sân khấu truyền thống mang tên Ngọc Khanh đã bắt đầu hình thành và cô lại bắt đầu nghiệp làm bầu, “gánh” Câu lạc bộ của mình trên hành trình lưu diễn.

“Nhiều khi nhìn lại những đoạn đường đã qua, tôi không nghĩ rằng trên bước đường nghệ thuật mình cũng trải qua nhiều biến cố, đến với sân khấu theo kiểu len lén, đến giảng viên sân khấu, rồi là nghệ sĩ tự do và sau cùng là một bầu gánh hát. Và ở vị trí này, tôi càng thấy được bộ môn cải lương đặc biệt là nghệ thuật hát bội sao mà thiêng liêng quá. Đó là một tài sản văn hóa lớn mà ông cha đã để lại, vì vậy tôi càng thấy trách nhiệm của mình với nghề, phải làm sao để gìn giữ và phát huy để không bị mai một”.

DƯƠNG HẠC LÂM

NSƯT Ngọc Khanh và hành trình "Đưa hát bội đến Mỹ"
 

NSƯT Ngọc Khanh chia sẻ về chuyến đi “Đưa hát bội đến Mỹ” ngay khi vừa trở về nước.

 

 

NSƯT Ngọc Khanh và GSTS Nguyễn Thuyết Phong, nghệ sĩ Khương Cường tại Mỹ

“Tôi thật vinh dự nhận được lời mời của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong – người đã sống và thành danh tại Mỹ, để đưa bộ môn hát bội giới thiệu với sinh viên tại Mỹ. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đã từng nhận giải thưởng Vinh danh nước Việt của báo điện tử Vietnamnet (2004) cùng đợt với GS-TS Trần Văn Khê, NSND Đặng Thái Sơn… Ông có những đóng góp cho ngành dân tộc nhạc học Mỹ trong việc biểu diễn, giảng dạy và truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam. Tôi được biết năm 1997 ông được Tổng thống Bill Clinton và Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ trao tặng danh hiệu Danh nhân Di sản Quốc gia (National Heritage Fellow). Sang Mỹ mùa này khí trời rất lạnh, thế nhưng trong suốt 8 buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam (VN) và giới thiệu về nghệ thuật hát bội của dân tộc mình, tôi thấy vô cùng ấm áp!" - NSƯT Ngọc Khanh cho biết.

 

 

NSƯT Ngọc Khanh (bìa trái) và các nghệ sĩ VN trong chuyến lưu diễn sang Mỹ 12-12013

Theo NSƯT Ngọc Khanh, GS-TS Nguyễn Thiết Phong có 40 năm sống ở nước ngoài, ông đã từng biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Năm nay, các trường đại học Mỹ mời ông sang giảng dạy về âm nhạc VN. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đã giảng dạy, thuyết trình và sau đó cùng các nghệ sĩ đến từ VN biểu diễn âm nhạc cổ truyền của dân tộc. Đây là lần thứ 3 chương trình được tổ chức (hai lần trước là vào năm 2010 và 2011).          

Với chủ đề Ba dòng sông - một cội nguồn, âm nhạc biểu trưng của ba miền lần lượt được giới thiệuMiền Bắc có hát xẩm và nghệ sĩ đại diện đến từ VN là Khương Cường, miền Trung giới thiệu ca Huế, nhã nhạc cung đình do nghệ sĩ Ý Nhi đảm trách và âm nhạc Tây Nguyên do NSƯT Ngọc Khanh phụ trách), miền Nam giới thiệu hát bội.

"Chương trình diễn ra khoảng từ 90 đến 120 phút. Qua chuyến đi này, tôi nhận thấy việc nghiên cứu và tiếp nhận âm nhạc dân gian, truyền thống VN ở các trường đại học Mỹ rất hay. Ở Mỹ có khoa “Dân tộc nhạc học”, mỗi năm họ chọn chủ đề và nếu mời được người dạy thì đưa vào chương trình để thực hiện. Điều đáng mừng là âm nhạc VN đã có mặt ở một số trường đại học lớn của Mỹ: Đại học Havard, Đại học Yale…Tôi học hỏi rất nhiều điều hay từ sau chuyến đi này!

Sau chuyến đi này, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong tiếp tục đưa nghệ thuật hát bội đến với các trường đại học tại các tỉnh thành miền trung, miền bắc trong năm 2014. Lúc đó, tôi sẽ có dịp đưa những vai diễn hay: Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Bùi Thị Xuân…đến với khán giả trẻ trong nước”-NSƯT Ngọc Khanh tâm sự.

 

 

Các nghệ sĩ biểu diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc VN tại Mỹ

 

 

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong và nghệ sĩ Khương Cường biểu diễn tại Mỹ

 
 

NSƯT Ngọc Khanh diễn vai Vương Tư Đồ trong vở Phụng Nghi Đình

 

Tin: T. Hiệp. Ảnh: NSCC

 

Nguồn tin: tcgd theo BSK - NLĐ