Những tâm tình về đời sống và sự nghiệp của MC Thanh Tùng

Những tâm tình về đời sống và sự nghiệp của MC Thanh Tùng
Chữ MC trong tiếng Anh có nghĩa là “Master of Ceremony,” dịch nôm na sang tiếng Việt là người điều khiển chương trình.

Trong thế giới của những người điều khiển chương trình của làng ca nhạc, sân khấu Việt Nam hiện nay tại hải ngoại, có không nhiều những tài năng xuất sắc, đứng vững và được khán giả ái mộ, ngoại trừ một vài tên tuổi lớn như Nguyễn Ngọc Ngạn, Trần Quốc Bảo hay Nam Lộc.

 



MC Thanh Tùng. (Hình: Facebook)

Tuy nhiên, MC Thanh Tùng, cư dân San Jose, là một người được khán giả đánh giá cao, do lối dẫn chuyện duyên dáng, cách đưa đẩy, giới thiệu ca nghệ sĩ chuyên nghiệp và hơn hết vẫn là sự làm việc tận tụy với nghề, bao giờ cũng thế, trước mỗi chương trình, anh đều bỏ thời gian làm “home work,” sưu tầm, tìm hiểu những chi tiết cần thiết để khi bước ra sân khấu có thể gửi đến khán giả những thông tin mới lạ về vở kịch, tuồng cải lương, hay đời sống, hình ảnh của người nghệ sĩ ngoài đời thường như thế nào?

Thanh Tùng tên thật Võ Thanh Tùng, sang Mỹ theo gia đình diện HO từ năm 1992, trước khi rời Việt Nam, Thanh Tùng tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm khoa Ngữ Văn.

Anh nói: “Chẳng hiểu vì sao Tùng rất yêu màu áo trắng của học trò, Tùng nhớ, hồi đó cứ mỗi lần đạp xe đi ngang trường học, nhìn những em học sinh mặc áo trắng là tự nhiên mình thích vô cùng... Bởi vậy mộng ước duy nhất là được làm thầy giáo, gõ đầu trẻ thế thôi.”

Thanh Tùng kể tiếp: “Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tùng thi vào Ðại Học Sư Phạm, và được nhận vào trường, anh biết rồi đó, ở Việt Nam, làm thầy giáo là nghèo nhất, tuy nhiên nếu mình chọn là thầy giáo dạy toán, các môn khoa học tự nhiên, vi tính hoặc ngoại ngữ còn đỡ, vậy mà Tùng chọn ngành ngữ văn... Nghèo rớt mồng tơi luôn.” (cười).

Thanh Tùng tâm sự, ngay khi anh vừa tốt nghiệp đại học, thì gia đình có giấy tờ lên máy bay để đi định cư Hoa Kỳ, anh nói: “Bởi vậy, mộng ước làm thầy của mình kể như tan thành mây khói, vì có bằng cấp mà chưa có được một ngày chính thức đứng trên bục giảng làm thầy người ta, ngoại trừ thời gian được về trường trung học cũ của mình làm thầy giáo thực tập.”

Theo gia đình sang đến Mỹ, giống như tâm trạng của bao nhiêu người khác, Thanh Tùng bắt đầu lao vào cuộc sống mới với hai bàn tay trắng, duy nhất chỉ có nghị lực, và sẵn sàng “làm bất cứ chuyện gì để miễn mang tiền về phụ giúp gia đình.”

Trong nhà Thanh Tùng là anh cả, nên mọi thứ anh tự xác định mình phải là đầu tầu, lo lắng cho cha mẹ và các em.

“Hồi đó Tùng lao vào công việc mà không cần suy nghĩ, làm bất cứ việc gì, từ phụ việc cho những ông quay phim đám cưới, chạy bàn, đến làm 'assembler,' và cuối cùng là bước vào lãnh vực truyền thông.”

Ngừng một chút, mở cặp mắt kính, Thanh Tùng nói tiếp: “Bước vào lãnh vực làm truyền thông là duyên số, có lẽ bề trên định sẵn cho mình như thế, việc làm đầu tiên Tùng được nhận vào làm cho một đài phát thanh, lúc đó Tùng không bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ được làm người xướng ngôn viên chính cho đài, mà Tùng chỉ muốn vào đó, làm bất cứ việc gì cho người ta, miễn là có lương để trả tiền nhà, tiền 'bill' mỗi tháng thôi...”

Anh kể đài phát thanh đầu tiên anh làm việc là đài Việt Nam FM, tại San Jose, làm được chưa đầy một năm, Thanh Tùng chuyển sang làm cho đài Quê Hương, anh tâm tình: “Lúc đó, mình nhìn các cô, các chú xướng ngôn viên của đài Quê Hương do cô Ðoan Trang làm chủ, thấy họ hay quá, nên mình thần tượng họ, và ao ước được vào làm việc chung, để miễn thỏa mãn sự tò mò, thần tượng những người mình yêu thích trong giới truyền thông thôi.”

Thanh Tùng kể tiếp: “Vậy đó mà đến khi vào phỏng vấn, cô Ðoan Trang thấy Thanh Tùng là người Nam chính gốc, ăn giá sống, nói tiếng Nam không 'đụng hàng'... Và thế là cô nhận Tùng vào làm việc cho cô, ban đầu là làm quảng cáo, rồi góp giọng trong những chương trình đọc truyện, 'talk show,' và từ từ tăng dần 'nồng độ,' đến một ngày Tùng được ngồi vào chiếc ghế làm xướng ngôn viên, nói chung cô Ðoan Trang chính là người huấn luyện Tùng vào nghề truyền thông ở thuở ban đầu.”

Sau một vài năm, khi anh đã là xướng ngôn viên, Thanh Tùng bắt đầu nhận cộng tác với một số đài truyền hình, radio khác, trong vùng Bắc California, trong đó có đài truyền hình của ông Ðỗ Vẫn Trọn, và anh trụ lại tại đài đó cho đến bây giờ.

“Cơ may nào bạn bước vào làm người điều khiển chương trình?”

“Thật sự trước đây tôi chưa bao giờ thích nghề làm MC, giống như tôi đã nói, nghề thật sự tôi yêu thích vẫn là đi dạy học, hoặc diễn thoại kịch. Nhưng mà số mạng đã định, mình không thể làm thầy giáo, nhất là khi sang Mỹ này, tốn nhiều thời gian, đi học trở lại, mà tuổi tác, cũng như hoàn cảnh gia đình không cho phép mình làm chuyện đó, còn thoại kịch thì chính mình cũng biết, chỉ vì mình đam mê, vui chơi thôi, chứ không phải là nghề kiếm ăn chính, bởi vậy kể như cũng bỏ qua luôn.”

Thanh Tùng tiếp tục hồi tưởng: “Nghề làm MC đầu tiên là do ông thầy dạy lớp học ca hát, khuyên nhủ Tùng nên đi theo nghề này, và sô đầu tiên Tùng làm MC cũng là đêm sinh hoạt ca nhạc mừng tốt nghiệp của lớp học ca hát, bữa đó không hiểu vì sao Thanh Tùng làm MC lưu loát lắm, và thế là sau đó làm thêm mấy lần nữa, chính thức là lần làm MC cho trung tâm ca nhạc Kim Lợi, trong tác phẩm DVD thu hình kỷ niệm 12 năm của họ.”

“Nhìn lại suốt bao nhiêu năm làm MC, bạn có nghĩ rằng chính cái vốn bốn năm Ðại Học Sư Phạm, nhờ trường lớp dạy bạn thế nào là kinh nghiệm đứng trên bục giảng, đến vốn ngữ văn bạn học được từ chương trình đào luyện, cả hai hợp lại giúp MC Thanh Tùng dễ dàng chinh phục khán giả, khi anh đứng trên sân khấu không?”

“Ðúng anh, tuy nhiên Tùng vẫn nghĩ mỗi người có một số may mắn, và Tùng cũng không ngoại lệ trong nghề nghiệp của mình.”

“Thông thường bạn chuẩn bị như thế nào cho phần việc của mình trước mỗi chương trình ca nhạc, hay kịch, cải lương?”

“Nếu sô làm ở sòng bài thì sự đòi hỏi kiến thức, làm 'home work' không cần phải nhiều đâu. Nhưng ngược lại, trong những sô lớn như nhạc thính phòng, cải lương, kịch, 'live show' của các ngôi sao... thì bắt buộc người điều khiển chương trình phải bỏ nhiều thời gian để đầu tư, nghiên cứu, tiếp xúc với ca nghệ sĩ để có được những điều khán giả muốn biết về chương trình đó, mang những thông tin đó tìm cách để chuyển lên sân khấu trở thành những tin tức cần thiết mà khán giả muốn nghe,” MC Thanh Tùng tâm tình.

Khi nói về kinh nghiệm làm người điều khiển chương trình sau mỗi buổi diễn, Thanh Tùng cho biết, mỗi khi màn hạ, anh ngồi lại một mình, như khúc phim quay chậm, những gì đã xảy ra trong chương trình ca nhạc đó, hay sân khấu kịch, cải lương ấy. Thanh Tùng lại chắc lưỡi thêm một lần, với câu nói: “Ước gì mình được nói lại phần đó, bằng một câu giới thiệu khác.”

Và như thế anh kể rằng bao nhiêu năm đứng sân khấu, dù kinh nghiệm “chiến trường” dầy đặc, thế nhưng mỗi lần ra đứng làm người điều khiển chương trình anh đều run: “Ít nhất vài phút đầu tiên,” nhưng sau đó chính nhờ anh hiểu khán giả phía dưới của anh là ai, họ muốn được nghe những gì, và anh biết chắc anh có thể đáp ứng sự yêu cầu ấy, nên dù run vài phút đầu, nhưng sau đó nhờ tiếng vỗ tay của khán giả nên anh giữ bình tĩnh được trở lại.

Cho đến khi bài viết này lên khuôn, MC Thanh Tùng tiết lộ thêm một chi tiết về đời sống của anh, đó là sau một thời gian vừa đi làm toàn thời gian cho đài Viên Thao, cuối tuần làm MC cho các sô ca nhạc tại địa phương cũng như xuyên bang, anh vẫn đi học bán thời gian ngành quan hệ công chúng tại đại học San Jose State và vừa tốt nghiệp bằng cử nhân.

“Thú thật dù thế nào đi nữa tôi vẫn yêu nghề giáo, tôi vẫn để giấc mơ nhỏ nhoi đó sống trong tôi, dù biết rằng sẽ không bao giờ có cơ hội để biến giấc mơ thành hiện thực,” chàng trai gốc miền Nam tâm tình.

Ðức Tuấn

Nguồn tin: tcgd theo NV