Thế giới kỳ ảo của Robert Gonsalves

Thế giới kỳ ảo của Robert Gonsalves
"Cách đây 5 năm, tôi biết đến họa sĩ Canada qua cuộc triển lãm tranh tại ArtExpo, New York (Mỹ) và ấn tượng với phong cách hiện thực của anh ấy – người đã mở ra không gian nghệ thuật sáng tạo không tưởng" - Robert C.Ross – người ái mộ họa sĩ Robert Gonsalves – nhận xét. Ai từng xem tranh của Robert Gonsalves đều thừa nhận họa sĩ này đã làm thay đổi những quan niệm về nghệ thuật. Tranh của Robert Gonsalves độc đáo, đánh lừa thị giác, đưa người xem vào không gian hư ảo.

Robert Gonsalves

Robert Gonsalves có lối vẽ rất ma thuật, tranh của ông huyền ảo, nhiều tầng lớp. Một số bức tranh nổi tiếng của ông: "Big Air", "In The Snowy Woods", "The Sun Sets Sail", "Stepping Stone", "Table Top Towers", "Bedtime Aviation", "Water Dancing", "Unfinished Puzzle…tựa như có phép biến hóa, không gian đa chiều, siêu thực, ranh giới dường như bị xóa nhòa. Với bức "The Sun Sets Sail", Robert Gonsalves đã vận dụng hiệu ứng màu sắc, hình ảnh trùng lắp giữa cánh buồm, đám mây, biển cả tạo nên chiếc cầu ảo giác, khung cảnh hùng vĩ, thơ mộng. Bức "Table Top Towers" đưa người xem đến tòa cao tầng trùng lắp với mô hình của hai đứa bé chơi lego.

Phần lớn tranh của Robert Gonsalves có ranh giới không rõ ràng giữa tầng tầng lớp lớp câu chuyện mà chúng thuật lại. Vì thế, người xem buộc phải xem đi xem lại, giống như ảo ảnh quang học, mỗi lần nhìn vào là thấy khác, khiến người ta ngỡ ngàng khi bóc tách từng lớp, tìm hiểu ý nghĩa bên trong. Robert Gonsalves cho biết: "Tác phẩm của tôi chứa đựng nhiều yếu tố thị giác. Tranh của tôi về cơ bản là sự ca tụng tính diệu kỳ của tưởng tượng, nó có thể kỳ ảo, thậm chí là siêu việt". Thật ra, những nguồn cảm hứng trong sáng tác của Robert Gonsalves là sự đối lập tồn tại trong cuộc sống: tự nhiên – nhân tạo, thành thị – nông thôn, ánh sáng – bóng tối…

"Table Top Towers"

 

Khác với các tác phẩm của Dali, Tanguy, Magritte – những họa sĩ của trường phái siêu thực, tác phẩm của Robert Gonsalves phác thảo hết sức cẩn trọng và đó là kết quả của tư duy có ý thức, thay vì tiềm thức như các nhà siêu thực. Nói cách khác, Robert Gonsalves đã đưa những yếu tố kỳ ảo vào khung cảnh hiện thực, trở thành họa sĩ tiên phong của phong cách "hiện thực kỳ ảo". Những tác phẩm của ông thể hiện khát vọng của con người muốn vượt mọi không gian, thỏa sức sáng tạo, ước mơ. Thành công của Robert Gonsalves chính là biết cách ứng dụng những kiến thức về kiến trúc, đồ họa với tình yêu nghệ thuật, xây dựng nên những bức tranh tuyệt vời. Có thể nói hầu như những gì hiện diện trong tranh của Robert Gonsalves chưa từng thấy trong bất kỳ tác phẩm hội họa nào từ trước tới nay.

Robert Gonsalves bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ rất sớm. Năm 12 tuổi, Robert Gonsalves đã am hiểu về kiến trúc và tỏ ra hứng thú với các trường phái nghệ thuật siêu thực, tượng trưng. Trong những năm là sinh viên trường kiến trúc, Robert Gonsalves đã làm việc như kiến trúc sư, đồng thời vẽ tranh tường và thiết kế sân khấu. Năm 1990, Robert Gonsalves có cuộc triển lãm tranh ngoài trời ở Toronto (Canada) và nhận nhiều phản hồi tích cực. Từ đó, ông dành hết thời gian cho việc vẽ tranh. Thành công nhanh chóng đến với Robert Gonsalves qua hàng loạt triển lãm ở nhiều quốc gia. Robert Gonsalves xuất bản những sách tranh như: "Imagine a night" (2003), "Imagine a day" (2004) và "Imagine a place" (2008) đều là những quyển sách nằm tốp bán chạy nhất thế giới trong những năm qua. Trang Amazon.com bình phẩm: "những cuốn sách này đã trải dài những giới hạn của khám phá thị giác bằng những bức tranh ngoạn mục, khuyến khích các bậc phụ huynh cùng con em hướng tới những giới hạn của sự tưởng tượng". Đến nay, Robert Gonsalves đã có 70 bức tranh, trung bình mỗi năm ông vẽ khoảng 4 bức tranh.

ÁI LAM
(Tổng hợp từ Visualnews, paragonfineart

Nguồn tin: tcgd theo BCT