Tạ Tỵ, hội họa và thơ văn

Tạ Tỵ, hội họa và thơ văn
Khuôn mặt Tạ Tỵ trong sinh hoạt văn học miền Nam nổi bật về mặt hội họa, là ngành chuyên môn ông theo đuổi và xuất thân từ thời tuổi trẻ ở Hà Nội, cũng từ Hà Nội ông đã nổi tiếng với cuộc triển lãm tranh lập thể đầu tiên của ông, và của ngành tạo hình Việt Nam, với những bức sơn dầu “Mùa Hạ” “Hoa Đăng,” song song với những đóng góp của ông trong nhóm Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật Thế Kỷ, hồi 1950, bên cạnh những Triều Đẩu (Trên Vỉa Hè Hà Nội), Trúc Sỹ (Kẽm Trống), ông bà Xuân Nhã Bùi Xuân Uyên, chủ nhiệm tờ Thế Kỷ, và các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân.

 


Một bức tranh màu bột màu của Tạ Tỵ (1922-2004) vẽ năm 1947 trong thời gian đi kháng chiến, nhớ về Hà Nội, nhan đề “Nhớ Hà Nội,” hiện trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hà Nội. Bức tranh này in trên bìa tác phẩm “Tâm Sử Ca” của Viên Linh, xuất bản năm 2013. Hình do Viên Linh cung cấp.


Hà Nội trong thời gian này còn có những nhóm nổi tiếng khác như Vũ Hoàng Chương, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Thanh Nam. Một trong những lần ở Sài gòn nói chuyện với Thanh Nam về báo chí văn nghệ Hà Nội, anh nhắc đến Tạ Tỵ với một bài thơ nổi tiếng, anh đọc ngay gần như thuộc lòng (tôi đã phải xem lại tài liệu để chép ra):

Thương về năm cửa ô xưa

Tạ Tỵ

Tôi đứng bên này vỹ tuyến
Thương về năm cửa Ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vỹ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa...

Cửa Ô ơi, cửa Ô
Năm ngả đường đất nước
Trôi từ vạn nẻo sông hồ
Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội
Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!...

Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp
Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người
Tê tái tiếng cười
Từng cánh hoa đời khép lại
Thương về năm cửa Ô xưa! ...

(Người ta thường nói Hà Nội có năm Cửa Ô, như bài thơ trên có nhắc, thật sự Hà Nội có cả chục Cửa Ô [lối ra vào]. Tên thường nói đến nhiều nhất là Ô Quan Chưởng, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Rền, Ô Yên Phụ, Ô Cầu Giấy, và Cửa Nam, Ngã Tư Sở, v.v...)

Như thế, Tạ Tỵ cũng nổi tiếng với Thơ. Thời gian ở Hoa Kỳ ông đã xuất bản một tập thơ (Mây Bay), thời gian ở trong nước ông cũng xuất bản một tập (Cho Cuộc Đời), trong khi truyện ngắn có ba tập ở trong nước (Những Viên Sỏi, Yêu và Thù, Bao Giờ) và một tập ở hải ngoại: Xóm Nhà Tôi. Nhưng các sách văn học sử của miền Nam đã không viết về ông như một nhà văn nhà thơ. Bản thân tác giả cũng chưa bao giờ cho thấy ông đã gửi gấm ở văn chương những hoài vọng cao cả, ngược lại ông từng viết: “Tôi viết văn, tức là đã thú nhận phần nào sự bất lực của con người trước cuộc sống, do vậy, nếu chữ nghĩa có dẫn dắt bạn đọc đến những giận hờn nào đó, cũng chỉ là sự cưỡng chống gián tiếp giữa ước mơ và thực tại.” (Gửi, - một thứ lời tựa - trang 7, Xóm Nhà Tôi). Câu trên ông không giải thích trong khi nếu viết dài hơn, độc giả sẽ hiểu ông rõ hơn. Tháng Năm, 1969, khi làm thư ký tòa soạn tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội, tôi đã có dịp phỏng vấn ông về chủ đề “nhân vật người lính trong văn chương. Một câu hỏi duy nhất đã được gửi cho anh (cũng như cho các nhà văn Văn Quang, Thảo Trường, Nhật Tiến): “Khi tạo ra một nhân vật người lính trong tác phẩm văn chương, anh đã bày tỏ thái độ về cuộc chiến tranh trên đất nước ta tùy theo giai đoạn anh đã sống. Bây giờ nhìn lại, anh còn xác nhận thái độ đó không? Làm ơn cho biết rõ bối cảnh và trường hợp nhân vật người lính đó.” Tạ Tỵ đã trả lời như sau:

“Khi viết về người lính, mặc nhiên người viết đã xác định thái độ. Cuộc chiến chúng ta đang đối điện không mang tính chất một cuộc chiến thông thường. Bản chất nó vướng mắc, tạo thành nỗi day dứt, đau xót khỉ nhìn thấy chẳng những thân phận mình, thế hệ mình mà còn muốn theo cả những thân phận khác - trước và sau - với nhiều mặc cảm. Xác định thái độ không phải là chấp nhận toàn bộ cuộc sống, nhưng đích thực đề nói lên từng ý nghĩ, từng sự việc, chứng minh năng lực và uy quyền cũng như giá trị của tri thức qua môi trường sinh hoạt nội tâm ở mỗi cá nhân đã dấn thân vào tập thể. Tuồi trẻ vào đòi không phải đề đi mở đường mỗi sáng hay vật vả giữa sống và chết trong một tọa độ nào đó trên tấm bản đồ hành quân, nhưng mỗi con người ý thức phải nhìn vào thực tại, ở đấy, dù muốn dù không, cuộc sổng vẫn đẫy tời những cuộc hẹn hò không định trước và may rủi vẫn chờ đợi ở mỗi ngã ba. Tôi vẫn nghĩ, con người hãy can đảm đối thoại, chẳng những vói kẻ khác và ngay cả với lương tri mình nữa, từ cái tốt. đến cái xấu từ vui đến buồn để tìm về sự CAO ĐẸP nhất của trí tuệ.” (KH số 1, thứ năm 1 Tháng Năm, 1969). Đó là một nhận định quá đẹp người ta có thể có được, nhất là sau trận Tết Mậu Thân 1968.

Kể về toàn bộ các ấn phẩm, Tạ Tỵ có khá nhiều, phần nhiều nhất lại không phải thơ văn, mà là loại sách ký sự nhân vật. Đây là các sách loại đó của ông: “Mười khuôn mặt văn nghệ” 1970, “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay” 1972, “Những khuôn mặt văn nghệ đã đi qua đời tôi” 1990, và “Phạm Duy còn đó nỗi buồn” 1971. Ông còn một tập tạp văn (Ý Nghĩ, 1974) và một cuốn hồi ký trong tù: “Đáy Địa Ngục,” 1985. Những bài viết trong loại này của Tạ Tỵ đã gây nhiều phản ứng trái ngược có lẽ tác giả không hoàn toàn thấy trước và thấy hết. Tạ Tỵ sinh tại Hà Đông ngày 24 Tháng Chín, 1922 (có nơi ghi 1924), tố nghiệp ngành sơn mài trường Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội, học khóa 4 Võ Bị Thủ Đức và mất ngày 24 Tháng Tám, 2004 tại Sài gòn. Những đoạn thơ sau đây trong bài “Cảm Ơn” của ông có lẽ là những lời tình cảm nhất của một người có khuôn mặt điềm đạm, đôi khi dửng dưng và cứ nhìn ông là thấy ông như còn đang suy nghĩ một điều gì chưa qua hẳn.

Cảm ơn

Tạ Tỵ

Xin cảm ơn bạn bè cùng tham dự
Cơn mè cương trôi nổi tuổi hoa niên
Ăn oán cũ, hãy trả về quá khứ
Cho tâm tư vơi nhẹ nỗi ưu phiền

Xin cảm ơn, bao đắng cay thất vọng
Theo tháng ngày chất nặng tuổi thời gian
Còn chi nữa mà hoài công trông ngóng
Chờ sang thu, nghe lá đổ muôn vàn

Xin cảm ơn, những anh hùng thế hệ
Chiến trường xa gục ngã với hiên ngang
Máu đổ xuống khi tuổi đời chưa xế
Thực phẩm vàng để nuôi sống Việt Nam

Xin cảm ơn, xin cảm ơn tất cả
Thân phận này bèo bọt nghĩa gì đâu
Mùa xuân đến với màu hoa sắc lá
Dìm tâm tư trong đáy thẳm, nguyện cầu.

1989

Viên Linh

Nguồn tin: NV