Nhiều họa sĩ lên tiếng về bức tranh đấu giá của cố danh họa Bùi Xuân Phái

Nhiều họa sĩ lên tiếng về bức tranh đấu giá của cố danh họa Bùi Xuân Phái
Ngay sau khi họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố danh họa Bùi Xuân Phái, lên tiếng khẳng định bức tranh sơn dầu Phố cổ Hà Nội của cố danh họa Bùi Xuân Phái là tranh giả, đã có không ít họa sĩ Việt cùng đồng loạt lên tiếng.
Được biết bức tranh trên vốn thuộc sở hữu của nhà sưu tập Đức Minh, sáng tác từ khoảng năm 1968-1972, và đã được bán đấu giá thành công với số tiền 102.000 USD vào tối 22.10 tại TP.HCM, do Quỹ Sống để yêu thương (Live To Love Việt Nam) tổ chức nhằm tìm kiếm kinh phí cho chương trình Thiện Nhân và những người bạn, hỗ trợ phẫu thuật dị tật đường tiểu cho trẻ em.
Hiện ông Bùi Quốc Chí, con trai nhà sưu tập Đức Minh, nơi sở hữu bức tranh trên, và Ban tổ chức buổi đấu giá tranh vẫn khẳng định đây là bức tranh thật.
Bức tranh không có “chất” Bùi Xuân Phái
Theo họa sĩ Bùi Thanh Phương, thật và giả chỉ cần nhìn đã đủ biết. “Đó là bức tranh giả. Chỉ nhìn thôi đã đủ biết rồi. Tôi đã rất mệt mỏi với vấn nạn tranh giả của bố tôi. Nhưng không thể không lên tiếng vì như thế này thế hệ sau sẽ không còn biết tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái thực sự là thế nào. Tranh của cụ hiện gia đình không còn giữ nhiều, nó đã là sở hữu của cộng đồng rồi. Nhưng tranh của cụ lại bị làm giả bởi những người không chuyên nghiệp mà lại bán giá cao trên thị trường là điều thực sự đáng buồn”, họa sĩ Phương nói. Họa sĩ Phương cũng cho biết ông từng nhiều lần lên tiếng về tranh giả Bùi Xuân Phái lưu hành và bán ở khắp nơi nhưng không có tác dụng.
Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết nhà sưu tập Đức Minh (tên thật Bùi Đình Thản) vốn chơi rất thân với họa sĩ Bùi Xuân Phái nên tuyệt đối không có tranh giả, nhái (hơn nữa thời kỳ ấy không có "hiện tượng" này vì không có "thị trường"). Tuy nhiên sau khi xem tranh, họa sĩ Bình khẳng định bức tranh đấu giá là tranh giả.
“Bức tranh này không cần anh Bùi Thanh Phương lên tiếng, những ai trong nghề lâu năm đều thấy nó là giả. Dễ thấy nhất là các nét "contour" (đường viền quanh hình) của bác Phái không bao giờ "đều đặn, thẳng thớm" như thế. Người nhái bức tranh này hoàn toàn không hiểu tình cảm và bút pháp của bác Phái khi vẽ những mái nhà "xiêu vẹo"... Cái xiêu vẹo, lô xô của bác Phái là ngẫu hứng có chủ ý bằng tay nghề điêu luyện, đường "contour" của bác dày dặn và tình cảm”, họa sĩ Bình nói.
Họa sĩ Bình phân tích: “Nét vẽ tình cảm là không "tô", không "kẽ"... nó "đi" một cách tự nhiên, "luyến láy" tự nhiên nhưng có chủ đích. "... mái ngói thâm nâu..." của phố cổ Hà Nội in sâu trong tâm hồn người Hà Nội, nó là màu thời gian đi theo người nghệ sĩ, vì vậy nó không phải là màu nâu đỏ. Người nhái bức tranh này chẳng những không có tình cảm gì với Hà Nội mà còn không hiểu gì về bút pháp của nghệ sĩ.
Bác Phái thường vẽ tranh nhỏ (thậm chí rất nhỏ) một phần vì điều kiện vật chất, một phần vì tái hiện cảm xúc trên diện tích nhỏ nhanh hơn, dễ hơn... và một điều hiển nhiên, bác "vẽ" chứ không "tô màu". Việc phủ màu lên, chạy theo cảm xúc, nên thường diễn ra nhanh, lấy màu từ pallette nhanh, do đó màu trên từng nhát cọ chẳng những không giống nhau mà còn "chồng lấn" lên nhau một cách tự nhiên, tạo ra một hòa sắc rất tình cảm. Rõ ràng, bức được mang ra đấu giá chỉ là một bức tô màu sao chép vụng về. Người mang nó ra đã thiếu hiểu biết, người mua nó về cũng thiếu hiểu biết…”.
Kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Anh Vũ cũng nhận xét rằng “tranh cứng quèo, giả cũng không nên hồn”.
Một số họa sĩ khác giấu tên cũng cho rằng bức Phố cổ Hà Nội không có “chất” Bùi Xuân Phái. Tranh của Bùi Xuân Phái thường vẽ những gam màu trầm nhưng nội dung tranh lại không trầm mà thể hiện rõ cuộc sống Hà Nội, còn bức tranh đã bán có gam màu chói, nội dung tranh lại quá u tối, không phải tinh thần của Bùi Xuân Phái.
Tuy nhiên họa sĩ Nguyễn Hải Nam cũng cho rằng “tranh cụ Phái bị làm giả nhiều quá nên bây giờ cứ thấy tranh của cụ là bị nghi ngờ không biết có phải là tranh thật không”.
Tranh đấu giá có cần thẩm định?
Theo họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, để nhận biết được tranh thật giả, trước hết phải hiểu và nhận ra bút pháp, phong cách, hiểu cá tính của tác giả. Họa sĩ Bình giải thích: “Bác Phái là một người rất điềm đạm, từ tốn (thậm chí có khi còn hơi "nhát") nói năng ôn tồn, nhỏ nhẹ, khiêm tốn... vì thế gam màu của bác ấy lúc nào cũng trầm, buồn... Gam màu luôn luôn thể hiện tính cách. Bác Phái là một họa sĩ chuyên nghiệp, được (người Pháp) đào tạo bài bản, nên nét vẽ của bác cũng chuyên nghiệp, bài bản... Cái xiên xẹo, vẹo vọ của những mái nhà phố cổ bác ấy vẽ không phải vì "yếu hình" mà là chủ ý để diễn tả sự "già nua, buồn bã". Những nhát cọ chồng lấn lên nhau, quyện vào nhau, chẳng những thể hiện sự vững vàng trong điều khiển màu, hòa sắc mà còn là sự "xê dịch, nhúc nhích" của cảm xúc nhằm tạo ra không gian... Chính điều này làm loạt tác phẩm Phốcủa bác hút hồn người xem".
Còn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng (Nhật Bản) cho rằng việc đầu tiên xem xét bức tranh thật giả trước hết so chữ ký. “So chữ ký của cụ Phái với chữ ký trên tranh là việc ai cũng có thể làm được", họa sĩ Đăng nói. Nhưng trên thực tế cho thấy trên nhiều bức tranh giả đã đạt tới trình độ có chữ ký giống hệt như chữ ký thật, nên điều này sẽ gặp khá nhiều khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng cũng bởi sự thiếu hụt một hội đồng thẩm định mang tầm quốc gia cùng những quy định pháp luật rõ ràng trong việc đấu giá tranh nên nảy sinh nhiều tình trạng đấu giá tranh vô tội vạ, không rõ thật giả.
Họa sĩ Lã Huy cho rằng cần đem bức tranh đang gây tranh cãi trên ra hội đồng thẩm định và kiểm định xem thực hư thế nào. “Thật giả thì chưa có rõ nhưng mà tỷ lệ tranh Phái giả hơi nhiều. Việc cứ thế đem ra đấu giá mà không cần thẩm định là thiếu hiểu biết, làm ăn cẩu thả. Phải có một đội ngũ chuyên gia công tâm và đủ tài năng để thẩm định thật giả. Có vậy tiếng tăm của danh họa Bùi Xuân Phái mới được giữ gìn”, họa sĩ Huy nói.
Còn họa sĩ Lê Huy Tiếp cũng cho biết ông chưa dám khẳng định vì chưa nhìn thấy tranh thật, tuy nhiên ông đã rất vui mừng vì thấy cuộc đấu giá đó có người dễ dàng bỏ ra hơn 100.000 USD để mua một bức tranh của Bùi Xuân Phái, chứng tỏ họ yêu hoặc muốn đầu tư vào mỹ thuật Việt.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng mục đích đấu giá tranh là từ thiện nên việc mua nhầm phải tranh chưa ''xịn'' cũng không phải là điều đáng phải tranh cãi, trừ phi người mua xót tiền lên tiếng.
 

Tác giả bài viết: Đại Mỹ Lệ

Nguồn tin: duyenclvn theo thanhnien.vn/