Người vẽ “thánh đường nghệ thuật” cải lương

hoạ sĩ Phan Phan

hoạ sĩ Phan Phan

Nếu sân khấu là thánh đường của nghệ thuật cải lương thì NSND Phan Phan được xem là người tạo nên hồn vía cho những thánh đường ấy. 55 năm gắn bó với công việc thiết kế cảnh trí cho sân khấu cải lương, NSND Phan Phan không chỉ góp phần cho từng vở diễn thăng hoa, mà còn đồng hành cùng thăng trầm của loại hình nghệ thuật này.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, NSND Phan Phan bận rộn di chuyển khắp các tỉnh khu vực ĐBSCL với vai trò cố vấn cảnh trí cho một số vở cải lương tham gia Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Ở Cần Thơ, bất kể sáng tối, ông miệt mài chỉ dẫn học trò là nghệ sĩ Trần Thiện từng thủ pháp, cách thiết kế sân khấu sao cho thật hiệu quả, thẩm mỹ và phát huy nội dung vở diễn. Rời Cần Thơ, ông xuống Bạc Liêu rồi qua Cà Mau, cũng với công việc lặng thầm và kiên nhẫn ấy. Ở tuổi 82, đôi tay đã run và mắt đã mờ nhưng từng nét vẽ của NSND Phan Phan vẫn chắc chắn, chuẩn xác đến từng chi tiết. Ông tâm sự: "Học trò của tôi giờ đã trưởng thành và thiết kế sân khấu tốt. Tôi đến với các đoàn là muốn xem sức sống cải lương hôm nay".

NSND Phan Phan vẫn nhớ cơ duyên đến với công việc thiết kế sân khấu. Năm 1958, sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ Gia Định, ông vào làm cho một hãng quảng cáo tư nhân. Năm 1960, bạn ông là Ba Thành - con trai của nữ sĩ Bút Trà, chủ bút tờ Sài Gòn Mới - vì say mê cô đào Thanh Nga nên muốn dựng vở mới "Thầy cai tổng bồi", mời nghệ sĩ Thanh Nga đóng. NSND Phan Phan được mời thiết kế sân khấu. Lần đầu làm cảnh trí nhưng ông được báo giới Sài Gòn khen ngợi như một "hiện tượng" của giới thiết kế sân khấu. Ông được bà Bầu Thơ (mẹ nghệ sĩ Thanh Nga) mời về làm cảnh trí cho Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Nghiệp sân khấu vận vào đời ông từ đó.

 







 

 NSND Phan Phan (bên phải) và học trò Trần Thiện.
 Ảnh: DUY KHÔI.


Phong cách thiết kế của họa sĩ Phan Phan chi tiết, tỉ mỉ ở từng cảnh diễn để tạo hiệu ứng sân khấu, góp phần tạo nền tảng nâng đỡ ca diễn của nghệ sĩ. Những cảnh trí của ông khi làm ở Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga như: "Tiếng trống Mê Linh", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Nửa đời hương phấn", "Hoa Mộc Lan tùng chinh"… đã trở thành kinh điển trong nghệ thuật cải lương. Sau năm 1975, NSND Phan Phan tìm tòi, kết hợp giữa phong cách thiết kế ước lệ của sân khấu phía Bắc và kiểu tả thực của sân khấu phía Nam để hình thành phong cách riêng. Đến nay, ông đã thiết kế trên 600 vở diễn – một "gia tài" đồ sộ.

 

Ông nói rằng, cái lợi mà cũng là "hại" của thế hệ thiết kế trẻ bây giờ là sử dụng phần mềm thiết kế đồ họa. Họ không còn cầm cọ, cầm bút, mà "cầm chuột". "Tôi không phủ định vai trò của công nghệ. Ngay như tôi ngoài 80 vẫn sử dụng vi tính thành thạo, nhưng không nên lạm dụng. Không có nét vẽ nào sinh động bằng nét vẽ của trái tim". Ông dẫn chứng thêm, những lần hợp tác thiết kế cho sân khấu của một số đối tác phương Tây như Anh, Pháp… họ vẫn đòi ông phải có bản vẽ tay và chỉ dùng máy tính để hoàn chỉnh cho bản in.

NSND Phan Phan được phong danh hiệu NSƯT năm 1997, danh hiệu NSND năm 2007 nhưng ông lại "ngại" ai kêu mình bằng danh hiệu ấy mà chỉ thích kêu là thầy, chú, hoặc anh, tùy độ tuổi. Ông cười hiền: "Danh hiệu này kia khách sáo, làm học trò có khoảng cách với mình. Nên kêu sao cho gần gũi là được!".

Đăng Huỳnh



 

 

Phan Phan – Họa sĩ có trái tim bên phải

 







Họa sĩ Phan Phan là người có cấu tạo nội tạng đặc biệt. Trong khi nguyên tắc sắp xếp nội tạng con người đều có trái tim bên trái, còn ông thì ngược lại. Điều đáng nói là dù trái tim nằm “nhầm chỗ”, ông vẫn khỏe mạnh suốt 80 năm qua và có một sự nghiệp hội họa thăng hoa.

g
ab
Nguồn: Cảnh sát toàn cầu

Không chỉ nổi tiếng trong hội họa, Phan Phan còn nổi danh trong giới nghệ thuật với vai trò một nhà thiết kế sân khấu tài hoa. Năm 1959, ông tham gia làm sân khấu đoàn ca nhạc Nhật Bản sang Sài Gòn dự hội chợ ở Thị Nghè và học được bí quyết nghề. Đó là nền tảng để ông phát triển nên sự nghiệp sân khấu đồ sộ của mình. Có thể nói, Phan Phan là cái tên đáng chú ý nhất  sau những bậc đàn anh thiết kế sân khấu ở Sài Gòn thập niên 1950 rồi 1960. Sài Gòn trải qua nhiều thăng trầm với những đổi thay của nền nghệ thuật cải lương trong những năm chuyển mình của nền văn hóa, giải trí. Do đó, họa sĩ Phan Phan luôn đầy ắp những lưu tâm và hoài niệm cho nền cải lương vang bóng một thời, người đã dùng cả đời để làm đẹp sân khấu cải lương, cả một đời cầu kỳ và mẩn mê trước bộ môn nghệ thuật hiện đang có nguy cơ bị lãng quên. Công việc tái hiện sân khấu cải lương trong những năm 60 của họa sĩ Phan Phan đã phần nào giúp cho thế hệ sau được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp kiều diễm, tráng lệ, của những vờ tuồng cải lương nổi tiếng một thời.

 

Tuy đã 82 tuổi nhưng họa sĩ Phan Phan vẫn còn rất tinh anh và nhanh nhẹn. Dù nghỉ hưu từ năm 1995 nhưng trái tim của ông vẫn luôn hướng về nghệ thuật.
ST

 

Nguồn tin: BCT - GGVD