Nghệ sĩ Mỹ gốc Việt dùng nước bẩn in tranh

Triển lãm “Nước chảy đá mòn” của Sto Len

Triển lãm “Nước chảy đá mòn” của Sto Len

Đến với triển lãm “Nước chảy đá mòn” của nghệ sĩ Sto Len, độc giả sẽ được chiêm ngưỡng loạt tác phẩm tranh in độc bản mới nhất của anh. Đặc biệt Sto Len còn dùng một “chất liệu” khá lạ lùng là nguồn nước ô nhiễm để in tranh.

Sto Len in tranh bằng nước bẩn ở Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh: FBNV
Cuộc chơi đầy thách thức
 
Sto Len là nghệ sĩ in tranh, điêu khắc, nhạc sĩ, đồng thời là một giám tuyển có niềm say mê đặc biệt dành cho ứng tác và thử nghiệm đa chất liệu. Anh thừa hưởng 2 dòng máu Việt (từ mẹ) - Mỹ (từ bố). Sto Len sống và làm việc tại Brooklyn (Mỹ) và vừa tới Hà Nội cuối tháng 9 vừa qua để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 10. Triển lãm mang tên “Nước chảy đá mòn”, gồm những bức tranh in độc bản mới nhất được anh thực hiện tại Hà Nội và New York.
 
Triển lãm “Nước chảy đá mòn” của Sto Len
 
Điều đặc biệt ở những bức tranh in trong triển lãm của Sto Len không phải kỹ thuật in độc bản kiểu Suminagashi truyền thống (in vân cẩm thạch bằng mực nổi) của người Nhật, mà là cách anh “tóm bắt” những khoảnh khắc (không) lường trước được của cái đẹp trong cuộc sống qua những chất liệu không ngờ tới từ rác thải, nước bẩn - điều chưa có nghệ sĩ nào trên thế giới thực hiện. Vì thế, cách Sto Len in tranh được xem như “cuộc chơi bất kính” giữa “chất thải tự nhiên” với nghệ thuật cổ truyền Nhật Bản đầy tính trang trọng có từ thế kỷ 12.
 
Suminagashi được hiểu đơn giản là kỹ thuật tô màu trong nước để tạo ra hiệu ứng trên giấy. Theo cách truyền thống, các thợ vẽ hoặc nghệ nhân dùng mực nổi vẽ trên nước rồi áp giấy hoặc vải lên mặt nước để “in lại” tác phẩm đó. Điểm khác biệt dị thường ở Sto Len là anh sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thêm một chút rác thải, bụi bẩn, sâu bọ, tóc… và sơn phun để xây dựng bề mặt in. Những tác phẩm gần đây của Sto Len trên sách, bản đồ hay những tấm áp phích cũ đã thay đổi truyền thống tạo màu vân cẩm thạch trên giấy của kỹ thuật in suminagashi.
 
Tác phẩm tranh in bằng nước bẩn ở Hồ Tây
 
Bằng cách tận dụng sự can thiệp của các yếu tố môi trường tự nhiên như bụi, cặn bẩn, Sto Len mang lại một cách tiếp cận phóng khoáng hơn, thách thức nguồn gốc vốn nặng tính trang trí của phương thức in này. Theo lý giải của Sto Len, làm như vậy anh sẽ có những kết cấu, đường vân mới mẻ cho bức tranh in độc bản.
 
Ý tưởng để anh “đưa” rác thải vào tranh đến một cách rất ngẫu nhiên. Anh kể: “Khi đi quanh thành phố, tôi thấy các vết xăng dầu tràn trên nước và những thứ tình cờ như thế. Chúng đã tạo nguồn cảm hứng rất lớn cho tôi”.
 
Biến người xem thành “nghệ sĩ”
 
Tác phẩm của Sto Len trừu tượng, khó hiểu, có phần kỳ dị, chẳng có bức tranh nào được anh đặt tên. Bởi anh muốn khán giả vận dụng tối đa trí tưởng tượng của mình khi “nghiền ngẫm” từng bức tranh chứ không đưa cho họ một điểm đích cụ thể. Sto Len cho biết: “Khán giả hiểu nội dung bức tranh thế nào thì nó có nghĩa như thế”.
 
Nếu nghệ thuật đương đại được định nghĩa là cuộc chơi của trí tuệ, của cảm xúc thì Sto Len đã thành công trong việc biến mỗi khán giả thành một nghệ sĩ, một nhà “thẩm định” hội họa. Các tác phẩm trong “Nước chảy đá mòn” không đả động trực tiếp về thảm họa môi trường, tội ác chiến tranh… nhưng khiến người ta không thể không liên tưởng, hình dung đến.
 
 
 
 
 
Những tác phẩm in trên các tấm áp phích cũ
 
Nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt chia sẻ, anh đã làm việc với mực sumi Nhật Bản và thử nghiệm thư pháp từ vài năm trước đây. “Ban đầu, tôi bắt chước nó. Và giờ tôi đã biến nó thành ngôn ngữ trừu tượng của riêng tôi” - anh nói.
 
Ở những tác phẩm tranh in của mình, Sto Len chừa nhiều không gian cho sự ngẫu nhiên, may rủi, quá trình thả trôi của màu, mực và quan sát những gì diễn ra góp phần định hình bố cục, đường nét của tác phẩm.
 
Nhằm tạo ra những bản in độc bản không thể bị sao chép lại với cùng cách thức, Sto Len đã chuẩn bị các loại nước, vẩy vào đó hàng loạt màu sơn, “gia giảm” thêm những vảy bụi, con bọ, mạt sạn dư dôi. Đợi đến khi tất cả chúng quyện với nhau theo sự chuyển động của nước thành một dáng hình ưng ý, Sto Len mới đặt một mảnh giấy lên bề mặt để in lại kết quả được tạo thành từ ý tưởng của anh với không gian nơi anh sáng tác tác phẩm. 
 
Sto Len cho biết, nước Hồ Tây không bẩn như hồ ở Newtown, nhưng lại có rất nhiều cá chết
 
Đến Việt Nam, Sto Len tiếp tục tìm kiếm nguồn nước nhiễm bẩn ở Hồ Tây, sông Hồng để in tranh, như cách anh đã dùng nguồn nước ô nhiễm ở New York để thực hiện triển lãm “A-hats for S---heads” của mình tại Booklyn Artists Alliance (Mỹ) 2 năm trước. Anh cũng dùng các tấm bản đồ, vẽ lại hoặc sưu tập áp phích cũ để làm giấy in. Bản đồ, áp phích, tranh cổ động trong chiến tranh… kết hợp với nước ô nhiễm đã làm đảo lộn lớp vỏ cứng nhắc quyền uy của ngành bản đồ học hay những thông tin chính thống. Đó như sự thách thức của Sto Len với độc giả, giống hệt sự thách thức của các vấn đề môi trường, chiến sự đang đặt ra với cuộc sống.
 
Sử dụng bản đồ như một tấm giấy in
 
Họa sĩ Phương Vũ Mạnh - khán giả triển lãm “Nước chảy đá mòn” chia sẻ: “Hình thức in độc bản này không lạ, nhưng Sto Len lại gây được sự chú ý bằng cách đi tìm nguồn nước bẩn, tù đọng để in tranh. Cậu ấy cũng chép hoặc sưu tập tranh cổ động rồi đem in. Tôi nghĩ, đây là cách Sto Len mượn ý để nói về vấn đề môi trường và chiến tranh. Có thể cậu ấy có những sự liên đới giữa câu chuyện cũ và mới, thời gian cũ và thời gian hôm nay. Trước đây, chiến tranh là vấn đề đáng quan tâm của nhân loại. Giờ đây, ô nhiễm môi trường là vấn đề toàn cầu bắt buộc chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá và có những giải pháp cụ thể”.
 
Không gian làm việc của Sto Len ở Manzi
 
Triển lãm “Nước chảy đá mòn” bắt đầu từ 1/10 đến 21/10 tại không gian nghệ thuật Manzi, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội. Trong khuôn khổ triển lãm, Sto Len cũng thực hiện chương trình Mở Xưởng (Open Studio) để khán giả có cơ hội tham quan, trải nghiệm trọn vẹn quá trình sáng tạo của anh cũng như ghé thăm nhiều lần để chứng kiến loạt tác phẩm hoàn thiện dần, tận mắt thấy những gì hiệu quả, những gì không.

Tác giả bài viết: Minh Phương

Nguồn tin: duyenclvn theo songmoi.vn