Khi nghệ thuật múa thất bại chỉ vì "sính" ngoại

Múa dân gian Việt Nam

Múa dân gian Việt Nam

Sự kết hợp giữa nghệ thuật múa trên thế giới với múa dân gian Việt Nam vì làm chưa tới và thiếu khéo léo nên có nhiều tác phẩm không tạo được sự hứng thú cho người xem, thậm chí bị cho là phản cảm.

ảnh 1Múa dân gian Việt Nam cần bàn tay dàn dựng khéo léo của các biên đạo múa

 
Cách tân hay sao chép?
 
Với sự du nhập của các loại hình múa nước ngoài vào Việt Nam: múa cổ điển, hiện đại phương Tây, múa theo thể thức đương đại, các biên đạo múa Việt đã biết chắt lọc và gắn kết với nghệ thuật múa dân gian dân tộc để tạo nên các tác phẩm gần gũi với người xem, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Song bên cạnh đó, đời sống nghệ thuật múa Việt Nam thời gian qua đã xuất hiện không ít tiết mục gây cảm giác “sống sượng” giữa hai dòng múa có giá trị khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu  là do năng lực của biên đạo múa, sự chuẩn bị chưa kỹ càng và hạn chế về mặt đào tạo đã dẫn tới những sáng tạo lệch lạc ở một số tác phẩm.
 
Ví như việc lạm dụng quá đà múa ballet trong các điệu múa dân tộc Thái đã làm mất đi nét duyên dáng, nền nã, e ấp vốn rất riêng. Hình ảnh các diễn viên khoác trên mình bộ trang phục truyền thống đặc trưng nhưng lại thể hiện những động tác bê đỡ, khoe vẻ đẹp hình thể trong nghệ thuật ballet khiến người xem nhiều lúc chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Còn nhớ vũ đoàn Hoa Sen (TP.HCM) trong một buổi biểu diễn đã làm các nghệ sỹ múa trong nghề “đứng ngồi không yên” vì cho dù các diễn viên múa mặc trang phục dân tộc truyền thống nhưng các động tác múa lại mang phong cách của nghệ thuật múa nước ngoài. 
 
Sự cách tân trong nghệ thuật rõ ràng là cần thiết nhưng thiếu sự tinh tế và cả tài năng thì ranh giới giữa cách tân và sao chép là rất mong manh. Trước đây, cố NSND Đỗ Minh Tiến (Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội) đã từng gây tiếng vang với tác phẩm “Mùa ban nở”. Vở múa không lấy nguyên bản động tác xòe Thái (các cô gái trong suốt quá trình múa chỉ cúi đầu) để tạo nên một tác phẩm có màu sắc đương đại. Đó là thời điểm Điện Biên mới giải phóng, những cô gái Thái trong điệu múa tươi tắn, rộn ràng, ngẩng cao đầu như những bông hoa đẹp, đã hoàn toàn thuyết phục được người xem. Trong khi ấy, các tiết mục múa chưa nhuần nhuyễn giữa múa dân tộc Việt Nam và múa nước ngoài thời gian qua đã minh chứng cho một trào lưu “sính” ngoại, vội vàng trong dàn dựng mà thiếu đi sự tinh tế và khéo léo.
 
Lối mòn của sự thiếu sáng tạo 
 
Đến nay, trong giới nghệ sỹ múa Việt Nam còn đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc giữ nguyên các giá trị truyền thống trong múa dân tộc hay việc chấp nhận các hướng đi mới như việc kết hợp múa dân tộc và múa đương đại. Nhà nghiên cứu Thái Phiên (Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam) cho rằng: “Trên lý thuyết thì điệu múa của dân tộc nào cần được giữ gìn nguyên vẹn, mang đúng đặc trưng của dân tộc ấy. Tuy nhiên, múa cũng giống như các loại hình nghệ thuật khác luôn biến đổi nên việc tiếp thu cái hay, cái đẹp của các hình thức múa khác để làm giàu cho múa dân tộc Việt Nam là tất yếu”. Điều này cũng có nghĩa, không phải cứ tiếp thu cái mới sẽ làm mai một hay mất đi giá trị nghệ thuật cổ truyền. Để “lái” tác phẩm đi đúng hướng và được mọi người chấp nhận lại là cả cái tài của người biên đạo.
 
Tùy vào cảm quan và nhận thức, mỗi biên đạo sẽ biết tận dụng vốn văn hóa đặc trưng của từng dân tộc để đưa vào tác phẩm. Cụ thể, ở mỗi tiết mục múa ấy, hàm lượng dân tộc không tính bằng phần trăm ngôn ngữ múa mà tính bằng cách xử lý các yếu tố tạo nên tác phẩm như cách xử lý âm nhạc, tiết tấu của vở, phục trang… Sự hòa quyện, ăn nhập giữa yếu tố mới và yếu tố truyền thống mới đủ sức làm nên các tác phẩm hấp dẫn.
 
Việc bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc chưa bao giờ mất đi ý nghĩa nhưng việc giữ nguyên các điệu múa này trong các tác phẩm múa chuyên nghiệp chưa hẳn đã là ý hay, bởi nghệ thuật của ngày hôm nay không nằm ngoài mục đích phục vụ khán giả đương đại.
 
Do vậy, việc tiếp thu tinh hoa thế giới để làm các điệu múa dân tộc Việt Nam gần gũi với đời sống hiện đại, rất cần sự khai phá và có chọn lọc của các biên đạo múa tâm huyết và tài năng. Như lời khẳng định của NSND Phạm Anh Phương - Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: “Cái hay ở mỗi tác phẩm múa nằm ở cách xử lý khéo léo của người biên đạo. Việc hòa trộn hay bảo tồn hoàn toàn không có ý nghĩa quyết định. Tôi luôn mong muốn được xem các tác phẩm có một phương pháp sáng tạo mới lạ”.

Nguồn tin: duyenclvn theo anninhthudo