Phía sau những vở kịch rơi nước mắt ở sân khấu Hoàng Thái Thanh

NS Thành Hội trong ở Rau răm ở lại.

NS Thành Hội trong ở Rau răm ở lại.

Hàng trăm khán giả lấp kín đến từ rất sớm, không chỉ các khán giả trung niên, mà có cả những khán giả trẻ đã rơi nước mắt trước những câu chuyện cảm động trước những mảnh đời khác nhau trên sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Nhiệt huyết khởi đầu dù chông gai, khó khăn

Sân khấu kịch ở TP HCM đang trong giai đoạn trải qua nhiều khó khăn trước đổi mới và phát triển của nhiều loại hình sân khấu, đặc biệt là hài kịch. Nhưng không vì thế, dòng chính kịch với những câu chuyện nhân văn, mang đậm màu sắc tâm lý xã hội thiếu đi chỗ đứng, như sân khấu Hoàng Thái Thanh với sự bền bỉ trong suốt gần 7 năm qua đã trở thành thương hiệu trong lòng khán giả mộ điệu ở TP Hồ Chí Minh.

Năm 2010, hai nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội cùng nhau bắt tay xây dựng Hoàng Thái Thanh. Dù là cái tên rất mới, nhưng chỉ vài năm, Hoàng Thái Thanh đã là cái tên trìu mến với khán giả. Thương hiệu của Hoàng Thái Thanh chính là những câu chuyện và cách kể chuyện đầy tính nhân văn, tinh tế rất gần gũi và giản dị về những đề tài thân thuộc, về tình yêu, gia đình, cách ứng xử, đọng lại những bài học về con người sâu sắc, mà từ đó, khán giả vừa được trải nghiệm những cảnh đời, vừa nhìn lại mình để có những bài học riêng.

Hoàng Thái Thanh, Thành Hội, Ái Như, Rau răm ở lại, sân khấu
Các diễn viên đang diễn xuất ở sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Tuy nhiên, đang gồng mình trước những khó khăn phải xây dựng một sân khấu mới với đủ những lo toan, năm 2014, sân khấu Hoàng Thái Thanh phải rời địa điểm trong khuôn viên của Nhà thiếu nhi TP HCM do quy hoạch của thành phố. Đây là một thử thách rất lớn với một sân khấu kịch mới ra đời, đang dần hình thành thương hiệu, có đối tượng khán giả riêng. Hai nghệ sĩ Ái Như và Thành Hội đã mất ăn, mất ngủ để vừa chu toàn công việc sân khấu vừa tất tả tìm kiếm những địa điểm ưng ý nhất để sân khấu hoạt động ổn định.

Gần 2 năm kể từ khi rời địa điểm cũ, chứng kiến hàng trăm khán giả lấp kín khán phòng trong các vở diễn ở sân khấu mới ở Nhà thiếu nhi Quận 10 (139 Bắc Hải, Phường 14, Quận 10), thực sự không chỉ là là niềm hạnh phúc lớn lao của hai nghệ sĩ Ái Như - Thành Hội cùng những diễn viên của Hoàng Thái Thanh đã cùng nhau vượt qua những khó khăn rất lớn để giữ vững sân khấu, mà còn là niềm vui của những khán giả yêu mến Hoàng Thái Thanh khi không mất đi một sân khấu với những vở kịch xã hội mang màu sắc riêng hiếm có ở TP HCM hiện nay. 

Hơn 20 năm đứng chung trên sân khấu với tâm nguyện mang những giá trị tốt đẹp đến với khán giả, Ái Như và Thành Hội ngoài sự đồng lòng về lý tưởng nghệ thuật, không thể không nhắc đến sự ủng hộ hết lòng của gia đình hai nghệ sĩ cùng sự kiên tâm, tin tưởng của các nghệ sĩ của sân khấu để hai nghệ sĩ yên tâm vượt qua những khó khăn và đối mặt với các thử thách và nhiều rào cản, hạn chế như hiện nay.

Tôn chỉ 'Lại gần với nhau'

Không phải ngẫu nhiên trong thời gian rất ngắn, Hoàng Thái Thanh trở thành sân khấu được khán giả Sài Gòn yêu mến. 'Hương vị' đặc trưng của Hoàng Thái Thanh là những câu chuyện, mảnh đời, tình huống vô cùng éo le, trắc trở khiến người xem phải sống trong những cảm xúc khó tả, thậm chí bật khóc vì sự thương cảm với những số phận, mảnh đời, nhưng kết thúc cũng lại là những giọt nước mắt của sự chia sẻ, đồng cảm, hay của niềm hạnh phúc khi niềm tin, tương lai và tính nhân văn luôn tỏa sáng.

Hoàng Thái Thanh, Thành Hội, Ái Như, Rau răm ở lại, sân khấu
NS Thành Hội trong ở Rau răm ở lại.

Có mặt trong vở diễn mới Rau răm ở lại (dựa theo truyện ngắn Ơi Cải về đâu! của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), người viết được chứng kiến những giây phút khác nhau cảm động từ khán giả. Những tiếng sụt sịt, những giọt nước mắt lăn dài trên má khán giả, lớn có, trẻ có và cuối cùng là khán giả cùng đứng lên một hồi lâu với tiếng vỗ tay dài không dứt cho tới khi sân khấu khép màn. 

Khán giả đã được sống cùng ông Năm 'khùng' với nỗi ám ảnh phải tìm con để minh oan, vá víu cuộc đời với anh chàng bán kem Quách Phú Thàn mê hát bỏ nhà, hay thương cảm với niềm tin tình yêu của cô Huệ bán cà phê với lời hứa dại khờ mà 20 năm sau mới trở thành hiện thực.

Nói về cách lựa chọn những kịch bản (tác phẩm văn học) để dựng thành vở diễn, Nghệ sĩ Thành Hội chia sẻ: "Tôn chỉ của chúng tôi đó là 'Lại gần với nhau', giúp cho con người ta có thể lại gần để hiểu nhau, để  sống tốt hơn, yêu thương nhau hơn. Như trong vở "Rau Răm ở lại" mọi người cũng thấy, làm gì thì làm, cuối cùng cũng để con người ta yêu thương nhau, hiểu nhau và đến với nhau. Dòng kịch của Hoàng Thái Thanh là dòng kịch tâm lý xã hội, chúng tôi muốn làm cho khán giả đến xem cảm thấy cuộc đời này đáng sống, quý giá, hoặc là thấy mình trong đó và đôi khi nhìn lại bản thân để sống tốt hơn. Nói chung là làm sao để khán giả đi coi về thấy yêu đời, biết giữ gìn các mối quan hệ".

Với sự chắt lọc cẩn thận các tác phẩm văn học được khán giả yêu mến, Hoàng Thái Thanh đã có những Trần gian phải có tình yêu, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Nửa đời ngơ ngác, Sông dài, Người điên trong ngôi nhà cổ, Hãy khóc đi em, 29 Anh về,Bao giờ sông cạn,Nửa đời hương phấn, Chuyện bây giờ mới kể, Oan tình ai thấu..v.v.. trở thành thương hiệu nổi bật in đậm trong lòng khán giả.

Còn làm ngày nào thì làm tử tế

Với rất nhiều khó khăn để duy trì sân khấu, ra đời gần 40 vở diễn, tạo điều kiện cho nhiều tài năng trẻ được cống hiến tâm và sức, nghệ sĩ Thành Hội rất tự hào khi nói về sự đoàn kết và thương yêu lẫn nhau của các diễn viên ở sân khấu Hoàng Thái Thanh.

"Diễn viên trẻ nhất của sân khấu giờ giờ cũng 25 rồi vì học hành bài bản đàng hoàng ra thì cũng phải 25 tuổi. Vở Rau Răm ở lại cũng là tác phẩm của một đạo diễn mới ra trường nhưng để mà được diễn trên sân khấu chúng tôi phải tiếp xúc và giúp cho vở diễn có tầm để có thể kinh doanh được. Nếu một sân khấu không đoàn kết, nội bộ bất mãn, lục đục về vấn đề tiền bạc, vai vế thì không bao giờ tạo được những tác phẩm tốt. Các diễn viên như Thanh Thủy, Trí Quang vẫn nhiệt tình thu xếp lịch diễn để tham gia các vở diễn của Hoàng Thái Thanh.

Việc thay đổi địa điểm khiến sân khấu gặp nhiều khó khăn, nhưng không tác động nhiều đến tâm lý diễn viên vì chỉ cần khán giả đồng điệu là họ thấy vui. Đương nhiên, thấy khán phòng đông thì mình thấy vui hơn, nhưng ít thì không phải vì vậy mà buồn, không muốn diễn. Mình chỉ cần ít thôi nhưng khán giả đồng điệu, hưởng ứng với diễn viên thì họ vẫn diễn xuất hết mình. Chỉ có về mặt kinh doanh thì người bầu lo lắng thôi, còn diễn viên thì tâm lý vẫn ổn định bình thường". 

Chia sẻ về mối quan tâm và sự lo lắng lớn nhất của những người lãnh đạo sân khấu, nghệ sĩ Thành Hội bày tỏ việc chuyện đi thuê mượn địa điểm là một vấn đề đau đầu, nhưng việc có sân khấu riêng là điều không tưởng. "Hiện tại thành phố mình có mười mấy sân khấu và tất cả đều là đi thuê mượn hết. Chúng tôi bây giờ giống như như người đi ở trọ, làm sao để mình buôn bán để có đủ tiền thuê, sống tốt, đàng hoàng thôi chứ giờ nói để có một cái nhà riêng thì khó lắm" - Nghệ sĩ chia sẻ thêm.

Hoàng Thái Thanh, Thành Hội, Ái Như, Rau răm ở lại, sân khấu
Nghệ sĩ Ái Như.

Vấn đề lớn nhất mà sân khấu Hoàng Thái Thanh theo nghệ sĩ Thành Hội chia sẻ lại là vấn đề kịch bản, bản quyền và lực lượng kế thừa. "Truyện hay thì không thiếu nhưng thiếu lực lượng tác giả viết kịch bản, rồi vấn đề nữa là vấn đề bản quyền. Ví dụ, tôi thấy có một tác phẩm hay của Nhật, muốn viết thì tôi phải được phép của tác giả đó, phải liên hệ tác giả đồng ý cho chuyển tác phẩm thành kịch bản. Đội ngũ kế thừa hiện nay rất ít, đạo diễn, diễn viên không những thiếu mà còn yếu nữa". 

Đứng trước những khó khăn thực tại, nhưng nghệ sĩ Thành Hội bày tỏ những lãnh đạo và diễn viên của sân khấu Hoàng Thái Thanh luôn giữ một niềm tin lạc quan về sân khấu và nỗ lực hết sức để mang đến những vở kịch hay, giữ vững sự phát triển của sân khấu cũng như cống hiến hết khả năng của mình để truyền đạt tình yêu, đam mê, kiến thức cũng như kinh nghiệm để đội ngũ kế thừa có cơ hội thể hiện tài năng và phát triển bản thân, cũng như sân khấu.

"Bây giờ, xu hướng chung là khán giả rất thích hài, không có gì sai cả vì xem hài cho đỡ phải suy nghĩ. Còn ở Hoàng Thái Thanh là mổ xẻ tâm lý, thân phận con người, đi vào cá nhân nhưng là nói về xã hội vì con người là thành phần của xã hội.

Dù gặp khó khăn, nhưng chúng tôi quyết tâm giữ vững đi đến cùng tiêu chí là xây dựng một dòng kịch tâm lý xã hội. Hoàng Thái Thanh là sân khấu tư nhân nên bằng khả năng tài chính của bản thân, chúng tôi cố gắng giữ sân khấu này. Còn làm ngày nào thì ráng làm trọn vẹn thiên chức và luôn cố giữ sự tử tế trong nghệ thuật". NSƯT Thành Hội chia sẻ

Tác giả bài viết: Duy Trường

Nguồn tin: duyenclvn theo vietnamnet