Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 3: Người tình không chân dung

Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 3: Người tình không chân dung
Bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ đã gặt hái kết quả khả quan khi ra mắt khán giả vào đầu năm 1958, gây nhiều cảm tình đối với người xem và dư luận báo chí. Trong lúc ấy, đạo diễn phim là tôi vì hoạt động chính trị vẫn còn bị giam giữ đến gần nửa năm mới được trả tự do.

Năm sau, tôi lại bị chế độ Sài Gòn bắt đi quân dịch vào đợt vét cuối cùng những người dưới 33 tuổi. Mãn khóa sĩ quan trừ bị quân trường Thủ Đức, tôi được biệt phái làm Đổng lý văn phòng Bộ Xã hội một thời gian. Được giải ngũ năm 1957, tôi cùng vợ mở chung Văn phòng Luật sư Tòa thượng thẩm Lê Hữu Phước và Võ Phụng Thanh. Từ đó tôi tạm ngưng hoạt động văn nghệ, mãi đến năm 1970 mới có dịp trở lại với điện ảnh qua phim Loan mắt nhung.

 Kiều Chinh vai chính phim (1971)
Kiều Chinh vai chính phim (1971)

Trong khoảng thời gian khá dài ấy, phải tạm chia tay nhau sau phim Hồi chuông Thiên Mụ, nữ diễn viên một thời của tôi là Kiều Chinh tiếp tục đi trên con đường nghệ thuật thứ bảy, và trở thành ngôi sao điện ảnh lúc bấy giờ.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng!

Bắt đầu được chú ý từ phim đầu tiên của chúng tôi, mấy năm sau Kiều Chinh vào vai quan trọng trong phim Mưa rừng của đạo diễn Thái Thúc Nha, Giám đốc Hãng phim Alpha. Phim này quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng: Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Hoàng Vĩnh Lộc, Năm Châu, Xuân Phát, Ngọc Phu… Đây là bộ phim màu đại vĩ tuyến đầu tiên của Việt Nam, được in rửa và thâu thanh tại Nhật Bản. Phim được giải Tượng Vàng với cốt truyện hay nhất, do dạo diễn Thái Thúc Nha chuyển thể từ kịch bản sân khấu của hai tác giả Hà Triều và Hoa Phượng.

Mưa rừng là một câu chuyện tình cảm hư cấu, nhiều tình tiết ly kỳ và hấp dẫn, đoạn kết buồn với những cuộc tình tan vỡ, chia ly.

Mưa rừng ơi! Mưa rừng! Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên? Phải chăng mưa buồn vì tình đời, Mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu?

Bài hát cùng tên với bộ phim Mưa rừng ấy, Hà Triều và Hoa Phượng đã nhờ nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng cải lương năm 1961 và bộ phim năm 1962. Trải qua hơn nửa thế kỷ, câu chuyện Mưa rừng được liên tục trình diễn qua nhiều thế hệ nghệ sĩ: Hữu Phước, Thanh Nga, Ngọc Đức, Kim Cương, Kiều Chinh, Lê Quỳnh, Út Trà Ôn, Thành Được, Thanh Sang, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết, cho đến thế hệ sau: Khánh Hoàng, Trịnh Kim Chi, Quốc Thái, Anh Vũ, Lê Khánh, Lệ Thủy, Thanh Ngân, Tú Sương, Quế Trân…

Đồng thời, bài hát của Huỳnh Anh cũng được phát đi phát lại trên đài phát thanh, về sau được nhiều danh ca trình bày: Sơn Ca, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền, Mộng Tuyền… Tất cả đều thành công, và bài hát trở thành một trong những ca khúc được yêu thích một thời ở miền Nam Việt Nam.

Đến năm 1971, Kiều Chinh có dịp xuất hiện cùng Ôn Văn Tài trong bộ phim màu Bão tình của đạo diễn Lưu Bạch Đàn, hãng Trùng Dương Phim sản xuất. Kịch bản phim do chính đạo diễn viết cùng Lê Trang. Ngoài hai vai chính, phim còn quy tụ nhiều nghệ sĩ được quần chúng yêu thích: Hùng Cường, Kiều Phượng Loan, Thùy Liên, Thanh Việt, Kim Giác, Kim Ngọc, Lệ Hằng, Thanh Xuân… Chuyên viên điện ảnh được chọn cũng là những tay nghề giỏi: quay phim Nguyễn Ngọc Minh, âm thanh Lê Ngũ Nghĩa, hòa âm Hoàng Trọng. Nhạc chủ đề với ca khúc Tình nhớ do Trịnh Công Sơn viết và Khánh Ly trình bày. Chọn bối cảnh cho phim, đạo diễn khéo tập trung tại vùng Nha Trang là nơi có nhiều cảnh đẹp. 

Rất tiếc, truyện phim có vẻ đơn giản, tóm tắt như sau: Sau khi tốt nghiệp trường sĩ quan hải quân, Toàn cưới Thủy. Chấm dứt tuần trăng mật, Toàn lên đường ra trận, bị thương trong một cuộc hành quân. Bác sĩ cho biết vết thương làm anh bị bất lực vĩnh viễn. Toàn vô cùng đau khổ. Từ đó, hai vợ chồng miễn cưỡng sống trong hạnh phúc giả tạo. Nội dung phim không mới lạ, ít tình tiết hấp dẫn,  nên dù phim được thực hiện chỉn chu, nhưng cũng không thu hút nhiều khán giả như mong muốn, nhanh chóng đi vào lãng quên.  Sau phim này, Kiều Chinh lập hãng phim riêng lấy tên là Giao Chỉ Phim để có thể chọn thực hiện những tác phẩm theo ý mình.

Tác phẩm đầu tiên của Giao Chỉ Phim

Đó là Người tình không chân dung - bộ phim đưa Kiều Chinh lên đài danh vọng, với tư cách là giám đốc hãng phim và là diễn viên chính của một bộ phim gây dư luận sôi nổi. Tác giả phim là Hoàng Vĩnh Lộc, từ diễn viên nổi tiếng bước sang lĩnh vực đạo diễn, tiếp tục thành công qua một loạt phim nhiều sáng tạo: Con búp bê nhồi bông, Người về từ đỉnh núi, Xin nhận nơi này làm quê hương… Và bây giờ là Người tình không chân dung. Cùng có mặt trong phim với Kiều Chinh là những diễn viên nam sáng giá: Hùng Cường, Tâm Phan, Hà Huyền Chi, Minh Trường Sơn.

Nội dung phim tóm tắt như sau: Mỹ Lan là người đẹp giữ mục Tiếng nói hậu phương của đài phát thanh quân đội, rất đau khổ khi hay tin người yêu tử trận. Cô chán nản cuộc đời, đi đến quyết định táo bạo: gom hết tên họ và số quân của những quân nhân từng viết thư cho cô từ mặt trận, bốc thăm trúng ai thì nhận người ấy làm chồng. Sau nhiều ngày lang thang trên những nẻo đường mặt trận, cuối cùng Mỹ Lan gặp được người cô tìm kiếm: một người lính bị phỏng rất nặng, mặt mày và toàn thân quấn băng kín mít. Mỹ Lan ở lại cứ điểm để săn sóc anh, cho đến lúc anh trút hơi thở cuối cùng dưới lớp băng dày, không để lộ chân dung.

Phim được mở đầu với một hình ảnh đặc sắc để lại ấn tượng: Bên vũng nước mưa phản chiếu ánh sáng mặt trời lung linh, một cái nón sắt bị bỏ lại chơ vơ giữa lau sậy. Làm nền cho hình ảnh này là giọng hát xúc động của Lệ Thu: “Trong cái nón sắt của anh, Mặt trời vẫn còn đó ban ngày và ban đêm, Mặt trăng hoặc muôn muôn triệu triệu vì sao cũng còn đó, Con ễnh ương vẫn gọi tên anh trong mưa dầm, Tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất... (Ca từ của Hoàng Vĩnh Lộc - Nhạc của Hoàng Trọng). Hình ảnh và những lời ca của bài hát cùng tên với tựa phim đã làm nhiều khán giả rơi lệ.

Tác phẩm Người tình không chân dung đã gây tranh luận trong nước. Nhiều người phê bình đây là một bộ phim ca ngợi hình ảnh người lính của chế độ Sài Gòn. Những người khác lại nghĩ rằng phim có ý đồ phản chiến, nêu lên sự tàn ác của chiến tranh. Dù sao, phim cũng đã gây xúc động. Tại Đại hội Điện ảnh Á châu lần thứ 17 ở Đài Bắc (5 và 6.6.1971), Người tình không chân dung đoạt giải Phim có chủ đề xuất sắc, và Kiều Chinh được tôn vinh là Nữ tài tử chính khả ái nhất của Đại hội.

(còn tiếp)

Đạo diễn Lê Dân

Tác giả bài viết: Đạo diễn Lê Dân

Nguồn tin: TNO