Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 14: Hạnh phúc toàn vẹn của “biểu tượng nhan sắc”

Minh tinh Thẩm Thúy Hằng và tài tử La Thoại Tân trong một cảnh phim.

Minh tinh Thẩm Thúy Hằng và tài tử La Thoại Tân trong một cảnh phim.

Ngôi sao Thẩm Thúy Hằng là một giai nhân tuyệt mỹ một thời, là biểu tượng của nhan sắc, với những nét đặc biệt không thể bị che khuất bởi cô gái đẹp nào khác: mắt sâu, mũi thẳng, cằm chẻ, môi mọng hình trái tim, mái tóc đen mượt...

Cộng thêm phong cách giản dị, cởi mở, nhưng vẫn rất duyên dáng trong giao tiếp, nữ diễn viên tuyệt vời này gây ảnh hưởng sâu rộng trong lòng công chúng.  

Chuyện đời tư của Thẩm Thúy Hằng vẫn là chuyện hấp dẫn đối với những người ái mộ. Để thu hút độc giả, báo chí thường phanh phui những chuyện riêng của người đẹp, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, đặc biệt là những sở thích, những thói quen của họ. Cũng vì thế, đối với công chúng, Thẩm Thúy Hằng luôn phải giữ hình ảnh của mình thật đẹp về mọi phương diện. Trừ khi phải đi đóng phim hoặc trình diễn trên sân khấu, Thẩm Thúy Hằng thường sống ẩn dật, rất “kín cổng cao tường”. Cũng vì thế, người đẹp càng được công chúng ái mộ nhiều hơn.

 
Thời hoàng kim của Thẩm Thúy Hằng

Thành công nối tiếp thành công

Trong những năm 1958 đến 1968, hạnh phúc nối tiếp hạnh phúc, những hợp đồng đóng phim liên tục đến với Thẩm Thúy Hằng với những phim đều hứa hẹn ăn khách: Trà hoa Nữ, Tấm Cám, Sự tích trầu cau, Bạch Vân Tôn Cát, Nửa hồn thương đau… Niềm vui lớn của Thẩm Thúy Hằng còn là được sánh vai với các diễn viên nổi tiếng khác trong những phim quan trọng: Đôi mắt huyền (đóng với La Thoại Tân, Kim Cương, Thanh Thanh Hoa), Oan ơi Ông Địa (đóng chung với các nghệ sĩ cải lương Bảy Xê, Ba Vân), Dang dở (đóng chung với Trần Quang), Tơ tình (đóng chung với La Thoại Tân, Mai Ly, Thanh Thúy...), Bóng người đi (đóng chung với Thành Được, Út Bạch Lan, Ty Hoa), Ngậm ngùi, Mười năm giông tố, Sóng tình, Xin đừng bỏ em...

Năm 1969, Thẩm Thúy Hằng đứng ra lập hãng phim mang tên Thẩm Thúy Hằng. Phim đầu tay chị thực hiện với vai trò chủ hãng là Chiều kỷ niệm, có sự tham gia của đạo diễn Lê Mộng Hoàng và các diễn viên: Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Thanh Tú, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi. Ngay ngày chiếu cho khán giả xem, khán giả chen chúc tới hai rạp Rex và Văn Hoa Dakao để giành vé. Chỉ trong ngày đầu chiếu, rạp Rex thu về được hơn một triệu tiền vé, Văn Hoa thu về hơn bảy trăm ngàn đồng. Sau đó, suốt trong một tuần lễ chiếu, ngày nào cũng đông như vậy. Thành công này giúp Thẩm Thúy Hằng thừa thắng xông lên làm tiếp phim Như hạt mưa sa.

Phim này được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngọc Linh, do đạo diễn Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971.  Cùng diễn với Thẩm Thúy Hằng là Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều... Nữ nghệ sĩ khả ái này đảm nhận hai vai diễn là hai chị em sinh đôi với hai tính cách hoàn toàn trái ngược, cô chị dịu dàng, nữ tính, còn cô em thì trẻ trung, hiện đại. Bộ phim này cũng có doanh thu rất cao, riêng tiền lãi đã giúp cho nhà sản xuất đủ tiền làm tiếp phần 2 là Như giọt sương khuya bằng phim màu.

Thẩm Thúy Hằng kinh doanh nghệ thuật năng động và có nhiều tâm huyết, đã từng hợp tác cùng nhiều nhà làm phim thực hiện những phim đa quốc tịch như: Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ (với Đài Loan do Mỹ Vân hợp tác)... Cuối năm 1974, Thẩm Thúy Hằng với cương vị là giám đốc hãng đã gặp gỡ và bàn kế hoạch để thực hiện bộ phim Hòn Vọng Phu, cùng thể nghiệm với đạo diễn Lê Hoàng Hoa trong bộ phim kinh dị Giỡn mặt tử thần...

Sau tháng 4.1975 Thẩm Thúy Hằng vẫn ở lại quê hương. Cùng với những tên tuổi gạo cội khác của nền nghệ thuật miền Nam như Thanh Nga, Kim Cương, Mộng Tuyền, Bạch Tuyết..., chị tiếp tục đóng phim, diễn kịch. Những bộ phim Thẩm Thúy Hằng tham gia như Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krơng Zung, Hồ sơ một đám cưới, Đám cưới chạy tang, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu…

Hạnh phúc trong hôn nhân

Có giai thoại kể rằng, năm GS-TS Nguyễn Xuân Oánh về nước, vừa bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất có một hàng rào người đẹp Sài Gòn đón chào và tặng hoa. Chính “Người đẹp Bình Dương” nổi tiếng đã gắn lên ve áo của ông Nguyễn Xuân Oánh một bông hồng đỏ thắm. Không ngờ đóa hồng định mệnh này đã tạo cơ hội cho cả hai quen nhau, một chính khách đang nổi lên trên chính trường và nữ minh tinh khả ái. Chuyện phải đến đã đến. Sau đó, họ thành vợ chồng, vượt qua tất cả những xì xào, bàn tán của dư luận. Ông Oánh lớn hơn vợ 20 tuổi, và ông đã có nhiều ảnh hưởng tới sự nghiệp của vợ.

Ông Nguyễn Xuân Oánh sinh năm 1921 tại Bắc Giang, từng theo học ngành kinh tế Đại học Harvard, trường đại đọc nổi tiếng của Mỹ và trên thế giới. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế vào năm 1954 và làm việc tại Ngân hàng Thế giới một thời gian trước khi về nước đảm nhận vai trò Thống đốc Ngân hàng quốc gia vào năm 1963 (sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chính).

Sau giải phóng 1975, trong lúc một số nghệ sĩ chạy ra nước ngoài định cư thì Thẩm Thúy Hằng cùng chồng từ chối những cơ hội ra đi mà chọn con đường ở lại quê nhà. Ông Nguyễn Xuân Oánh từng làm Phó thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng chế độ cũ, sau đó là quyền Thủ tướng trong 2 năm: 1964 - 1965. Sau năm 1975, có thời gian ông làm cố vấn kinh tế cho Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. (Còn tiếp)

Đạo diễn Lê Dân

Nguồn tin: TNO