Khánh Ly: Hãy làm quen với cái buồn, cái khổ và cái chết

Ca Sĩ Khánh Thi

Ca Sĩ Khánh Thi

“Lần này trở lại, từ tận sâu trong đáy lòng, tôi muốn cám ơn người thầy trong âm nhạc, cám ơn thành phố Sài Gòn, những con đường, những hàng quán, những con người… Lời cám ơn rất khó nói ra, và nói ra rồi, nó có thể là giả tạo, để làm đẹp lòng người nghe nên thực lòng tôi không muốn nói. Tôi muốn âm thầm cảm nhận rằng sự trở lại này đã là một lời cám ơn rồi!” – danh ca Khánh Ly chia sẻ.
Sau hơn hai năm về nước, đây cũng là lần đầu tiên danh ca Khánh Ly được hát trên sân khấu Sài Gòn. Từ trong sâu thẳm trái tim, bà thầm cảm ơn những con người Sài Gòn, cảm ơn thành phố, cảm ơn từng góc phố, hàng cây, cảm ơn tất cả… Trước thềm đêm nhạc Vòng tay nhân ái diễn ra tại Sài Gòn, nữ danh ca Khánh Ly đã dành cho phóng viên báo điện tử Một Thế Giới cuộc trò chuyện đầy cảm xúc.

Sống để cho đi 

Sinh ra ở Hà Nội, lớn lên và thành danh tại Sài Gòn, trở về và lần đầu tiên hát lại trên sân khấu tại Sài Gòn, cảm xúc của bà ra sao?

- Cảm xúc của tôi lạ lắm, như có như không, rất khó nói mỗi lần trở về nơi mình đã bắt đầu. Lần trở về này không phải bằng những màn biểu diễn hoành tráng mà đơn giản như thế này mới phù hợp với tôi, hợp với những gì người thầy trong âm nhạc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dạy tôi và cũng phù hợp với mong muốn của người chồng đã mất. Tôi chọn đi con đường này cho dù nó không bằng phẳng. Tôi phải đến gần với những số phận không may mắn, chia sẻ với họ những gì mình có. Trong ý nghĩ của tôi, đây là một món quà nghiêng về tình người nhiều hơn là ánh đèn sân khấu.

Khanh Ly: Hay lam quen voi cai buon, cai kho va cai chet - Anh 1

Khánh Ly thích thú bắt gặp cuốn “Sài Gòn xưa” trên đường sách Sài Gòn

Cũng như những buổi sáng hay buổi chiều bình dị mà bà đã tham gia trong rất nhiều chương trình từ thiện?

- Giỗ tổ nghệ thuật chỉ có một mà thôi, cổ hay tân cũng cùng chung ánh đèn sân khấu. Dịp giỗ tổ cũng nhiều nơi tổ chức lễ linh đình. Còn tôi, tôi chỉ muốn tới thăm những nghệ sĩ nghèo, cô đơn, đang được nuôi dưỡng ở Trung tâm dưỡng lão nghệ sĩ. Chỗ nào có nhiều người tới rồi thì tôi không tới nữa. Hồi ông xã tôi mất, mọi người tới phúng điếu, tôi không nhận nhưng nhiều người cứ để lại. Sau này tôi đã liên lạc với nghệ sĩ Kim Cương để chuyển toàn bộ số tiền đó tới bệnh viện, hỗ trợ được 160 ca mổ mắt nhân đạo.

Khanh Ly: Hay lam quen voi cai buon, cai kho va cai chet - Anh 2

Danh ca Khánh Ly thăm Viện dưỡng lão nghệ sĩ Q.8, TP.HCM nhân ngày giỗ tổ nghề sân khấu

Thời gian gần đây, khán thính giả thấy ca sĩ Khánh Ly tham gia nhiều hoạt động từ thiện. Có phải vì bà đã qua rồi quãng thời gian khó khăn, phải lo nuôi con, hỗ trợ gia đình?

- Cũng không hẳn thế, suốt mấy chục năm nay tôi vẫn luôn quan niệm sống là cho đi. Tôi đi đến đâu cũng tham gia từ thiện ở các chùa và nhà thờ, tiền mình có bao nhiêu thì tặng bấy nhiêu. Ngày xưa chưa có tiền thì góp tiếng hát, còn bây giờ thì con cái tôi đều đã trưởng thành và đỡ phải lo lắng nên tiền kiếm được bao nhiêu, tôi muốn cho đi hết chẳng giữ lại gì. Sống đến tuổi này rồi, còn được ngày nào thì cứ cho đi ngày ấy.

Trái tim thanh xuân 

Bảy mươi hai tuổi có phải là điều khó khăn không khi bà phải di chuyển khá nhiều trên các tuyến đường dọc ngang đất nước và ra nước ngoài?
​nhiên bảy hai không thể so sánh với hai bảy được rồi. Thế nhưng, cho dù cái mặt mình có già chát đi chăng nữa, trái tim mình nhăn nheo thì đâu có ai thấy? Tôi vẫn nói đùa là năm ngoái bảy mốt thì trái tim vẫn mười bảy, năm nay bảy hai trái tim vẫn cứ hai bảy, vẫn yêu đời, yêu người, yêu lời ca tiếng hát. Cứ tặng cho đời tiếng hát và hát được bao nhiêu tiền thì lại cho những người còn nghèo khó. Mình chỉ cần làm cho cuộc đời này bớt đi một giọt nước mắt thôi là mình đã được rất nhiều.

Khanh Ly: Hay lam quen voi cai buon, cai kho va cai chet - Anh 3

Nữ danh ca Khánh Ly hạnh phúc trong tà áo dài trước nhà thờ Đức Bà

Xã hội hiện đại khiến con người ta trở nên lạnh lùng và khép kín lòng mình, những vấp ngã, đau đớn đường đời càng nhiều sẽ càng khiến tâm hồn trở nên cằn cỗi. Dường như bà đang chứng minh điều ngược lại, khi luôn sẵn sàng cởi mở, đón nhận và yêu thương con người?

- Hãy nghĩ rộng hơn một chút, đúng là xã hội càng giàu lên, tình cảm càng nghèo đi, nhưng không phải ai cũng thế. Cuộc sống là vô cùng, ở đâu cũng có người giàu, người nghèo, người ác và người tốt, vẫn có những trái tim biết dành cho người khác, và cùng lúc trên đời đang tồn tại hàng tỉ con người, trong đó rất nhiều người cần thêm một vòng tay. Những việc mình làm có thể chỉ là hạt cát thôi nhưng nếu nhiều người cùng làm sẽ không vô ích đâu. Mình vẫn phải sống và chỉ có thể nhìn vào điều tốt, vào cái đẹp thì mới sống được.

Đừng sợ cái chết

Có lần bà đã nói: “Tôi sống bây giờ chỉ để chờ chết”, câu này có thể đúng trong một văn cảnh nào đó nhưng nó buồn quá?

- Hãy tập quen với cái buồn, cái khổ, cái nghèo, kể cả với cái chết, đừng chỉ tìm đến cái vui. Giả sử bỗng dưng mình mất hết, ở vào cái tuổi này, nếu mình đã quen với cái nghèo thì mình sẽ không cảm thấy cái nghèo nữa, nếu mình đã quen với cái buồn, như mất chồng, mất tiền… mình sẽ không cảm thấy buồn nữa. Làm quen với cái chết, để mình không sợ nó và mình không làm khổ mọi người khi mình phải đối diện với cái chết. Phải đối diện với tất cả mọi thứ trên cuộc đời này thì mới xứng đáng làm con người. Đừng sợ một điều gì cả, kể cả cái chết.

Sự cho đi bây giờ của bà cũng mang ý nghĩa là đến trên đời tay trắng nên ra đi cũng đâu cần giữ lại gì nhiều?

- Lúc sinh ra, có ai mặc sẵn áo quần đâu. Rồi đến lúc về với đất ai cũng như nhau, lại hòa tan vào cát bụi, bạc vàng châu báu, tiền tài địa vị, danh vọng tiếng tăm, đỉnh cao tượng đài nào cũng chả mang theo được. Mình chỉ giữ lại trái tim, giữ lại lòng nhân. Trời cho trái tim để yêu đời, cho lòng nhân để yêu người thì mình giữ, còn lại là trả cho đời hết.

Có phải tình yêu cái đẹp và sự đồng điệu quá lớn trong tâm hồn với người nhạc sĩ đã khiến bà thể hiện thành công những ca khúc nhạc Trịnh mà người khác rất khó làm giống như thế?

- Tôi không hay, cũng chẳng đẹp, có thể chính tình yêu cái đẹp đó đã hướng dẫn mình, chứ không phải tôi sẵn có nó. Cho nên lần này trở lại, từ tận sâu trong đáy lòng, tôi muốn cám ơn người thầy trong âm nhạc, cám ơn thành phố Sài Gòn, những con đường, những hàng quán, những con người… Lời cám ơn rất khó nói ra, và nói ra rồi, nó có thể là giả tạo, để làm đẹp lòng người nghe nên thực lòng tôi không muốn nói. Tôi muốn âm thầm cảm nhận rằng sự trở lại này đã là một lời cám ơn rồi!

Tác giả bài viết: Tiểu Vũ

Nguồn tin: DUYENCLVN THEO motthegioi