DẠ HƯƠNG - Tiếng Hát Mùa Chinh Chiến

DẠ HƯƠNG - Tiếng Hát Mùa Chinh Chiến
Dạ Hương là ca sĩ triển vọng đưọc chú ý nhiều vào những năm đầu của thập niên 70s, trong sinh hoạt ca nhạc Miền nam. Cô là ca sĩ của phòng trà Queen Bee và dường như da được sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của ca sĩ Thanh Thúy và nhạc sĩ Ngọc Chánh. Người ta thấy cô cũng xuất hiện nhiều trong các chương trình ghi âm của các trung tâm Shotguns, Thanh Thúy và cả Việt Nam, Sóng Vàng

 

Ca Sĩ Dạ Hương
(trích bài của Chu Văn Lễ trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 40 phát hành ngày 13 tháng 11 năm 2015)

Dạ Hương - Tiếng Hát Mùa Chinh Chiến

Dạ Hương là ca sĩ triển vọng đưọc chú ý nhiều vào những năm đầu của thập niên 70s, trong sinh hoạt ca nhạc Miền nam. Cô là ca sĩ của phòng trà Queen Bee và dường như da được sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của ca sĩ Thanh Thúy và nhạc sĩ Ngọc Chánh. Người ta thấy cô cũng xuất hiện nhiều trong các chương trình ghi âm của các trung tâm Shotguns, Thanh Thúy và cả Việt Nam, Sóng Vàng ...

Có người gọi Dạ Hương là giọng ca Bolero nhưng gọi như vậy chỉ mới đúng một phần. Dạ Hương hát nhiều loại nhạc. Từ tình ca đến nhạc lính, từ ca khúc có âm hưởng quê hương đến nhạc ngoại quốc lời Việt. Cô cũng có hát những ca khúc đã tạo thanh danh các danh ca đàn anh, đàn chị. Nhưng Dạ Hương không hát lại. Cô có cách diễn tả mộc mạc mà không phô, chân thật mà không đơn điệu, và mang thêm cho mỗi ca khúc trình bày một cảm xúc riêng, rất Dạ Hương. Cái hay của Dạ Hương có lẽ là cách chọn nhạc phù hợp với giọng hát của mình. Dạ Hương có một giọng hát quãng vừa. Việc chọn bài hát hợp với giọng hát của mình giúp người nghe dễ cảm nhận bài nhạc sâu sắc hơn.
Không biết Dạ Hương có phải là người đầu tiên ghi âm bài Mùa Xuân Đầu Tiên của nhạc Tuấn Khanh hay Một mai em đi của nhạc sĩ Trường Sa hoac Giã Từ Đêm Mưa của nhạc sĩ Văn Phụng hay không, nhưng bản ghi âm của cô cho cac ca khúc này được coi là một trong những bản hay, nếu không muốn nói là đặc sắc.
Rồi khi cánh cửa sân khấu ca nhạc đang rộng mở, thành công tưởng chừng như đang nối tiếp nhau chờ đợi Dạ Hương thì có biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Tiếng Hát Mùa Chinh Chiến của Dạ Hương phút chốc đã bị im tiếng sau ngày hòa bình.
Suốt một thời gian dài, người ta tất bật đi tìm khoảng riêng đã mất của mình và khi vừa ổn định, kịp nhìn lại thì được tin giọng ca trầm buồn năm xưa đã không còn nữa. Dạ Hương đã mất tại Sài Gòn vào khoảng thập niên 2000.
Nhiều người nghe nhạc thời nay có thể không biết đến giọng hát của ca sĩ Dạ Hương. Người nghe nhạc khó tính dễ nhận ra cách phát âm không chuẩn tiếng Bắc của Dạ Hương khi nghe lại những bài hát đã ghi âm từ trước năm 1975 của cô. Nhưng vượt lên trên hết tất cả những hạt bụi đó là một giọng hát trầm buồn, chậm rãi, rõ từng chữ như để cam chắc mỗi một nốt nhạc là một chén sầu, rót sâu vào tâm hồn của những người đồng điệu. 
Ca sĩ Dạ Hương đến với cuộc đời này như là người của ngày hôm qua, mang tiếng hát mùa chinh chiến để làm đẹp nhân gian. Cô xứng đáng để được xem như một cánh hoa Hồng thật đặc sắc trong vưòn hoa nghệ thuật Việt Nam.

Chu Văn Lễ Nov 5 2015
 
PS. Tâm tình 1 khánh thính giả :
Cám ơn anh Chu, 
Tôi có may mắn là trước đây tôi được nghe tiếng hát ca sĩ Dạ Hương trên đài phát thanh Sài Gòn (một thời với ca sĩ Thái Châu) như Một Mai Em Đi, Yêu Một Mình, Ngoại Ô Buồn, Hảy Quên Nhau, .. và tôi đã thấy yêu thích ngay giọng hát này nên mong được xem cô trên VT truyền hình cố để ý xem cô vóc dáng ra sao, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thấy cô trên truyền hình, tôi đoán có lẽ cô không được nổi bậc như các cô ca sĩ khác, nhưng tiếng hát thì với tôi là tha thiết nhất và có phong cách riêng đã để lại trong tâm tôi một cảm tình đặc biệt và không thể lẫn lộn với bất cứ tiếng hát nữ nào khác được. " Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình ", Khi nghe tin cô mất ở Sài Gòn, tôi biết là âm nhạc của VN đã đánh mất đi trong tôi một tiếng hát tha thiết khó quên, một giọng ca " độc chiéc " mà không có người thay thế được trong tôi ..

 

Thi sĩ, nhạc sĩ, nhà báo Chu Văn Lễ (Vancouver)


TRẦN QUỐC BẢO : SỐ CHỦ ĐỀ: TƯỞNG NHỚ CA SĨ DẠ HƯƠNG
(TIẾNG HÁT TRONG CÁC BĂNG NHẠC SHOTGUNS, THANH THÚY)
TIẾNG HÁT DẠ HƯƠNG
Dù 40 năm trôi, làn hương đêm Saigon ngày nào vẫn còn ngây ngất mãi 
(bài Trần Quốc Bảo)

     Những ai từng nghe những cuốn băng nhạc Shotguns, Thanh Thúy trước 75, có lẽ hầu hết vẫn chưa quên được tiếng hát Dạ Hương. Sau biến cố 30/4, mặc dù không còn xuất hiện trên các đài truyền hình hay phát tiếng trên truyền thanh, nhưng nhiều người vẫn còn nhớ đến giọng ca này. Trên mạng internet ngày nay khi nói đến chị, có người đã khen: “Dạ Hương, giọng hát tuyệt vời không hề thua kém những ca sĩ cùng thời như Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Phương Dung, Thanh Tuyền..”, hoặc một kẻ khác góp ý: “Có người xếp tiếng hát Dạ Hương vào nhóm những nữ ca sĩ “bolero” . Đây là một bất công lớn. Tiếng hát của cô thiên về chất mộc, đượm một nỗi buồn đằm thắm. Hãy lắng nghe, bạn sẽ cảm được chiều sâu của tiếng hát Dạ Hương. Không ai hát hay hơn cô những bản như Gởi người giới tuyến, Mùa xuân đầu tiên, Giã từ đêm mưa”.. và riêng với nhạc sĩ Ngọc Chánh, linh hồn của ban nhạc Shotguns tuần qua đã tâm sự với người viết: “Dạ Hương hát rất hay, chỉ tiếc lúc ấy chưa được nổi tiếng. Ngày đó, có 2 ca sĩ mà Anh đang chuẩn bị thật kỹ để giới thiệu, đó là Dạ Hương và Hương Lan nhưng biến cố 75 trờ đến, đất nước thời ly loạn, mọi sự đều theo vận nước ly tán nổi trôi, ai còn ai mất, ai thành ai bại.. đều theo vận nước”.

 

Ảnh Dạ Hương trên bìa tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ do công lao Hải Triều sưu tập và gửu tặng.

Tết Bính Tý 96, nhạc sĩ Ngọc Chánh, ca sĩ Thanh Thúy và trên 50 nghệ sĩ VN tại Cali cùng chung lưng góp sức tổ chức một đêm ca nhạc tối ngày 1 tháng 2 năm 1996 tại vũ trường Ritz, số tiền lời thu được khoảng 22 ngàn đồng. Năm đó, tôi được cử là người đại diện đem số tiền này về giao tận tay cho gia đình 75 ca nhạc sĩ sáng tác, hoạt động trước 75, và trong danh sách này, có tên: Ca Sĩ Dạ Hương. Chuyến trở về lần đó, tôi mang kè kè trong người một số tiền lớn, may mà có thêm Jimmii JC Nguyễn và chắc chắn có sự che chở của Thượng Đế, cho nên mọi khó khăn khi ập đến đều được giải quyết nhẹ nhàng. Lúc kiếm nhà Dạ Hương để giao quà, cái địa chỉ nơi chị ở vùng Quận Tư Khánh Hội vòng vo rất khó tìm. Khi gọi điện thoại, chị hẹn ngày mai sẽ đến khách sạn Hương Việt nơi tôi đang cư trú để thăm và nhận quà luôn thể. Hôm sau, chị đi cùng với chồng và đứa con trai kháu khỉnh ước chừng 6, 7 tuổi, sau này tôi mới biết đó là cháu thứ nhì tên Hồ Hoàng Thái Quyền. Hai chị em lần đầu gặp nhau, mà đã cảm tình thương quý như tự kiếp nào. Tôi trao chị tận tay số tiền của các anh chị Ngọc Chánh, Thanh Thúy, Mai (Cường), Phương Hồng Quế như lời đã hứa. Dạ Hương nhận bao thư, bàn tay run rẩy và lệ thì chan hòa trên mặt. Tôi vẫn còn nhớ như in, khuôn mặt chị hôm đó vẫn rất xinh nhưng không che dấu được nét xanh xao tiều tụy. Đôi mặt trũng sâu có lẽ vì nhiều tháng ngày mất ngủ, sau này tôi mới rõ, lúc ấy chị đã vướng vào cơn bịnh ung thư di căn khiến người luôn đau đớn, khó ăn và không ngủ được. Cầm chặt tay tôi, Dạ Hương cứ hỏi: “Chị Mai giờ ra sao? Phương Hồng Quế bao giờ về lại thăm nhà? Sức khỏe anh Ngọc Chánh, chị Tư Thanh Thúy tốt hả em?”.. Thằng bé con trong bộ đồ sạch sẽ thấy mẹ đứng khóc chẳng hiều gì cả chỉ biết lấy hai tay ôm chặt đôi chân của mẹ. Ông chồng hiền khô đứng xa xa giữ xe để cho hai chị em tha hồ tâm sự.

Ảnh ca sĩ Dạ Hương do Trần Quốc Bảo chụp tại khách sạn Hương Việt (Bình Thạnh) ngày 27 tháng 2 năm 1996

Trước khi anh chị và cháu bé ra về, tôi mời 2 người bốn ngày nữa ghé lại Hotel này tham dự buổi ăn uống họp mặt tất cả những ca nhạc sĩ Saigon thời trước. Chị nói sẽ đến, nhưng có lẽ ngại ngùng chốn đông người, hôm ấy chị nhờ ông chồng tới sớm 2 tiếng, báo cho tôi biết là chị không khỏe và tặng tôi một gói bánh da lợn do anh chị tự tay làm. Đây cũng là một công việc hàng ngày, chị làm bánh, anh đem giao.. để gia đình kiếm sống qua ngày. Tôi dự định trước khi về lại Mỹ sẽ liên lạc lại với chị, nhưng thời gian quá eo hẹp, vả lại còn nhiều nhạc sĩ ở xa như Giao Tiên từ Cam Ranh đang chạy vào, Trần Quang Lộc ở Vũng Tầu chưa ghé.. dự định hai chị em sẽ gặp lại nhau đành gác lại. Lần hội ngộ đầu tiên ấy cũng là buổi cuối cùng gặp gỡ.

Vợ chồng Dạ Hương và con trai Thái Quyền ghé thăm Trần Quốc Bảo tại khách sạn Hương Việt tháng 2 năm 1996

Bẵng đi từ đó đến nay, cũng đã hơn 19 năm dài. Cách đây 2 tháng, bất ngờ nghe lại tiếng hát Dạ Hương trong một cuốn băng xưa của Shotguns, tôi chợt nhớ vô cùng đến đôi mắt trũng sâu mang nét buồn muôn thuở của chị hôm nào. Thế là ngồi dậy bật máy, vào mạng You Tube đánh lên hai chữ Dạ Hương, và rồi một lô địa chỉ dìu tôi vào những trang ca nhạc có những bài chị hát, tuy nhiên tôi để ý thấy có một trang để người xem ghi những ý kiến phê bình, có một giòng chữ trong bài khiến tôi lưu tâm, đại khái là: Chị ruột tôi là ca sĩ Dạ Hương.. Dựa trên địa chỉ mạng, tôi đã liên lạc được với cậu em trai út của chị, đó là Nguyễn Thanh Hải. Tôi nói với Hải: “Từ lâu tôi muốn làm một số báo chủ đề về ca sĩ Dạ Hương, chỉ tiếc là những thông tin về chị hiếm hoi quá, trên mạng và trong sách vở hầu như không có, lần này gặp Hải rồi, mong Hải tiếp tay”. Hải hứa và chỉ trong 5 tuần, cùng với sự góp sức của Hải Triều & Thanh Tuyền và vài tình thân nữa, tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 40 tuần này đã mang đến cho những người yêu giọng ca Dạ Hương một lưu niệm vô giá. Số báo lại càng ý nghĩa hơn khi phát hành đúng ngày giỗ năm thứ 6 của chị.

Mời mọi người cùng bước vào những câu chuyện quá khứ của ca sĩ Dạ Hương, nơi có tiếng nhạc, tiếng cười và có cả những giọt nước mắt âm thầm của một người Trời cho nhiều tài năng nhưng định mệnh lại vô cùng nghiệt ngã.

THUỞ MỚI VÀO NGHỀ

Dạ Hương tên thật là Nguyễn Thị Vẹn, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1951 tại Saigon. Sinh trưởng trong một gia đình có 8 anh chị em, Dạ Hương thứ 5 và Hải là em út. Theo lời thuật lại của gia đình, lúc nhỏ Dạ Hương học ở trường dòng Santa Anna ở họ Vĩnh Hội, khi lớn lên thì chuyển đến học ở trường Nguyễn Văn Khuê (Quận 1) sau đổi tên thành trường Bồ Đề. Do là chị gái lớn trong gia đình nên mọi việc trong nhà lúc ấy đều do Dạ Hương cùng phụ với Mẹ lo toan, vì thế đường học vấn của chị thua kém mọi người. Tuy nhiên từ bé, Dạ Hương đã có máu văn nghệ trong người. Mỗi khi cùng chúng bạn trong xóm gánh nước, chị vừa đi vừa hát líu lo. Khi lớn lên, cạnh sát nhà chị, có một người quen vốn là bạn thân của Duy Ngọc, một bầu show rất nổi tiếng lúc bấy giờ. Một hôm, khoảng năm 1968-1969, Duy Ngọc đến nhà chơi với người bạn này, nghe từ bên kia cửa sổ có tiếng hát Dạ Hương văng vẳng cất tới, nên Duy Ngọc nhất quyết nhờ người bạn sắp xếp cuộc hẹn để xin phép gia đình mời nàng đi hát ở rạp Quốc Thanh là nơi Ông tổ chức thường xuyên mỗi tuần. Lúc đầu, Má Dạ Hương đã từ chối vì thời điểm đó xã hội vẫn còn định kiến về câu xướng ca vô loài (nhất là gia đình chị lại là người Công Giáo) nhưng vì sau này biết con mình quá đam mê với ca hát, bà đành chấp nhận. Trong thời gian tập tễnh đi hát (hát lót) ở rạp Quốc Thanh, Dạ Hương kể lại sau này, thấy giọng mình na ná giống Hoàng Oanh, nên chị tự đặt cho mình cái tên đi hát là Hoàng Anh. Hát một vài tuần được nhiều người biết đến, Dạ Hương được mời về làm ở Ban Văn Nghệ Quang Trung, Biệt Khu Thủ Đô (Cục Chính Huấn) trên đường Lê Văn Duyệt (Saigon).

Hoàng Anh (sau này đổi tên là Dạ Hương) những ngày đầu đi hát

Đến năm 1970, có thể nói đây là năm khởi đầu cho Dạ Hương khi được 3, 4 phòng trà, vũ trường ở Saigon mời hát, trong đó có Travaco, Đêm Mầu Hồng, Mini Club, Olympia.. tuy nhiên trong năm này, Dạ Hương có một kỷ niệm khó quên. Trong một lần đi hát đại nhạc hội ở rạp Quốc Thanh, hôm ấy có nhiều nhạc sĩ đến dự ngồi phía dưới, sau khi nghe Dạ Hương hát xong bài Cho Vừa Lòng Em của Phan Trần (nghệ danh chung của 2 nhạc sĩ Mặc Thế Nhân và Nhật Ngân), nhạc sĩ Lê Văn Thiện muốn nhận Dạ Hương làm học trò, từ đó con đường ca hát của Dạ Hương bắt đầu phát triển và cũng thời gian cuối năm 1970 này, chị được mời hát tại phòng trà Queen Bee với ban Shotguns Ngọc Chánh (nhưng vẫn lấy tên là Hoàng Anh chưa thay đổi). Để biết thêm về Dạ Hương trong giai đoạn này (sắp đổi tên), xin đọc một bài viết đăng trên một tờ nhật báo Saigon đầu năm 1971:

Một bài viết về Dạ Hương trên một tờ nhật báo Saigon đầu năm 1971

HOÀNG ANH MỘT GIỌNG CA MINH HIẾU THỨ 2 “Tình cờ cuối tuần qua, chúng tôi ghé phòng thu băng “Tình Ca Quê Hương” đã bắt gặp ở đây một giọng ca mới, một khuôn mặt mới của làng tân nhạc, đó là nữ ca sĩ Hoàng Anh. Cô ca sĩ này đang thu băng bản Đêm Vĩnh Biệt vào băng nhạc Shotguns sắp phát hành. Nếu giọng ca của một Ngọc Tuyết như diều gặp gió đang lên, trái lại giọng ca Hoàng Anh gần giống giọng ca Minh Hiếu hồi xưa. Vâng! Các nhạc sĩ trong phòng thu đều phải ngạc nhiên, tại sao giọng ca đó ít được ai biết đến. Vậy thì trong cuốn băng sắp tới của Shotguns, giới yêu nhạc lại được thưởng thức một giọng ca Minh Hiếu thứ 2. Hiện giờ nàng đang hát tại Queen Bee, Travaco, Đêm Màu Hồng.. giọng ca đó đang làm mọi người yêu mến dành cho nàng những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất”.

Ngọc Tuyết và Dạ Hương

Khoảng đầu năm 1971, nhận thấy tiếng hát Dạ Hương khá chín mùi, nhạc sĩ Ngọc Chánh đồng ý cho người ca sĩ đang cộng tác với ban nhạc Ông một cơ hội bay xa hơn, đó là chọn tiếng hát chị vào trong những tác phẩm băng nhạc của Ồng lúc bấy giờ gồm chỉ toàn những ngôi sao tên tuổi nhất Saigon như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương.. và bắt đầu từ thời gian đó, cái tên Hoàng Anh hoàn toàn đi vào dĩ vãng.
 

Khoảng mùa Hè 1971, tên tuổi Dạ Hương đã bắt đầu có mặt trên một số tờ báo ở Saigon, xin trích ra một tin ngắn của ký giả Tiểu Sinh đã viết về Dạ Hương trong mục văn nghệ có tên Giữa Chúng Mình như sau: CA SĨ DẠ HƯƠNG – THƯƠNG LINH là “đôi uyên ương” âm nhạc “Trên đường đời, Dạ Hương và Thương Linh là đôi bạn chí thân. Hai cô ca sĩ trẻ này lại càng “thân” nhau hết mực nữa. Khi cùng đứng chung dưới ánh đèn phòng trà Olympia, dù có một thời gian Thương Linh “ẩn dật” tại xứ Bưởi. Bây giờ thì nàng ca sĩ “Thương” đau này lại tái xuất giang hồ và hiện đang hát thế cho Dạ Hương tại Olympia vì nàng “ra” Đà Nẵng hát chầu. Nghe đâu vào cuối tháng năm này, Dạ Hương và Thương Linh sẽ trở thành cặp song ca trong những điệu nhạc buồn. Ngọc Chánh trưởng ban Shotguns sẽ ra công đào tạo 2 nàng cho thêm vững mạnh về nghệ thuật trình diễn và ký âm pháp”.

CHUYỆN TÌNH YÊU..

Riêng về chuyện tình yêu của Dạ Hương, tôi không biết gì cả ngoại trừ đọc đâu đó trên một vài tờ báo mà chị có thể đã tâm sự, ví dụ trong một đoạn mà nhà báo Xuân Vũ đã viết: “Dạ Hương hát như chính lòng mình đang thổn thức đang ấp ủ, những cuộc tình dang dở chia lìa, những hò hẹn mau quên, những giấc mơ lỡ nhịp, những gặp gỡ cách ngăn, muộn màng. Dạ Hương như đắm mình vào một vũng lội không lối thoát, càng ngày càng chới với, vết tích của mối tình cũ còn đó, chưa quên, hơi hướng vẫn trong không gian nàng thở, nhưng người tình đã xa, đã mất vĩnh viễn, cách ngăn đã xây kín tâm hồn nàng”.

Và ở một đoạn khác, nhà báo Xuân Vũ viết tiếp: “Dạ Hương ngồi đó, dãy bàn dành cho nghệ sĩ, nàng hát, nàng nghe ngóng nhưng không biết chờ đợi ở không khí này một cái gì nhưng có điều chắc chắn, tiếng hát hằng đêm thay cho những giọt nước mắt khóc cho một người vừa nằm xuống, một người anh đúng nghĩa đã dẫn dắt nàng từ phòng trà này đến phòng trà khác. Một người anh cả trong đời sống xô bồ không phải là dễ gặp, nay anh không còn nữa, anh nằm xuống khi tiếng hát Dạ Hương vừa dứt than cho một kiếp bụi phiêu du.Vậy là hết, người tình bay xa, người anh nằm xuống, đời sống Dạ Hương còn là tiếng cô đơn hằng đêm trên các phòng trà Palace, Queen Bee, Lê Lai, Tour d’Ivoire”… Và nếu thật sự chuyện tình cảm của chị đau khổ như thế, chả trách giọng ca Dạ Hương đã mang cả nỗi buồn nặng tựa thiên thu của mình bay khắp không gian những đêm Saigon ngày đó. Tiếng hát chị nghe buồn não nùng chi lạ..

Và sau biến cố 30/4, những ngày đổi đời..

Dạ Hương những năm 1977-1978

Sau 1975, tuy không còn chính thức hoạt động văn nghệ nhưng thỉnh thoảng Dạ Hương vẫn đi hát chung với Duy Khánh, Nhật Trường, Anh Khoa.. ở các tỉnh nhỏ xa Saigon. Năm 1977, 1978, Dạ Hương nhận lời hát cho Xí nghiệp quốc doanh đánh cá Chiến Thắng chung với Bảo Yến, Đình Văn.. nhưng vì cách đối xử và lương bỗng cũng chẳng đến đâu vì thế chị lại nghỉ làm. Đây là thời gian buồn bã nhất của Dạ Hương vì giọng ca chị hoàn toàn không phù hạp với những giòng nhạc “đỏ” đang rất thịnh hành lúc bấy giờ. Sau khi nghỉ làm, chị nhận lời lên giúp quán nước của chị Mai (bạn thân Phương Hồng Quế). Quán này nằm trên đường Nguyễn Tiểu La đối diện sân banh Cộng Hòa, chiều chiều quy tụ rất đông cầu thủ ra vào vì thế chị Mai cũng cần sự phụ giúp của Dạ Hương. Khoảng cuối năm, cô chủ nhân của Quán vượt biên, quán đóng cửa, Dạ Hương lại phải quay về nhà mất đi công việc hàng ngày. Khi sang Mỹ rồi, chị Mai cũng nhiều lần cùng Phương Hồng Quế thỉnh thoảng gửi quà về giúp người bạn cũ, thật cảm động cho tình nghĩa khó tìm.

Nhạc sĩ Viết Chung đang điều khiển ca đoàn, trong ảnh phía dưới là Dạ Hương. Ảnh chụp năm 1981.

Sau khi mất việc làm ở quán nước, là một ca sĩ hàng đêm đứng trên sân khấu ca hát giờ thì nằm ở nhà rất khó chịu nên chị tham gia vào ca đoàn nhà thờ ở chợ Cầu Muối là Nguyện Đường Thánh An Tôn, sau đó thì hát rất nhiều cho nhà thờ và chuyên hát solo. Có lẽ Thượng Đế cũng còn chiếu cố nên Dạ Hương đã được nhạc sĩ Viết Chung rước về ca đoàn Gioan ở Giáo xứ Chợ Đũi (Nhà thờ Huyện Sỹ) nơi mà Ông làm ca trưởng. Và cũng nhờ Ông là thành viên trong Hội Âm Nhạc Thánh Ca nên Dạ Hương thường được mời đi hát cho các xứ đạo xa vào các dịp lễ lớn. Kể từ ngày đó, chị chuyên đi hát nhà thờ và thì giờ còn lại làm thêm tất cả công việc gì dù rửa chén, phụ quán, làm bánh, lột củ hành củ tỏi kiếm tiền sinh sống hàng ngày..

Những Ngày Tháng Bịnh Hoạn Đen Tối Nhất..

Suốt 16 năm cam chịu cực khổ đã đành (1975-1991), Dạ Hương phát hiện mình bị bệnh rong kinh nên đã đến bệnh viện Từ Dũ khám và đã được Bác sĩ chuẩn bịnh phải cắt bỏ tử cung. Đây là một điều đau khổ nhất của một người phụ nữ và đau đớn hơn là sau khi cắt bỏ tử cung thì bác sĩ mới phát hiện lớp ung thư mà đã di căn rồi. Tin như sét đánh, toàn bộ tiền tài, của cải đã lần lượt ra đi. Từ đây làm sao vợ chồng chị có thể nuôi 2 đứa con còn rất dại khờ, cháu lớn 5 tuổi, cháu nhỏ 1 tuổi… Thôi thì cả gia đình mấy anh chị em trong nhà chỉ còn biết bảo bọc nhau để sống.

Dung nhan Dạ Hương tiều tụy sau khi rời viện năm 1993

Thời gian từ năm 1991 cho đến tháng 5 năm 1993 chi mới xuất viện. Trong thời gian nằm viện, thân hình Dạ Hương như một thây ma khô héo. Sau này khi tương đối hồi phục, chị lại dấn thân làm công tác nhà thờ hát lễ và hình như Thiên Chúa cũng ban ơn cho chị được sống lây lất qua ngày. Năm 1997-1998, Dạ Hương và chồng một lần nữa đi vay mượn khắp nơi để có vốn mướn chỗ mua xe bán hủ tíu mì nơi chung cư Hồ Văn Huê (Phú Nhuận) và để tiện việc mua bán, chị thuê luôn một căn phòng nhỏ cho 2 con mình lên ở chung.. nhưng số phận chị lại quá khắt khe, buôn bán hoàn toàn thất bại, đành bán xe mì về nhà làm bánh da lợn bán ra ngoài.

Những năm 1997-1998, 2 vợ chồng mượn nợ mua xe bán phở, hủ tíu nhưng cũng thất bại thảm thương

Những ngày sau cùng của một tài năng bạc mệnh

Căn bệnh Dạ Hương kéo dài đến năm 2008 thì di căn đã ăn vào gan nên chị lại bị ung thư gan cổ chướng bụng to như bụng bầu. Thời gian sau cùng của cuộc đời là những ngày đau đớn nhất của chị. Đến ngày 14 tháng 11 năm 2009, Dạ Hương trút hơi thở cuối cùng. Thời gian sau cùng của chị có thể nói là vô cùng túng quẩn và thê thảm. Mặc dù được gia đình của chị và của bên chồng chăm sóc nhưng bản thân họ cũng không dư dả, đã quá nghèo mà chị lại còn phải mua thuốc rất đắt tiền (về bịnh ung thư) nên cuối cùng chỉ có thể đủ sức mua thuốc giảm đau và chờ chết.. Và rồi ngày sau cùng cũng đã tới.. Nguyễn Thanh Hải tâm sự: “Nói thật với anh, lúc đó gia đình chị không có tiền mua nỗi cổ quan tài, nên anh chị em tôi họp lại đem giấy tờ nhà cầm cố lo đám tang cho chị. Cũng may mắn là anh chị em trong các ca đoàn nhà thờ cũng thương tình đến phúng điếu rất đông, ngoài ra tôi có in 1 CD nhạc thánh ca do chị Dạ Hương thực hiện (CD này chỉ để lưu lại kỷ niệm giọng hát của chị chứ gia đình đã biết bệnh chị không qua khỏi ), do đó anh chị em, bạn bè đã mua ủng hộ giúp nên sau cùng mới đủ chi phí đám tang”. Dạ Hương lìa đời, để lại bao thương nhớ cho 2 con và cả gia đình anh chị em ruột và nhất là người chồng, vì quá đau khổ nỗi buồn mất vợ, anh cũng đổ bịnh và 3 tháng sau đã qua đời vào ngày mùng 8 Tết năm 2010 để lại 2 đứa con trai, ngày đó cháu lớn Hồ Hoàng Thái Quang đã 24 tuổi và cháu út Hồ Hoàng Thái Quyền tròn 20 tuổi.

Dạ Hương lìa trần ngày 14 tháng 11 giữa niềm đau xót tột cùng của chồng và 2 con bên cạnh

Năm nay, cái giỗ thứ 6 của chị có lẽ mang lại nhiều ấm áp từ những tình yêu, tình bạn một thời kết tụ. Linh hồn Dạ Hương giờ đây ở một cõi xa có lẽ sẽ ấm lòng hơn bao giờ hết. Không hiểu vì vô tình hay do một sự sắp đặt màu nhiệm nào đó, người em trai út của chị là Hải đã bất ngờ tìm được một số hình ảnh của chị mình trước giờ in báo chỉ có vài tiếng đồng hồ. Và bức ảnh đẹp nhất của Dạ Hương để chọn làm bìa số này là do cậu em Hải Triều từ VN gửi sang tặng, điều lạ nhất mà chính tôi không rõ, tại sao em lại có bức hình quý này của một người mà em không hề quen biết. Và khi tôi nhận được bức ảnh từ em, tôi tin rằng có một sự run rủi nào đó mình mới có được món quà này. 40 năm đã trôi qua, quay đầu nhìn lại, cứ tưởng chừng hầu hết đã biến thành dâu bể. Nhưng riêng với giọng hát Dạ Hương, mỗi khi có dịp nghe lại, bỗng thấy làn hương đêm Saigon ngày nào, sao vẫn còn ngây ngất mãi.

TRẦN QUỐC BẢO (trích bài viết của Trần Quốc Bảo trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 40 phát hành ngày 13 tháng 11 năm 2015 nhân ngày giỗ năm thứ 6 của ca sĩ Dạ Hương)

NHỮNG BÀI HÁT MÀ CA SĨ DẠ HƯƠNG THU ÂM TRƯỚC 1975 CHO CÁC HÃNG BĂNG SHOTGUNS, THANH THÚY..

 

Từ trái sang phải: Hải (cầm phone), nghệ sĩ Giang Kim, chị Tám, Quang (con trai lớn Dạ Hương), bên kia là vợ con cháu Quyền (con út Dạ Hương), Mai (em út Dạ Hương) và cháu Lê Hoàng Dũng (con chị Tám)

Vợ chồng Quyền và con, Quang, Mai (em út Dạ Hương), Nga (chị thứ 8) và Tuyết Hồng (chị thứ 9)

Từ trái: Nhà báo Đức Nguyễn, nghệ sĩ Giang Kim, Hồ Hoàng Thái Quang, và vợ con Hồ Hoàng Thái Quyền

CA SĨ DẠ HƯƠNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM VỚI NHẠC SĨ NGỌC CHÁNH, CA SĨ THANH THÚY, CA SĨ PHƯƠNG HỒNG QUẾ
 

NHẠC SĨ NGỌC CHÁNH

Nhạc sĩ Ngọc Chánh
Bảo thân Nói đến Dạ Hương rất nhiều điều chưa nói, nhân tưởng niệm Dạ Hương anh tuần tự ghi lại đôi điều 1/ Chuyện bên Mỹ trước: Năm 1981, 1982 Kim Anh hát cho anh ở vũ trường Maxim’s San Jose. Ngày đó chắc không mấy người còn nhớ đến tiếng hát Dạ Hương, vì tuy cô hát rất hay nhưng lúc đó chưa được nổi tiếng, anh đang chuẩn bị thật kỹ để giới thiệu Dạ Hương thì 1975 xẩy đến! Trở lại chuyện Kim Anh, năm 1981, 82 cũng chưa nổi tiếng, anh đưa cho Kim Anh cuốn băng Shotguns mới nhất chưa kịp phát hành với tiếng hát Dạ Hương! Nhờ nhiều bài hay, hát hay trong cuốn băng với tiếng hát Dạ Hương, Kim Anh tập theo và nổi tiếng. Muốn trở thành danh ca phải có thực tài và may mắn. Dạ Hương là người ca sĩ có tài nhưng thiếu may mắn! Âu cuộc đời này, người thành bại một phần cũng do số mệnh! 2/ Chuyện trước 1975: Ngày đó có hai ca sĩ anh chuẩn bị giới thiệu, đó là Hương Lan và Dạ Hương, nhưng đất nước thời ly loạn mọi sự đều theo vận nước nổi trôi, ly tán, ai còn, ai mất, ai thành ai bại đều theo vận nước! Nếu em tổ chức cho anh gởi tí quà về cho con Dạ Hương. Thân mến Ngọc Chánh

CA SĨ THANH THÚY

Ca sĩ Thanh Thúy
Nhắc đến Dạ Hương là chị không tránh nổi sự xúc động bùi ngùi. Có ai đó nói Dạ Hương không đẹp, điều đó không đúng, đối với chị, cô ấy xinh lắm. Nhìn Dạ Hương đứng hát dưới ánh đèn màu của Queen Bee và Quốc Tế những năm 70 đến 75, chị vẫn luôn nhớ mãi cái bóng dáng dịu hiền của cô ấy. Dạ Hương rất có tài, rất ngoan.. nhưng không hiểu sao cuộc đời cô lại gặp cảnh sóng gió ba đào khổ quá.. Sau 1975, nghe tin Dạ Hương lâm bịnh, chị cũng nhiều lần nhờ Nam Trân, nhờ Bảo đem quà về Saigon gửi tặng cô.. Những năm sau này thất lạc tin tức, chính Bảo cũng không tìm ra.. nhiều khi nghĩ đến Dạ Hương mà cũng chẳng biết sao tìm gặp. Hôm qua, nghe tin em báo là đã nói chuyện được với 2 con trai của Dạ Hương và khen 2 cháu rất ngoan và cả gia đình Dạ Hương đùm bọc săn sóc cho Quang, và Quyền.. chị mừng lắm em ạ. Thôi thì giờ này ở một cõi xa xôi, có lẽ Dạ Hương cũng ấm lòng vì còn nhiều người thương tưởng đến mình và nhất là 2 đứa con cũng đã thành nhân thành tài..

CA SĨ PHƯƠNG HỒNG QUẾ

Phương Hồng Quế
Quế và Dạ Hương gặp nhau lần đầu, đó là cuối năm 1970 hay 1971 gì đó tại Queen Bee. Lúc ấy, hình như bạn mình mới vừa bỏ tên cũ Hoàng Anh và dùng tên mới Dạ Hương. Hai đứa cũng xuýt soát nhau nên rất là thân. Nào là đi hát chung, có lúc ghé nhà nhau ăn uống, sau đó đi phố mua áo dài.. đến khi sau 1975 vẫn còn thân thiết lắm. Thời gian gặp Dạ Hương nhiều nhất, đó là lúc Dạ Hương lên giúp chị Mai trên cái quán đường Nguyễn Tiểu La đối diện sân Cộng Hòa những năm 77-78 trước khi chị Mai vượt biên rời nước. Sau này nhờ Bảo báo tin Dạ Hương bị ung thư, nên chị Mai và Quế lại phiền Bảo lo đem quà về Saigon trao tận tay cho người bạn thân ngày nào của mình. Nào ngờ, cuộc đời Dạ Hương thấy vậy mà sao lận đận đau khổ vô cùng. Cầu mong linh hồn bạn giờ này đã thanh thản nơi cõi thiên đường hạnh phúc.

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ CA SĨ DẠ HƯƠNG TỪ 2 CẬU CON TRAI VÀ NGƯỜI EM RUỘT
 
 

Inline image

Từ trái sang phải: Vợ con của Hồ Hoàng Thái Quyền (con trai thứ nhì của ca sĩ Dạ Hương) và Hồ Hoàng Thái Quang (con trai lớn của DH)

1/ Hồ Hoàng Thái Quang (con trai lớn)

Thưa chú Bảo, Con tên: HỒ HOÀNG THÁI QUANG là con trai cả của cố ca sĩ Dạ Hương, Đây là lần đầu tiên con gửi email cho chú Bảo, trước khi con chia sẻ cảm nghĩ của con về mẹ thì con cũng xin một lần nữa cảm ơn tấm chân tình của các cô chú đã và đang dành cho Mẹ của con trong thời gian qua. Như cái tên loài hoa mà bà đã chọn (hoặc đã được đặt cho) Dạ Hương, Mẹ là một người phụ nữ hiền hậu, dịu dàng. Tài năng ca hát của bà là một tố chất bẩm sinh nhưng tài năng ấy dường như chưa bao giờ vượt qua được ranh giới của sự khiêm nhường. Vốn dĩ là một món quà Thượng đế đã ban tặng, còn cao đẹp hơn tài năng của bà. Những năm tháng ca hát và sự nổi tiếng chắc chắn là một trong những chuỗi ngày đẹp nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ. Mẹ Dạ Hương đã có một đời sống rực rỡ trong thời gian huy hoàng ấy. Dẫu tuy không còn bước lên sân khấu hào nhoáng, mẹ đã chọn một con đường dâng tiếng hát lời ca cho Chúa, cho nhà thờ. Tình yêu sâu sắc nhất của mẹ Dạ Hương có lẽ là yêu cuộc sống bình dị của một người đàn bà đã lập gia đình: son sắc, chung thủy, chăm chỉ và rất mực khiêm nhường. Khiêm nhường trong đời sống khó khăn của bà nhưng lại rất xông sáo trong sự dâng hiến cho Chúa. bởi lẽ ít có người bạn cũ nào của mẹ biết rằng, bà là một con chiên ngoan đạo. Trong mắt con và trong suy nghĩ, mẹ là một người phụ nữ rất tốt. Nét đẹp và sự duyên dáng của con người và tâm hồn bà cao sang hơn cả danh tiếng mà người đời trao tặng. Bởi mẹ Dạ Hương luôn làm mọi điều bằng cả tâm tình và trái tim của bà. Và có một điều không thể phủ nhận, mẹ đã trở nên trọn vẹn và hoàn hảo nhất khi đã kết đôi cùng người đàn ông định mệnh của mình, cha yêu dấu của con… Đôi khi nghĩ về những kỷ niệm của họ con thầm mỉm cười và làm con nhớ đến câu tục ngữ: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, Vô duyên hữu diện bất tương phùng. Dù là con người hay thánh thì tình yêu thật đẹp, và Dạ Hương đã sống hết mình cho tình yêu bất tử đó. Chào chú, Quang

2/ HỒ HOÀNG THÁI QUYỀN (con trai thứ nhì)

Thưa chú Con là Thái Quyền đây ạ. Kỷ niệm của con với mẹ thì khá nhiều, chẳng hạn như chuyện con hay thường xuyên chở mẹ đi làm ở xưởng may và con cũng làm chung với mẹ ở đó hồi 10 năm về trước và cũng có kỷ niêm về chuyện mẹ đi hát nhưng là hát lễ cho nhà thờ. Con và mẹ thường đi tập hát vào thứ 3 hàng tuần. Thời gian ₫ó là lúc con 13 tuổi. Những kỷ niệm lúc mẹ con hát solo trong những buổi lễ trọng thi cũng có con trong ₫ó vì lúc ₫ó con củng ở trong ca đoàn cùng với mẹ. Có những lúc gia đình ngồi hát karaoke chung thi mẹ có dạy con cách ngân giọng sao cho rõ. Mẹ nói muốn ngân giọng thì phải hát chữ cuối của câu hát và lên xuống theo nhịp bài hát. Đó là những kỷ niệm không bao giờ con quên về mẹ Dạ Hương của con. Còn về Ba con thì kỷ niệm khi còn nhỏ là mỗi tối khi ba ₫i bán bánh da lợn ở ngoài Hồ Con Rùa về thi ba hay mua cho con 1 món đồ chơi ₫ể cho con chơi rồi ₫i ngủ. Ba thường chở con ngồi trên cái rổ ở sau chiếc xe ₫ạp mà ba thường ₫i bán hàng ngày mỗi lúc 2 cha con ₫i chơi. Vào những năm cuối của Ba thì ba hay dậy sớm làm bánh da lợn. Ba dậy lúc 4g sáng mỗi ngày và bắt ₫ầu làm bánh ₫ến 6-7giờ sáng và ₫i bán dạo trong chợ Bến Thành ₫ến khoản 11g trưa ba về. Những lúc thấy ba mệt và con muốn giúp ba làm việc thì ba không cho con làm. Chuyện con buồn nhất là con không học được công thức làm bánh da lợn của ba, vì bánh ba làm rất ngon. Có nhiều người thường ₫ặt bánh của Ba làm và ₫em về nước ngoài ăn cùng gia ₫ình. Trong chợ Bến Thành củng có nhiều chủ sạp lớn thường ₫ặt bánh của Ba làm ₫ể biếu bạn bè. Đó là 1 trong những kỷ niệm của con về Ba Mẹ. Con viết hơi dài dòng mong chú ₫ừng cười chê nhé. Con xin chào chú.

3/ NGUYỄN THANH HẢI (em trai út của ca sĩ Dạ Hương)

Kỷ niệm giữa em và chị Dạ Hương trước 75 thì một lần chở em theo khi đi hát , giữa đường em ngủ trên xe chiếc PC báo hại trễ giờ hát nên bị nhéo đến khóc thét luôn, sau này không dám đòi theo nữa. Sau 75 khi cũng khá lớn, vì có lẽ em có gen di truyền của chị nên rất yêu thích văn nghệ ca hát không có lần nào chị Dạ Hương đi hát mà không có em. Hai chi em đèo trên chiếc xe đạp, nhìn chị mặc áo dài thật là tội nghiệp vô cùng.

TUẦN BÁO THẾ GIỚI NGHỆ SĨ CHUYỂN QUÀ 600 DOLLARS CỦA NHẠC SĨ NGỌC CHÁNH, CA SĨ THANH THÚY, CHỊ KIM ANH (ALASKA), CHỊ MAI (CƯỜNG) VÀ NHÓM VÒNG TAY NGHỆ SĨ

    Trần Quốc Bảo chân thành cám ơn nghệ sĩ Thiên Kim (tức Giang Kim), nhà báo Đức Nguyễn đã ghé nhà Hải (em trai ca sĩ Dạ Hương) tại Khánh Hội Quận 4 vào lúc 3g chiều thứ hai ngày 9 tháng 11.trao tặng món quà thương yêu 600 dollars do tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ chuyển về trao cho 2 cháu Hồ Hoàng Thái Quang và Hồ Hoàng Thái Quyền (2 con của chị Dạ Hương). Số tiền 600$ này là những món quà từ nhạc sĩ Ngọc Chánh (200$), ca sĩ Thanh Thúy (100$), 2 bác Mai Cường (50$), bác Kim Anh Alaska (50$), Nhóm Vòng Tay Nghệ Sĩ do Phương Hồng Quế và Trần Quốc Bảo đại diện (200$). Trần Quốc Bảo không quên cám ơn Hải, người em trai đã lặn lội tìm kiếm hình ảnh, tin tức của chị Dạ Hương để số báo này khá đầy đủ những chi tiết để người đọc biết rõ thêm về cuộc đời của chị. Một lần nữa Trần Quốc Bảo xin cám ơn tất cả những người đã góp tay, góp tình để ngày giỗ năm thứ 6 của chị Dạ Hương tràn đầy tình cảm và ấm cúng.

 

Giấy biên nhận của 2 con Dạ Hương lãnh 600$ từ tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ chuyển về

     Thứ hai ngày 9 tháng 11 năm 2015 Kính gửi các bác, các cô chú Con tên Hồ Hoàng Thái Quang và em trai là Hồ Hoàng Thái Quyền là con của ca sĩ Dạ Hương (trước 75 hát trong băng nhạc 2 Bác Ngọc Chánh và Thanh Thúy). Chúng con vừa nhận được số tiền 600 dollars do tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ chuyển về. Số tiền này của các Cô Bác đã gửi cho tụi con gồm: 1/ Nhạc sĩ Ngọc Chánh: 200$ 2/ Ca sĩ Thanh Thúy: 100$ 3/ Anh chị Mai Cường: 50$ 4/ Chị Kim Anh (Alaska): 50$ 5/ Nhóm Vòng Tay Nghệ Sĩ (do 2 cô chú Phương Hồng Quế, Trần Quốc Bảo đại diện): 200$ Chúng con chân thành cám ơn các Cô Bác và khán thính giả xa gần đã dành tình cảm cho Mẹ của con mấy chục năm qua, và dù Mẹ con nay đã mất rồi, tình thương mến đó của mọi người vẫn nguyên vẹn. Một lần nữa, 2 con chân thành cám ơn tất cả mọi người. Ký tên 1/ Hồ Hoàng Thái Quang – điện thoại 0906115377 2/Hồ Hoàng Thái Quyền – điện thoại 01267724324

Ca Sĩ Mai Hiên với những kỷ niệm với Dạ Hương 
(bài Mai Hiên)
 

    Buổi sáng thức dậy uể oải với giấc ngủ không tròn. Cả đêm tôi không ngủ được, chập chờn cùng khuôn mặt của cháu Bi khi ẩn khi hiện, lúc cười lúc nói, lúc nhăn nhó vì đau đớn do ảnh hưởng của những lần Chemo vừa qua để lại, tôi như người đi trên mây bước thấp bước cao xuống giường. Cứ nghĩ đến cháu mình phải chống chọi với căn bệnh Cancer quái ác và bây giờ đã gần như tuyệt vọng mà tim tôi đau nhói. Nhìn đồng hồ mới 6 giờ sáng…Ồ ! còn sớm chán, ra ngoài vườn hít thở một chút không khí vẫn còn hơi sương của một ngày mới cũng chưa muộn mà . Mới vươn vai hít thở chưa được 5 phút, tôi chợt nhớ ra hôm nay là Thứ Năm, ngày phát hành của Báo Thế Giới Nghệ Sĩ nên vội vã đi vào sửa soạn đi làm sớm để ghé mua báo xem hôm nay có tin gì lạ không? Đã từ lâu kể từ ngày Trần Quốc Bảo phụ trách tờ báo nàychung với Việt Tide, mỗi Thứ Năm, dù có dậy trễ, vẫn không bao giờ quên ghé mua báo,và tôi coi đó như một thông lệ không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của mình. Hôm nay cũng là Thứ Năm, nhưng một Thứ Năm thật buồn… Tin trong báo nói về Ca Sĩ Dạ Hương làm tôi bàng hoàng xúc động. Tôi buông thỏng tờ báo rơi trên nền gạch và ngồi phịch xuống ghế ôm đầu chán nản và lặng người đi một hồi lâu. Dạ Hương đã đi về bên kia thế giới đã 6 năm rồi mà bây giờ mọi người mới biết. Tôi cũng dự định Hè năm tới sẽ về thăm cô nhưng bây giờ …. Hết tất cả rồi Hương ơi! Bao nhiêu kỷ niệm xưa của cô và tôi trong phút chốc chợt ùa về ..

 

Ca sĩ Mai Hiên (trái) và Dạ Hương (phải).. tình bạn từ mùa Thu năm 1969 những ngày ca hát ban đầu tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung
  Tôi và Dạ Hương quen nhau khi tôi vào hát cho Ban Văn Nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, và đó là Mùa Thu năm 1969. Lúc tôi gia nhập văn nghệ thì Dạ Hương đã có mặt trong đó từ lâu rồi, lúc đó Nàng lấy nghệ danh là Hoàng Anh và khi hát ở Vũ Trường Queen Bee mới đổi tên thành Dạ Hương. Còn nhớ ngày đầu tiên khi bước chân vào gặp Đại Úy Các (Trưởng Ban Tâm Lý Chiến) để thử giọng, tôi bắt gặp một người con gái thật dễ thương, có mái tóc dài, cặp mắt to đen với sóng mũi dọc dừa nhìn tôi mỉm cười. Cô kéo ghế bên cạnh mời tôi ngồi. Đại Úy Các giới thiệu cô với tôi: “Đây là ca sĩ Hoàng Anh trong Ban Văn Nghệ “. Tôi gật đầu chào cô, rồi Đại Úy quay sang tôi : “Còn đây là Xuân Hương (nghệ danh của tôi hồi đó) sẽ gia nhập Ban Văn Nghệ của chúng mình”. Chừng vài phút sau, các anh trong Ban Văn Nghệ đến gồm có: Anh Kiệt (Guitar), Anh Phú (Bass), Anh Thanh ( Drums ), ca sĩ gồm có Hoàng Anh (tức Dạ Hương), Thu Lan, Bích Huyền và tôi. Đại Úy nói thêm: “Ngoài ra còn có 2 nhạc sĩ Trần Trịnh và Nhật Ngân nhưng 2 anh này chỉ tăng cường mỗi khi có những chương trình đặc biệt. Sau buổi thử giọng, tôi chính thức được nhận vào hát trong Ban Văn Nghệ Tâm Lý Chiến, giúp vui cho các anh lính quân trường. Đó cũng là Sân Khấu đầu tiên trong cuộc đời ca hát của tôi. Có thể nói Dạ Hương là một người em văn nghệ mà tôi hằng quý mến, cô hiền dịu, chịu khó học hỏi và rất khiêm nhường. Ngoài ra cô còn có tính thương người và hay quan tâm chia sẻ với mọi người khác. Còn nhớ có lần sau khi trình diễn về, tôi đã bị sốt cả đêm, Dạ Hương đã thức dậy lo cạo gió và tìm thuốc cảm cho tôi uống. Sáng dậy , cô còn đưa tôi về đến tận nhà mặc dù lúc đó chưa thân với cô lắm. Một lần nữa , sau buổi văn nghệ, mọi người ai cũng mệt và về đến phòng là lăn ra ngủ liền, riêng tôi trằn trọc mãi vẫn không sao nhắm mắt được, nhìn thấy có ánh đèn bên ngoài phòng mà chúng tôi hay tập dợt, tôi rón rén đi ra ngoài và nhìn thấy 2 bóng người ngồi, trước mặt là 2 ly trà nóng, thì ra đó là Dạ Hương và anh Thanh (đánh trống và cũng là bạn trai của Hương ). Tôi liền kéo ghế ngồi sát cạnh Hương và nói: “Cho phá đám một chút được không?”. Hương cười bẻn lẻn và nói: “Không sao đâu chị, mời chị nhập bọn với tụi em cho vui”. Thế là bộ ba chúng tôi ngồi tán gẫu cho đến lúc cả 3 đều ngáp dài mới chịu trở về phòng ngủ. Đầu năm 1970, tôi được mời hát tại phòng Trà Melody ( Tổng Đốc Phương Chợ Lớn) và Hương Cỏ May (Phạm Hồng Thái) nên phải rời bỏ Ban Văn Nghệ Quang Trung vì ở đây trình diễn vào buổi tối không thể hát cho Phòng Trà được. Sau đó tôi xin vào Ban Văn Nghệ Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ vì nơi đây chỉ trình diễn ban ngày mà thôi và như vậy có thể hát được cả hai nơi. Cùng lúc đó Dạ Hương được mời hát tại Queen Bee và một vài nơi khác nên cũng phải rời bỏ Quang Trung như tôi . Tuy rằng chúng tôi đã rời bỏ Ban Văn Nghệ nhưng thỉnh thoảng tôi hay đến thăm Dạ Hương tại Queen Bee mỗi khi chờ hát từ nơi này qua nơi khác,như từ Melody (Tổng Đốc Phương) chạy về Hương Cỏ May ( Phạm Hồng Thái) và chờ ở đó. Có lấn cô em gái tôi, Lan Hương, bị bệnh không đưa tôi đi hát được như mọi khi nên tôi phải tự lái xe một mình đến Phòng Trà. Khi hát xong ở Maxim (Hát thế cho Trang Mỹ Dung lúc đó), tôi đến Queen Bee thì nghe anh tiếp viên ở đó nói: “Dạ Hương mới ra về, chị chạy lẹ lên chắc còn kịp”. Vì muốn đuổi kịp Dạ Hương, lúc đó tôi đã chạy thật nhanh và lách vào đám xe đậu ở parking và vấp ngã vì đôi giày gót nhọn quá cao của tôi, trẹo chân và đôi giày bị cong cả gót . Hôm sau gặp và kể cho Dạ Hương nghe, cô cười ngất và còn ghẹo tôi: “ Thôi để em đền cho chị đôi giày khác cao hơn và gót nhọn hơn nhé”. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa tôi và Dạ Hương.

Dạ Hương chụp tại Sở Thú 1970
 Biến cố 30/04 ập đến.. Chúng tôi mỗi người mỗi ngã, ai cũng phải bươn chải để kiếm sống mặc dù rất nhớ về nhau nhưng không có thời gian để gặp nhau. Cho đến một hôm thật bất ngờ, Dạ Hương đã đến thăm tôi tại nhà riêng ở đường Lý Thái Tổ (Quận 10). Gặp lại cô, tôi rất mừng nhưng thấy xót xa trong lòng vì cô đã gầy đi rất nhiều và cặp mắt thì buồn vời vợi. Tôi gặn hỏi cô chỉ nói: “Nước mất nhà tan, mọi thứ đều xáo trộn tất cả chị Hương à! Cuộc đời ca sĩ của chị em mình giờ đây sẽ gặp khó khăn nhiều. Bây giờ đâu còn ai biết đến tên tuổi của mình ngày trước nữa và Họ còn nói mình là những tiếng hát của Ngụy Quân. Nghĩ thấy đời ca sĩ cũng bạc qúa chị nhỉ? Khi mình bước lên sân khấu mọi người vỗ tay hoan hô, đi đâu cũng có kẻ đón người đưa, nâng niu mình từng chút một. Đến bây giờ đổi đời rồi, thời vàng son của chúng mình không còn nữa và đâu ai biết đến em là Dạ Hương, chị là Xuân Hương đâu. Nghĩ thật buồn chị nhỉ ? À ! em nhớ có một bài hát gì đó, chị hay hát hồi còn trong Ban Văn Nghệ Quang Trung mà em rất thích, bài đó nói về cuộc đời của người nghệ sỹ. Cô suy nghĩ một chút rồi cất tiếng hát nho nhỏ: “Người nghệ sĩ lăn lóc dưới mương”. Tôi nghe 2 chữ “dưới mương” tức cười quá liền cắt ngang tiếng hát của cô: “Không phải vậy đâu, hát sai rồi nhé và phải hát như thế này nè” và tôi cất tiếng hát: “Người nghệ sĩ lăn lóc gió sương Tơ đàn say đắm quên sầu thương Dành tình này cho kẻ khổ đau Quên tình xưa thôn nữ sầu đau” (trích trong bài Lỡ Chuyến Đò của Anh Việt) Dạ Hương chờ cho tôi hát xong rồi nói: “Hát như vậy không vui, hát theo lời mình chế ra vui hơn. Này nhé.. Người nghệ sĩ lăn lóc dưới mương”.. bỗng dưng tôi cao hứng hát chung với cô luôn: “Ba ngày sau vớt lên sình chương Dù sình chương em vẫn cứ thương Thương thì thương nhưng vẫn cú sình chương” Hát xong 2 chị em cười ngất. Tôi nói: “Đúng là một cặp song ca ‘ăn khớp “ qúa chừng. Vậy mà không ai mướn cũng uổng ,nếu mình còn trong Quang Trung , chắc chắn mấy anh trong ban nhạc sẽ thành lập cho chị em mình một ban song ca có thên là Song Hương (vì Dạ Hương và Xuân Hương ghép lại mà). Thấy Dạ Hương có vẻ vui hơn, không còn bi quan như lúc nãy nên tôi đề nghị: “Hôm nay chị đãi Hương một chầu nhé! Em muốn ăn món gì nào? Đầu hẻm nhà chị có 2 tiệm ăn rất nổi tiếng ở đây là Phở Tàu Bay và thứ hai là Bánh cuốn tráng tay “sồ dzách” không đâu sánh bằng. Em muốn ăn món nào? Hương trả lời thật nhanh: “Ăn cả hai”. Tôi cười: “OK em” nhưng cô nàng nói tiếp: “em nói đùa vậy thôi chứ bụng nào mà chứa nổi?”. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Dạ Hương (năm 1978). Sau đó tôi tìm đường vượt biên nên rất bận, ngày nào cũng đi từ mờ sáng, khi về trời đã tối mịt và nhiều khi đi cả tuần mới về nhà. Định cư ở Mỹ ( 1980 ) mãi cho đến 14 năm sau (1994) tôi mới có dịp về Việt Nam thăm lại quê hương của mình. Lần đó tôi về chung với ca sĩ Kim Anh (Mùa Thu Lá Bay) khi cô về quay cuốn DVD “ Kim Anh và Quê Hương “, tôi đã nhủ với lòng sẽ ghé thăm Dạ Hương nhưng cuối cùng không ghé được vì thời gian về qúa ngắn (chỉ có 2 tuần lễ thôi) và tôi phải đem cháu Nho (con của Kim Anh) trở về Mỹ vì Kim Anh phải ở lại để quay cho xong . Không thăm được Dạ Hương ,tôi tiếc nuối vô cùng, điều này cứ làm tôi ân hận mãi. Nhiều lúc muốn gởi thư hay quà cho Hương nhưng địa chỉ của Hương tôi đã làm mất rồi . Nhờ một vài người dò la tin tức của Hương nhưng ai cũng lắc đầu. Bóng dáng nàng hoàn toàn biệt tăm. Có lần trong một Show nhạc tại Orange County, tình cờ tôi gặp nhạc sĩ Nhật Ngân, hỏi thăm anh Ngân có liên lạc được với các ca sĩ trong ban Nhạc Quang Trung không và xem ai còn ai mất ? Ai đã qua dược hải ngoại hay còn kẹt lại quê nhà? Anh Ngân cho biết chị Thu Lan đã mất, còn Hoàng Anh (Dạ Hương) nghe nói bị bệnh Ung Thư. Tôi nghe xong thật buồn nhưng đi dò hỏi mãi cũng không có địa chỉ của nàng nên đành chịu. Dẫu biết rằng Sinh, Ly, Tử, Biệt là lẽ thường tình của kiếp người,ai rồi cũng phải ra đi, có khác chăng người đi trước kẻ đi sau mà thôi, nhưng sao lòng tôi vẫn buồn và tiếc nuối vô ngần. Tiếc vì đã mất đi một người em Văn Nghệ hát hay, thật hiền hòa và dễ thương. Tiếc vì đã đã không có dịp được chia sẻ với em trong những lúc em đau ốm bệnh hoạn, hay gặp lúc khó khăn trong cuộc sống. Trời đã về khuya .. Gió bên ngoài lùa vào khe cửa thấy lành lạnh, cái lạnh nhè nhẹ của Mùa Thu Cali đã về. Tôi đứng bên song cửa nhìn lên Trời, bỗng nảy ra trong đầu một ước muốn thật nhỏ nhoi: “Ước gì tôi được gặp Hương một lần dù chỉ là trong Giấc Mơ. Có được không Dạ Hương ơì?” Bài viết này như những nén hương lòng gởi đến em Hương trong ngày giỗ thứ 6 của em. Cho dù đã muộn màng nhưng “Có còn hơn không” phải không em? Vĩnh biệt Dạ Hương! Mong em ngủ một giấc ngủ thật Bình An em nhé!

MAI HIÊN Tháng 11/2015 Viết nhân dịp giỗ 6 năm của Dạ Hương


CA SĨ DẠ HƯƠNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM VỚI CA KHÚC “EM ĐÃ THẤY MÙA XUÂN CHƯA” CỦA NHẠC SĨ QUỐC DŨNG 
(bài Hương Giang)
 

Ca Sĩ Dạ Hương tại Sở Thú năm 1970

Ngay từ thời niên thiếu, Quốc Dũng đã thể hiện rõ đam mê và năng khiếu âm nhạc của mình khi bản nhạc đầu tiên được ông viết khi mới tròn 11 tuổi. Dù đó chỉ là một nhạc phẩm không lời. Đến năm 17 tuổi, ông hoàn thành bản nhạc đầu tay “Em đã thấy mùa xuân chưa”. Đây là ca khúc chứa đựng rất nhiều tình cảm và những suy tư già dặn của một cậu bé mới lớn vừa chạm ngõ cuộc đời. Ca khúc này đẹp tựa một bài thơ với ngôn từ đầy tính khai phá, gợi mở, ẩn chứa nhiều suy tư sâu sắc. Bên cạnh đó phần giai điệu trữ tình, ấm áp, nhẹ nhàng và du dương đã để lại một dư âm mênh mang mà vẫn tinh khôi, thánh thiện cho tất cả những ai thưởng thức nó. Phải mất 6 năm với biết bao đêm trường không ngủ, Quốc Dũng mới có thể hoàn thành một “Em đã thấy mùa xuân chưa”. Từ khi bắt đầu nảy ra ý tưởng và tự mình viết giai điệu của bài hát từ năm 11 tuổi, nhưng vì còn quá trẻ, vốn sống quá ít ỏi khiến ông không thể nào ghép nổi bất kỳ kiểu lời nào vào chuỗi giai điệu buồn thăm thẳm ấy. Nhạc sĩ Bảo Chấn sau này đã nhận xét về nốt treo của hợp âm 9 trong lời bài hát: “Một vầng mây trắng bay đi tìm nhau / Chẳng còn thấy đâu mắt em hoen sầu… nghe thê lương như tiếng sói tru cô độc giữa đêm trăng”. Với bản nhạc đầy ám ảnh, day dứt này, Quốc Dũng đã gần như dành toàn bộ mọi ký ức, thời gian và tình yêu của mình để trao gửi vào đó. Cuộc tình năm 16 tuổi không trọn vẹn, phải chịu sự chia cách đôi ngả, ly tán do thời cuộc đã bóp nghẹt trái tim của một tay nhạc cựu trào cừ phách. Lời từ biệt của người con gái với Sài Gòn để trở về miền Trung đã trở thành vết dao cứa tim buốt nhói với Quốc Dũng khi ấy. Ra đi không hẹn ngày về, tình tựa mây khói bay, ông đã bật lên toàn bộ phần lời cho ca khúc này chỉ sau một đêm khóc ròng và viết vì nhớ thương, đau khổ và sầu muộn. 16 tuổi với những lời ca chỉn chu, ẩn ý như một người đàn ông trưởng thành thực sự đã nếm trải đủ mọi cung bậc hỉ – nộ – ái – ố của đời sống tình yêu, Nguyễn Quốc Dũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Ba năm sau khi bài hát hoàn thành, 19 tuổi, nhạc sĩ Quốc Dũng mới phổ biến ca khúc này một cách rộng rãi. Ngay trong lần trình bày đầu tiên của ca sĩ Dạ Hương, nhóm Shotgun, ca khúc này đã được đón nhận một cách nồng nhiệt. Bài hát về mùa xuân buồn bã với những ngữ điệu luân chuyển độc đáo đã trở thành bài hát hành trang của tất cả các ca sĩ phòng trà Sài Gòn trong những năm tháng dĩ vãng đổ bóng ấy. Thế nhưng, cũng vì sự não nùng của nó mà trong suốt gần 20 năm, không ai chịu chọn “Em đã thấy mùa xuân chưa” vào các chương trình băng đĩa nhạc xuân. “Vì nó buồn quá, mà có một thời gian dài người nghe chỉ thích những bài hát mùa xuân rộn ràng vui vẻ”, nhạc sĩ Quốc Dũng nhớ lại.


Nguồn tin: TGNS