Ca sĩ Anh Khoa: Người luôn gắn với những tình khúc buồn

Ca sĩ Anh Khoa: Người luôn gắn với những tình khúc buồn
Xem Anh Khoa biểu diễn, mười người được hỏi có đến chín có chung nhận xét anh là người trầm tính, ít nói. Những album gần đây anh đều chọn tên nghe rất buồn: Khúc thụy du (2006); Như giọt sương khuya (2008); Cánh chim sa mạc (2010).
“Có hai người ơn mà tôi không bao giờ quên, một là nhạc công keyboard Võ Đức Xuân, con trai nhạc sĩ Võ Đức Thu; hai là anh Jo Marcel, ca sĩ (CS), ông bầu Queen Bee bar. Thập niên 60 - 70, nhiều CS thành danh từ sự lăng xê của Jo Marcel. Nhiều người mong được anh quan tâm, nhưng không phải ước mong đó bao giờ cũng thành hiện thực. Tôi cũng không ngoại lệ và cũng sẽ là CS tỉnh lẻ hát cho các Night Club ít người biết đến nếu không có sự mai mối, giới thiệu của anh Đức Xuân cho Jo Marcel”. CS Anh Khoa nhắc lại thời điểm cất cánh nghiệp hát của mình năm 1969.

Image
Ca sĩ Anh Khoa ngày còn trẻ


Anh tâm sự: “Hôm rồi hát ở phòng trà Tiếng Xưa, sau bài hát đầu tiên có khán giả yêu cầu tôi hát lại bài Bao giờ biết tương tư của Phạm Duy - Ngọc Chánh, tôi đoán người yêu cầu bài hát ấy phải ở tuổi sáu mươi hoặc trên nữa. Lứa tuổi nhớ tên tôi và bài hát đó phải là những người biết nghe nhạc từ những năm 1970. Đương nhiên, công đầu trong chuyện có người còn nhớ tên tôi không thể không kể đến anh Jo Marcel, người đã nhận thấy tiềm năng thiên phú về ca hát trong con người nghệ sĩ cô đơn của tôi”.

CS Anh Khoa thừa nhận, so với những bạn hát cùng thời, cùng tuổi như Đức Huy, Tuấn Ngọc, Duy Quang, anh là người thiếu may mắn nhất. Không giống như những người bạn ấy, “bệ phóng” cho con đường ca hát của anh lại là… một gia đình nghèo, có mười lăm anh chị em yêu thích ca hát, nhưng chẳng có người nào trong số họ là tấm gương, là thầy, là người đi trước để kèm cặp, dẫn dắt như những người bạn CS đồng niên.

Vốn tự có là giải nhất cuộc thi văn nghệ thiếu nhi năm 14 tuổi, vì vậy, bản thân anh phải tự mày mò học nhạc lý, tự nghiên cứu cách hát, cách thể hiện của những ban nhạc thần tượng của mình như Beatles, Bee Gees để hát theo và trông chờ những cơ may theo kiểu "ở hiền ắt sẽ gặp lành".

Image
CS Anh Khoa và ban nhạc Mây bốn phương biểu diễn tại vũ trường Queen Bee


Đam mê cộng với giọng hát trời cho, Anh Khoa nhanh chóng vượt qua các cuộc thi gắt gao để được hát trong các phòng trà, quán bar ở Nha Trang, ở sân bay Tân Sơn Nhất. Và cơ may, như dành cho một người biết nỗ lực vượt khó, luôn cố gắng phấn đấu đã đến. Trong một lần chơi thay cho một keyboard (vắng mặt) trong ban nhạc, Võ Đức Xuân thấy CS Anh Khoa vừa hát chính lại vừa đệm guitar bass rất giỏi đã giới thiệu anh cho Jo Marcel, quản lý chương trình ca nhạc tại Queen Bee, người đang rất cần có một nhạc công chơi nhạc cụ này.

Bằng kinh nghiệm của mình, bằng sự tự tin của một người biết rõ khả năng của mình, ca sĩ Anh Khoa không khó để được Jo Marcel mời về đầu quân. “Tôi hát nhạc trẻ với các bạn ở tầng một, còn tầng hai là nơi mà CS Lệ Thu đang là trụ cột với những bài hát trữ tình, tiền chiến…

Thật ra, giọng hát của CS Anh Khoa khá phù hợp với những ca khúc ngoại quốc, những ca khúc sôi nổi của tuổi trẻ. Back in Black là bài hát anh yêu thích nhất và thường hát với tất cả “phiêu linh” của mình nên lúc nào anh cũng được yêu cầu hát bài đó. Chính bản thân anh cũng không nghĩ mình có thể hát những ca khúc trữ tình, nếu không gặp cơ may lần hai.

Bài hát gắn liền với tên tuổi Anh Khoa đến tận bây giờ có lẽ là Bao giờ biết tương tư. Người ta nhớ cũng đúng vì bài hát ấy như nói hộ trái tim chàng CS tỉnh lẻ, yêu thầm một cô nữ sinh trong đồng phục áo dài hồng trường dòng Thiên Phước trên đường Hai Bà Trưng lúc bấy giờ. Một hôm, người ta đưa cho anh bài hát mà ca từ đau khổ đến tím tái, giai điệu da diết đến lịm người… anh thấy sao giống mình và anh đã “phiêu” như thật. Có điều gì đó thật dễ đồng cảm. Đó là chân lý mà nhiều thế hệ đã xác nhận. Và sự thực là có quá nhiều người hát ca khúc ấy, nhưng người ta vẫn cứ muốn nghe chính Anh Khoa trình bày, như thể đó là giọng ca của riêng ca khúc ấy. Đó là hạnh phúc mà bất kỳ CS nào cũng mơ ước.

Image

Tuy vậy, Bao giờ biết tương tư không phải là ca khúc “định mệnh” cho nghiệp dĩ của mình, mà chính là Bài không tên số 3 của Vũ Thành An. Anh kể, trong một lần được Jo Marcel cho lên tầng hai của Queen Bee để hát thế một CS vắng mặt, anh đã hát ca khúc của Vũ Thành An mà không biết có tác giả ngồi nghe bên dưới.

Yêu nhau cho nhau nụ cười/ Thương nhau cho nhau cuộc đời/ mà đời đâu biết đợi/ để tình nhân kết đôi… những ca từ mộc mạc, cộng với giai điệu buồn được viết trên cung mi thứ, gần như khi viết Vũ Thành An muốn dành cho những người đứng tuổi hát, chính vì thế, khi biết Anh Khoa mới bước qua tuổi hai mươi, mà giọng ca già dặn chuyển tải được đúng tâm trạng của tác giả khiến ông không ngớt lời khen tặng. Điều ấy đã khiến Jo Marcel quyết định giữ anh lại tầng hai, để rồi không lâu sau đó, anh trở thành giọng ca chính có tần suất biểu diễn ngang ngửa với CS Lệ Thu và chính thức trở thành CS hát nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến…

Nếu chỉ nghe CS Anh Khoa hát, hoặc xem Anh Khoa biểu diễn thì trong mười người được hỏi đã có đến chín có chung nhận xét anh là người trầm tính, ít nói. Thậm chí những album trong mấy năm gần đây anh đều chọn tên nghe rất buồn: Khúc thụy du (2006); Như giọt sương khuya (2008); Cánh chim sa mạc (2010). Trong album Cánh chim sa mạc, ngay ca khúc đầu tiên đã nghe não nề càng khiến người ta khẳng định nhận xét ấy là có cơ sở. Tuy nhiên, con người thật của anh sẽ hiện rõ nếu như gặp đúng đối tượng thông hiểu mình. Khi ấy, anh đúng là “ông tám” với nụ cười giòn như pháo nổ, khuôn mặt rạng rỡ như mùa xuân.

Image
Ca sĩ Anh Khoa hát trong chương trình Tình khúc vượt thời gian của VTV9


CS Anh Khoa định cư nước ngoài. Cuộc hôn nhân của anh với con gái của Đại sứ Hungary tại Việt Nam vào những năm 80 không thể nói đó là một quyết định buồn. Bởi, được bên cạnh vợ con bao giờ cũng là niềm vui của bất kỳ người đàn ông nào. Nhưng Đông Âu không phải là nơi để anh có thể dễ dàng tìm kiếm món cá biển kho chấm rau má như ở quê mình. Thủ đô Budapest cũng không phải là nơi để anh phô diễn tài năng và đeo đuổi đam mê của mình.

Bây giờ, mỗi khi có sô, anh lại bay về Việt Nam để hát. Hát xong anh quay về xứ biển để nghỉ ngơi. Nói chuyện với anh, thỉnh thoảng anh bật thành lời những ca khúc đau đáu một nỗi niềm: Ngày trở về, anh bước lê/ trên quãng đường đê đến bên lũy tre/ nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về/ Mẹ lần mò, ra trước ao/ nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ/ Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ…

Dường như trong Anh Khoa bao giờ cũng mong chờ một cánh buồm đỏ thắm đâu đó xuất hiện biến giấc mơ có một liveshhow cuối đời CS của mình thành sự thật. Vào ngày 14/2/2015, khán giả yêu ca nhạc sẽ gặp lại CS Anh Khoa trong chương trình Sol vàng chủ đề Những lời yêu thương diễn ra ở Nhà hát Hòa Bình mà anh sẽ là nhân vật chính cùng với người bạn của mình là CS - nhạc sĩ Đức Huy

NGUYỄN THIỆN

Nguồn tin: meoxu theo PNO