\n
Đang truy cập : 31
•Máy chủ tìm kiếm : 1
•Khách viếng thăm : 30
Hôm nay : 3407
Tháng hiện tại : 163207
Tổng lượt truy cập : 18013468
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Aí Vân
Tự truyện Để gió cuốn đi của danh ca Ái Vân vừa ra mắt bạn đọc. Sách dày hơn 300 trang có 17 chương được đặt tên: Cuối thời vang bóng, Đại gia đình, Theo nghiệp má, Gánh hát tuổi thơ, Khu nhà 36-38 phố Huế, Ca hát thời bao cấp, Tình duyên, Quê người...
Nhân dịp này, đơn vị thực hiện cuốn sách chia sẻ một phần bản thảo trích đăng trên VnExpress. Tên các phần trích đăng do tòa soạn đặt.
Bìa tự truyện "Để gió cuốn đi". Sách được được First News - Trí Việt và Nhà xuất bản Hội nhà văn thực hiện, phát hành. |
Phần 1
Vào tuổi dậy thì, năm 1967, tôi được xem bộ phim Cánh buồm đỏ thắmcủa hãng Mosfilm (Nga), hình như chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Alexandre Grimm. Chuyện phim và phim đẹp như cổ tích. Không còn nhớ hết chuyện phim nữa, chỉ nhớ chàng thủy thủ Gray đẹp trai tuyệt vời thấy cô bé Axôn xinh đẹp ngủ trong rừng, chàng Gray đem lòng yêu say đắm đã đeo chiếc nhẫn vào tay cô bé Axôn. Chỉ vậy thôi nhưng cô bé Axôn tin rằng người đeo nhẫn cho mình sẽ quay trở lại với cánh buồm đỏ thắm trong khi cả làng chê trách Axôn là hoang đường. Thế rồi một buổi sáng đẹp trời chàng đẹp trai Gray xuất hiện cùng con tàu lớn với tầng tầng cánh buồm đỏ thắm. Hạnh phúc đã đến với cô bé Axôn nghèo khổ, còn hơn một giấc mơ đẹp.
Mười ba tuổi ấn tượng mãi cánh buồm đỏ thắm rực rỡ trên bờ biển và chàng trai Gray đẹp trai khiến ngây ngất các cô gái mới lớn như tôi. Nhớ mãi câu nói của Gray: “Nếu trái tim ai đó mong muốn một điều kỳ diệu, thì hãy giúp người đó tìm được nó". Từ mười ba tuổi tới mười tám tuổi đêm nào tôi cũng mơ "điều kì diệu" này: Một chàng nào đó đẹp trai như Gray đến bên giấc ngủ của tôi, đeo chiếc nhẫn cầu hôn và nói: "Ái Vân, anh yêu em". Tuyệt không có ai, chẳng có ai giúp tôi tìm được "điều kỳ diệu". Tuy vậy tôi vẫn không chịu xuống mặt đất, tôi vẫn mơ. Cánh buồm đỏ thắm ám ảnh cả tuổi yêu của tôi.
Danh ca Ái Vân thời trẻ. |
Mối tình đầu đến với tôi quá đỗi bình thường. Sinh nhật năm 1972 tôi mười tám tuổi. Tiệc sinh nhật nho nhỏ, bó hoa đĩa kẹo nước chanh đường, có vậy thôi. Chỉ có mấy anh chị em trong nhà, anh Hoàng Phúc Dzĩ bạn anh Sơn và chàng. Nhà chàng ở phố Nguyễn Du, con một ông lớn. Hồi bé tôi theo ba Bảo Định Giang hay đi hát vào nhà các sếp, có vào nhà chàng hát mấy lần nên quen biết nhau. Chàng đẹp trai hao hao Gray, không thể bì với Gray nhưng dễ thương hơn. Thỉnh thoảng chàng qua nhà tôi chơi với anh Thành anh Sơn, có đầu mày cuối mắt với tôi, chỉ thinh thích vậy thôi chứ không dám nói gì. Bữa sinh nhật đó tôi cũng chỉ tổ chức trong nhà, không mời ai cả, chàng vẫn tới rất đúng giờ, có lẽ do anh Thành mật báo.
Sinh nhật đơn giản mà vui. Anh Hoàng Phúc Dzĩ mở đầu bằng bài hát“Hát mừng Tachiana”. Mừng ngày sinh của nàng Tachiana/ Như hoa hồng, như hoa hồng/ Đẹp xinh mãi mãi Tachiana. Chàng kết thúc bằng nụ hôn trên tóc và nói: “Anh yêu em” đúng như Gray nói với Axôn. Tôi đỏ mặt lí nhí bảo “Vâng”. Ngố thế đấy.
Thế là yêu. Chàng học trường Quân sự ở Vĩnh Phúc, ông già chàng bảo một tháng mới được về một lần nhưng tuần nào chàng cũng về. Sợ ông già, chàng cứ ở bên nhà tôi. Chàng người miền Nam, ba má tôi cứ nghe giọng Nam là mềm nhũn ra rồi, cứ giữ chàng ăn ngủ tại nhà. Chàng chỉ chơi với mấy ông anh bà chị là chính, hát hò ăn uống vui vẻ, thỉnh thoảng cười hì hì rất dễ thương. Chả có lúc nào chúng tôi đi chơi riêng. Thỉnh thoảng vui vui đạp xe một vòng quanh bờ hồ, xong lại giải tán ai ở đâu thì về đấy.
Có lần chàng nói: “Tuần tới chỗ bọn anh rất là vui, em có sang chơi được không?” Tôi “vâng” và rủ cô bạn thân Lã Hương học piano: “Tao đang yêu chàng, chàng bảo tao sang trường chàng chơi. Tới chỗ lạ tao sợ quá, mày có đi chơi với tao không?” Lã Hương vì tò mò ok luôn: “ừ, tao đi với mày.” Từ Hà Bắc, nơi trường nhạc sơ tán, lên Vĩnh Phú khoảng 5 chục cây. Hai đứa đạp xe đi rất là hăm hở. Chàng bắt gà làm cơm chiêu đãi. Chàng có một người bạn thân. Bữa cơm chưa xong tôi phát hiện Lã Hương thích anh chàng này. Hương xinh, mắt xếch, người thon nhỏ. Tôi bắt nọn Lã Hương, nó chối đây đẩy rồi thừa nhận: “Tao yêu chàng đó đấy”. Tôi hỏi: “Nhưng liệu anh ta yêu mày không?” Lã Hương cười hi hi, nói: “Kệ, tao thấy hắn nhìn tao nhiều lắm, toàn gắp cho tao.” Buổi tối ra đường làng chơi, tôi một đường Lã Hương một nẻo. Chàng cứ nắm tay đi mãi chẳng thấy làm gì, cảm thấy hơi phật lòng, tưởng tượng Lã Hương chắc được hôn nhiều lắm, càng tức. Con nít thế đấy. Cuối cùng chàng cũng hôn. Đang đi bất ngờ chàng ôm ghì hôn lấy hôn để, cứ đè mặt mà hôn. Thế là thích lắm rồi, có biết hôn môi là thế nào đâu.
Tôi và Lã Hương được chàng xin cho ngủ nhờ ở nhà dân. Mai chia tay, buồn quá. Hai đứa nằm chổng mông viết nhật kí, làm cả thơ: “Ngày mai em ra về, một mình em lủi thủi”. Hai đứa nhìn nhau xem nghĩ thêm được câu nào hay. Nghĩ mãi không ra Hương kêu: “Mày làm cái vần ủi, khó bỏ mẹ. Chẳng lẽ tao lại bảo: “Hình như em bị hủi….” Ôm nhau cười rũ. Lại hỏi Hương: “Mày có hôn không?”- “Sao lại không, ơ cái con này!”- “Hôn thế nào?” Lã Hương phát mông, đạp tôi ra xa: “Đừng có mà cưa sừng làm nghé nữa nàng ơi!”. Lã Hương cứ tưởng tôi yêu từ thuở mười ba, “lạ gì nữa mà còn giả vờ”. Sau này tôi mới biết quá nhiều người “tưởng” như Hương.
Xong mối tình đầu sang mối tình thứ hai. Mối tình này thì đến cái hôn còn chẳng có. Chàng người Việt gốc Hoa, học thanh nhạc trên tôi 2 năm. Đẹp trai thì hẳn rồi, phục nhất là chép nhạc cực đẹp, nhìn vở chép nhạc cứ mê đi. Chàng chép cho tôi một cuốn sách nhạc toàn là những bài hát Nga. Phải yêu lắm chàng mới bỏ công lớn đến vậy nhưng tôi không hề biết là chàng thích mình. Lại ngố. Năm học xong, ra trường chàng được phân công dạy nhạc ở Trường sư phạm Việt Bắc, chàng tìm tôi để từ biệt.
Lần đó tôi được theo Trường nhạc đi tuyển sinh ở Bãi Cháy (Quảng Ninh). Một ngày mưa gió chúng tôi tình cờ gặp nhau, không hề biết chàng về cốt để tìm tôi. Chàng nói chàng muốn đến chào tôi. Tôi ngớ ngẩn “Vâng”... “Ô thế à”... “Chúc mừng!” Rồi kéo chàng đi ăn cơm. Ăn xong chàng rủ ra biển, hôm ấy trời sắp bão, đang mưa gió ầm ầm mà vẫn cứ đi. Ngồi trên bờ biển, mặt chàng ngẩn tò te, tần ngần định nói cái gì lại thôi. Tôi buồn cười quá, nói: “Ơ, anh làm sao thế?”- “Không”- “Bị đau bụng à?”- “Không”- “Cảm gió à?”- “Không.” Bất ngờ chàng đứng bật dậy, trút áo quần nhẩy xuống biển. Sóng biển to, tôi không hiểu sao chàng lại muốn bơi. Nghĩ bụng chắc con giai thích làm chuyện ngược đời. Chàng bơi, bơi rất lâu và ra xa, rất xa. Thấy lo lo, tôi tính gọi người cấp cứu thì chàng bơi vào. Chàng nhảy lên bờ, tôi hối chàng mặc quần áo: “Mau lên không cảm chết!” Chàng thay áo quần xong bắt tay tôi, nói: “Thôi, tạm biệt em nhé, anh đi đây”- “Ừ thế anh đi nhá, coi chừng cảm lạnh đấy.” Chàng ôm sầu lê bước, tôi bần thần nhìn theo cứ băn khoăn không hiểu sao chiều nay chàng khùng đến vậy. Mãi sau này sang Đức gặp chàng, chàng nói: “Có biết hôm ấy vì sao anh nhảy xuống biển không?”- “Không”- “Vì muốn ngỏ lời mà không thể nói lên được. Thấy em quá trẻ con.” Hi hi...
Mã an toàn:
Tận dụng thế mạnh của phim ảnh màn ảnh rộng thời 4.0 với hình ảnh, cảnh trí, âm thanh ánh sáng, kỷ xảo, hiệu ứng, góc quay mà sân khấu thiếu...ngoài ra phim được công chiếu được PR vào hệ thống rạp rộng khắp, với những buối ra mắt hoành tráng ..Phim cải lương có cứu được cải lương hay thổi vào đó những làn gió mới hay không qua hơn 10 năm nhìn lạ
Ý kiến bạn đọc