Đây là trang web thứ 2 của cailuongvietnam.com (CLVNCOM 2) . Đây cũng là nơi dừng chân của những người yêu BẢN SẮC DÂN TỘC, những người thiết tha gìn giữ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VN, đặc biệt là những người HÂM MỘ CẢI LƯƠNG. Với trên dưới 100 ngàn lượt truy cập mỗi ngày trang chính...
Ngày 16-4, giới nghệ sĩ sân khấu xôn xao khi trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh chân dung NSƯT Lê Tứ và cố NSND Út Trà Ôn. Điều đáng nói là trong giai đoạn vở cải lương kinh điển "Người ven đô" (tác giả Minh Khoa, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) đang trong giai đoạn hoàn chỉnh để ra mắt công chúng vào tối 27-4 tại Nhà hát Trần Hữu Trang. Lần này, NSƯT Lê Tứ hóa thân vai ông Tám Khỏe, bên cạnh NSƯT Võ Minh Lâm với vai ông Bảy Đờn.
Khác với các vở diễn trước đây của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt, lần "ra quân" này của ông bầu Hoàng Song Việt đã đẩy hai ngôi sao trẻ lên vai kép lão. Khán giả mộ điệu cải lương không thể quên tài năng diễn xuất và giọng ca trầm ấm của NSND Út Trà Ôn và nghệ sĩ Thành Được đã khắc họa tình bạn tri kỷ quá đẹp của hai ông già "18 thôn vườn trầu" đi vào lịch sử sân khấu cải lương Nam Bộ.
Chính vì thế trên sàn tập các nghệ sĩ đã nỗ lực hóa thân thật tốt cho vai diễn, nhất là những đoạn đối đáp, ca diễn của hai nhân vật Bảy Đờn, Tám Khỏe đã làm các đồng nghiệp trong vở xúc động.
NSƯT Lê Tứ tâm sự, anh ngưỡng mộ phong cách ca diễn của hai ngôi sao lớn đi vào huyền sử cải lương, lần này được nhận vai của cố NSND Út Trà Ôn đã từng thể hiện tuyệt vời, với anh đó là một niềm tự hào.
Cũng mang tâm trạng phấn khởi, NSƯT Võ Minh Lâm được diễn lại vai của nghệ sĩ Thành Được là một niềm vinh hạnh lớn. Và cả hai đều nỗ lực hết mình để hóa thân thật tốt, truyền tải đúng tinh thần cách mạng của người dân 18 thôn vườn trầu, quyết tâm đi theo cách mạng, bảo vệ các chiến sĩ phá vỡ gọng kìm của địch.
NSƯT Võ Minh Lâm đã tìm gặp các nghệ nhân đờn bầu để học các thao tác biểu diễn, vận dụng cho vai Bảy Đờn khi ngồi đờn cho Tám Khỏe ca trong một không gian của vườn trầu xanh mướt. Trên sàn tập giữa những ngày nắng nóng, chính khí thế hào hùng, hừng hực tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ đã giúp lực lượng diễn viên của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt xua đi mệt nhọc, hướng tới hiệu quả nghệ thuật cao nhất.
Ông bầu Hoàng Song Việt vốn yêu thích tác phẩm sân khấu cách mạng này từ những năm đầu Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 ra mắt, đến nay ông đã có điều kiện để quyết định đưa vào dàn kịch mục của đơn vị nghệ thuật mà mình dốc sức gầy dựng, cũng chỉ bởi ông mong muốn đây là cơ hội để thế hệ diễn viên trẻ được sống lại khí thế hào hùng mà nghệ sĩ tiền bối đã trải qua và cũng là dịp để các diễn viên trẻ hóa thân vào vai diễn khó.
NSND Út Trà Ôn (1919 - 2001) từ nhỏ, với năng khiếu bẩm sinh cùng sự đam mê khổ luyện suốt mấy chục năm ròng, Nguyễn Thành Út (tên thật của ông) trở thành nghệ sĩ cải lương được mến mộ suốt từ Nam tới Bắc, được suy tôn là "Vua vọng cổ". Ông ra đời tại ấp Đông Phú (làng Đông Hậu, quận Trà Ôn) lúc đó thuộc tỉnh Cần Thơ, nay là huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long).
Hơn 16 tuổi, ông đi học hát tại làng quê, đến năm 1937, ông được người quen giới thiệu với Đài Phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có tên nghệ danh Út Trà Ôn. Nhờ chất giọng truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ, ông được giới thiệu trên làn sóng phát thanh, nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là "Thức trót canh thâu". Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, ông thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, thu âm cho các hãng băng đĩa.
Đặc biệt, với giọng ca đặc biệt của mình, ông đã góp phần nâng cao uy tín hãng đĩa Asia với bài vọng cổ "Tôn Tẩn giả điên" gồm 20 câu, là sáng tác của một vị Yết-Ma (tu sĩ Phật giáo) nổi tiếng lúc này.
Năm 1942, ông lần lượt biểu diễn cho các gánh cải lương như: Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hóa, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh… Năm 1954, ông lập gánh hát Kim Thanh, đây là lần đầu tiên ông làm bầu nhóm hát danh tiếng lừng lẫy lúc bấy giờ và cho đến ngày nay vẫn còn nhiều nghệ sĩ cao tuổi nhắc đến.
Năm 1955, tại Sài Gòn, trong cuộc trưng cầu ý kiến khán giả của báo giới, nghệ sĩ Út Trà Ôn được khán giả tặng danh hiệu "Đệ nhất nam danh ca".
Sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975), ông công tác Đoàn cải lương Sài Gòn 1, Nhà hát Trần Hữu Trang và sau đó là Sân khấu Tài Năng còn gọi là đoàn 2-84 (Hai Tám Tư).
Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 4) và Huân chương Vì sự nghiệp sân khấu qua đóng góp lớn cho nghệ thuật TP HCM.
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Nguồn tin: tcgd theo NLD:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn