Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Giọng Ca Vàng

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

NS HỒNG NGA - Cô đào đa năng!

Chủ nhật - 11/11/2012 19:01


Có lẽ trong làng đào cải lương, NS Hồng Nga là một trong những cô đào đa năng nhất. NS Hồng Nga có thể đảm nhận nhiều loại vai diễn như: đào lẳng, đào độc, đào mùi, mụ hiền, mụ ác, nữ hề…Qua từng giai đoạn phát triển của sân khấu cải lương, NS Hồng Nga đều có những vai diễn thích ứng với khả năng của bà, tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, mặc dù những vai diễn ấy không phải là vai chính.


VAI CÔ GIÁO LAN KHÓ QUÊN

     NS Hồng Nga xuất thân trong một gia đình lao động, không ai theo nghệ thuật duy chỉ mình bà. Thân phụ của bà quê ở Thái Bình , thâm mẫu quê ở Hà Bắc, khi vào Nam phụ mẫu của bà đều làm công nhân cạo mủ cao su, nên bà được sinh ra ở miền Nam (1945). NS Hồng Nga mồ côi cha từ nhỏ, gia đình nghèo khó nên khi bà lên 12 tuổi phải đi giữ em và gánh nước mướn đễ giúp mẹ nuôi các em ở quận 4.

     Vốn mê cải lương, thời đó Hồng Nga rất thần tượng giọng ca của nữ NS Thanh Hương, với bài Vọng cổ "Cô bán đèn hoa giấy" của Viễn Châu thường phát trên Đài phát thanh Sài Gòn. Những lúc gánh nước mướn Hồng Nga thường ca bài này và được nhiều người ở xóm khen ngợi. Người thầy đầu tiên của NS Hồng Nga là một thợ hớt tóc biết đờn Vọng cổ, ông ấy dạy cho Hồng Nga ca đúng hơi - giọng và nhịp nhàng. Sau đó, bà may mắn được nhạc sĩ Tám Đen cũng ở quận 4 nhận làm con nuôi và ông truyền dạy cho Hồng Nga ca gần hết 20 bài Cổ nhạc Tài tử và Cải lương. Khi Hồng Nga ca khá vững vàng bài bản, nhịp điệu, bà được cha nuôi dẫn đi ca quán nghệ sĩ Lệ Liễu ở khu Thị Nghè . Thế là bà vừa có chút ít tiền phụ giúp gia đình, lại vừa rèn nghề ngày càng chững chạc hơn. Kế đến Hồng Nga được cha nuôi gởi vào Ban ca kịch Văn Vĩ; và tại đây, Hồng Nga được bầu Sáu Đặng của gánh Hằng Xuân - An Phước mời cộng tác và bà có nghệ danh là Kim Nga.

     Lúc đó, NS Hồng Nga chỉ hát những vai phụ, dàn bao, nhưng bà lại ý thức tự học các cách diễn xuất của nhiều nghệ sĩ khác, và đây là sự tích luỹ những tinh hoa sáng tạo trong nghệ thuật biễu diễn làm vốn liếng trong nghề của bà. Sau đó, NS Kim Nga về cộng tác cho gánh Thống Nhất của NS Út Trà Ôn, và tại đây NS Kim Nga được bà Hồng Hoa đổi nghệ danh Kim Nga thành Hồng Nga. Trên sân khấu này, NS Hồng Nga thường hát những vai đào ba lẵng mùi hoặc độc mùi trong các vở "Lưới trời", "Mắt em là bể oan cừu" của Vân An; "Tần Thủy Hoàng", "Phút sau cùng" của Điền Long; "Gả câm và Người đẹp" của Hoài Nhân... Tuy không phải là vai nhì hay chánh, nhưng những vai diễn lúc này của NS Hồng Nga đều thu hút khán giả bởi tài biểu diễn tính cách nhân vật của bà rất nhạy cảm. Tính nhạy cảm của NS Hồng Nga hoá thân vào nhân vật có lúc vui, buồn, hung nộ, lúc lại bi thương, hiền lành; có lúc lại gian trá; độc ác...; nói chung là khả năng biểu diễn của bà rất đa dạng và thành công dù vai nhỏ nhất. Mặc dù NS Hồng Nga có giọng "Thổ pha Đồng" nhưng không phải là loại giọng thuần khiết rặt như nhiều nghệ sĩ khác có loại giọng này, mà do làn hơi của bà có những sự cản trở về mặt cấu âm như khe thanh quản bị hẹp, a-mi-đan to nên nhiều âm phát ra bị tắt-xát, mà trong giới gọi là hơi "ngặt". Vì vậy khi nói chuyện thì âm giọng khàn khàn, tăng cường hơi lực thì âm giọng trở nên rổn rảng, khi xúc động hạ giọng thì âm trầm hoá có độ rền vang tương đối, âm giọng trở nên trầm buồn... Những tố chất ngữ âm như vậy NS Hồng Nga khéo xử lý kỹ thuật thanh đới trong ca ngâm, biến những âm thanh thành ngữ điệu riêng của mình: âm khàn khàn khi ca bị tiết chế thành âm đục nên nghe mùi mẫn với các thể điệu Nam - Oán và Vọng cổ, âm rổn rảng khi ca những thể đệiu Bắc thì bà thu gọn làn hơi phát âm rõ từng lời vang vang nghe hùng hồn và xôm tụ, và khi xuống âm thấp trầm hoá trở thành chất giọng buồn và mùi là vậy. Vận dụng những tố chất này mà NS Hồng Nga ca diễn rất thành công ở vai mụ mùi (cô giáo Lan) trong vở "Tuyệt tình ca" của Hoa Phượng-Ngọc Điệp, lúc bà hát cho gánh Dạ Lý Hương của bầu Xuân (1964). Cảnh cô gaío Lan gặp lại ông Cò (NSND Út Trà Ôn), NS Hồng Nga xử lý hơi-giọng một cách điêu luyện và đã lấy không ít nước mắt khán giả ở lớp này.

     Nhân vật cô giáo Lan (Lê Thị Lan) ở Vĩnh Long là vợ thứ của ông giáo Nguyễn Văn Hương, vai diễn xuất hiện ở màn cuối nhưng tính cách nhân vật khá hoàn hảo để nghệ sĩ Hồng Nga bộc lộ thân phận và nỗi niềm của nhân vật. Bởi vai diễn này là chỗ dựa cho vai ông Cò (NSND Út Trà Ôn) bật lên nỗi ray rứt của ông sau hai mươi năm gặp lại vợ con. NS Hồng Nga đã thể hiện bản chất nhân vật rất thật, qua khâu ngữ trách móc, hờn ghen của người phụ nữ ở mức độ vừa phải là vợ bé. Lúc này âm giọng của bà nói lối dịu dàng hơn, bà nhấn từng ca từ, buông hơi nhẹ hơn , ngân những âm tiết mang dấu sắc và hỏi có trường độ dài hơn để tạo âm sắc bi cảm; "Nhưng chồng của tôi lại quá đỗi bạc tình, về với vợ lớn rồi, không trở lại thăm mẹ con tôi... Từ Mỹ Tho xuống Vĩnh Long chỉ có một đoạn đường, tôi chờ đợi mỏi mòn, anh Hương vẫn không thèm xuống, bỏ rôi lạc lõng giữa chợ đời với lũ con thơ, sống vất vưởng bơ vơ, với cái nghèo bữa đói, bữa no". Rồi bà tự sự khi hoá thân vào nhân vật than vãn, bằng ngữ điệu trầm buồn hơn khi kỹ thuật ém những âm bật hơi thành âm trầm lắng, nghe giọng điệu càng buồn tủi hơn. Kỹ thuật này, NS Hồng Nga không nói lối đơn thuần mà bà nói theo tiếng nhạc (tiếng rao của guitar phím lõm), và thành một sự hoà kết đó tạo âm sắc như đờn và ca biểu đạt đồng thời:" Mình còn nhớ không, ngày xưa thấy tôi cực khổ, mình thường ví tôi với loài chim dương nga... Nhưng mình ơi, trách thì trách vậy nhưng lòng tôi một mực với mình. Tôi vẫn thương, tôi vẫn yêu mình trong suốt mấy chục năm dài... Đây, bộ bà ba lụa lèo mà chồng tôi bận hai mươi năm về trước. Lượt sau cũng ảnh bận là bữa tối, tôi còn giữ đến bây giờ. Hễ cứ mỗi lần trở xuân gợi niềm luyến nhớ bâng khuâng... Mỗi khi nắc đến người Vĩnh Long để thương, để nhớ, ảnh ngọt ngào dùng ba tiếng "Má con An"...". Mặc dù hơi giọng ngặt nhưng bà khéo léo xử lý tinh tế, giọng khàn khàn, khi rổn rảng, đều biến mất khi bà cất hơi vào Vọng cổ., tạo âm sắc vừa mùi, vừa có độ vang vang của một chút Đồng pha: "Trồng trầu thì phải khai mương, , làm trai hai vợ mà Ông thương không đồng. Chim quyên ăn trái nhãn lồng, lia thia quen chậu mà vợ chồng quen hơi".

     Vai  cô giáo Lan sau đó được NSUT Út Bạch Lan thủ diễn. Mỗi người có một nét riêng, kỹ thuật ca ngâm khác nhau. Nếu công bằng mà nói thì tài nghệ ca ngâm của NS Hồng Nga không thể sánh với Út Bạch Lan, nhưng kết hợp ca diễn NS Hồng Nga có sức hút khán giả không kém. Hình ảnh, tính cách cô giáo Lan được NS Hồng Nga miêu tả lại là một sự thành công của bà, để lại ấn tượng đẹp với khán giả trước 1975.

"XUÂN ĐẤT KHÁCH - LÀM NAO LÒNG NGƯỜI LY HƯƠNG"

     Từ sau năm 1975, NS Hồng Nga càng tỏ ra đa năng hơn, ngoài lĩng vực cải lương bà còn diễn tấu hài khá đắt show với nhiều nghệ sĩ hài tên tuổi. Những nhân vật hài quý phái sang trọng, nghèo khổ, độc ác... bà đều có khả năng bộc lộ bản chất nhân vật một cách rõ nét. Về vai mụ ác, NS Hồng Nga có vai mẹ chồng trong vở "Duyên kiếp" khá sắc sảo từ ca diễn đến đào sâu tâm lý nhân vật của bà mẹ chồng rất khắt khe với nàng dâu. Nếu tương phản với vai mẹ chồng trong "Duyên kiếp" thì vai Cố Mẫu của NS Hồng Nga trong vờ "Thái hậu Dương Vân Nga" là một vai mụ hiền phúc hậu khá thành công. Ngoài ra, bà còn khá ăn khách với những vai nữ hề rất nhiều vai; kết quả cho thấy có một dạo ba năm liền bà đoạt giải "Cù nèo vàng" và Giải "Mai Vàng" do Báo Người Lao Động và Tuổi Trẻ tổ chức.

    Với kỹ thuật ca Vọng cổ bài lẻ, có lẽ trước và sau năm 1975, NS Hồng Nga chỉ nổi tiếng với bài Vọng cổ "Xuân đất khách" của Viễn Châu rất thành công trong kỹ thuật ca ngâm và biểu đạt nội dung ca từ, khiếnn gười nghe như được bà truyền cảm xúc, tâm trạng của người xa hương nhớ Tết của quê nhà. Có lần bà tâm sự, ngoài những sau show diễn ở nước ngoài, thỉng thoảng bà đi thăm con cháu ở Thuỵ Sỹ, có năm tết bà ở nước ngoài, do vậy mà tâm trạng nhớ quê nhà, nhớ hương xuân của Tết cổ truyền dân tộc đã thành cảm xúc thật sự nên mỗi lần ca bài "Xuân đất khách"là bà như gởi gắm tâm trạng của người xa hương vào đó:

                      "Con chim sắt đã lao vào trong tuyết trắng

                       Bỏ lại nơi này tâm sự kẻ ly hương  

                       Tôi đứng đây để mà nhớ mà thương

                       Mà chờ đợi ngày về trong mộng tưởng..."

    Khi ca bài vọng cổ "Xuân đất khách", NS Hồng Nga xử lý hôi-giọng ca ngâm kết hợp cả hai yếu tố: ca bằng tâm trạng và ca bằng kỹ thuật hơi điệu của bài ca lẻ. Ca bằng tâm trạng tức là bà đã đặt cảm xúc của mình vào với tư cách là người trong cuộc của một kẻ ly hương, trạng thái nhớ quê, nhớ kỷ niệm êm đềm, đầm ấm của ngày Tết cổ truyền với những đặc sản của quê nhà: "... Dưa hấu Gò Công, bưởi ngọt Biên Hoà, rượu Bà Điểm, nem chua Thủ Đức, cam Cái Bè, măng cụt Lái Thiêu, múi sầu riêng ngọt biết bao nhiêu, cơm nấu gạo nanh chồn thơm bát ngát...". Với âm điệu ca như nói, như lời tự sự kỹ thuật nhả những âm tiết chính nhịp (chũ in đậm) và gằn giọng tạo thẫm âm đầy cảm xúc, khiến người nghe tựa hồ như những âm thanh ấy lại tượng hình của các đặc sản quê nhà đang hiện về với người nhớ quê hương.

     Những ca từ diễn tả tâm trạng, NS Hồng Nga biểu đạt cảm xúc càng dào dạt, chuyển tả trạng thái bồi hồi đến người đón nhận phải nao lòng. Công bằng mà nói thì hơi-giọng của NS Hồng Nga không được thanh trong, hơi không mạnh và khỏe như nhiều nghệ sĩ khác, nhưng nhờ sự điêu luyện biến "giả thành chân", biến chế ngặt thành thế thuận riêng, và chính cái riêng ấy là nét đặc trưng của một Hồng Nga. Những hoạ âm của giọng Thổ pha một chút Đồng thì ít có độ vang mà nghe âm thanh đục, mà âm đục khi bị trầm hoá trở thành bi thảm nên âm sắc của giọng ca mùi, buồn não nuột: "Nặng trũi tâm tư khi làm thân viễn xứ nên một lần đi là khó thể quay về. Làm kẻ ly hương với tháng đợi năm chờ. Khói phi cơ đã tan dần trong mây trắng, sao tôi vẫn còn đứng lặng để nhìn theo..." Dường như mỗi câu ca NS Hồng Nga gởi tâm trạng mình vào đó. Ngoài văn hay của tác giả, người biểu đạt còn gởi hồn mình vào đó để tạo một sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo bằng kỹ thuật ca ngâm. Nhưng một đặc điểm của NS Hồng Nga qua bài Vọng cổ này không chỉ bằng kỹ thuật xử lý hơi-giọng trong ca ngâm, mà bà còn đưa kỹ thuật ca diễn vào đây; tức là ca và diễn tả tâm trạng nhân vật, như chính bà là nhân vật ly hương mà bộc bạch tâm sự của riêng mình vậy: "Không tiễn đưa ai bởi không có ai để mình đưa tiễn, thế sao những buổi chiều mưa lạnh tôi lại đến đây để nhìn phi cơ cất cánh rồi khuất dần trong khói trắng suơng...mờ.  Phải chăng nhớ quê hương và trông đợi ngày về... Tôi muốn mượn cánh chim gởi về đất mẹ những tâm sự buồn của một kẻ lìa quê.".

    Nếu tách khỏi kỹ thuật ca ngâm bằng tâm trạng thì kỹ thuật ca ngâm bằng hơi điệu của NS Hồng Nga là một kỹ năng tinh tế. Bởi bà có thể nhấn nhá, luyến láy, sắp văn ca theo hơi-giọng của mình một cách hài hoà, mà tính hài hoà là một trong những yếu tố cấu thành cái đẹp trong nghệ thuật. Âm giọng của bà không được trong trẻo nên bà phát âm khi nhả chữ rất chậm rãi để tránh đi tình trạng nuốt âm hoặc biến thái ca từ (cưỡng âm). Nói khác đi là bà không hề tăng tiết tấu ca ngâm, mà ca chân phương theo nhịp đờn rõ từng lời ca theo tiếng nhạc. Khi xử lý ngân nhẹ dấu huyền thì bà buông hơi nhẹ hơn, tạo âm trầm hoá rất tròn khi xuống "hò và xề"; khi luyến dấu sắc và hỏi thì bà chỉ ém hơi khàn lại mà thoát ra âm tiết có pha một chút "Đồng" nên âm sắc mất "khàn" trở thành âm vang hơi đục nghe buồn và mùi:

                  "Âm thầm năm tháng qua mau

                    Xuân này đến nữa là bao xuân rồi

                    Nóc giáo đường lạnh lẽo đứng trơ vơ

                    Vài chiếc lá dật dờ bay trước gió

                    Tuyết rơi trắng xoá chân cầu

                    Mùa xuân đất khách ai sầu hơn ai"...

NS Hồng Nga đã tạo tên tuổi bằng khả năng đa dạng trong ca diễn của mình là một tài nghệ độc đáo. Nếu nói về sở trường chính của bà cũng khó mà phân biệt hay so sánh: thương, mùi, lẳng, độc, hài...; mà bà là một nử nghệ sĩ Cải lương ở loại vai nào cũng đều đạt được tính thẫm mỷ, để lại ấn tượng đẹp với khán giả bởi tài nghệ đa năng của bà là vậy.

                                                                                          ĐỖ DŨNG

Tác giả bài viết: tanconhac

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN