Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Tâm Tình Khán Giả

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Mê... cải lương

Thứ hai - 02/11/2015 16:22

Mê... cải lương

Mấy bà, mấy mẹ, mấy chị, có lẽ là đối tượng mê coi cải lương hơn cánh đàn ông trong nhà, ngoài xóm. Nhiều người trong số đó, có người còn nói chưa đúng hai tiếng “cải lương”, mà kêu chạy ra thành… “cả lương”. Dù không đúng từ ngữ, nhưng niềm đam mê của họ dành cho cải lương thì có từ… hồi xưa đến giờ!

Xưa hơn nữa thì tôi không biết, nhưng tôi rõ cái sự mê cải lương của xóm tôi, đặc biệt là mấy bà, mấy chị - từ cái lúc tôi lên năm, lên bảy. Ngót nghét đã ba mươi mấy năm chứ ít ỏi gì. Ở cái xóm nghèo của chúng tôi thời đó, nhà giàu nhất chỉ mua được chiếc xe Honda 67 là oách lắm rồi, cho nên chưa nhiều nhà sắm được tivi để mà coi. Mà có sắm tivi (thời đó thường gọi là vô tuyến) thì cũng chẳng phải là để coi tin tức thời sự gì như bây giờ, mà thường dành để coi… cải lương. Và vì mê mà nhà tôi trở thành nhà… giàu nhất xóm khi “dám” mua cái tivi đen trắng đầu tiên trong xóm về để coi cải lương.

Khán giả thưởng thức chương trình biểu diễn của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

Cuối tuần, cái gian phòng bé nhỏ của bốn thành viên trong gia đình tôi trở thành cái… rạp chiếu cải lương mi-ni. Bà con, phần nhiều là phụ nữ và trẻ em gái đến nhà tôi nườm nượp để coi cải lương. Ban đầu họ còn e dè đứng bên cửa sổ mà coi, nhưng sau đó, với những lời mời nhiệt tình của chủ nhà, bà con cứ sắp lớp mà vô coi như hẹn. Những vở tuồng “kinh điển” của cải lương Việt Nam như: Lá sầu riêng, Đời cô Lựu, Nửa đời hương phấn, Tiêu Anh Phụng, Ngao sò ốc hến, Trường tương tư, Tô Ánh Nguyệt…. với những danh ca bây giờ kẻ còn, người mất như Thanh Nga, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Kim Cương, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Phượng Liên, Lệ Thủy, Thanh Điền, Thanh Sang, Thanh Kim Huệ… đã làm khán giả một thời “điêu đứng” vì cải lương. Khổ nỗi, hồi đó làm gì có tiền mà sắm được đầu máy (máy chiếu video), đầu đĩa để mà coi, cho nên bà con phải đợi đến cuối tuần, tối thứ Bảy mới được coi cải lương…

… Có những trích đoạn cải lương đã được dân mê cải lương thuộc nằm lòng. Mở miệng ra là có thể vô ngay một câu ca: “Bảo Xuyên ơi, đêm nay giữa canh trường cô liêu, ta gối đầu tìm giấc mơ yêu, để yêu em trọn đêm này, không ngăn cách bởi biên thùy…” (vở Đêm lạnh chùa hoang). Hay quen thuộc như đoạn A Khắc Chu Sa bày tỏ tình yêu đơn phương với nàng A Khắc Thiên Kiều (vở Người tình trên chiến trận): “Phải, yêu nhau không bao giờ có tội” đã được người mộ điệu thuộc lòng và trở thành “tuyên ngôn” cho tình yêu đôi lứa, cũng từ cải lương mà ra! Những nhân vật tếu, hài trong vở Ngao sò ốc hếnnhư thầy trò huyện quan háo sắc, hám danh trục lợi, thiệt tình như chàng ốc, khù khờ như hai gã ở đợ nhà trùm sò, và cái nết trùm cỡ trùm sò trong vở đã giúp Ngao sò ốc hến trở thành vở cải lương hài kinh điển của cải lương Việt Nam mà ai mê cải lương cũng đều biết đến…

Cuộc sống khấm khá lên, điều kiện vật chất cải tiến hơn, dân mê cải lương được đi coi cải lương trong rạp hát, ở các quán cà phê. Rạp chiếu bóng 1/5 của Bạc Liêu giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng những người đã từng đến rạp xem cải lương thì không bao giờ quên được những vở tuồng gắn với rạp hát thời ấy. Tôi vẫn còn nhớ “món quà” của mẹ thưởng cho sự chăm chỉ học hành của chị em tôi thời đó là lời hứa “cuối tuần mẹ dắt chị em con đi rạp xem cải lương”. Mẹ truyền niềm đam mê cải lương của mẹ sang lớp trẻ chúng tôi từ dạo ấy. Những người ít tiền hơn thì chọn cách đến quán kêu chỉ mỗi một ly cà phê đá rồi “ngồi đồng” ở đó vài tiếng đồng hồ để coi cải lương đến tàn cuộc mới về - có vở dài đến 2 cuộn video…

… Thời buổi bây giờ có quá nhiều phương tiện giải trí nên người coi cải lương chắc cũng ít hơn trước. Nhất là lớp trẻ bây giờ, họ mất nhiều thời gian để theo dõi diễn biến trên facebook, chát chít, tám chuyện qua zalo… Thế nhưng, mỗi khi có những hội diễn, liên hoan liên quan đến lĩnh vực cải lương, vọng cổ, tôi lại cầm chắc niềm tin cải lương vẫn còn đất sống và tôi nghĩ rằng cải lương vẫn đủ sức “gây mê” người mộ điệu nếu nó gìn giữ được những giá trị đích thực của mình và thức thời với cuộc sống hiện đại hôm nay. Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc - 2015 sắp khai màn trên đất Bạc Liêu, đó là một sân chơi lớn của cải lương Việt Nam với những tinh túy nghệ thuật được chọn lọc, thi thố và sau cùng là giành thế đứng vững trong lòng người mộ điệu. 25 đơn vị với hơn 30 vở diễn ghi danh tại cuộc thi lần này, với nội dung phong phú cả hai mảng lịch sử và xã hội, cho chúng ta thấy rằng: cải lương vẫn hừng hực khí thế khi “dàn trận” trên sân khấu, và nếu được đầu tư thật chất lượng - nội dung tư tưởng lẫn nghệ thuật - chắc chắn sẽ in đậm những dấu ấn không quên trong lòng người mộ điệu khi nhìn nhận về sân khấu cải lương hôm nay.

Dân Bạc Liêu vẫn còn nhiều khán giả trung thành với cải lương, họ đang trông chờ những vở diễn như thế trong “mùa hội cải lương Việt Nam” trên đất Bạc Liêu.

CẨM THÚY

Nguồn tin: Cẩm Thúy - BLO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:Mê... cải lương

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN