Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Những Vở Diễn Hay

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

ĐẠI NGHĨA DIỆT THÂN - Đường Gươm Nguyên Bá - NMCV10

Thứ hai - 03/09/2012 18:03

ĐẠI NGHĨA DIỆT THÂN - Đường Gươm Nguyên Bá - NMCV10


Vở cải lương hương sa Nhật Bản ”Đường Gươm Nguyên Bá” của soạn giả Hoa Phượng là một trong những danh tác hàng đầu, vượt trội cả ”Khi hoa anh đào nở” cùng thể loại Phù Tang.
CD Đường Gươm Nguyên Bá  đã được tái bản (hãng dĩa hát Việt Nam – 82 Hồ Tùng Mậu – Q.1 - TP.HCM) cách nay ít lâu với thành phần diễn viên thượng đẳng: Minh Vương (Nguyên Bá), Thanh Kim Huệ (Thủy Cúc), Thanh Tuấn (Ngũ Châu), Thanh Sang (Sứ quân), Chí Tâm (Đông Sơn thiền sư), Hồng Nga (Sứ quân phu nhân), Viễn Sơn (Lâm Vũ) và hai danh hài Văn Chung – Tư Rọm vai Đường Phi – Tử Phùng. Qua dĩa hát, cả 9 vai đều đạt từ xuất sắc đến ảo diệu; đó la những Minh Vương, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Chí Tâm, Hồng Nga, Thanh Kim Huệ với đài từ đầy đặn âm sắc bi, hùng, ai, lạc; và những lớp bài bản xướng ca ngập tràn tâm trạng qua trình thức điêu luyện đến độ hãn hữu.

        Rồi nghe và nhìn các chuông đêm 16/8, ta chiêm nghiệm được gì? Bàn về tổng thể của ĐNGB, người xem thỏa mãn thị giác với cảnh trí (màn hình rộng) lộng lẫy đến nao lòng: chùa Triều Vân với núi đồi phủ kín trăm sắc hoa tươi phơi phới. Một thao tác ấn nút, màn hình điện tử thần tốc hiển thị sự đổi thay đại cảnh; sức điện đắc lực thay cho sức lao động cựa nhọc của con người; cộng hưởng tiết tấu nhanh của đường dây kịch, diễn viên tác nghiệp hối hả như ”đua tốc độ”, nên thiếu những phút giây dành cho ”khoảng lặng” để họ thể hiện xúc cảm nội tâm. Cho nên hầu như họ diễn ”lướt”; lướt nhanh thành ra ”non”. Các lớp hùng, bạo, hành động lướt nhanh có thể không sao. Nhưng các lớp bi – nên chăng - cho tiết tấu như phim chiếu chậm để diễn viên có thời gian ”đắm chìm”, vận dụng, huy động mạch cảm, sự liên tưởng để bi chất trào dâng thành lệ cảm. Xem kỹ hai kỳ Ngân mãi chuông vàng 6, 8, các diễn viên toàn khóc ”kỹ thuật” nên không mau ”nước mắt” do không có thời gian nuôi cảm mạch. Người hữu trách chương trình nên lưu ý điều vừa nêu; dành cho các diễn viên trẻ có thời gian tôi luyện để trở thành diễn viên chính quy, đích thị; chớ không thể nào bị chai sượng, lờn vì quen lướt đến hóa thành ”thợ diễn”.

     Các chuông , ai ca cũng tốt về kỹ thuật (bộ nhịp), nhưng chưa có sự bứt phá đáng kể. Nếu bỏ qua phần lỹ thuật, chỉ so sánh độ rung cảm về ca, về thoại thì hậu bối hôm nay hãy còn ần học tập, luyện rèn mới theo kịp thời tiền bối khi xưa.

     Lê Tứ hóa trang sáng đẹp, đủ độ lão để đối diễn với bằng hữu Đông Sơn – Chí Tâm U60 đời thường. Đài từ của Tứ ít nhiều ảnh hưởng từ âm sắc của Thanh Sang. Sứ quân của Lê Tứ oai vệ đúng chất một mình Chúa biết trọng hiền tài; từ chiến hữu thời son trẻ Đông Sơn đến dũng tướng quán thế Nguyên Bá, Sứ quân luôn trân trọng, tương kính, biết ơn; chứ không có chuyện thích nghe sàm nịnh rồi ganh ghét đại thần ”công cao hơn chủ”, gây nên thảm kịch tam tộc tru di mà Lê triều dáng xuống Lệ Chi Viên, thiên thu bia miệng. Lê Tứ đã thi thố một trình thức ca diễn rất đáng khen.

     Đối lập 180 độ với người cha Sứ quân minh chánh cao thượng là đứa con Thái tử Ngũ Châu (Võ Minh Lâm) bạo ác, độc đoán, ích kỷ. Chuông vàng 2006 Minh Lâm thể hiện tốt một kẻ tàn nhẫn bất nhân. Thượng tướng Nguyên Bá trong cơn say (một buổi dạ yến) đã tỏ tình cùng nàng Thủy Cúc. Ngũ Châu biết chuyện nên động nộ. Nguyên Bá tạ lỗi, Ngũ Châu vẫn cho rằng mình bị sỉ nhục, cố sát đối  phương; nhưng rơi gươm trước Nguyên Bá. Sứ quân buộc con tạ lỗi, Ngũ Châu bất phục. Sứ quân tức giận, lệnh cho Đông Sơn thiền sư đưa Ngũ Châu về thiền viện Triều Vân học đạo 3 năm. Sáu tháng trôi qua, Châu lơ là kinh kệ, lén luyện kiếm để báo thù Nguyên Bá.

     Để thử lòng viên tướng trẻ, Sứ quân sai Nguyên Bá cận vệ Thủy Cúc đến thăm Ngũ Châu.

Còn mình, Sứ quân cải dạng theo sau quan sát. Ghen hờn vô lối, Ngũ Châu buộc Nguyên Bá dùng gươm hủy hoại nhan sắc cô gái đáng thương. Sứ quân không kịp cứu nguy Thủy Cúc, tra vần việc học đạo của thái tử: Kinh Pháp cú, Vu Lan, Kim cang chẳng thuộc pho nào. Cơn lôi đình đến đỉnh, vì biết Châu theo võ bỏ đạo, ác tâm vẫn chưa gột rửa, Sứ quân ra lệnh Đông Sơn thiền sư cắt lấy thủ cấp Ngũ Châu mang về Kinh dâng nạp. Đại nghĩa diệt thân! Cha giết con vì đại nghĩa; bởi nếu dung dưỡng, Ngũ Châu sẽ trở thành bạo chúa tàn hại sinh linh. Thật là khốc liệt! Và Võ Minh Lâm đã đạt được độ cao khốc liệt trong ca diễn từ đầu đến cuối, lúc bị rớt lìa cánh tay khi ám toán Nguyên Bá. Lâm đã tiến rất nhanh nhờ khổ luyện, học người cao minh. Mong rằng cậu bé vàng đất Tây Đô mãi khiêm tốn kiên trì luyện nghiệp; vì nghệ thuật vốn vô biên. Vũ đạo của Lâm lúc Ngũ Châu bị chặt tay rất đẹp và rất ấn tượng!

      Chuông top 10 Phạm Anh Chàng, xuất sắc Bạc Liêu, là kép trẻ đẹp lần đầu đóng chánh sau mấy kỳ Ngân mãi chuông vàng. Nguyên Bá lại là vai nặng ký, trước của Minh Vương. Nguyên Bá – Phạm Anh Chàng, lớp đối diễn cùng một Võ Minh Lâm cao to, trông Anh Chàng càng…nhỏ hơn khi tác nghiệp với các bạn diễn khác. Bộ võ phục hai sắc đen trắng khiến Chàng thất thường và xuống sắc. Nhưng ở những lớp sau, một Anh Chàng trẻ đẹp lại lộ ra sau khi thay màu trang phục. Chàng có cố gắng trong thể hiện, nhưng những nét đắc giá chưa được sắc bén. Phần ca khá tốt, có điều ở lớp chót, V.M.Lâm ca vọng cổ câu 2; Anh Chàng ca câu 3 bị xuống hơi do lỗi của dàn âm thanh.

       Chuông bạc 2011 Phùng Ngọc Bảy vai Lâm Vũ tài đức như cha, Đông Sơn thiền sư. Đức đô từ bi của Phật pháp thôi thúc Vũ hy sinh mạng sống để trả nợ một nhát kiếm ngày nàoNgũ Châu đã cứu Vũ. Bảy có nhiều cố gắng phần diễn, ca: xuống hò câu vọng cổ thứ 5 rất tốt, nhận được tràng vỗ tay cổ vũ giòn giã, trước khi mổ bụng (harakiri) đền tạ Ngũ Châu.

      Chuông giải 3 2006 Cao Thúy Vi (vai Sứ quân phu nhân) khá sáng trong y trang màu vàng. Nét bi thảm khi mất khi mất con chưa đậm, vì thiếu đất diễn.

      Chuông vàng 2007 Ngọc Đợi hóa thân Thủy Cúc chưa đặc tả hết những muộn phiền, ẩn ức, cam chịu những hành xử, sỉ nhục, hủy hoại nhung nhan mà Ngũ Châu mang đến. Biểu cảm nội tâm không cao. Riêng ca thì tròn vẹn.

       Tấn Thuật và Dũng Nhí – hai tướng cạnh Nguyên Bá là Tử Phùng và Đường Phi rất duyên và đầy nghĩa khí; đôi chỗ hơi … hỗn với Ngũ Châu.

      Chí Tâm là một bất ngờ lớn khi nghệ danh xuất hiện trên Générique vai Đông Sơn thiền sư. Tháng trước gặp nhau qua điện thoại, tôi bảo sẽ gặp Chí Tâm qua kênh đài Long An vào đêm Nghệ sĩ tri âm. Tâm bảo chưa tác nghiệp được vì phép chưa có, dù rất nhớ khán giả.

      Vai Đông Sơn nét diễn của Chí Tâm nặng phần xi-nê hơn cải lương. Vả lại nhà sư Nhật Bản vốn là một võ tướng nên phong cách đi đứng mạnh mẽ, nhanh nhẹn, khác với tăng lữ, kép văn. Tuy thoại và ca có khoảng cách so với vai Đông Sơn ở CD (âm sắc thâm trầm, ngôn từ chỉnh chu, nghiêm kính đối với nhà vua – Sứ quân – mà hàm chứa nỗi đau tột độ sau cái chết của Lâm Vũ), nhưng Chí Tâm cũng nhận sự tưởng thưởng nồng nhiệt từ khán phòng bằng tràng pháo tay khi ca câu vọng cổ thứ 6. Và thấy rất rõ qua cận cảnh, Chí Tâm có nỗ lực đáng giá.

Tác giả bài viết: tanconhac

Nguồn tin: Hồ Quang - BSKTP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN