Bản Sắc Dân Tộc - cailuongvietnam.com

Tin Tức Đó Đây Gần Xa

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN

Vô Phủ Đầu Rồng ca vọng cổ

Thứ ba - 29/05/2018 11:53

PA

Ngày 27 tháng 7 năm 2001, tôi qua Westminster – Hoa Kỳ dự tiệc mừng Thượng thọ nghệ sĩ Việt Hùng 80 tuổi đời, 60 năm tuổi nghề tại Restaurant Paracel Seafood. Tôi được sắp ngồi cùng bàn với anh Việt Hùng, bà Gia Mỹ (vợ anh Việt Hùng khi anh sang Mỹ), nghệ sĩ Thành Được, nữ nghệ sĩ Phượng Liên, ông Nguyễn Cao Kỳ và vài ông bà bạn của Việt Hùng.

Ngày 27 tháng 7 năm 2001, tôi qua Westminster – Hoa Kỳ dự tiệc mừng Thượng thọ nghệ sĩ Việt Hùng 80 tuổi đời, 60 năm tuổi nghề tại Restaurant Paracel Seafood. Tôi được sắp ngồi cùng bàn với anh Việt Hùng, bà Gia Mỹ (vợ anh Việt Hùng khi anh sang Mỹ), nghệ sĩ Thành Được, nữ nghệ sĩ Phượng Liên, ông Nguyễn Cao Kỳ và vài ông bà bạn của Việt Hùng. Nghệ sĩ Thành Được giới thiệu tôi với ông Kỳ và các bạn của anh Việt Hùng ngồi cùng bàn, ông Kỳ nhìn tôi khá lâu, ông nói: “Tôi tuy là dân miền Bắc nhưng rất thích nghe cổ nhạc miền Nam. Tôi thỉnh thoảng có mời ông Sáu Tửng, Văn Vĩ, Năm Cơ… các tay danh cầm cổ nhạc đến tổ chức đàn ca tài tử… Tôi nhớ dường như anh Nguyễn Phương có đến chung vui với chúng tôi…”. Tôi đáp: “Ông Phó Tổng…” Ông Kỳ đưa tay ngăn lại: “Anh gọi tôi là ông Kỳ…Quên chuyện xưa đi…”. Tôi nói tiếp: “Vâng…. hồi đó tôi làm Trưởng Ban Cải Lương Phương Nam của Đài Phát Thanh Saigon, tôi có đưa nghệ sĩ và nhạc sĩ cổ nhạc lên lầu bốn, dinh Độc Lập để đàn ca tài tử một lần…”. Ông Kỳ gục gặt đầu: “Anh giới thiệu chương trình…Vì xuất hiện nhiều lần trong đêm vui đó, tôi nhớ anh…” Chương trình mừng thọ anh Việt Hùng bắt đầu, ông Kỳ và tôi ngưng ngang câu chuyện đàn ca tài tử năm xưa…nhưng lời nhắc của ông Kỳ làm cho tôi nhớ lại chuyện: Vô Phủ Đầu Rồng Ca Vọng Cổ.

Tôi là trưởng Ban Cải Lương Phương Nam trên đài phát thanh Saigon từ năm 1962, các chương trình cải lương Phương Nam 45 phút phát thanh vào chiều thứ tư và tối chúa nhựt rất được thính giả ưa thích. Nhiều nghệ sĩ tài danh như Hữu Phước, Ngọc Giàu, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Kim Quang, Thanh Thế, Bửu Truyện, Xuân Yến, Minh Long, Phương Ánh, Chí Hiếu, Tú Trinh, Ngọc Đan Thanh là những diễn viên thường ca hát trong Ban Phương Nam. Các bạn thương Nguyễn Phương, thích những tuồng của tôi viết nên giúp cho Ban Phương Nam được thính giả bốn phương thương mến. Đáp lại tình cảm đó, khi viết tuồng trên sân khấu, tôi sáng tác cho các bạn thủ diễn những nhân vật có nhiều tình tiết xúc động để các bạn phô trương tài năng ca diễn của các bạn. Tôi dài dòng giới thiệu về Ban cải lương Phương Nam vì nó là đầu dây mối nhợ để Ông Giám Đốc Đài Phát Thanh Saigon chọn Ban Phương Nam và Ban Thành Công vô Phủ Đầu Rồng đàn ca tài tử cho các ông lớn thưởng thức.

Năm 1965, ông Thái Thủy, trưởng phòng văn nghệ đài phát thanh Saigon mời các trưởng ban cổ nhạc (Ban Phương Nam, Ban Thành Công, Ban Bảy Quới) họp bàn việc thực hiện một chương trình văn nghệ đột xuất. Ông Thái Thủy cho biết cần một chương trình văn nghệ, giống như loại đàn ca tài tử thời xưa cho một số thính giả đặc biệt thưởng thức nhân một dịp đặc biệt. Ông Thái Thủy đề nghị Nguyễn Phương là trưởng Ban đàn ca tài tử đặc biệt này, có trách nhiệm gom ý ba Ban, lập một chương trình ca cổ và ngâm thơ, tổ chức cho ca sĩ tập dượt, viết lời giới thiệu chương trình và diễn cho Trung Tá Vũ Đức Vinh (Tổng Giám Đốc đài phát thanh Saigon) và Phòng Văn Nghệ xem trước để kịp thời chấn chỉnh hay bổ cứu những thiếu sót nếu có.

Tôi họp với hai Trưởng ban Thành Công và Bảy Quới lập một chương trình các bài bản: vọng cổ, ca đối đáp, ngâm thơ, ca hài và chọn các nhạc sĩ Sáu Tửng (đàn kìm), Năm Cơ (đàn kìm, đàn đản), Bảy Bá (đàn tranh), Hai Thơm (violon), Hai Long (guitare), các nữ ca sĩ Ngọc Ánh, Bạch Huệ, Phương Ánh, Huyền Trân, các danh ca Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Văn Hường.

Hai hôm sau, ông Trung Tá Vinh, tổng giám đốc đài phát thanh Saigon mời tôi đến văn phòng gặp riêng, tôi trình cho ông chương trình đàn ca tài tử mà ba Ban cổ nhạc của Đài đã chuẩn bị và danh sách các nhạc sĩ, ca sĩ. Ông cho biết ông Phó Tổng thống muốn ông tổ chức một buổi đàn ca cổ nhạc trong Phủ Đầu Rồng để giải trí thay cho các buổi nghe ca tân nhạc thính phòng và nhảy nhót. Ông Phó thích nghe nhạc sĩ Văn Vĩ, Sáu Tửng, Năm Cơ đàn vọng cổ. Ông Vinh yêu cầu tôi tuyệt đối giữ bí mật, chỉ yêu cầu nghệ sĩ ăn mặc đẹp để trình diễn trên sân khấu là đủ. Ngày giờ đi đàn ca tài tử sẽ cho biết sau, tập trung tại đài phát thanh và được xe của Đài đưa nghệ sĩ và ban nhạc đi.
Tuy hứa là giữ bí mật, nhưng nếu tôi không nói thật thì đâu có dễ gì mời Văn Vĩ, Sáu Tửng, Năm Cơ, Bảy Bá, Chín Sớm đi đàn ca tài tử mà tiền cachet thì không có nói sẽ trả bao nhiêu. Bởi vậy tôi nói thật và yêu cầu họ giữ bí mật. Vậy đó, cái chuyện bí mật đừng cho nhiều người biết, rốt cuộc nhiều người cũng phải biết chuyện bí mật đó để rồi cùng nhau giữ bí mật vì vô dinh Độc Lập để ca cho ông Phó nghe thì biết đâu cũng sẽ có nhiều tướng lãnh khác nghe.

Đúng ngày Y, giờ X chúng tôi tập trung tại Đài Phát thanh Saigon, nhạc sĩ có Văn Vĩ, Sáu Tửng, Năm Cơ, Bảy Bá, Hai Long, Hai Thơm, Bảy Quới, ca sĩ có Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Văn Hường, Ngọc Ánh, Bạch Huệ, Phương Ánh, Huyền Trân. Nguyễn Phương giới thiệu chương trình, ông Thái Thủy và Trung Tá Vinh hướng dẫn đoàn đàn ca tài tử đặc biệt này.

Hơn tám giờ tối chúng tôi đến cửa hông dinh Độc Lập, được Trung Tá Vinh hướng dẫn qua trạm gác, trình với ông Trung Tá tuỳ viên quân sự của ông Phó, rồi đi cửa sau vô dinh, chúng tôi được đưa lên lầu tư sân thượng.
Chúng tôi để nhạc cụ trong nhà kiếng khá rộng trên sân thượng phủ Đầu Rồng, các nhạc sĩ cắm điện, thử ampli và so dây đàn. Chuyên viên Đài Phát Thanh đã gắn hai loa lớn hai bên và bốn micro, hai cho ca sĩ và hai dành cho dàn đờn. Chuyên viên âm thanh của Đài phụ trách điều khiển dàn âm thanh. Tôi được anh Thái Thủy hướng dẫn ra quan sát sân thượng, nơi các quan khách sẽ ngồi uống rượu, nghe ca hát.
Sân thượng của Dinh Độc Lập thật rộng, phía sau hướng về đường Huyền Trân Công Chúa có một khoảng sân rộng tráng ciment sơn màu xanh, có vẻ hai vòng tròn trắng lớn, giữa vòng tròn có hình chử thập trắng. Đây là bãi đáp trực thăng của ông Tổng và ông Phó trên sân thượng. Chung quanh sân có nhiều bồn kiểng thật lớn, có nhiều cây kiểng quý được vun trồng vén khéo, có lẽ nhờ những bồn kiểng này mà che áng bớt gió về đêm. Sát mái nhà kiếng có dàn hoa giấy với nhiều bông đẹp.

Gió mát lộng thổi, trời đêm nhiều sao, nhìn ra xa thấy cả cái thành phố sáng choang ánh đèn điện dưới chân nhưng khung cảnh thật là êm ả, không tiếng động ồn ào nào vọng đến chốn thiên đàng trên hạ giới này.

Nhiều bàn vuông dài phủ vải trắng tinh, nhiều ghế bành, ghế sắt, …những bàn tiệc dã chiến được bày ra… Ông Phó Tông Tông, các vị tướng lãnh, vài ông trong chánh phủ lên sân thượng, các ông vào ngồi nơi những vị trí được định trước. Chúng tôi cũng được mời ra ngồi như khách nhập tiệc. Tiệc rượu, thức nhắm được bày ra. Một ông đại tá đến với Trung Tá Vinh nói với chúng tôi:
“Phó Tổng Thống muốn các anh chị em cứ tự nhiên ăn uống, ca hát vui chơi như buổi tiệc trong gia đình, khi giới thiệu chương trình thì nói chung là giới thiệu với quý vị quan khách mà không kể rõ danh vị của ông nào cả. Đây là buổi tiệc nội bộ, huynh đệ chi binh, vậy các anh chị cũng được xem như anh em trong nhà binh của chúng tôi. Cứ thoải mái, tự nhiên nhe!”

Ăn nhậu thì chúng tôi ăn nhậu thật tình, chỉ có rượu là chưa dám uống nhiều vì còn phải để tỉnh táo đàn ca cho mấy vị thính giả đặc biệt thưởng thức. Chúng tôi xem đây là một vinh dự to lớn trong đời nghệ sĩ của mình, những người bận tâm với việc nước quan trọng, vậy mà các ông vẫn biết đến và muốn thưởng thức tài nghệ đàn ca của chúng tôi. Không phải nghệ sĩ nào cũng được cái vinh dự đó.

Ông Trung Tá Vinh ra hiệu, tôi ra chào quan khách và giới thiệu chương trình. Được sự hướng dẫn trước của ông Đại Tá, tôi giới thiệu vắn tắt ban cổ nhạc với những danh cầm trình bày ba bài Kim Bình Lưu, mở màn cuộc đàn ca tài tử theo phong cách cổ điển. Kim Bình Lưu tức bài Kim Tiền Huế, Bình Bán Vắn và Lưu Thủy Trường. Các ông nhạc sĩ chia nhau đàn ba bài rất hay. Các nhạc sĩ Hai Long, Bảy Quới, Hai Thơm hòa tấu bài Kim Tiền Huế; các nhạc sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá đàn tiếp bài Bình Bán Vắn, các nhạc sĩ Năm Cơ, Bảy Bá, Sáu Tửng đờn bài Lưu Thủy Trường và tiếp theo một đoạn rao vọng cổ thật là mùi của thiên tài Văn Vĩ, Sáu Tửng, Năm Cơ, Bảy Bá cùng nhập vô hoà tấu ba câu vọng cổ, tiếng đàn khi thì réo rắt uyển chuyển, lúc sôi động ào ạt như nước cuốn mây trôi. Chúng tôi là người trong nghề mà phải nín thở nghe đờn, sợ mất đi từng tiếng đàn thật nhuyễn của các tay danh cầm hiếm có của ngành cổ nhạc. Các quan khách im lặng, say sưa tán thưởng, không gian như ngưng đọng và lấp lánh vì tiếng nhạc chơi vơi…

Tiếng vỗ tay tưởng như không chấm dứt làm cho chúng tôi hứng khởi, tôi giới thiệu hai anh Thành Công và Chín Sớm ca bài Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha… Trong khi giới thiệu Cao Tiệm Ly đưa tiễn Kinh Kha qua sông Dịch hành thích Tần Thủy Hoàng, tôi nói phớt qua tình huynh đệ chi binh của hai tay kiếm sĩ đời thượng cổ. Giọng của Thành Công và Chín Sớm mạnh mẽ, hơi ca lồng lộng, ấm tình kẻ tiễn đưa và ý chí của người một đi không trở về.
Kinh Kha: Nghe tiếng trúc với cung sầu nức nở

Trời vào thu sương khói phủ lê thê
Những âm ba theo hơi gió vọng về
Có phải lời tống biệt của Cao Tiệm Ly hiền hữu?
Cao Tiệm Ly: Kinh Kha bạn, quán lạnh từ đây vắng bạn rồi
Phương trời biền biệt nước mây trôi
Anh đi trả vẹn hờn sông núi
Dịch Thủy trăng chìm, lệ đắng môi.
Kinh Kha : Tuốt lưỡi gươm thề rộn vó câu
Thờ ơ khanh tướng, thẹn công hầu,
Hàm Dương khói nhuộm màu binh biến
Gờn gợn Tràng Giang sóng bạc đầu.
Cao Tiệm Ly: Quán khách đêm nào tôi với anh
Mười phương hồ hải mộng chưa thành
Bên bờ Dịch Thủy, tôi lau lệ,
Mai mốt nơi này đã vắng anh!

Kinh Kha: Cao Tiệm Ly bạn ơi, tiếng trúc đêm nay sao buồn áo não, tiễn đưa nhau xin đừng để cho đôi mi nức nở lệ vương sầu… Khói sóng ven sông còn quyện gió giang đầu…Kha đến đây tạ từ hiền hữu để lên đường rũi dặm trời xa,. Từ đây có nhớ đến Kha, một người bạn tâm đồng thì hảy rót chén rượu hồng khi gió lạnh vào đông, dạo khúc nhạc lòng tiễn đưa hồn người chiến sĩ.
Các ông thính giả đặc biệt bị bài ca lôi cuốn, tưởng mình như hai chiến binh thời thượng cổ, các ông sĩ quan, từng cặp, từng cặp rót rượu cụng ly, hai người cạn ly rồi ôm nhau như Cao Tiệm Ly và Kinh Kha sắp chia tay nhau bên bờ Dịch Thủy. Các quan khách hiện diện vỗ tay hoan hô, rồi cùng nâng ly chúc câu Huynh Đệ Chi Binh, họ uống rượu và vỗ tay cười ha hả…

Tiếng ca của hai nghệ sĩ Thành Công và Chín Sớm như bị chìm đi trong cái không khí ồ ào, tươi cười của thính giả, các ông như được giải tỏa một ẩn ức gì mà bài ca Cao Tiệm Ly tiễn Kinh Kha đã giúp cho các ông cởi mở tâm tình.
Cuộc đàn ca tiếp tục với giọng ca cổ nhạc chuẩn mực của nữ danh ca Bạch Huệ: Gánh nước đêm trăng.
Sáu Thoàng ca Tần Quỳnh khóc bạn.

Nghệ sĩ hài Văn Hường ca bài hài hước Tôi có ba con vợ.
Huyền Trân ca Tân Cổ Giao Duyên: Hòn vọng Phu.
Sau đó nữ nghệ sĩ Phương Ánh ca bài Nam Ai tựa đề Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn:
Khi vâng chiếu chỉ ra đề cờ
Từ chàng đi, thiếp bặt tin đợi chờ
Hồng nhạn kêu thu, sông Hớn bơ vơ
Áo não nùng khiến dạ ngẩn ngơ
Trách bấy ông Tơ gieo chi mối sầu như tóc tơ
Nghĩ mấy lời từ hồi ban sơ
Nhớ những khi thiếp nguyện trăm năm tam tùng thờ.
Chàng mần răng ý lẳng lơ
Chân đi thăm thẳm, mắt ngóng luống nhớ cách núi ải, biết chừ trao thơ…
Đến câu:
Soi đài gương luống thẹn hồng nhan
Châu rơi lả chả lệ tuôn đôi hàng,
Hiềm vì ai xui duyên nợ lỡ làng,
Ngàn trùng xa cách như khách ở ngoại bang…

Nữ nghệ sĩ Phương Ánh vừa ca vùa diễn xuất, khóc nghẹn ngào làm cho thính giả cũng ngẩn ngơ. Có ông hỏi: Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn là chuyện gì mà sao cô ca bài đó cô khóc?

Tôi là trưởng Ban đàn ca tài tử hôm đó nên tôi phải giới thiệu cốt truyện Chức Cẩm Hồi Văn:

Chuyện là…Đời nhà Tấn (năm 265 – 419) ở đất Thần Châu có nàng Tô Huệ tự Nhược Lan. Nàng dung nhan kiều mị, tài đức song toàn, văn chương xuất chúng. Khi Tô Huệ được 20 tuổi, cha mẹ gả cho hàn sĩ Đậu Thao, người cùng quê. Vợ chồng ăn ở đầm ấm. Nàng Tô rất mực chìu chồng, đảm đương gia đình cho Đậu Thao có đủ thì giờ trau dồi nghiên bút.
Đậu Thao đỗ đạt làm quan, được vua cho ra trấn đất Lưu Sa. Vì nơi gian lao hiểm trở nên Đậu Thao đành để vợ ở nhà.
Thời gian qua, ba năm chờ đợi, nàng Tô Huệ sức vóc mỏi mòn, dung nhan tiều tụy. Đêm đêm bên ngọn đèn khuya, nàng âm thầm đối bóng, lo ngại thân chồng mà giọt châu tầm tã. Lòng đau dằng dặc, nỗi nhớ triền miên, nàng làm thành 10 bài thơ tứ tuyệt, rồi lấy gấm vuông dùng chỉ màu thêu 10 bài thơ tứ tuyệt theo hình trôn ốc, từ ngoài xoáy tròn vào trung tâm bức gấm.
Nàng khéo thêu, chữ đẹp nên bức gấm trông tuyệt mỹ. Xong nàng dâng bức gấm lên cho Vua. Quần thần không ai đọc được nên vua gọi nàng đọc. Tô Huệ đọc 10 bài thơ với một giọng não nùng bi thảm. Vua hiểu được tâm sự của Tô Huệ trong bức gấm Chức Cẩm Hồi Văn nên cho Đậu Thao trở về sum họp với nàng, chấm dứt cảnh vợ chồng khi sống mà phải ly cách, kẻ đầu sông người cuối bãi.
Cuộc đàn ca chuyển qua những bài vọng cổ hài, bài Xuân Tĩnh Tống Tửu Đơn Hùng Tín, đàn vọng cổ độc chiết của Văn Vỉ….
Trong khi đó tôi thấy ông Đại Tá lại nói chuyện gì nho nhỏ với Phương Ánh…

Đêm đàn ca cổ nhạc thành công mỹ mãn, đêm đó chúng tôi được đưa về Đài Phát Thanh rồi chia tay nhau.

Hai hôm sau ông Trung Tá Giám Đốc cho mời các ca nhạc sĩ ban đàn ca tài tử lại đài, ông đưa cho mỗi người một bao thơ, nói là của ông Phó tặng. Chúng tôi được lì xì mỗi người 1000 đồng, một số tiền rất lớn khi đó. Riêng Phương Ánh thì có một phần thưởng đặc biệt: chồng của Phương Ánh là trung úy Huyền ở Biệt động quân đóng trên căn cứ Suối Đá Tây Ninh đã hơn một năm qua, nay được điều động về Tiểu đoàn 42 chiến tranh chính trị. Huyền tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc nhưng em có bằng Tú Tài, trước khi ra trường Quốc Gia Âm Nhạc, Huyền đi học khóa sĩ quan và đi Biệt Động Quân. Nhờ bài ca Chức Cẩm Hồi Văn, Phương Ánh kể chuyện vì sao cô khóc khi ca bài ca đó, ông Đại Tá ghi tên và số quân của Huyền, do đó không hiểu có phải do lịnh của ông Phó Tổng mà Huyền được rút về Saigon, cho được theo ngành nghề chuyên môn của mình.

Bây giờ Huyền, chồng của Phương Ánh đã mất. Ông Phó Tổng cũng đã mất, chuyện Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn là một giai thoại khó quên trong chuyến vô Phủ Đầu Rồng ca vọng cổ.

Soạn giả Nguyễn Phương
Tháng 5/2018

Hương Huyền, Phương Ánh, Thanh Nga, Mộng Tuyền

<!--


-->


Tác giả bài viết: SG Nguyễn Phương

Nguồn tin: SG Nguyễn Phương - TBO

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa:thượng thọ, nghệ sĩ, việt hùng, tuổi đời, năm tuổi, mỹ nghệ, cao kỳ, ông bà

Bình luận mới

Gửi bình luận của bạn

Tên của bạn Email Nội dung Mã an toàn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

DUY TRÌ TRANG WEB CLVN