NAM CA SĨ TENOR THANH HÙNG, 10 NĂM VỀ CÕI PHIÊU BỒNG

Nơi tưởng nhớ những NS đã quá cố.
Nội quy chuyên mục
THÀNH VIÊN CLVN CHÚ Ý !

1- Bài viết phải luôn luôn bỏ dấu cho dễ đọc, viết không dấu sẽ bị xóa. Xem chỉ dẫn cách bỏ dấu taị đây.
2- Không đưa nguyên link từ các nơi khác vào - Không viết toàn chữ hoa hoặc liên tục không chấm phết.
3- Ghi rõ nguồn các bài được đưa lên là bắt buộc - Tránh những lời lẽ quá khích.
4- Mỗi thành viên chỉ được dùng một nick - Không nên đưa nhiều bài lắt nhắt liên tiếp từ cùng một thành viên.
5- Đừng dùng quote (trích dẫn) để trả lời khi 2 bài liên tiếp nhau - Tránh quote nhiều lần cùng một hình ảnh.
6- Không dùng màu đỏ trừ phi đó là tựa đề của một bài mới - Nên tạo chữ ký đẹp, cân đối, dễ nhìn.
7- Thắc mắc về bài bị xoá post trên diễn đàn đều cũng sẽ bị xoá. Trực tiếp liên lạc với Ban Điều Hành nếu cần.
8- Mọi thành viên đều cùng một nhà CLVN nên việc cư xữ hoà nhã với nhau là cần thiết dù ý kiến có dị biệt.

NAM CA SĨ TENOR THANH HÙNG, 10 NĂM VỀ CÕI PHIÊU BỒNG

Bài viết chưa xemgửi bởi tancogiaoduyen » Thứ 4 Tháng 10 30, 2013 8:01 am



(trích bài viết của Trần Quốc Bảo đăng trong tuần báo Viet Tide phát hành ngày thứ sáu 11 tháng 10 năm 2013)

Hình ảnh
Ca sĩ Thanh Hùng, giọng ca tenor Vọng Ngày Xanh



Cả ngày hôm nay, ngoài trời đổ những cơn mưa nặng hạt. Những con phố Quận Cam vốn ồn ào giờ đây nằm yên như chú mèo bị ốm. Những hạt mưa đầu tiên sau bao tháng nắng hạn trong một ngày thứ tư giữa tuần, ngày 9 tháng 10, khiến tôi chợt nhớ đến lời mình đã hứa với Trang Thanh Lan, một người bạn rất quý thương, là sẽ có một bài tưởng niệm đến ca sĩ Thanh Hùng, người chồng đầu của cô, đã lặng lẽ từ trần tại Pháp ngày 9 tháng 10 năm 2003, tròn mười năm về trước. Và cũng chính Phương Dung, trong một lần trình diễn chung tại Nhà Hát Hòa Bình Saigon năm 2009, cô nói: “Nếu có dịp B. hãy viết một bài về anh Thanh Hùng, một nghệ sĩ rất có tài”. Vâng, hôm nay tôi xin mượn những trang báo này, với những kỷ niệm từ ký giả Trọng Minh, Hồ Trường An, Trọng Lễ, Linh Chi, như những nén nhang tưởng niệm, xin được đốt lên và hướng lòng về anh, người nam ca sĩ đã cùng với tiếng hát nhạn trắng Gò Công Phương Dung đoạt Giải Ca Sĩ được yêu chuộng nhất của năm 1965. Năm đó, với bài hát "Tạ từ trong đêm" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, và Thanh Hùng với Vọng Ngày Xanh của Khánh Băng, cả hai đã nhận được giải huy chương vàng dành cho nam và nữ ca sĩ trong năm.

Nhắc đến Thanh Hùng, trong trí nhớ của nhà văn Hồ Trường An mấy chục năm sau vẫn còn ghi đậm nét. Tác giả Chân Dung Những Tiếng Hát, Ảnh Trường Kịch Giới.. nhắc lại: “Cuối thập niên 50, có một chàng thư sinh gầy gầy, tóc chải thấm nước, hóa trang vụng về xuất hiên trên sân khấu Đại nhạc hội do ban Dân Nam của Anh Lân và Tuý Hoa tổ chức.Chàng hát bản "Vọng Ngày Xanh" của Khánh Băng có nhiều chỗ lên cao, nhất là ở đoạn cuối. Bài đó chỉ có giọng soprano của Ánh Tuyết và giọng tenor của Hùng Cường mới dám diễn tả nổi.Nhưng chàng thư sinh ấy vẫn hát tỉnh bơ, không chút nao núng, không hề khớp dưới ánh đèn rọi, trước hàng trăm cặp mắt khán giả trong hí viện Aristo nằm trên đường Lê Lai. Khuôn mặt chàng lạnh như tiền, nhưng đôi tay chàng cử động hơi nhiều.Thật sự chàng chưa thạo cách diễn xuất, cách ra điệu bộ trong lúc hát. Cho nên khán thính giả chỉ lắng nghe chàng hát, gạt bỏ qua một bên cử chỉ và cách diễn tả nét mặt của chàng lúc chàng hát. Giọng hát chàng sao mà dũng mãnh, sao mà chắc nịch. Chàng hát sao mà dễ dàng, khoẻ khoắn và điêu luyện hơn tiếng Hoàng Cầm, khi lên cao sang sảng hơn tiếng Duy Khánh. Nghe chàng thư sinh hát, tôi nghĩ rằng bài "Vọng Ngày Xanh" chưa thể để chàng biểu diển giọng tenor cực kỳ phong phú của chàng. Quả vậy, về sau chàng hát bản "Mexico", bản ruột của danh ca Luis Mariano, hát hay một tám một mười với Luis Mariano và không chênh lệch với nam danh ca Cao Thái bao nhiêu. Chàng thư sinh bắt đầu dấn thân vào nghiệp cầm ca ấy có caí nghệ danh là Thanh Hùng. Thanh Hùng đến ca trường nhạc giới đã có một giọng hát thiên phú cực kỳ quý giá với cái âm vực rộng.Đó là giọng tenor bao trùm qua lãnh vực giữa giọng baritone và giọng bass.Cho nên khi xuống trầm,dù có hát khá trơn, nhưng giọng Hùng Cường không rền,trái lại khi xuống hơi trầm là giọng Thanh Hùng khá rền và khá dội sâu.Tuy nhiên khi nghe Thanh Hùng hát, khán thính giả chỉ đợi lúc anh hát vọt lên cao như suối phun nước, như ngọn pháo bông, chứ ít chịu lắng nghe khi tiếng hát anh xuống trầm dầy cộm như tảng bánh đúc và ấm áp như hương thơm khói trà”.

Những điều ghi nhớ của Hồ Trường An về Thanh Hùng còn nhiều lắm, chỉ xin trích lại một phần, vì nhường trang giấy lại cho Trọng Lễ - Linh Chi, những tình thân với Thanh Hùng tại Pháp, khi người ca sĩ này còn sống ở tại căn nhà với địa chỉ 50, Chaussée Jules César, 95300 Pontoise. Mời bạn đọc bước vào vùng kỷ niệm:

“Người ca sĩ trẻ khởi đi từ những cuộc tuyển lựa tài tử vào năm 1953 do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức mỗi sáng Chủ Nhật tại rạp Norodom Thống Nhất. Dân ái mộ tân nhạc thời đó đã tham gia đông đảo cuộc thi để hy vọng trở thành ca sĩ, trong đó có Thanh Hùng với kết quả khiêm nhường, hạng tư trong vòng chung kết với bài ca "Khúc hát thương binh" của Hoàng Giác do nhạc sĩ nổi tiếng Lê Thương làm chánh chủ khảo. Giải nhất, nhì, ba vào tay các ca sĩ Hoàng Ngọc, Cân Huyền và Việt Ấn. Năm sau, 1954, một cuộc thi khác được tổ chức cũng do nhạc sĩ Lê Thương làm Chánh Chủ Khảo : Hùng Cường đoạt giải nhất với bài "Cô hàng nước" của nhạc sĩ Vũ Minh, giải nhì lọt về tay Thanh Hùng với bài "Hướng về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Dương. Rồi đến thập niên 60, Thanh Hùng bước sang làng cổ nhạc cùng trình diễn với Tùng Lâm, Văn Hường tại quán cổ nhạc "Lệ Liễu", quán Anh Vũ và Kim Diệp bên cạnh các danh ca Thanh Thúy, Lệ Thanh, Bạch Yến, Bích Chiêu đã một thời làm say mê khách mộ điệu. Với tài năng đang lên, Thanh Hùng cộng tác với ban Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch, ban Tân Dân Nam - Anh Lân của Túy Hoa, ban thoại kịch Kim Cương của nghệ sĩ tài danh Kim Cương. Đoàn Văn Nghệ Việt Nam của nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Thi Thơ, Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, ban văn nghệ Cảnh Sát Quốc Gia do nhạc sĩ Minh Kỳ, Hoài Linh và Phạm Đại điều khiển, ở đâu Thanh Hùng cũng có một chỗ đứng vững chắc, đầy uy tín...

Thanh Hùng trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước đã đem tài năng nghệ thuật hiếm có của mình để phục vụ cho quê hương xứ sở, đã đóng góp không ít cho cuộc tranh đấu giành tự do của nhân dân Việt Nam. Công lao của anh đã được tưởng thưởng xứng đáng với chiếc huy chương vàng đầu tiên năm 1965, cùng một lượt với nữ danh ca Phương Dung, biệt danh là Con Nhạn Trắng Gò Công. Bản nhạc "Vọng ngày xanh" của Khánh Băng đã đưa Thanh Hùng đến đỉnh cao của nghệ thuật với danh hiệu "Danh Ca Ténor Thanh Hùng". Từ đó, danh ca Thanh Hùng được xuất ngoại biểu diễn nhiều lần tại Thái Lan, Mã Lai, Singapore, và Hội Chợ Thát Luổng (Lào Quốc, 1969, Thanh Hùng được gắn Đệ Nhị Tâm Lý Chiến của ông Hoàng Đức Nhã). Trong nước, đi ủy lạo chiến trường Kontum trong mùa Hè đỏ lửa với Sư Đoàn 23 Bộ Binh dưới sự chỉ huy của Đại tá Lý Tòng Bá, Thanh Hùng được gắn Đệ Nhị Tâm Lý Chiến của ông Ngô Khắc Tỉnh. Thanh Hùng đóng vai kép chánh trong các truyện phim bằng hình ảnh đăng trên các báo : Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Nay, Phụ Nữ Mới do nhà báo Trọng Viễn, Trọng Minh, Phi Sơn thực hiện với gần 20 cuốn phim.

Tiếng hát Thanh Hùng mỗi ngày một thăng hoa đưa anh lên ngôi vị một danh ca ténor với những bản nhạc đi vào lòng người như : Quê Mẹ ( Thu Hồ ), Đường Xưa Lối Cũ ( Hoàng Thi Thơ ), Ông Lái Đò (Hiếu Nghiã ), Những Chiều Không Có Em ( Trường Hải ) , Giấc Mơ Hồi Hương ( Vũ Thành ), Tiếng Dương Cầm ( Văn Phụng ), Đời Tôi Chỉ Một Người ( Huỳnh Anh ), Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn (Văn Phụng), Mấy Dậm Sơn Khê ( Nguyễn Văn Đông ), Nhớ Người Viễn Xứ( Nguyễn Văn Đông ) , Tình Không Biên Giới( Văn Lương ), Hải Ngoại Thương Ca(Nguyễn Văn Đông), Đêm Nguyện Cầu (Lê Minh Bằng )Vọng Ngày Xanh ( Khánh Băng ), Mexico (Evan Joanness), và ... còn nhiều nữa. Đặc biệt Thanh Hùng hát độc quyền cho hãng dĩa Continental của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông, với các giọng ca Hà Thanh, Thanh Tuyền, Giao Linh...

Sau biến cố 75, tiếng hát Thanh Hùng vẫn còn là tiếng hát đầy tình cảm mang yêu thương đến cho tất cả đồng bào Việt Nam từ ải Nam Quan đến tận mũi Cà Mau hầu xoá phần nào nỗi trăn trở, uất ức của một dân tộc đã chịu đựng một cuộc chiến kéo dài trên một phần tư thế kỷ.

Năm 1996, Thanh Hùng định cư tại Pháp, anh đem lại lời ca, giọng hát phong phú của mình, một giọng ca vượt không gian và thời gian, trui luyện bởi những kinh nghiệm trải qua trong nỗi khổ đau của dân tộc bị tàn phá vì chiến tranh, và những nỗi đắng cay của cuộc đời, cũng như chính bản thân anh để cống hiến cho đồng bào. Nghe tiếng hát Thanh Hùng đôi lúc mình chợt tưởng như đang lạc lõng đâu đó trên các nẻo đường quê hương, với đồng ruộng mênh mông, con đò nhỏ trên dòng sông vắng, tiếng bìm bịp kêu chiều... Thanh Hùng luôn luôn hoà đời sống của mình vào sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam hải ngoại, góp tiếng ca đến an ủi những tâm hồn mang nỗi buồn viễn xứ...Ở đâu có Thanh Hùng xuất hiện thì ở đó có sự thu hút khán thính giả đủ mọi lứa tuổi, họ đến để nghe Thanh Hùng hát, để chia xẻ cùng Thanh Hùng nỗi nhớ niềm thương về một quê mẹ ngọt ngào đang mong chờ những đứa con yêu trở về một khi đất nước hoàn toàn tự do trong khung cảnh thanh bình thật sự”.





(trích bài của Trần Quốc Bảo đăng trong báo Viet Tide phát hành ngày thứ sáu 11 tháng 10 năm 2013)

Hình ảnh
Ảnh phải là ca sĩ Thanh Hùng, ảnh trái là ký giả Trọng Minh



Khoảng năm 1963, 1964.. mục Phim Truyện Bằng Hình lần đầu được gửi đến độc giả do sáng kiến của ký giả Trọng Minh đã khiến số báo hàng tuần của tờ Phụ Nữ Diễn Đạt tăng vọt đáng nể. Tôi vẫn còn nhớ đó là tác phẩm Tình Và Máu với 2 diễn viên chính là Thanh Nga và Cao Thái. Thấy mục này ăn khách, hai tờ báo Phụ Nữ Ngày Mai và Phụ Nữ Mới mời ngay Trọng Minh về cộng tác, và Thanh Hùng là một trong những ca sĩ cộng tác trong mục này rất thường xuyên, vì thế tình bạn giao hảo của Trọng Minh và Thanh Hùng khá thân thiết.

Để kỷ niệm 10 năm ca sĩ Thanh Hùng khuất bóng, tôi điện thoại xin tác giả bộ sách Vẻ Vang Dân Việt những giòng kỷ niệm về tiếng hát Vọng Ngày Xanh. Ông vui vẻ nhận lời, nhờ vậy tuần này, chúng ta có được một bài viết để tưởng nhớ đến ca sĩ Thanh Hùng qua ngòi viết Trọng Minh.



Vài Nét Về Ca Sĩ Thanh Hùng

“Chắc hẳn khán giả của những chương trình Đại Nhạc Hội tại miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975 không còn ai là không biết đấn ca sĩ Cao Thái và Thanh Hùng, đây là hai ca sĩ có giọng ca Ténor và có một cách trình bày hết sức độc đáo, đó là lên thật cao và ngân thật dài khiến người nghe tưởng chừng như vô tận và hụt hơi.

Cao Thái là một Kỹ Sư ở Pháp do Quái kiệt Trần văn Trạch khi sang Pháp trình diễn giới thiệu nhạc phẩm Chiều Mưa Biên Giới của Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông khám phá mời về Việt Nam trình diễn trong một chương trình Đại Nhạc Hội của Ban Sầm Giang. Tưởng cũng nên biết thêm, sau khi Quái kiệt Trần văn Trạch trình diễn thành công rực rỡ ở Pháp trở về anh đã được đón tiếp bằng một chương trình Đại Nhạc Hội có thể nói là lớn nhất thời đó, hình của anh được vẽ lớn kéo từ trên nóc rạp xuống đến của rạp Hưng Đạo toạ lạc tại góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Cư Trinh, và đây cũng là Đại Nhạc Hội duy nhất tại Việt Nam đã được quảng bá bằng hình thức thả bươm bướm từ máy bay xuống khắp Thủ đô Sàigòn.

Còn Ca sĩ Thanh Hùng thì là một ca sĩ sinh ra và lớn lên ở trong nước. Cao Thái thường trình diễn các nhạc phẩm ngoại quốc như Mexico v.v… Riêng Thanh Hùng thì không chỉ trình diễn nhạc ngoại quốc mà thỉnh thoảng anh còn trình diễn một số nhạc Việt, trong đó phải kể đến nhạc phẩm Vọng Ngày Xanh của Nhạc sĩ Khánh Băng, viết riêng cho ca sĩ Hùng Cường khi Quái kiệt Trần văn Trạch cho khai trương bảng hiệu Ban Sầm Giang tại rạp Thống Nhất toạ lạc trên đường Thống Nhất, thời gian sau dùng làm nơi xổ số các chương trình Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia.

Nói về Thanh Hùng, chúng tôi phải thừa nhận rằng anh là một nghệ sĩ có bản tính khác hẳn các nghệ sĩ khác, hiền lành và thật thà, đời sống của anh cũng gần như không chỉ trông vào những đồng lương của ca hát mà anh có những dịch vụ thương mại khác, anh sản xuất những phù hiệu, những huy chương, những “cup” cung cấp cho các cơ quan, đoàn thể thể thao và quân đội theo yêu cầu, ngoài ra anh còn hợp tác với tiệm sửa và bán xe hơi Nguyễn văn Bộ (?) toạ lạc ở đầu đường Cống Quỳnh bên cạnh đường rầy xe lửa và bên hông nhà thương Từ Dũ - chiếc xe hơi tôi dùng ở Sàigòn là mua của anh - nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình anh hết sức ổn định.

Gia đình Thanh Hùng sống ở một ngõ nhỏ ở khoảng giữa đường Phạm Ngũ Lão, bên hông ga xe lửa Sàigòn, vợ đầu của Thanh Hùng là Vũ công Tuyết Hồng (lai Pháp), trong ban vũ Trịnh Toàn cùng với Tuyết Thu, Thu Thuỷ, Tuyết Minh, Xuân Trang, Thùy Linh v.v…

Vợ kế của Thanh Hùng là TTL, một đệ tử ruột của nghệ sĩ hài Tùng Lâm, lúc đầu TTL chi “hát” và còn rất trẻ, khi dư luận đồn thổi Thanh Hùng yêu và sẽ kết hôn với TTL gần như tất cả những người quen biết với Thanh Hùng, kể cả chúng tôi, đều không tin, vì mọi người đều nghĩ TTL còn quá trẻ, lại nữa Thanh Hùng là một người quá hiền hoà, ít nói, đặc biệt là Thanh Hùng có một gia đình rất đầm ấm, không chỉ vợ, Tuyết Hồng, rất chiều chồng mà cả bà mẹ vợ cũng tỏ ra rất thương yêu Thanh Hùng, bên cạnh đó còn mấy đứa con kháu khinh. Ấy vậy mà dư luận chẳng bao lâu sau đã trở thành sự thật, Thanh Hùng đã dứt khoát với Tuyết Hồng để chung sống với TTL, khiến mọi người quen biết đều ngỡ ngàng, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Có điều cần nói thêm ở đây, mặc dù chia tay với Thanh Hùng nhưng Tuyết Hồng vẫn quý trọng Thanh Hùng và giữa TTL với Tuyết Hồng thì coi nhau như chị em, vẫn thăm hỏi, thậm chí còn tặng quà cho nhau nữa, cho đến bây giờ Tuyết Hồng đã có gia đình mới ở Pháp, còn TTL cũng đã có gia đình khác, hiện ở Mỹ, nhưng vẫn thăm hỏi và thường xuyên gửi quà tặng nhau.

Sau biến cố 30 tháng Tư 75, tôi hoàn toàn mất liên lạc với đa số giới nghệ sĩ mà tôi quen biết ở Sàigòn, trong đó có Thanh Hùng, TTL, Tuyết Hồng, rồi một bất ngờ đến với tôi, khi qua Pháp để ra mắt Bộ sách Vẻ Vang Dân Việt, tôi đã được những thân hữu ở Paris cho biết trong buổi ra mắt VVDV tại hội trường chính của Maison des Associtions toạ lạc tại số 11 đường Caillaux, quận 13 Paris sẽ có sự hiện diện của một số nghệ sĩ mà tôi quen biết ở Sàigòn trong đó có giọng ca Ténor Thanh Hùng. Đúng 2giờ chiều Chúa Nhật 25 tháng 9-1994 thì buổi ra mắt sách được bắt đầu, nhưng trước đó tôi đã thấy có sự hiện diện của Thanh Hùng, đây có thể nói là bản tính chu đáo của Thanh Hùng từ xưa vẫn còn giữ được, chúng tôi vồn vã hỏi thăm nhau đủ điều … Sau buổi ra mắt sách Thanh Hùng đã mời tôi và một số thân hữu về nơi cư ngụ của anh dùng bữa, dịp này tôi hỏi thăm Thanh Hùng về ước nguyện của anh trong những ngày tới, Thanh Hùng đã cho tôi biết anh ước ao có một chuyến qua Mỹ … Nhưng đáng buồn là Thanh Hùng đã qua đời tại Pháp mang theo ước vọng nhỏ nhoi là qua thăm nước Mỹ.

Vĩnh Biệt Thanh Hùng

Trọng Minh
Hình ảnh
https://cailuongvietnam.com - https://cailuongvietnam.com/forum - https://cailuongvietnam.com/oldforum - https://cailuongvietnam.com/specials - https://cailuongvietnam.com/music - https://cailuongvietnam.com/english - https://www.cailuongvietnam.info - - https://www.minhcanh-mychau.com
ATI MULTI SERVICE
Hình đại diện của thành viên
tancogiaoduyen
Site Admin
Site Admin
 
Bài viết: 41597
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 4 12, 2004 5:00 pm
Đến từ: U.S.A
Has thanked: 1757 times
Been thanked: 444 times

Advertisement

Quay về Một Thời Vang Bóng

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến6 khách

Google Analytic

ỦNG HỘ QUY DUY TRI WEBSITE


  • Advertisement
Cải Lương Việt Nam Official Site
Copyright by cailuongvietnam.com © 2004 - 2024. All rights reserved.
Email: cailuongvietnam.info@gmail.com
We are not responsible for the content posted by members in the forum