gửi bởi ngocanh » Thứ 3 Tháng 7 07, 2009 12:28 am
Gặp gỡ nghệ sĩ tiền phong Phùng Há: Ngày đau khổ nhất của má Bẩy
Saturday, December 03, 2005
Triều Giang ghi
Má Bảy Phùng Há nói tiếp rằng cũng do một số hiện tượng tệ đoan xã hội hay xảy ra ngay trong hậu trường sân khấu, nên cô Bửu Chánh từ ngày ở Trung Quốc về suốt mấy năm trời bà không cho cô đến đó, nếu có coi hát thì bác Tư tài xế đưa đến rạp ngồi ở hàng ghế khán giả, mà thường là đợi khi gần tới giờ mở màn mới đưa tới, chớ không sớm hơn sợ rằng chưa hát cô sẽ đi ra phía sau rạp.
Nhưng rồi một bữa nọ do tính tò mò, cô nói với bác Tư đưa tới sớm hơn để đến hậu trường rạp hát xem mẹ cô trang phục đóng tuồng. Bác Tư ngần ngừ không chịu vì có lệnh của Má Bảy, nhưng cô nói rằng nếu không đưa đi thì cô đi xích lô cũng vậy, do đó mà buộc lòng là bác Tư phải chiều ý, và cô đến hậu trường rạp hát lúc đào kép còn đang giặm mặt phấn son trang điểm.
Thấy cô đến, Má Bảy giựt mình, bà ngạc nhiên hỏi:
- Sao con tới đây chi vậy?
Cô Bửu Chánh ngả vào lòng bà, cố ý cho người mẹ hiểu rằng đừng lo ngại gì hết, cô đã biết lý do vì sao bà không muốn cho cô đến đây, bởi trước khi lên cầu thang để gặp bà thì phải đi ngang qua đám bạc ở phía dưới. Và sau khi đã thấy cảnh cờ bạc, hút xách ở hậu trường rạp hát rồi, thì cô Bửu Chánh cũng không tới đó nữa làm chi, có gì cần thiết lắm mới tới mà thôi, chớ bằng không thì cũng chờ bà về nhà.
Hồng nhan đa truân, má hồng phận bạc, Má Bảy tưởng đâu khi tuổi về chiều cũng có đứa con làm nguồn an ủi, nhưng ông tạo chẳng thương tình, đã không cho bà được như vậy. Cuối thập niên 1950 do chứng bệnh ung thư máu hiểm nghèo, cô Bửu Chánh qua đời tại nhà thương Ðồn Ðất (Grall), năm đó mới 33 tuổi.
Ðây là cái ngày đau khổ nhứt của Má Bảy, niềm vui cuối cùng mất đi, bà bỏ cả tháng không hát xướng gì hết. Tinh thần đâu mà hát nữa và kể từ đó bà cũng ít lên sân khấu, bỏ thì giờ ra làm chuyện xã hội nhiều hơn.
(Còn tiếp kỳ sau)
Mối tình nghệ sĩ Phùng Há và Bạch Công Tử
Friday, December 09, 2005
Triều Giang ghi
Thuở xưa đất Nam Kỳ Lục Tỉnh có hai chàng công tử nổi tiếng trong thiên hạ thời bấy giờ, mà trong dịp tiếp xúc với Má Bảy Phùng Há, chúng tôi đã thu thập khá nhiều sự kiện có liên quan đến một trong hai chàng công tử nói trên.
Trước hết xin nói về chàng công tử Bạc Liêu, mà cho đến nay thỉnh thoảng trong những câu chuyện người ta vẫn còn nhắc đến, nhứt là ở các tỉnh miền Tây thì nhiều người biết hơn, do những di tích còn lưu lại như nhà cửa, vườn đất, tài sản, v.v... cũng như trong sử sách của tỉnh Bạc Liêu cũng có đề cập đến chàng công tử này.
Cái biệt danh “Công Tử Bạc Liêu” đã nói lên nơi sinh trưởng của chàng công tử ở một tỉnh được coi như vựa lúa miền Tây, và cũng nhờ sự trù phú của tỉnh đã đem lại cho Tổ Phụ của cậu công tử nhiều tài sản ruộng vườn, để rồi đến đời của cậu thì tung ra xài tiền như nước, không biết bao nhiêu mà kể. Công Tử Bạc Liêu, cũng có người gọi là “Hắc Công Tử” (có lẽ do nước da không được trắng), để phân biệt với chàng Bạch Công Tử ở Mỹ Tho, cũng con nhà giàu, ruộng đất cò bay thẳng cánh và cũng nổi tiếng ăn chơi không kém Hắc Công Tử nhưng với hình thức khác.
Thế nhưng, Bạch Công Tử là ai, liên hệ như thế nào với Má Bảy Phùng Há? Cái điều đáng ghi ở đây là Bạch Công Tử liên hệ nhiều đến Má Bảy cả về tình cảm lẫn nghệ thuật. Về tình cảm thì Má Bảy chung sống với Bạch Công Tử đến 7 năm và có hai mặt con (cả hai đều chết khi còn nhỏ nên sau này ít được nói đến). Còn về nghệ thuật thì Bạch Công Tử là bầu gánh hát Huỳnh Kỳ, một gánh hát lớn thời đó, mà toàn bộ nghệ thuật do Má Bảy điều khiển.
Bạch Công Tử tên thật là Lê Công Phước, biệt danh là Phước George, sinh tại Mỹ Tho vào khoảng đầu thế kỷ 20 hoặc trước đó vài năm, tức khoảng 1896-1897, thiên hạ đã căn cứ vào những người đồng chạng cùng đi học để định tuổi chớ không ai biết chính xác. Có người nói rằng do lớn hơn Má Bảy nhiều tuổi, sợ rằng Má Bảy mặc cảm nên ông giấu tuổi (lớn hơn khoảng 15 tuổi).
Công tử Phước George du học từ bên Pháp về, ăn chơi khét tiếng đất Mỹ Tho (Má Bảy cũng sinh trưởng tại Mỹ Tho), và mê mệt cô đào cải lương Phùng Há nên bỏ tiền ra lập gánh hát, để có cơ hội chiếm con tim của cô đào trẻ đẹp lúc bấy giờ. Người ta nói mục tiêu lập gánh hát của Phước George vì nghệ thuật thì ít, mà vì cô đào làm nghệ thuật thì nhiều.
(Còn tiếp kỳ sau)